Nữ quay phim Đỗ Phương Thảo: Giữ một ngọn lửa trong tim

Thứ Bảy, 25/11/2017, 08:33
Sau gần 30 năm cho xuất bản tiểu thuyết đầu tay “Mẹ con”, cựu nữ quay phim của Hãng Phim truyện Việt Nam Đỗ Phương Thảo trở lại với độc giả bằng tự truyện thời thơ trẻ của bà. Câu chuyện thấm đượm tinh thần văn hóa trong các bữa ăn truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, đặt trong bối cảnh chính của phố thị Hưng Yên, Hà Nội; qua đó để thấy ẩm thực không chỉ đơn thuần là cộng gộp các món ăn mà là cả một đời sống văn hóa tinh thần không ngừng tiếp nối.


Sinh năm 1940 ở Hưng Yên nhưng sống chủ yếu ở Hà Nội, bà Phương Thảo là gạch nối tinh hoa của hai tiểu vùng văn hóa đi vào tục ngữ, ca dao: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Sự phồn thịnh của chốn kinh đô và sự sầm uất của bến cảng phố Hiến được tạo nên và nuôi dưỡng bởi một phần không nhỏ các giá trị văn hóa nền tảng, trong đó có văn hóa ẩm thực.

Theo thời gian, con người phải thay đổi để thích nghi với điều kiện sống, nhưng vấn đề cốt lõi là văn hóa có ý nghĩa thế nào đối với sự thích nghi đó. “Bếp ấm của mẹ”, cuốn sách thứ hai sau cuốn tiểu thuyết đầu tay "Mẹ con", dưới con mắt của một người làm điện ảnh - bà Đỗ Phương Thảo - đã gợi mở một phần câu trả lời.

Gần 300 trang sách là ký ức, hồi tưởng chân thực những năm tháng tuổi trẻ của bà. Nhưng điều đặc biệt là qua một cuốn sách, không chỉ thể hiện chân dung một con người mà thấy cả gia đình, xã hội, thấy cả thời đại sống của con người đó, trong sự dịch chuyển, vận động không ngừng. Sự dịch chuyển sẽ đưa con người ta tới đâu, câu trả lời không ai chắc chắn. Nhưng bằng cốt lõi văn hóa xây dựng trên nền tảng giáo dục, trước hết là giáo dục từ gia đình, con người sẽ nhận ra đâu là chìa khóa để bước vào đời sống một cách đĩnh đạc, đường hoàng.

Bà Phương Thảo (thời trẻ và hiện tại).

Trong gian bếp của mỗi gia đình, các món ăn “sống” đời sống của mình từ lúc bắt đầu, hoàn thành rồi kết thúc. Người tạo ra món ăn hoặc người thưởng thức chúng cũng sống một đời sống song hành, trong tiếp nối đón nhận những tình thân thương mến; nhưng không phải để kết thúc, mà để lưu giữ và nuôi dưỡng chúng. Theo thói quen, người ta vẫn chuyện trò để “làm đầy” gian bếp và bàn ăn, mỗi ngày, mỗi ngày, như không thể nào làm khác.

Cuốn sách nhanh chóng dẫn người đọc vào không gian bếp quây quần sau ít dòng mở đầu nói về gia cảnh éo le của tác giả: “Tôi sinh ra ở thị xã Hưng Yên, vùng phù sa văn hóa ven sông Hồng, nơi có phố Hiến, một trong hai địa danh sầm uất sau Kinh Kỳ. Nhà tôi ở giữa Phố chợ cũ, thị xã Hưng Yên, mẹ tôi bán hàng tạp hóa ở phố chợ, bố tôi dạy học ở Xích Đằng, một làng nhỏ ven thị xã...

Năm 1941, bố tôi ốm rồi mất, sau đó chưa đầy hai tháng mẹ tôi cũng đi theo”. Nhân vật chính của cuốn tự truyện, bà Phương Thảo, ở nhà thường được gọi là Bé, khi ấy mới một tuổi. Mồ côi cha mẹ ở tuổi lên một cũng có nghĩa là mồ côi cha mẹ đến hết cuộc đời. Đó là một thiệt thòi không có lựa chọn, mà chỉ được an ủi khi được bù đắp bởi những tình yêu thương khác.

Ký ức bắt đầu dầy lên của cô Bé từ thuở lọt lòng đến tuổi đi học vỡ lòng, vào lớp tư (lớp một). Các món ăn nuôi lớn con người, theo thời gian, cũng lần lượt hiện ra. Từ những món mặn thường ngày như bún thang, cuốn, ốc hấp, lươn om, gà tần hạt sen nấm, canh bánh đa cá rô đồng, cháo trai, bánh nóng, hạnh nhân xào, bún ốc sốt, cá trê om nghệ mẻ tới mâm “cỗ tỉnh” ngày giỗ như bốn bát (măng, mọc, bóng, mực), sáu đĩa (xôi, thịt gà, giò, chả, nem, nộm). Xen lẫn vào đó là các món tráng miệng hay quà vặt như bánh uôi, mứt bí, mứt quất, bánh quế, bánh Tô Châu, củ cải, cốm trắng đập kẹo bột, oản, kẹo lạc, bánh chả, bánh xu xê, bánh bao, bánh bẻ…

Thế giới ẩm thực được nhắc đến mang gương mặt phù sa, châu thổ với cả nét tinh tế lẫn bình dân, cả cầu kỳ lẫn giản dị, song tuyệt đối không đại khái, qua loa mà cẩn thận, kỹ lưỡng ngay từ lúc bắt đầu chế biến cho tới khâu bày biện cuối cùng.

Và hình như phẩm chất kỹ lưỡng của những món ăn được làm ra đã nuôi dưỡng cả mặt thể chất và tinh thần của người thụ hưởng một cách trọn vẹn. Cho nên ăn món ăn, không chỉ để lớn mà còn là để nhớ. Nhớ đến không khí quây quần của gia đình, nhớ đến nơi chốn mình sinh ra, nhớ đến sự khó khăn lúc đói lòng nhưng được sẻ chia bởi những con người nơi mình từng đến...

“Bếp ấm của mẹ” có thể chia thành ba phần chính theo diễn biến cuộc đời nhân vật: Thuở ấu thơ ở Hưng Yên, những năm tản cư vào Thanh Hóa, và đời sống sau ngày hòa bình trở về. Sẵn tố chất của một người từng viết tiểu thuyết, kịch bản phim, cuốn sách đầy ắp những hình ảnh và chi tiết sống động. Ở đó, nỗi nhớ được cụ thể bằng ký ức, các món ăn ấu thơ hiện lên ăm ắp như những lời chào mời nồng nhiệt, hấp dẫn và tiếp nối sau đó một không khí trầm lặng hơn tràn về.

Thay vì bún thang, ốc hấp, lươn om, gà tần (với lời dặn dò, hướng dẫn tỉ mỉ của các bác “con phải”, “con phải” khi thực hiện)… là cháo cho người đói năm Ất Dậu, là canh bầu sao nấu trùng trục ăn lúc dừng chân nghỉ lại trên đường tản cư, là món muối giềng quen thuộc khi xa nhà đi học tại vùng tự do Thiệu Hóa (Thanh Hóa), là cơm nắm ăn với muối trộn lá ớt phục vụ đoàn dân công tải đạn lên chiến dịch Điện Biên Phủ, là những bữa cơm tập thể sau này chẳng còn được chuẩn bị, bày biện cầu kỳ. Những món ăn mang số phận của chính nó, phản chiếu cả gương mặt đời sống vật chất và tinh thần của cá nhân và xã hội nó song hành.

Bởi vì hoàn cảnh thay đổi, nên những quan niệm về ẩm thực cũng thay đổi theo, nhất là khi những người xây lên nền nếp văn hóa ấy đã dần mất đi. Từ nơi sơ tán trở về, căn nhà xưa đã bị tiêu thổ kháng chiến, nhiều người thân đã mất, chốn  đình chùa cũng hương lạnh khói tàn, không còn hương hoa, oản quả, không còn cảnh cũ người xưa. Hoàn cảnh ấy để lại trong tác giả nhiều băn khoăn day dứt.

Đương nhiên theo thời gian và hoàn cảnh, có những thứ buộc phải thay đổi để con người lớn lên như thay da đổi thịt, nhưng liệu con người có thể giữ lại được những ký ức tinh thần đẹp đẽ để làm chỗ dựa cho sự lớn lên đó không? Làm cách nào để giữ lại được những nền nếp văn hóa ẩm thực truyền thống của cổ nhân để lại cho con cháu sau này?

Bằng tất cả nỗi băn khoăn đó, “Bếp ấm của mẹ” đã ra đời. Các món ăn vật chất đã mang cả vai trò ý nghĩa văn hóa tinh thần. Món ăn nuôi lớn con người thành ra là món ăn của ký ức, của nỗi nhớ, là sự chăm sóc, sự biểu đạt tình cảm mà nhiều khi người ta không tiện nói ra bằng lời. Theo nghĩa đó, nó còn chứa cả “chức năng hàn gắn”, an ủi nữa.

Năm tháng ấu thơ sống dưới mái nhà ở thị xã Hưng Yên có lẽ là tháng ngày đẹp đẽ nhất nhân vật Bé đã có. Những món ngon nhất từng ăn (bởi từ chính món ăn và bởi không khí bao trùm) giống như liệu pháp tinh thần xoa dịu tâm hồn Bé, bồi đắp tố chất người mẹ ở Bé sự chăm lo vun vén và nghị lực vươn lên.

Từ một cô bé một tuổi mồ côi tới một thiếu niên tản cư trở về, rồi thành thiếu nữ, làm mẹ, làm bà; tố chất ấy không mất đi mà luôn thường trực ở tác giả. Những đoạn ký ức đứt rời với cha mẹ đã được nối liền qua những người bác, phần lớn nhờ các món ăn. Những xa cách với con cái, cũng được nối liền nhờ những bữa “cơm lành”, tươm tất mỗi ngày.

Người xưa nói “Học ăn, học nói” để nhấn mạnh cái cử chỉ hết sức bản năng của con người sao cho “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Không có gì tốt hơn là học từ tấm bé, từ nền nếp gia đình, từ sự thương yêu dạy dỗ của cha mẹ, từ người thân của mình. Không quá sớm cho bài học thực tế đó và cũng chẳng khi nào quá muộn để bắt đầu bất cứ điều gì. 

Còn có mẹ, còn gian bếp ấm. Và còn gian bếp ấm, lòng mẹ cũng bớt cô đơn. “Bếp ấm của mẹ” được viết để ghi lại ký ức lớn lên, để nhớ về, để hàn gắn lại và người đọc, như những đứa con, cũng được sống, được nhận đủ đầy các cung bậc cảm xúc ấy.

Hải An
.
.