“Mùa kịch Lưu Quang Vũ”: Sức sống bền bỉ vượt thời gian

Thứ Năm, 18/08/2022, 17:48

Những năm gần đây, cứ vào dịp tháng 8, tháng 9, Nhà hát Tuổi trẻ lại tổ chức một đợt công diễn các vở kịch để đời của kịch tác gia Lưu Quang Vũ như một hình thức để tưởng nhớ, tri ân cặp vợ chồng nghệ sĩ tài danh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

Năm nay, chuỗi sự kiện này được mang tên "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" đem đến cho khán giả Thủ đô cơ hội thưởng thức 4 vở diễn đặc sắc, đó là: "Lời thề thứ 9", "Ai là thủ phạm", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" và "Ông không phải là bố tôi".

Thêm một "mùa nhớ" kịch Lưu Quang Vũ

Sau nhiều năm tổ chức, các đợt biểu diễn kịch Lưu Quang Vũ dường như đã trở thành hoạt động thường niên của Nhà hát Tuổi trẻ. Nhà hát Tuổi trẻ cũng chính là nơi nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ gửi gắm vở kịch đầu tiên trong sự nghiệp của mình, đó chính là vở "Sống mãi tuổi 17", được NSND Phạm Thị Thành đạo diễn. Sau này, nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ và thành công vang dội của nó đã gắn với tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ như: "Lời thề thứ 9", "Tin ở hoa hồng", "Mùa hạ cuối cùng", "Cô gái đội mũ nồi xám", "Lời nói dối cuối cùng", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"… Trong đó, khoảng 10 năm trở lại đây có không ít vở diễn đã được Nhà hát Tuổi trẻ phục dựng lại sau những bản dựng đầu tiên và tiếp tục chinh phục khán giả.

screen shot 2022-08-18 at 17.50.14.jpg -0
Cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi” được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đầu năm 2022.

Trong "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" năm nay, "Ông không phải là bố tôi" (đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến) là vở kịch mới nhất được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng hồi đầu năm nay và chính thức công diễn từ đầu tháng 4-2022.

"Ông không phải là bố tôi" được viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp rực rỡ của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Với cốt truyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố, ông quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham, sự ích kỷ... Tình cảm cha con - mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại từ hơn 30 năm trước vẫn hiện hữu như một chân lý sống, làm rung động bao thế hệ khán giả và cũng là câu chuyện còn nguyên thời sự về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Với "Lời thề thứ 9" (Đạo diễn: NSND Xuân Huyền, NSƯT Chí Trung) được Lưu Quang Vũ viết năm 1986, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu năm 1988 dưới bàn tay dàn dựng của cố đạo diễn - NSND Xuân Huyền với những diễn viên thuộc thế hệ vàng thời đó như NSƯT Đức Trung, NSƯT Chí Trung, NSND Anh Tú... Năm 2012, tác phẩm được NSƯT Chí Trung phục dựng và đã trình diễn vào dịp mùa thu hàng năm trong "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" của Nhà hát Tuổi trẻ trước đó. "Lời thề thứ 9" là câu chuyện đầy tính chính luận trước sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, công chức đã được Lưu Quang Vũ phản ánh sắc sảo, hấp dẫn và mới mẻ đối với một tác phẩm kịch chính luận.

Với "Ai là thủ phạm" (đạo diễn: NSƯT Chí Trung) kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở Hà Nội, xung quanh những mảng đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh "Quân khu Phượng Hà"! Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời. Nội dung vở kịch đã phần nào đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi "Ai là thủ phạm?" của những hiện tượng cá nhân tha hóa, tiêu cực nảy sinh trong đời sống hôm qua và cả ngày hôm nay...

Vở diễn thứ 4 "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" năm nay là "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" (đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến) có thể gọi là một "vở kịch giả tưởng" khi xoay quanh "cuộc tình tay ba" giữa Hoàng - Liên - Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỉ niệm đẹp đẽ với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Khi trưởng thành, ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày cô trao thiệp cưới của mình với Vân. Quá đau khổ, Hoàng với khả năng của mình đã "chiếm đoạt" được Liên khỏi tay Vân. Nhưng trái tim Liên sẽ thuộc về ai - kỹ sư Hoàng tài ba làm chủ cuộc chơi hay họa sĩ Vân lãng mạn, phóng khoáng?

Từng giành Huy chương Vàng tại "Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2018", vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" đã làm lay động trái tim nhiều khán giả, nhất là đối với khán giả trẻ tuổi. Đó cũng chính là sức hấp dẫn của kịch Lưu Quang Vũ khi trải qua một quãng thời gian khá dài (gần 40 năm) nhưng những thông điệp về cuộc sống, về tình yêu, về con người của Lưu Quang Vũ vẫn không hề lạc điệu, vẫn được các thế hệ khán giả yêu mến và đón nhận nồng nhiệt.

Sức sống kỳ lạ của kịch Lưu Quang Vũ

Sau sự ra đi đột ngột của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, những tác phẩm văn học nghệ thuật mà họ để lại luôn được công chúng quan tâm. Trong sự nghiệp của mình, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ sáng tác khoảng 50 vở kịch và hầu hết đã được các đơn vị nghệ thuật từ Nam chí Bắc dàn dựng ở đủ các loại hình sân khấu như kịch nói, chèo, cải lương. Suốt hơn 30 năm qua, các vở kịch của ông vẫn liên tục được các đoàn nghệ thuật dựng mới, phục dựng để biểu diễn, tham gia các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp.

screen shot 2022-08-18 at 17.50.22.jpg -0
Vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” được biểu diễn nhiều lần trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Vào tháng 9/2013, nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, lần đầu tiên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức một sự kiện đặc biệt, đó là "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ". Đây trở thành một sự kiện lớn nhất trong hoạt động tri ân, tưởng nhớ những đóng góp của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực sân khấu của kịch tác gia Lưu Quang Vũ nói riêng.

Tại liên hoan này, có 12 vở diễn sân khấu được dàn dựng từ 10 kịch bản nổi tiếng hàng đầu của Lưu Quang Vũ như "Điều không thể mất", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "2.000 ngày oan trái", "Lời thề thứ 9", "Trái tim trong trắng", "Ông không phải là bố tôi", "Mùa hạ cuối cùng", "Ngọc Hân công chúa", "Nàng Si-ta" đã được các nhà hát danh tiếng dàn dựng và biểu diễn. Còn nhớ trong liên hoan này, tất cả các đêm diễn đều chật kín khán giả với những tràng pháo tay kéo dài và nhiều chia sẻ hết sức xúc động.

Năm 2018, kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trang trọng tổ chức hội thảo "Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam" với rất nhiều tham luận của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình về tài năng, sự đóng góp to lớn của Lưu Quang Vũ đối với nền kịch nghệ nước nhà. Những vở kịch mang thông điệp nhân văn, hướng về cái đẹp của con người, những vở kịch có tính chất dự báo, đi trước thời đại nhưng lại đầy chất thơ của Lưu Quang Vũ đã tạo thành sức hấp dẫn bền bỉ, vượt thời gian.

Có thể nói, kể từ sau "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ", cứ đến dịp tháng 8, tháng 9 hàng năm, các nhà hát lại có những hoạt động biểu diễn lại các vở kịch của Lưu Quang Vũ để tưởng nhớ, tri ân một con người tài hoa, hết lòng với sân khấu. Trong đó, đơn vị có các hoạt động thường xuyên, đều đặn nhất chính là Nhà hát Tuổi trẻ.

Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra mắt vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị này đã tổ chức sự kiện "Sức sống kịch Lưu Quang Vũ" khá ấn tượng. Đây chính là điểm nhấn quan trọng trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, chinh phục khán giả của nhà hát khi các vở diễn của kịch tác gia Lưu Quang Vũ dù được dựng mới hay phục dựng đều được đầu tư, chăm chút rất kỹ lưỡng từ khâu diễn viên, đạo diễn đến phục trang, bối cảnh sân khấu, âm nhạc… Bởi vì, sự đầu tư này là có tính toán, có tính chất lâu dài, để vở diễn có sức sống lâu bền, thậm chí là thường niên như trường hợp của các vở "Tin ở hoa hồng", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Lời thề thứ 9", "Mùa hạ cuối cùng"…

Những vở kịch đầy trăn trở, đầy nỗi đau, đầy những câu hỏi nhưng cũng đầy tình yêu thương con người, yêu thương cuộc sống và đầy chất thơ của Lưu Quang Vũ chắc hẳn sẽ còn xuất hiện nhiều lần trên sân khấu nước nhà và sẽ tiếp tục làm lay động trái tim khán giả.

Nguyệt Hà
.
.