"Sức bền" của kịch Lưu Quang Vũ

Thứ Năm, 06/10/2022, 10:18

Nói đến sân khấu kịch, không thể không nhắc tới Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) ông là một tác giả kịch bản tài năng mà nhiều người nhận định rằng 100 năm nữa sợ vẫn chưa có người thay thế. Từ ngày nhà biên kịch mất đến nay đã 1/3 thế kỷ nhưng những tác phẩm của ông vẫn mang đậm hơi thở cuộc sống, tính thời sự, và điều đặc biệt nhất là mặc dù tính triết lý cao, sâu sắc, ăm ắp tính nhân văn nhưng lại trên một nền lãng mạn, hài hòa, rất cuốn hút.

Chính những điều đặc biệt của tác giả kịch bản này là sự lựa chọn thông minh cho các nhà hát. Suốt một chặng đường dài, ở những kỳ hội diễn, những ngày hội của sân khấu, hay hàng đêm ở rạp hát, ngay tại thời điểm mùa thu này, cả chục tác phẩm của Lưu Quang Vũ lại tung hoành trên các sàn diễn của Thủ đô Hà Nội. Kịch Lưu Quang Vũ luôn có một sức hút kỳ lạ, diễn viên thăng hoa còn khán giả thì náo nức mong chờ.

Trong một lần ở đâu đó, tôi đã đọc được bài của NSND Đào Trọng Khánh viết về tác giả Lưu Quang Vũ đại ý rằng: Có lần Lưu Quang Vũ nói với ông: "Không có cái chết. Đám ma chỉ là một cuộc diễu hành, đi qua cánh cổng của chiều không gian khác. Sống như đang còn sống, mình sẽ ở bên nhau". Câu nói đó thực sự ám ảnh, nó như một lời tiên tri về định mệnh và sự nhận thức nếu khi bất cứ điều khủng khiếp nhất xảy ra, đó là khi con người đó trở về với đất mẹ, xương thịt tan ra và linh hồn thì bay đi đâu đó, người ta đón đợi nó như một lẽ tất nhiên.

Cảnh trong vở “Ai là thủ phạm” - kịch bản Lưu Quang Vũ.

Lưu Quang Vũ đột ngột mất do tai nạn xe vào một ngày thu năm 1988 khiến cho nhiều người ngỡ ngàng. Ông ra đi trong lúc sự nghiệp đang vào thời thịnh phát rực rỡ nhất, lúc này sân khấu là thánh đường và tên tuổi của ông được ví như hạt ngọc sáng lấp lánh, nổi như cồn từ Nam chí Bắc, người ta gọi là hiện tượng Lưu Quang Vũ.

Một điều đáng kinh ngạc là chỉ trong một thời gian ngắn, trong khoảng hơn 7 năm từ năm 1981 đến 1988, ông đã viết 50 tác phẩm kịch bản, trong số đó có một vài kịch bản được chuyển thể sang cải lương và chèo như: "Nàng Si Ta", hay "Ông vua hóa hổ"…

Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi về công tác tại Tạp chí Sân khấu (Hội Nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), nơi mà trước đây ông đã từng làm việc ở đây cho đến giờ phút cuối đời. Trụ sở Tạp chí với diện tích khiêm tốn trên tầng 2, treo những bức ảnh của các bậc tiền bối trong làng sân khấu: Dương Ngọc Đức, Hồ Thi, Xuân Trình… và một bức ảnh của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ bằng ảnh đen trắng giản dị. Cả tạp chí chỉ có 4 căn phòng, tôi cũng không biết nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã ngồi căn phòng nào, nhưng quả thật ở đây có không gian lãng mạn khi mùa thu về, chỉ cần với tay mở cửa sổ thì không gian thu ập vào, tôi ngơ ngẩn tự hỏi: "Phải chăng sự lãng mạn trong kịch của ông cũng từ căn phòng thu này mà ra?".

Được tiếp xúc với những bậc trưởng lão như nhà văn Ngô Thảo, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, mọi người kể: Trong căn gác nhỏ xíu trên tầng hai phố Huế, Lưu Quang Vũ đã ngày đêm hì hụi với cánh đồng chữ nghĩa của mình. Cửa đóng, then cài, vài ba bác trưởng đoàn ở các đoàn kịch, chèo, cải lương các tỉnh đứng ở ngoài canh. Xong kịch bản nào là đã có người nhanh tay cầm đi mất. Chính cũng nhờ sự đón nhận của mọi người mà ông làm việc chăm chỉ hơn. Đến giờ người ta cũng không hiểu với một trí tuệ, tinh thần, sức khỏe như thế nào mà một người lại có sức lao động khủng khiếp đến thế?!

Kịch của Lưu Quang Vũ không thể nói kịch nào hay nhất, hay nhì được, bởi kịch của ông ở mỗi vở mang một thông điệp khác nhau, câu chuyện khác nhau, nhân vật chủ đề hoàn toàn khác. NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng: "Ở thập niên 80, kịch của Lưu Quang Vũ ra đời như những luồng gió mới mang hơi thở của thời đại đến với sân khấu, vì kịch của ông luôn hướng tới cái đẹp, cái cao thượng, là niềm khát khao cải tạo xã hội trong thời kỳ chuyển dạ của cơ chế. Kịch của ông nắm được những vấn đề nóng của xã hội mà khán giả quan tâm, cộng với khả năng quan sát tinh tế và tri thức xã hội uyên thâm của một nghệ sĩ tài năng. Ông đã biến những chi tiết trong đời thường trở thành những cốt truyện kịch hấp dẫn, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật mang tính khái quát điển hình, vươn tới ý nghĩa thời đại".

Không phải ngẫu nhiên mà kịch của ông lại được khán giả cả nước đón nhận nhiều như thế từ đồng bằng, miền núi, hải đảo xa xôi, từ thành phố đến các làng quê, từ tầng lớp trí thức đến tầng lớp bình dân. Kịch của ông như thỏi nam châm hút khách, xuất phát từ trái tim rung cảm thực sự với đời, con mắt quan sát sắc sảo của một nhà sáng tác và một triết lý sống ý nghĩa, sâu sắc.

 Các câu chuyện trong kịch Lưu Quang Vũ phong phú về các mảng đề tài, không gian, bối cảnh sống. Câu chuyện kịch có thể xảy ra ở một vùng quê, một mái trường, nhà máy công xưởng hay câu chuyện của những người lính bước ra từ trong chiến tranh và khi trở về thời bình họ đối diện với cuộc sống ra sao? Những mảnh đời của kỹ sư, bác sĩ, công nhân, nông dân trong bối cảnh chuyển mình của cơ chế... Ở bất kỳ đề tài nào, chủ đề nào, tác giả cũng đều có góc nhìn đa chiều, sâu sắc, đi vào ngõ ngách của đời sống, góc khuất của tâm hồn con người. Những vấn nạn về quan liêu, cửa quyền, tham nhũng cũng được đặt ra, hai mặt của cuộc sống giữa chính và tà, giữa thiện và ác luôn dồn dập khiến khán giả nhiều phen "thót tim đứng hình".

Cảnh trong vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” - kịch bản Lưu Quang Vũ.

Đạo diễn NSND Phạm Thị Thành dàn dựng kịch bản đầu tay "Sống mãi tuổi 17" của Lưu Quang Vũ năm 1980, Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật dàn dựng nhiều và thành công nhất kịch của Lưu Quang Vũ với những vở diễn đình đám: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Cô gái đội mũ nồi xám", "Lời nói dối cuối cùng", "Ai là thủ phạm", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"…

Một trong những vở được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng nhiều là "Lời thề thứ chín" được cố tác giả Lưu Quang Vũ viết năm 1986. Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu năm 1988, với những diễn viên thuộc thế hệ vàng thời đó như NSƯT Đức Trung, NSƯT Chí Trung, NSND Anh Tú... dưới sự dàn dựng của đạo diễn NSND Xuân Huyền. Năm 2012, tác phẩm được NSƯT Chí Trung phục dựng và trình diễn vào dịp mùa thu hàng năm trong Mùa kịch Lưu Quang Vũ của Nhà hát Tuổi Trẻ. Câu chuyện đầy tính chính luận trước sự thóai hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ đã được ngòi bút Lưu Quang Vũ khắc họa sắc nét. NSƯT Chí Trung khẳng định: "Vở kịch này vẫn còn tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay bởi thông điệp chống tham nhũng tiêu cực. Vở diễn nói lên được bức xúc trăn trở của người dân với những việc làm chưa thực sự tốt của chính quyền cơ sở".

Sau mười năm kể từ ngày NSƯT Chí Trung phục dựng đến nay, giờ đây tuy anh đã nghỉ chức Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hàng loạt các ngôi sao như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSND Minh Hằng, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Trung về hưu từ lâu và NSND Anh Tú, đạo diễn NSND Xuân Huyền đã mất, tiếp nối truyền thống, mùa thu năm nay một loạt những tác phẩm kịch sân khấu của Lưu Quang Vũ "Ai là thủ phạm" "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Ông không phải là bố tôi", "Lời thề thứ chín" lại lên sàn ra mắt công chúng.

Ở nhà hát kịch Hà Nội, những vở kịch của Lưu Quang Vũ cũng đã từng xuất hiện liên tục ở sân khấu Thủ đô với "Tôi và chúng ta", "Ông không phải là bố tôi"…

Qua nhiều thế hệ diễn viên. Nhà hát kịch Việt Nam cũng không hề kém cạnh khi NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, tổ chức "tour" kịch châu Âu đã mang vở "Bệnh sĩ" của Lưu Quang Vũ càn quét sân khấu các nước bạn. Vở diễn được Nhà hát Kịch Việt Nam phục dựng hồi năm 2014 và liên tục có suất diễn từ đó đến nay.

Hiện nay, với hàng loạt vấn đề nóng của xã hội như tham nhũng, chạy chức chạy quyền, ích kỷ cá nhân, luồn lách trong lỗ hổng cơ chế, tình người… đang đặt ra nhưng chưa có bất kì một tác giả đương thời nào có thể chạm tay vào một cách mạnh mẽ chỉ trừ Lưu Quang Vũ - nhà viết kịch tài ba đã ra đi từ cách đây 1/ 3 thế kỷ. Vậy, cho nên, kịch của Lưu Quang Vũ vẫn là một điểm sáng rực rỡ để khán giả khắp nơi lựa chọn.

Trần Mỹ Hiền
.
.