Nhà quay phim, đạo diễn Trịnh Quang Tùng: Khi đã chọn một con đường khó

Thứ Năm, 23/02/2012, 08:00
Đam mê tìm hiểu, lý giải những câu chuyện về con người, thiên nhiên, những vùng đất mới, Trịnh Quang Tùng muốn bằng những thước phim tài liệu khoa học của mình góp phần mang đến những thông điệp có ý nghĩa đối với đời sống. Hiện anh đang làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011) vừa qua, bộ phim "Bướm - côn trùng cánh vẩy" do hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất đã đoạt giải Bông sen vàng và đạo diễn Trịnh Quang Tùng, tác giả của bộ phim trên đã đoạt giải đạo diễn phim khoa học xuất sắc nhất. Sinh năm 1975, Trịnh Quang Tùng được biết đến trước đó với tư cách một nhà quay phim với nhiều giải thưởng danh giá như: 2 giải quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 và 16 dành cho phim truyện “Đêm vùng biên” và “13 bến nước”; 2 giải Cánh diều vàng 2009 dành cho phim tài liệu nhựa "Người thắp lửa"; giải nhất Liên hoan phim quốc tế Brazil năm 2000 phim tài liệu video "Vì cuộc sống bình yên", Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 cho phim "Hành trình Zen"; Cánh diều vàng 2004 phim "Để giảm thiểu bất hạnh”; Giải Cánh diều bạc năm 2005 phim "Ngộ độc thực phẩm"...

- Thưa nhà quay phim, đạo diễn Trịnh Quang Tùng, nhìn vào những giải thưởng mà anh đã đoạt được trong thời gian qua, nhiều người phải… nể vì so với tuổi đời của anh, đó quả thật là điều không dễ mấy người có được. Thậm chí, cùng một lúc anh còn đảm nhiệm tốt hai vai trò: quay phim và đạo diễn. Anh có thể nói gì về sự… đa tài này của mình?

+ Tôi nghĩ, ngoài nỗ lực của một người làm nghề, còn là cái duyên với Điện ảnh, đặc biệt là với phim tài liệu. Từ nhỏ tôi đã có điều kiện đi theo bố tôi. Ông học khóa 2 Trường Điện ảnh Việt Nam, chuyên ngành máy chiếu bóng, đi khắp đây đó. Tôi có nhiều dịp kê gạch ngồi xem phim ngoài trời. Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi đỗ Bách khoa và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, chuyên ngành kỹ thuật video. Tôi quyết định đi theo nghề của bố. Thời gian đó, trường mở một lớp quay phim ngắn hạn do cố NSND Lê Mạnh Thích giảng dạy, tôi đăng ký tham gia, mong sau có một cái nghề quay dịch vụ kiếm sống. Trước đó tôi có biết quay phim là gì đâu, nhưng sau một tháng với sự kèm cặp của thầy, bài tốt nghiệp quay phim ngắn hạn của tôi đạt điểm cao nhất… Sau đó, tôi đã xin về làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, được đi và học hỏi nhiều đoàn làm phim và một số nhà quay phim, đạo diễn nổi tiếng như đạo diễn, NSND Ngọc Quỳnh, NSND Lương Đức, NSND Đào Trọng Khánh, Vương Khánh Luông, Nguyễn Như Vũ, Nguyễn Thước, Nguyễn Văn Hướng… Sau đó tôi đã thi vào lớp quay phim Điện ảnh tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh do nhà quay phim, NSƯT Trần Trung Nhàn làm chủ nhiệm. Thầy Nhàn đã tiếp lửa cho tôi đi trọn vẹn với nghề quay phim. Đến năm 2008, tôi lại đi học thêm chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh và truyền hình, một công việc nhiều thử thách mới nhưng cũng đầy mê hoặc đối với tôi. Tôi tự cho rằng, mình là người ham học hỏi và cũng quyết tâm khi đã hướng tới một mục tiêu làm nghề một cách nghiêm túc.

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng (ngoài cùng bên trái) nhận giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

- Trong số trên 40 bộ phim trong vai trò quay phim và đạo diễn ở các thể loại đã làm, có bộ phim nào để lại cho anh nhiều tâm đắc và anh có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ xung quanh bộ phim đó?

+ Nhớ nhất là khi tôi làm bài phim tốt nghiệp quay phim, với vai trò vừa là quay phim vừa là đạo diễn, tôi đối đầu với nhân vật của mình là một người khiếm thính. Sau 3 tháng ròng đêm nào cũng ra quán nước trà của vợ chồng một người câm ở đầu phố Đoàn Thị Điểm - Tôn Đức Thắng, tôi gần như thất bại vì không có cách nào nói để họ hiểu mình. Tôi định bỏ cuộc để tìm một đề tài khác dễ hơn. Đúng hôm đó, tôi gặp anh Tuấn, bạn của vợ chồng nhà nọ. Anh Tuấn giao tiếp bình thường nên tôi đã nhờ anh giúp đỡ. Anh dạy tôi ngôn ngữ của những… ngón tay, dần dần tôi đã hiểu và nói chuyện bình thường với họ, điều này cũng đồng nghĩa là tôi đã làm chủ được công việc của mình. Phim "Quán Trà Câm" của tôi sau đó đạt điểm tối đa.

Trong một bộ phim tài liệu khác, tôi đã tiêu khá nhiều tiền chỉ để… đốt nhà. Đó là khi chúng tôi dựng một căn nhà tạm trên bãi sông Hồng để quay bộ phim "Phù du". Do chưa có kinh nghiệm, tôi tẩm xăng vào vách nhà để đốt nên phim chưa quay xong thì nhà đã cháy hết. Đành phải dựng một cái nhà khác để quay lại. Tôi về xin tiền của… vợ. Lúc đó vợ tôi còn một chỉ vàng từ hồi cưới đưa luôn cho tôi bán. Tôi  cùng anh em góp làm lại cái nhà mới và đi hỏi kinh nghiệm… đốt nhà và lần này thì chúng tôi đã thành công.

Khó khăn nhất là thời gian tôi làm bộ phim "Khi không thể vượt qua chính mình" (phim đoạt giải Cánh diều bạc năm 2009), một bộ phim khoa học nói về căn bệnh tâm thần. Đề tài này không dễ chút nào, muốn hay thì phải có số phận, nhân vật, gia đình nhân vật, rồi các y bác sĩ… Nhưng để thuyết phục được gia đình có người bị tâm thần là vô cùng khó khăn, vì bản thân họ vẫn còn những mặc cảm… Và khi làm việc với nhân vật thì khó khăn lại nhân lên… gấp bội. Tôi vẫn nhớ lần cả đoàn về Hà Nam quay một nhân vật do học nhiều dẫn đến tâm thần. Dân làng chỉ cho chúng tôi gian nhà của ông sau hàng rào rậm rạp kèm theo lời dặn cẩn thận không là… ăn gạch như chơi. Dù sợ nhưng chúng tôi vẫn quyết định chui qua lỗ hổng bờ rào - cửa giao tiếp duy nhất của nhân vật với thế giới bên ngoài. Anh em máy quay sẵn sàng. Tôi xung phong vào trước, vừa chui vừa… sợ, nhưng vẫn kịp dặn anh em là nhớ quay luôn cả cảnh… ném gạch. Nhưng khi vào đến trong nhà thì may quá, nhân vật lúc ấy… đang ngủ!

- Năm 2011 vừa qua, phim tài liệu "Bướm - Côn trùng cánh vẩy" của anh đã đoạt giải thưởng Cánh diều vàng. Theo anh thì yếu tố nào của bộ phim đã khiến một đạo diễn trẻ mới vào nghề như anh thuyết phục được Ban giám khảo?

+ Để hoàn thành được bộ phim này, không chỉ tôi mà cả Đoàn làm phim đã phải vất vả trong nhiều tháng ngày mới "làm việc" ổn thỏa được cùng với những nhân vật của mình: loài bướm! Loài côn trùng này thường xuất hiện vào tháng 5 đến tháng 8 hằng năm (mùa hè), mà chúng tôi nhận kịch bản từ tháng 2/2010, lúc đó miền Bắc còn rét, nên chúng tôi quyết định khởi quay tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tại đây chúng tôi đã quay được cảnh bướm cắn kén chui ra ngoài. Đây là cú bấm máy dài khoảng 15 phút, theo dõi từng chuyển biến nhỏ của bướm cắn từ từ lớp vỏ bao bọc.

Thật thú vị nếu ai chứng kiến thời khắc đó, một cú bứt phá ngoạn mục về sự thay đổi từ sâu chuyển thành bướm xinh đẹp. Tiếp theo, cuộc hành trình quay tại rừng quốc gia Cúc Phương thì…thật  khổ vì sau nhiều ngày chờ đợi không thấy "nhân vật" của mình đâu vì chưa đến mùa. Chúng tôi đành quay trở lại Hà Nội để chờ đợi, chúng tôi đã tìm đến các nhà cố vấn như Giáo sư Vũ Quang Côn, nguyên Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam. Ông kể về những điều kỳ diệu trong thiên nhiên, mà bướm là một mắt xích vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái nước ta. Ông cũng đã giới thiệu cho chúng tôi Tiến sĩ Vũ Văn Liên. Lần này, chúng tôi lên Tam Đảo, một trong những thiên đường của loài bướm và đã may mắn gặp một đàn bướm đủ màu sắc đang tung tăng vờn lượn bên bờ suối, cả đoàn sướng đến mức phải hét lên. Những cảnh quay về bướm đêm trên núi rừng Tam Đảo cũng kỳ bí không kém. Bướm đêm nhiều vô kể, gấp sáu, bảy lần bướm ngày và cứ thấy ánh sáng là lao vào... Bướm là một côn trùng nhỏ nên bình thường khó có thể nhìn thấy cảnh bướm dùng vòi uống nước, tìm thức ăn, chân bướm có gì đặc biệt…. Để quay được nhưng chi tiết thú vị đó, người quay phim phải nằm xuống, máy quay đặt sát mặt đất mới nhìn thấy rõ được cách bướm tìm thức ăn như thế nào, râu, mắt có gì đặc biệt…

Nhiệm vụ không kém phần quan trọng của đoàn làm phim là chỉ rõ tại sao bướm lại được gọi là "Côn trùng cánh vẩy". Để trả lời câu hỏi đó, chúng tôi phải bắt mấy "nhân vật" về trường quay của hãng. Với máy quay phóng đại hàng nghìn lần (marco), câu hỏi đã được trả lời với hình ảnh chi tiết về những lớp vảy xếp lên nhau rất tinh vi cùng nhiều màu sắc kỳ ảo. Thú thật là từ nhỏ tôi đã rất sợ sâu. Làm bộ phim này ngày nào tôi cũng nhìn vố số sâu con bò lổm nhổm nên giờ tôi thấy chúng là… bạn rồi.

- Có một thực tế là những nhà quay phim tài liệu ở Việt Nam chưa có nhiều "đất" để dụng võ như một số đề tài khác, thậm chí không ít bộ phim tài liệu đã ngốn khá nhiều công sức, tiền bạc, song đôi khi làm xong, dù thành công hay thất bại cũng chỉ để… lưu kho. Điều này có bao giờ khiến một đạo diễn trẻ như anh có lúc bỗng… hoang mang?

+ Khi tôi ra trường, tôi đã chọn điện ảnh tài liệu để thử sức mình, còn anh em khác về truyền hình. Thời đó, xét về mặt kiếm sống, thì về Hãng phim Tài liệu là điều ít ai muốn: lương thấp, ít việc mà đòi hỏi tay nghề cao. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào thì  phải vượt qua khó khăn gian khổ trước rồi sẽ đến vinh quang, không có cái gì tự nhiên mà có cả. 

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.