Cuộc đời ngắn ngủi, cao đẹp của một nhạc sỹ - anh hùng

Thứ Năm, 01/08/2019, 16:19
Tôi còn nhớ rõ sau hòa bình lập lại (1954) khoảng vài năm gì đó, ở tuổi lên 10, vẫn được nghe một bài hát khá nổi tiếng có những câu mở đầu: “Này trông kìa một cô xinh xinh. Mắt trong sáng đang nhìn chúng mình. Miệng cô cười tươi như đóa hoa. Chan chứa tình trong lòng chúng ta...”.

Bài hát có ý phê phán những cô gái xinh đẹp nhưng lười lao động. Giai điệu uyển chuyển, sinh động, nội dung phê phán nhẹ nhàng nên có sức lan tỏa lớn. Đi đến đâu, tại cuộc liên hoan văn nghệ nào cũng thấy người ta hát bài này.

Mãi về sau, tôi mới biết đó là bài “Nhắn cô mấy điều” của cố nhạc sỹ Vĩnh Bảo – một liệt sỹ, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Vì anh qua đời lúc mới 31 tuổi, sự nghiệp sáng tác không được tiếp tục nên công chúng ít biết đến tên anh. Càng ít người biết bài hát nổi tiếng trên được tác giả sáng tác lúc mới 20 tuổi.

Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1936 tại một vùng quê có đặc sản nhãn lồng nổi tiếng. Đó là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Anh là con thứ 4 trong gia đình có tất cả 7 người con. Sau anh còn 3 em gái. Trên anh là 3 anh trai, trong đó có hai người cũng là nhạc sỹ: Vĩnh Long - nhà nghiên cứu âm nhạc; Vĩnh Cát là nhạc sỹ sáng tác và giảng dạy, tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng và những tác phẩm khí nhạc có giá trị. Ba anh em tự nhiên phát lộ năng khiếu âm nhạc đặc biệt chứ không hẳn là “con nhà nòi”.

Nhạc sỹ, liệt sỹ, AHLLVT Vĩnh Bảo.

Tuy nhiên, họ có người cha là Nguyễn Văn Cảnh yêu thích âm nhạc, biết chơi các loại đàn như măngđôlin, băngzôantô và đã dạy các con chơi theo. Ông từng giữ chức Phó Giám đốc Nha Thể dục nhưng sớm là liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp. Một mình người mẹ tảo tần nuôi 7 con khôn lớn, đều được học hành đàng hoàng và phương trưởng, thành đạt.

Tôi tò mò hỏi nhạc sỹ Vĩnh Cát rằng sao cụ thân sinh có tên đệm là Văn mà cả 4 anh đều là Vĩnh. Hẳn phải có nguyên cớ vì thường thì tên đệm của cha sao, con, cháu sẽ vậy. Vĩnh Cát cho biết: Bố Nguyễn Văn Cảnh thấy mấy đời từ cụ, ông rồi cha của mình đều đoản thọ (mới ngoài 30 tuổi đã mất) nên muốn thay đổi cái “dớp” này bằng việc dùng tên đệm Vĩnh thay cho Văn (Vĩnh là lâu dài). Vậy nên cụ đã đặt cho 4 con trai của mình đều có tên đệm là Vĩnh như ta đã thấy.

Nhưng điều này chỉ có hiệu ứng xuống các con, còn bản thân cụ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, trở thành liệt sỹ lúc còn rất trẻ. Quả nhiên, 3 người con đầu của cụ là Vĩnh Thịnh, Vĩnh Long, Vĩnh Cát đều vẫn đang còn ở “cõi tạm”, trên 80 tuổi. Vĩnh Cát là con thứ 3 năm nay cũng đã 85. Riêng người con trai thứ 4 là Vĩnh Bảo về cõi vĩnh hằng khi mới 31 tuổi.

Nhưng đây là cái chết đặc biệt do hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ trong chiến tranh, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Nếu không như vậy, hẳn là anh cũng sẽ trường thọ như ba người anh của mình.

Chàng trai trẻ Vĩnh Bảo quả là có một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng thật cao đẹp, rực rỡ, khiến bất cứ ai cũng phải ngả mũ ngưỡng mộ. Người nhạc sỹ này đã như một tượng đài trong làng âm nhạc nước nhà, giống như  Hoàng Việt ở Nam Bộ và Văn Cận ở Trung Bộ đều là những nhạc sỹ, liệt sỹ, anh hùng đã góp xương máu cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Năm 10 tuổi, Vĩnh Bảo mồ côi cha. Cậu bé thông minh, nghịch ngợm, hiếu động nhưng ngoan ngoãn, do yêu thích âm nhạc đã xin mẹ để tham gia Đoàn Văn nghệ thiếu nhi tuyên truyền kháng chiến do nhạc sỹ Lưu Hữu Phước phụ trách (về sau Hồ Chủ tịch đổi tên thành Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật cho ngắn gọn). Anh là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn nhưng vẫn rất hăng hái đeo ba lô, tay đàn, tay súng theo các anh, chị lớn tuổi hơn lội suối, băng ngàn đi khắp các nẻo đường Việt Bắc đề đàn, hát phục vụ bộ đội và tuyên truyền kháng chiến.

Được gần gũi Lưu Hữu Phước – một nhạc sỹ khi ấy đã rất nổi tiếng và nhiều nhạc sỹ khác, Vĩnh Bảo được truyền cảm hứng nên đã sớm sáng tác được những ca khúc thiếu nhi: “Cô gà mái mơ”, “Em về thủ đô”, “Xuân rừng xanh”… Những bài này sau đó được phát trên Đài phát thanh. Thiếu nhi Việt Bắc khi ấy rất ưa thích. Không ai nghĩ tác giả lại là một cậu bé mới 12 tuổi.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, trở về Thủ đô, Vĩnh Bảo được vào học Trường Âm nhạc Việt Nam. Lúc này, trường mới chỉ có hệ trung cấp nên học xong, anh được Nhà nước cử đi học tiếp tại Nhạc viện Kiép (Thủ đô nước Cộng hòa Ucraina nằm trong Liên Xô cũ). Những năm tháng đó có vấn đề chống chủ nghĩa “Xét lại” nên các sinh viên học tại Liên Xô (cũ) tạm thời về nước, sẽ trở lại học sau.

Về nước, không như nhiều người khác chờ đợi cơ hội đi du học tiếp ở nước ngoài, Vĩnh Bảo đã tình nguyện xung phong đi B (chiến trường miền Nam). Lúc này, cuộc chiến đấu của quân dân ta tại đây đang ở vào giai đoạn rất quyết liệt.

Được chấp nhận, anh từ biệt mẹ và anh em, bè bạn, hăm hở lên đường. Một số nhạc sỹ cùng thời với Vĩnh Bảo kể lại rằng, trong khi ngay cả có người quê miền Nam cùng đi học ở nước ngoài với anh cũng không tình nguyện xung phong trở về quê hương mà anh lại quá nhiệt huyết xin vào nơi mũi nhọn của cuộc chiến đấu nên rất cảm kích, nể phục.

Đặt chân được đến mảnh đất lửa nơi tuyến đầu, thấy Vĩnh Bảo là nhạc sỹ, từng hoạt động văn nghệ trong Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật từ hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là lại được học hành về âm nhạc tương đối bài bản, cấp trên có ý cử anh quản lý Đoàn Văn công Giải phóng. Nhưng anh một mực từ chối và nằng nặc đòi đi thực tế ở vùng đất thép Củ Chi, là nơi đang diễn ra những trận đánh cực kỳ ác liệt.

Sau một thời gian trực tiếp cầm súng chiến đấu như một chiến sỹ thực thụ, cấp trên yêu cầu anh trở về hậu cứ để lãnh đạo Đoàn Văn công Giải phóng. Như lần trước, anh lại từ chối để ở lại chiến trường. Nhưng lần này, cấp trên không đồng ý. Là đảng viên, anh phải chấp hành. Thế là sau một năm ở Củ Chi, chiều 4/6/1967, trên đường trở về để nhận nhiệm vụ mới, khi đến bến Nha Thức ở thượng nguồn sông Sài Gòn, một đợt bom B52 của địch đã trút xuống, cướp đi người chiến sỹ quả cảm, người nhạc sỹ trẻ tài năng đang ở độ tuổi sung mãn, với nhiều dự định công tác và sáng tác, hứa hẹn những thành quả nghệ thuật trong tương lai.

Hy sinh lúc 31 tuổi nhưng Vĩnh Bảo đã kịp để lại cho đời một số tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc, trong đó có những tác phẩm giá trị viết cho đàn piano, violon và cello diễn tấu, đặc biệt là bản Capriccio được các nghệ sỹ piano nổi tiếng như Thái Thị Liên, Đặng Thái Sơn, Tuyết Minh… diễn tấu rất hiệu quả. Tác phẩm này được coi là mẫu mực viết cho đàn piano, luôn có mặt trong các giáo trình dạy đàn dương cầm ở các nhạc viện.

Vĩnh Bảo (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) cùng cha, mẹ và 3 anh thuở nhỏ.

Nhạc sỹ Vĩnh Cát – anh ruột của Vĩnh Bảo kể rằng, thuở nhỏ, Vĩnh Bảo rất hay nhường nhịn các anh và các em. Nhường 3 cô em đã đành, đối với 3 người anh, cũng như vậy, luôn sẵn sàng nhận phần thiệt về mình một cách rất vui vẻ. Vậy nên cả nhà không ngạc nhiên khi thấy, mới 12 tuổi mà Vĩnh Bảo đã tự đặt cho mình cái bí danh là Nguyễn Hy Sinh.

Những sáng tác đầu tiên lúc ở Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật, anh đều lấy tên này. Sau này, khi Vĩnh Bảo hy sinh, nhớ lại, ai cũng nói cái tên đó đã vận vào đời anh. Lúc nhạc sỹ Lưu Hữu Phước chưa qua đời, có lần ông kể lại rằng hồi phụ trách Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật trong kháng chiến chống Pháp, thấy cậu bé Vĩnh Bảo mới 12 tuổi đã biết nghĩ ra cái bút danh rất độc đáo để ký dưới những bài hát đầu tay, ông có hỏi thì Vĩnh Bảo trả lời: “Em thích được hy sinh cho những người mình yêu quý, cho những gì thiêng liêng đối với mình”.

Và vị nhạc sỹ đàn anh nổi tiếng này đã rất khâm phục khẩu khí của một cậu bé mới có 12 tuổi. Sau này, với Vĩnh Bảo, khẩu khí từ nhỏ ấy đã được chứng minh rất cụ thể, hùng hồn bằng chính nghĩa cử quả cảm, cao đẹp của anh. Đúng là anh đã sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho sự nghiệp chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Những ai hiểu rõ về Vĩnh Bảo đều lấy làm vô cùng tiếc khi một tài năng, một nhân cách lớn đã sớm ra đi, chứ nếu không, chúng ta đã có một nghệ sỹ chân chính với sự đóng góp chắc chắn là không nhỏ cho nền âm nhạc hiện đại nước nhà.

Nguyễn Đình San
.
.