Nhạc sỹ Ngọc Thịnh: Câu thương, câu đợi câu chờ

Thứ Bảy, 21/09/2019, 08:17
Tôi gặp nhạc sỹ Ngọc Thịnh bất ngờ khi Hà Nội đỏng đảnh vào Thu. Mùa Thu, có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm của Hà Nội. Nói không ngoa, với tôi, cảm thấy ấm áp hơn khi Thu này Hà Nội thêm một công dân đặc biệt. Ngọc Thịnh đã chuyển ra Hội Nhạc sỹ Việt Nam, làm công tác hội viên của nơi đầy ắp các nốt thăng, giáng của vẻ đẹp.


Ngọc Thịnh ngồi trước mặt chúng tôi, anh em văn nghệ sỹ, báo chí, hiền lành, đáng yêu, trái ngược với cái “đầu nhẵn tóc” – một “thương hiệu” của anh em trai nhà anh và bộ ria, dụ mê đến mềm lòng phái yếu.

Nói như thế nào về nhạc sỹ Ngọc Thịnh nhỉ? Tất nhiên, phải nói về lai lịch để tự hào. Ngọc Thịnh sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Trong dòng chảy văn hóa, cái nôi văn hóa mà con người sinh ra ở đó tự hào có những danh nhân lừng lẫy như Nguyễn Du với “Truyện Kiều” bất hủ; Nguyễn Công Trứ - nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ Đại Nam thời nhà Nguyễn; Nguyễn Huy Tự với “Hoa tiên”.... Tất nhiên, không thể không nhắc đó là một phần của “miền ví dặm”, quê hương của ca trù Cổ Đạm.

Phải nhìn từ đó mới cắt nghĩa được âm nhạc Ngọc Thịnh. 

Nhạc sỹ Ngọc Thịnh là tác giả của một số ca khúc tiêu biểu như: “Mẹ”, “Lời quê”, “Câu đợi câu chờ”, “Ca dao sông quê”, “Hà Tĩnh quê mình”, “Sông thu”, “Lời cỏ ngày xuân”, “Đồng chiều”, “Hát mãi tên Người Hồ Chí Minh”, “Cung đàn Thuý Kiều”, “Một chiều Đền Bích Châu”, “Tháng Giêng”… trong gia tài hàng trăm ca khúc của anh.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh thời trẻ.

Những sáng tác của anh đã được nhiều ca sỹ nổi tiếng như: Thu Hiền, Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Thuật, Đinh Thành Lê.... thể hiện và được các đạo diễn những chương trình lớn sử dụng. Đó là thành công, niềm tự hào chính đáng của anh.

“Ngày ấy bên bờ sông La/ Anh nghe câu hò ví giặm/ Để một đời anh đi xa/ Để ngàn lần anh nhớ mãi...”, nhạc sỹ Ngọc Thịnh bắt đầu trải lòng mình thư thế trong ca khúc “Câu đợi câu chờ”. Phải nói, dân ca xứ Nghệ chảy mãi trong huyết nhạc của Ngọc Thịnh và ngược lại, dân ca xứ Nghệ tự hào có một Ngọc Thịnh như một “tín đồ” thủy chung, thậm chí luôn làm mới, đương đại.

Ghi dấu trong lòng công chúng yêu nhạc với những tác phẩm mang đậm hồn quê của dòng nhạc dân ca, nhưng có lẽ nhiều người còn chưa biết về con đường âm nhạc của một nhạc sỹ khởi nguồn từ một anh lính chiến, một người lái xe say mê âm nhạc...

Ngọc Thịnh tâm sự, ca khúc đầu tiên được anh viết năm 1979, khi vừa 21 tuổi. Hơn 40 năm sáng tác, nhạc sỹ Ngọc Thịnh từng đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc có giá trị như: Giải C tác phẩm "Tình quê" - Giải thưởng Liên hiệp VHNT Việt Nam 1994; giải B tác phẩm "Mẹ" - Giải thưởng Liên hiệp VHNT Việt Nam 1998;  các Giải thưởng VHNT Nguyễn Du từ năm 1991 (B), 1995 (B), 2000 (A), 2005 (A), 2010 (A); giải Nhì Giải thưởng Âm nhạc 2012, giải B Giải thưởng Âm nhạc 2016, giải A Giải thưởng Âm nhạc năm 2017...

Đầu năm nay 2019 này, nhạc sỹ Ngọc Thịnh được Hội Nhạc sỹ Việt Nam vinh danh trao giải B cho tác phẩm "Tình mẹ bao la" ở hạng mục ca khúc Giải thưởng Âm nhạc năm 2018. Đây là lần thứ 3, nhạc sỹ Ngọc Thịnh được xướng tên trong những giải thưởng danh giá dành cho những sáng tác của năm 2018, gồm: Giải A Cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (tháng 7/2018) với tác phẩm “Cổ tích quê mình”; Giải C Đợt vận động sáng tác ca khúc về đề tài biên giới, biển đảo và bộ đội biên phòng với tác phẩm “Màu xanh biên phòng”(tháng 1/2019).

“Các giải thưởng đó dù không phải lớn lao nhưng là sự ghi nhận công sức sáng tạo với không chỉ riêng anh mà còn là sự khuyến khích lớn để các nhạc sỹ có điều kiện phát huy hơn nữa các khả năng của mình, đóng góp cho đời sống tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú hơn...”, anh trải lòng khi tôi hỏi về giải thưởng âm nhạc.

Với người yêu âm nhạc Việt Nam nói chung và dân ca xứ Nghệ nói riêng, không thể nào không biết đến “Câu đợi câu chờ”, “Mẹ”, “Lời quê”. Không chỉ thế, họ còn biết đến những tác phẩm trẻ trung hơn như “Tháng Giêng”, “Cung đàn Thúy Kiều”, “Hai quê một khúc tâm tình”… của nhạc sỹ Ngọc Thịnh.

Nhạc sỹ Ngọc Thịnh, như đã nói, con người thuộc về Hà Tĩnh, tâm hồn thuộc về “miền ví giặm”. “Tôi nghĩ là âm nhạc nếu được phát triển trên nền móng dân ca truyền thống bao giờ cũng có chỗ đứng trong công chúng, bởi dân ca truyền thống là những giá trị đã trải qua thăng trầm sàng lọc của thời gian để còn lại, đó là hồn cốt của ông, bà, là bản sắc của quê hương, của dân tộc…Cái đó không thể thay thế được. Không phải đơn giản mà Ví giặm được vinh danh là giá trị phi vật thể của nhân loại”, Ngọc Thịnh trải lòng.

Ngồi trước mặt chúng tôi, dù cơ bản là “dân nhạc”, nhưng khi được hỏi về chính kiến của anh với âm nhạc, Ngọc Thịnh không ngần ngại chia sẻ. Theo Ngọc Thịnh, nghệ thuật phải phản ánh chân thực cuộc sống. Những gì giữa đời thường sẽ được nghệ thuật hóa kết tinh ở mức cao hơn rồi lại trở về với cuộc sống hiện tại, làm cho ta dễ dàng cảm nhận được nó qua cái đẹp lung linh của nghệ thuật. Nghệ thuật không phải làm mọi vấn đề rắc rối thêm, khó hiểu thêm đâu.

“Đối tượng của nghệ thuật là con người vì thế nghệ thuật không được tách ra khỏi cuộc sống của con người, nghệ thuật phải gần gũi với cuộc sống và càng cô đọng, đơn giản càng có sức lay động tâm hồn”, Ngọc Thịnh triết lý.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh và tác giả.

Anh tâm sự, chính mẹ anh, một phụ nữ cam phận, vất vả suốt đời vì chồng, vì con có ảnh hưởng đến anh nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Bà thuộc nhiều câu ca dao, nhiều bài kinh Phật, hay đi lễ Chùa. Ngọc Thịnh bảo, đến nay anh còn lưu giữ những bài kinh kệ mẹ đã đọc. Bà có một chất giọng ngân nga cao vút, trong trẻo. Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ anh hay trích dẫn những câu thơ trong "Truyện Kiều" để nói về thân phận làm người. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngọc Thịnh thường khai thác những ý tứ mà mẹ đã răn dạy. Ngọc Thịnh mở máy điện thoại cho tôi nghe ca khúc “Cha tôi”, một sáng tác mới của anh, giàu cảm xúc.

Ngọc Thịnh bảo, từ khi mẹ mất, anh đã trở thành một người ăn chay trường, tín độ của “chay thực”. “Mẹ không trách gì các con, sau này ngày giỗ mẹ, nhớ mẹ, các con chỉ cần ít hoa quả trên bàn thờ mẹ thôi”, nhắc đến lời người mẹ trăng trối trước khi vào cõi “mênh mông”, nhạc sỹ Ngọc Thịnh rân rấn nước mắt.

Sau này, “hành trình” âm nhạc cùng Ngọc Thịnh còn có một “tri âm”, đó là ca sỹ Thái Bảo, vợ anh, người bạn đời khó lòng so sánh.

Nói về chuyện “trời xe”, Ngọc Thịnh kể rằng, ngày ấy anh đi lính, một dịp về phép thăm nhà, gặp mấy người bạn của em trai đến chơi, anh hỏi thăm quanh đây có ai hay hát hò gì không, mình đang được nghỉ mấy ngày đến giao lưu cho vui. Mọi người giới thiệu Thái Bảo. Ngày hôm sau Thái Bảo cùng mọi người đến, hôm đó Thái Bảo đã hát bài “Giận thương” một ca khúc đậm chất dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Từ một gã trai ngang ngang, luộm thuộm, thích giao du bạn bè và chơi ghita với những ca khúc sôi nổi, anh bị giọng ca Thái Bảo mê hoặc bởi chất giọng dân ca ngọt ngào. Điều này cũng lý giải về sau, những ca khúc phát triển của anh thường mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Có thể nói, Thái Bảo vừa là người “trói” được Ngọc Thịnh trong trái tim nhung ấm của chị, vừa “giữ” được Ngọc Thịnh cho dân ca xứ Nghệ. Hẳn người yêu dân ca xứ Nghệ không chỉ cảm ơn nhạc sỹ Ngọc Thịnh mà còn phải cảm ơn Thái Bảo.

Năm 2018, nhạc sỹ Ngọc Thịnh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh được nghỉ hưu. Năm 2019, anh ra Hà Nội, đáp ứng sự mong đợi không riêng của đồng nghiệp. Anh bảo, dự định sắp tới không ít. Quy luật muôn đời là, con người ta ai cũng phải luôn luôn đối diện với công việc. Với nhạc sỹ Ngọc Thịnh, lúc nào anh cũng biết tạo cho mình niềm vui để đời sống tinh thần bớt căng thẳng, không nhất thiết phải tranh thủ thời gian để làm việc cho những dự định lớn lao, mà còn cần khoảng lặng. “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng trần gian là quán trọ, ta chỉ là khách ghé thăm, một cách nghĩ theo quan điểm đạo Phật, và như vậy nói chung cuộc sống cũng không cần quá vội vàng, cứ vừa phải, bình thường thế thôi”, Ngọc Thịnh hồn hậu.

“Ngày ấy con đò đưa tiễn/ Một người lữ khách qua sông/ Người ơi, sao mà sâu nặng/ Câu thương, câu đợi, câu chờ”, anh đã viết như vậy và ca từ này đã “nằm lòng” người yêu âm nhạc. Tôi nghĩ “câu đợi, câu chờ” của âm nhạc luôn sâu nặng như thế trong tâm hồn nhạc sĩ Ngọc Thịnh.

Ngô Đức Hành
.
.