Nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc: Trọn một vòng nhân thế

Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:19
Nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc (1919-2001) là một trong những người mở đường cho tân nhạc Việt Nam, thành viên sáng lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Mùa thu này tròn một trăm năm sinh của ông.


Một đêm nhạc sang trọng ấm cúng đã được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội để tưởng nhớ ông. Ba ấn bản, gồm: "Những ca khúc tuyển chọn", "Công trình", "Để góp phần vào vấn đề nghiên cứu quan họ", tranh chân dung của nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc cũng được cho ra mắt trong dịp này, góp phần nhìn lại những đóng góp phong phú của ông trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

Quê gốc ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ), sinh trưởng ở Hà Nội, cha dạy tiểu học, mẹ bán cá ở chợ Đồng Xuân, tự bản thân nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc không bao giờ giấu giếm hay mặc cảm về xuất thân bình dân ấy.

Từ nhỏ cho đến khi bước chân vào cánh cổng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, con đường học vấn của ông khá suôn sẻ. Theo học dự bị cao đẳng được một thời gian, ông bị đuổi học vì chống lại thầy giáo người Pháp đã xúc phạm dân An Nam. Sự việc này hẳn đem lại cho chàng thanh niên không ít nỗi buồn, bởi niềm đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu thịt, cả một khao khát rộng mở trước tương lai. Nhưng với vốn tiếng Pháp và tinh thần tự học, ông đã vượt qua được những rào cản bằng cấp. Tinh thần học tiếng Pháp của ông cũng đầy lý tưởng: Học để hiểu họ, để "có thể đối đáp với họ" bằng lòng tự tôn dân tộc.

Ở tuổi 20, Nguyễn Đình Phúc bước vào âm nhạc. Ông theo học violon thầy Phạm Đăng Hinh, theo học piano với nhạc sĩ người Nga lưu vong Sibirev. Ông cũng áp dụng vốn tiếng Pháp để tự học về nhạc lý phương Tây. Và khi mới chỉ "mổ cò" trên các phím piano, ông đã sáng tác "Lệ thu" theo phong cách âm nhạc cổ điển Phương Tây, viết cả phần đệm piano. Nhớ lại ca khúc đầu tay này, ông tự trào: "Chẳng học ai, lại sáng tác phứa phựa đi, không như người khác, khiêm tốn một chút, chỉ viết giai điệu và lời ca, anh ta còn cả gan viết phần đệm dương cầm cho bài hát nữa.

Chàng trai có biết chút kỹ thuật cơ bản gì về loại đàn này đâu? Chẳng qua anh ta đọc vài trang sách, nghiên cứu một số bản nhạc quốc tế viết cho dương cầm và nhất là xem người ta chơi loại đàn này… thế thôi" (trích hồi ký "Chuyện mình, chuyện đời")

"Lệ thu", "Cô lái đò", "Lời du tử"… Những ca khúc đầu tiên được ông sáng tác từ những năm 40 của thế kỷ trước,  in đậm dấu ấn của một tâm hồn tài tử, lãng mạn, yêu quê hương đất nước, yêu con người, luyến thương vẻ đẹp trần thế. Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ…

Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sỹ- họa sỹ Nguyễn Đình Phúc tại Hà Nội - Thu 2019.

Bao nhiêu sự kiện lớn lao của dân tộc trong thế kỷ 20, ông đều có mặt, đồng hành với tư cách công dân, tư cách nghệ sỹ, viết ca khúc động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân, làm nhạc cho phim, soạn giao hưởng, vẽ tranh, nghiên cứu âm nhạc, làm thơ, viết văn, viết hồi ký, tham gia quản lý - đào tạo nghệ thuật… Nghĩa là làm tất cả những việc mà ông nhận thấy có ích cho cách mạng, cho kháng chiến, có ích cho nghệ thuật và cho cuộc đời.

 "Rằng ai nổi tiếng xin cứ nổi/ Tôi vẽ tranh soạn nhạc làm thơ chơi". Ông thường ngâm nga câu thơ vui này khi còn sống. Ông cũng hồn hậu chia sẻ về quan niệm nghệ thuật của mình: "Văn học nghệ thuật là một cuộc chơi. Nói vui vậy thôi. Nghề chơi cũng lắm công phu. Chơi nhưng phải có ích cho cuộc đời. Nếu không có ích cho cuộc đời thì tôi không làm". Vì một từ "có ích" mà ông đã cặm cụi làm việc tận phút cuối cùng của cuộc đời.

Nhận mình là kẻ du tử, nhưng trong thực tế, nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc luôn chịu học, tự học không ngừng, học trong vốn dân tộc phương Đông, học từ kiến thức phương Tây. Gia cảnh nghèo khó càng nhen lên khao khát buổi đầu đời, mong muốn được đi khắp nơi để đoàn kết đồng bào trong thế giới đại đồng. Mơ ước ấy cũng là mơ ước của chàng hiệp sỹ Dế Mèn trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, phản ánh tâm thế của một thế hệ thanh niên trí thức trong thời buổi nước mất nhà tan.

Và khi lý tưởng cá nhân gặp gỡ lý tưởng cách mạng, ông hăm hở dấn thân vào thời cuộc, đi hát lấy tiền quyên góp cho cách mạng, tham gia khởi nghĩa ở Đà Lạt, lên chiến khu Việt Bắc, về giải phóng Thủ đô, sang làm chuyên gia ở nước bạn Lào, nước bạn Campuchia, sang Bulgaria học âm nhạc, tham gia quản lý, đào tạo…

Dường như, ở không gian nào, thời gian nào cũng hiện hữu một Nguyễn Đình Phúc nhiệt thành, đầy nhập thế. Dường như, tâm hồn ông luôn rộng mở để đón nhận tất cả rung động, trải nghiệm mà cuộc đời đưa lại, tự tìm cho mình những bước đi hài hòa với xu hướng thời đại mà vẫn giữ được cốt cách - tự do tinh thần, với những không gian riêng để sáng tạo.

 Năm 1944, ca khúc "Lời du tử" ra đời trong khoảnh khắc tha hương, in đậm dấu ấn tâm hồn của thế hệ thanh niên trí thức trước cách mạng, luôn cô đơn, khao khát những chân trời: "Chiều nay biết về nơi đâu? Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu.

Ai đi trong lớp sương sa. Người về đâu tá đến nơi quê nhà…". Đến "Bình ca", sáng tác năm 1947, cho thấy một tầm vóc âm nhạc, một chí khí, một tinh thần dân tộc hào sảng, đằng sau đó là lòng nao nức của người nghệ sỹ dùng âm nhạc phụng sự Tổ quốc mình, Nhân dân mình. Có thể coi đây là một khúc nhạc kịch, một trường ca đầu tiên của âm nhạc hiện đại Việt Nam.

Âm hưởng của "Bình ca" được tiếp nối đầy hân hoan, làm thành "Chiến sỹ sông Lô", "Hữu ngạn sông Thao"… thời kháng chiến chống Pháp, "Nhớ anh giải phóng quân", "Cùng nhau đi đầu quân", "Bô lão chúng ta còn dẻo dai"… thời kháng chiến chống Mỹ. Từ đó, đến "Nhớ quê hương", và đặc biệt, với "Tiếng đàn bầu" (phổ thơ Lữ Giang) là sự hợp thành của bao cung bậc cảm xúc, da diết, đau đáu niềm yêu con người, yêu tâm hồn dân tộc, "Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha"...

Lặng lẽ sáng tạo trong niềm đam mê không ngừng nghỉ là một đặc tính của người nghệ sỹ đa tài Nguyễn Đình Phúc. Trong gia tài hàng trăm tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc, nhiều tác phẩm chưa được công bố, chưa được dàn dựng. Nhiều ca khúc làm nên tên tuổi của các ca sỹ.

Ví như "Cô lái đò" được nhiều ca sỹ theo dòng nhạc tiền chiến ở Hà Nội và Sài Gòn thể hiện, "Lời du tử" theo tài tử Bảo Ngọc trong những năm tháng sống và biểu diễn ở Pháp, "Tiếng đàn bầu" làm nên thành công của ca sỹ Trọng Tấn - giải nhất liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999. "Với người nghệ sỹ, đặc biệt là ca sỹ thì chỉ mong được gắn tên mình với một, hai tác phẩm nào đó. Với Trọng Tấn, cái duyên đã đến với "Tiếng đàn bầu".

Và phải nói rằng Tấn luôn khắc ghi ở trong tim, luôn biết ơn nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc". Trong đêm nhạc "Tiếng đàn bầu" diễn ra tại khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội, trước những nghệ sỹ nổi tiếng và hàng trăm khán giả, ca sỹ Trọng Tấn đã thốt lên những lời tri ân nhạc sỹ, trước khi, một lần nữa, cất lên"Tiếng đàn bầu".

Một trong những chi tiết gây bất ngờ và thú vị cho giới nghiên cứu âm nhạc, là ngay từ năm 1938, nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc đã thực hiện cuộc điền dã đầu tiên ở các làng quan họ, sưu tầm giai thoại và các câu chuyện kể, ghi chép tỉ mỉ lời ca, nghiên cứu các làn điệu, các nghi thức sinh hoạt quan họ truyền thống.

Ông cũng là người đầu tiên dùng hệ thống ký âm 5 dòng kẻ để hiển thị giai điệu dân ca, phân tích âm điệu cổ truyền Việt Nam bằng phương pháp nghiên cứu của phương Tây. Công trình "Để góp phần vào vấn đề nghiên cứu quan họ" được ông thực hiện trong 13 năm (từ 1949 đến 1962) đã được Hội Nhạc sỹ Việt Nam tặng giải thưởng (năm 1966 - 1967). Trong giai đoạn hiện nay, khi quan họ cổ đang bị mai một, thất truyền, thì những tư liệu điền dã của ông thực sự  vô giá.

Âm nhạc là tận hiến và hội họa cũng là niềm đam mê trọn đời người. Từ năm 24 tuổi, bức tranh "Cậu bé thổi sáo" với phần thưởng 500 đồng Đông Dương, đã giúp ông thực hiện chuyến "xê dịch" theo dọc dài đất nước. Ở nước ta, có lẽ ông là họa sỹ vẽ nhiều tranh chân dung, vẽ không có người mẫu mà vẽ theo trí nhớ, theo hình dung và cảm nhận. Ông tự họa mình, ký họa gương mặt bạn bè, lưu lại chân dung những con người tài hoa như một cách lưu lại vẻ đẹp cho nhân gian, để vẻ đẹp ấy không bị bay biến, tan loãng.

Không tính các bức tranh đã được đem tặng và bán, hiện gia đình nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc còn lưu giữ gần 500 bức chân dung, 3 tập thơ, hàng chục bản thảo tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, hồi ký, công trình nghiên cứu, dịch thuật. Ông để lại 120 ca khúc theo các phong cách khác nhau, 2 vở ca kịch, 4 bản giao hưởng, 2 Concertino, 2 Trio cùng rất nhiều tiểu phẩm và bản nhạc khác viết cho nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ dân tộc, viết cho phim, cho vở diễn sân khấu... Nhiều tác phẩm chưa được dàn dựng, công bố.

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, "Cả sự nghiệp của ông, tư tưởng nhân văn nhân bản là chủ đạo, bởi vậy cái tình rất lớn, cái tình yên lặng cất giấu và chỉ thể hiện trong tác phẩm". 

Trăm năm trong cõi nhân gian, nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc đã mở rất nhiều cánh cửa lòng mình, để ai cũng có thể bước vào ngôi nhà nghệ thuật của ông, ngồi cùng ông bên ấm trà, giá vẽ, cây đàn piano, trò chuyện về nhân sinh, về cuộc đời, dẫu cuộc đời ấy có những va đập, những mất mát tổn thương, thì đọng lại vẫn là những vẻ đẹp nhân ái vị tha mà thượng đế đã trao tặng cho con người, trong hành trình tồn tại.

Anh Thư
.
.