Về một người bạn trong bài thơ nổi tiếng của Lưu Quang Vũ
Anh Vũ chị Quỳnh thường gọi bạn là Khánh "béo". Chúng tôi cũng gọi theo như vậy, nghe thế anh chỉ cười hiền hậu. Anh là NSND Đào Trọng Khánh, sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Anh học biên kịch ở Trường Điện ảnh, cả đời anh viết kịch bản và đạo diễn phim tài liệu. Năm 2007 anh đã được nhận Giải thưởng Nhà nước cho các bộ phim tài liệu của mình.
Khánh, Lâm là hai người bạn thân nhất trong thời tuổi trẻ của Vũ. Họ là những con người có tài và đầy khí phách và cũng là hai nhân vật trong một bài thơ nổi tiếng của Lưu Quang Vũ: "Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm, bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn". Các nhân vật gọi nhau bằng "bác" khi đó đều chưa quá 30 tuổi và chưa có ai là "đệ tử Lưu Linh". Họ chỉ mượn chén rượu để bộc lộ nỗi lòng xót đau, thảng thốt.
Những năm đó các anh làm thơ, không nghĩ đến kịch, không nghĩ đến phim, không nghĩ đến một thứ gì khác: "Những vần thơ như móng tay day dứt/ Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè/ Cho kẻ xa nhà mái lá chở che/ Cho ngưng lại nhịp đồng hồ quên lãng/ Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn/ Và ban mai trong mắt những con gà" (Mây trắng của đời tôi).
Họ làm thơ và đọc cho nhau nghe để chia sẻ và an ủi cùng bạn: "Thương nhà thương nước thương cho bạn?/ Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào/ Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu/ Chúng mình không có bom nguyên tử/ Chỉ có thuốc lào hút với nhau… Thơ Khánh buồn như lòng đất nước/ Thơ hay đời loạn chẳng đâu dùng" (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Anh Khánh khi làm thơ lấy tên là Đào Nguyễn, anh Vũ thường gọi bạn là Nguyễn Hải Phòng. Tôi nhớ những câu thơ trong một bài thơ của Đào Nguyễn mà anh Vũ hay đọc:
Lòng em giàu như một mảnh vườn hoang
Mùa quả chín lũ trẻ nghèo hái trộm
Em tan nát em cành khô lá rụng
Em si mê vụng dại của tôi ơi
Mưa mùa thu lặng lẽ tuôn rơi
Trên má em giá lạnh
Trên đôi môi cháy khét
Của kẻ tình nhân bội bạc
Lưu Quang Vũ có cách đọc thơ rất lôi cuốn. Giọng anh trầm trầm nhỏ nhẹ. Đọc mà như nói, nói với chính mình, với bè bạn…
Thật tiếc là sau này, anh Khánh không làm thơ mà chuyên tâm vào điện ảnh. Mặc dù anh đã có những thành tựu được ghi nhận, đánh giá cao. Nhưng tôi rất tâm đắc với nhận xét của họa sĩ Lê Thiết Cương: "Đào Trọng Khánh dù làm văn làm báo làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân". Giờ sức khỏe yếu, không có điều kiện đi làm phim, anh ngồi viết văn. Tập truyện ký "Đất và người" (NXB Hội Nhà văn; 2020) của anh là một tác phẩm sâu sắc, sinh động, mới lạ …
Hình ảnh là câu chữ, là ngôn ngữ của điện ảnh, con mắt của người làm phim Đào Trọng Khánh luôn nắm bắt và thể hiện được những hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng, hàm súc. Nhớ Vũ, anh Khánh viết về bạn đầy ấn tượng và thật độc đáo: "Lưu Quang Vũ thời chiến tranh, phiêu lãng với Hải Phòng. Thơ của Vũ: "Trăng đã lên đêm đã lả về sâu/ Anh đi bên dòng Tam Bạc/ Thủy triều lên thao thức/ Con sông giống cuộc đời anh/… Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi/ Về cuộc đời ghê gớm ta yêu" (Viết cho em từ cửa biển). Tôi đi với Vũ bên bờ sông. Có nhà ai đang cúng vong, bắc một chiếc cầu bằng vải trắng từ dưới sông lên bờ, cho người chết biết đường mà về. Đèn nến bập bùng. Hương khói bâng khuâng. Mùa này đang là mùa cá mòi, cá phơi trắng xóa trên kè đá".
Và đây nữa, sau khi Vũ ra đi, vẫn là những hồi ức da diết nhớ về bạn của Đào Trọng Khánh. Anh đã đợi Vũ từ chiều không gian khác trở về: "Vũ trụ có nhiều chiều không gian. Và thời gian cũng vậy. Người ta có thể quay trở lại... Vũ thường nói về tình bạn: Nếu không có bạn thì buồn lắm, mà buồn nhiều thì sẽ chẳng làm được cái gì. Vũ có nhiều bạn, ở khắp mọi miền. Hải Phòng - thành phố nơi tôi ở, Vũ thân với "những nhà thơ Cửa Biển", ngày xưa cũng như bây giờ, bao giờ cũng yêu mến Vũ. Có một cơn mưa rào Không - thời gian, đưa Vũ trở về.
Mùa hè, Lưu Quang Vũ xuống Hải Phòng. Thành phố những năm chiến tranh, những chụp đèn phòng không sũng nước. Ánh sáng soi vào những lá cây sáng lên trong đôi mắt to buồn bã của Vũ".
Anh Khánh nhớ mãi những câu thơ của bạn viết: "Con tàu về cảng đêm mưa/ Ngã tư ngô đồng rụng lá/ Con sông mờ, thân cầu đổ/ Dãy nhà hoang ống khói âm thầm" (Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa).
Những bạn bè thân thiết từ chiến trường về ngày đó cùng mấy người bạn nữa đợi Vũ ở quán ăn đêm của công nhân bốc xếp cảng. Cái quán ăn dã chiến ồn ào, chen chúc những tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi vây quanh nồi nước dùng to tướng, ngùn ngụt khói, đặt ở góc nhà. Những người thủy thủ bạn của Khánh cầm cốc lại bàn chuốc rượu. Mừng các nhà thơ, mừng Vũ xuống Hải Phòng! Mừng các thủy thủ phá lôi của ta mở luồng Nam Triệu! Có đủ lý do để uống cho say. Rượu Đồng Tháp đỏ như lửa, tưởng như không bao giờ cạn.
Ngày đó, ngồi ở đây, dù không là thủy thủ nhưng nhìn nhau người ta cũng thường liên cảm tới một cái gì vừa gần gũi, vừa dữ dội, như thể là biển, là những ngọn sóng trào đang vây quanh bàn rượu.
Đào Trọng Khánh ngậm ngùi: "Vậy mà đã nhiều năm trôi qua, không quên được bạn bè, không quên được những cơn mưa rào ngoài biển, không quên được Vũ với những câu thơ "Bỏ phố phường bỏ dòng sông anh tìm đến biển/ Dù muộn mằn dù tê dại bàn chân/ Trước mắt ta là khoảng vô cùng/ Mặt trời như cốc rượu nhớ mong/ Ta gửi lại muôn đời trên mỏm đá". (Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa). Vũ đã đi rồi, cơn mưa cũng đã về với biển. Bạn bè rồi ai cũng sẽ thành sóng bạc đầu. Chỉ có chén rượu nhớ mong trên mỏm đá ngày xưa vẫn còn mãi mãi…".
Đôi khi, tôi và Lưu Quang Định về Hải Phòng thăm anh Đào Trọng Khánh trong căn nhà nhỏ ở một ngõ sâu của Hải Phòng. Chị em tôi nghe anh Khánh Béo kể về những ngày xưa yêu dấu, về tuổi trẻ ồn ào và cay cực của các anh, về những kỷ niệm về Lưu Quang Vũ với niềm thương nhớ khôn nguôi…