NSƯT Vũ Quốc Tuấn:

Nhà quay phim... "ngược đời"

Thứ Năm, 17/12/2015, 08:00
Không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, không ngừng trăn trở để cân nhắc các phương án quay, vị trí đặt máy, các động tác máy và tính toán đến hiệu ứng, hiệu quả hình ảnh thu được, NSƯT Vũ Quốc Tuấn luôn được coi là "nghệ sĩ cứng đầu" khi không bao giờ chịu thỏa hiệp, không bao giờ chấp nhận một phương án quay đơn giản, dễ dàng hoặc cách làm như để "cho xong" một cảnh nào đó. 

Trong lễ bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 được truyền hình trực tiếp trên VTV,  nhà quay phim, NSƯT Vũ Quốc Tuấn đã được xướng tên trong hạng mục "Giải quay phim xuất sắc" với hai phim truyện nhựa "Nhà tiên tri" và "Cuộc đời của Yến". NSƯT Vũ Quốc Tuấn không nói nhiều về niềm vui mà anh vừa đón nhận, song người thân, bạn bè, đồng nghiệp đều có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của một nghệ sĩ tài ba đã dành phần nhiều quỹ thời gian trong cuộc đời mình, tận hiến cho điện ảnh. Luôn "làm khó" chính mình là cách làm việc của nhà quay phim "ngược đời" Vũ Quốc Tuấn suốt mấy chục năm qua. Nhờ thế, những câu chuyện bằng hình ảnh của Vũ Quốc Tuấn luôn có một dấu ấn riêng biệt, một vẻ đẹp không lẫn với ai...

Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn.

Nhận "Giải quay phim xuất sắc" của Liên hoan phim năm nay, ngoài NSƯT Vũ Quốc Tuấn còn có tay máy Nguyễn K'Linh cho phim "Scandal - Hào quang trở lại" và "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Đây là lần thứ 2 trong cuộc đời cầm máy của mình, NSƯT Vũ Quốc Tuấn đón nhận vinh dự này. "Giải quay phim xuất sắc" lần đầu tiên anh nhận được là ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 tổ chức tại Huế năm 1999 với phim "Hà Nội mùa đông năm 46" và "Những người thợ xẻ". NSƯT Vũ Quốc Tuấn tủm tỉm cười: "Không hiểu sao các phim do tôi quay lại thường được trao giải Bạc trong các kỳ Liên hoan phim quốc gia. Có lẽ là cái "duyên" cũng nên, vì phim điện ảnh đầu tiên tôi quay là "Hoa của trời" đoạt Bông sen Bạc nên về sau phim tôi quay liên tục đoạt giải Bạc: Kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 tổ chức tại Huế năm 1999 đó, "Hà Nội mùa đông năm 46" và "Những người thợ xẻ" cũng là 2 phim đoạt giải Bông sen Bạc", sau này, "Rừng đen" và bây giờ là "Cuộc đời của Yến" cũng đều là Bông sen Bạc cả!".

"Nhà tiên tri" là phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thời gian ở Việt Bắc, còn "Cuộc đời của Yến" là câu chuyện về cuộc đời một người phụ nữ điển hình của vùng nông thôn Bắc Bộ tên Yến từ thuở bé thơ cho đến lúc trưởng thành. Phim có những cảnh quay đẹp, chứa đựng nhiều nội tâm rất đặc trưng cho cách cầm máy của nhà quay phim dạn dày kinh nghiệm Vũ Quốc Tuấn nên đã nhận được sự đồng cảm, yêu mến của khán giả. Tuy không nói ra điều mình mong muốn, song với một người làm việc chuyên nghiệp và cầu thị như nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn, không có giấc mơ về một giải thưởng cao nhất ở tầm vóc quốc gia thì mới là điều lạ. Mặc dù với mọi bộ phim, một khi đã nhận lời thì NSƯT Vũ Quốc Tuấn luôn làm việc hết mình.

Không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, không ngừng trăn trở để cân nhắc các phương án quay, vị trí đặt máy, các động tác máy và tính toán đến hiệu ứng, hiệu quả hình ảnh thu được, NSƯT Vũ Quốc Tuấn luôn được coi là "nghệ sĩ cứng đầu" khi không bao giờ chịu thỏa hiệp, không bao giờ chấp nhận một phương án quay đơn giản, dễ dàng hoặc cách làm như để "cho xong" một cảnh nào đó.

Dù đã tính toán cân nhắc kỹ, nhưng lúc nào anh cũng phải thử đi thử lại, làm đi làm lại tái hồi, đến khi cảm thấy thật ưng ý mới thôi. NSƯT Vũ Quốc Tuấn kể rằng, cũng do cái sự kỹ lưỡng quá, cầu toàn quá của mình mà nhiều khi "làm khó" cho bản thân và cho cả đồng nghiệp, nên nhiều lúc có những người tỏ ra khó chịu. "Nhưng mà tính tôi thế đấy. Đã làm là phải làm đến cùng chứ không bao giờ chấp nhận sự nửa vời. Bởi vậy, có lần, tai nạn đã suýt xảy ra với chính tôi. Có lần tôi đã may mắn thoát chết trong gang tấc khi làm phim "Những người thợ xẻ".

Trong phim này có cảnh lao gỗ từ trên núi xuống, ban đầu tôi cho lao từng cây một nhưng thấy như thế thì tẻ quá tôi bèn cho lao 2 cây. Bất ngờ, cả một bãi gỗ trên cao lao xuống. Tôi nhanh chân chạy kịp, chứ không thì chắc là "toi" rồi. Cũng trong phim "Những người thợ xẻ" có một cảnh quay thợ rừng gặp gấu, bị chồm lên người. Để có được cảnh quay này phải mượn một con gấu cùng với người dạy thú ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam vào tận rừng Hương Sơn (Hà Tĩnh) để thực hiện, nhưng quay suốt một buổi sáng vẫn không được cảnh nào như ý.

Tôi mới hỏi người dạy thú là "Con gấu này nó thích gì nhất?" thì được biết là nó thích sữa. Vì thế tôi nhờ người đi mua 20 lít sữa về đổ vào xô để cho người dạy chạy đằng sau máy quay tôi đang đứng. Ngửi thấy mùi sữa, con gấu chồm lên lao theo, cảnh quay đã thành công, đúng với mong muốn của tôi nhưng cũng là cú máy quá mạo hiểm, bởi con gấu hoàn toàn có thể vồ trúng người quay. Sau pha mạo hiểm đó, đến nay nhiều người trong đoàn làm phim "Những người thợ xẻ" nhắc đến kỷ niệm này vẫn còn sợ đấy!".

 NSƯT Vũ Quốc Tuấn còn cho biết thêm, trong phim "Hà Nội mùa đông 46" có cảnh chiếc xe Zep lao vào gánh phở bên Bờ Hồ rồi bốc cháy. Cảnh này khiến anh và đạo diễn Đặng Nhật Minh suy nghĩ rất lâu. Cả hai đều có "tư tưởng gặp nhau" khi đều muốn máy quay đặt sát gánh phở để khi xe lao vào, nước phở phải bắn tung tóe lên xe trước khi xe bốc cháy. Sự kịch tính này được dự liệu là có thể tạo nên một tình huống hết sức nguy hiểm. Với cảnh này, người lái xe chỉ cần quá đà một chút xíu trước khi đánh tay lái là tông thẳng vào người quay. Nhưng cũng may là người lái xe này là một người nước ngoài, điều khiển xe rất chính xác nên cảnh quay đã thành công, trong lúc đó mọi người trong đoàn đều thót tim.

NSƯT Vũ Quốc Tuấn (giữa) nhận giải Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.

Luôn giữ được sự bình tĩnh, không ngại khó và sẵn sàng mạo hiểm là đặc điểm đặc biệt trong quá trình làm nghề của nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn. Đã bao lần đối mặt với những nguy hiểm cận kề như vậy nhưng anh vẫn không nhụt chí, không bao giờ bỏ cuộc. Cảnh tiếp theo hoặc phim tiếp theo, có cơ hội là anh lại sớm thử thách sức lực và trí tưởng tượng của chính mình. Xem "Đầm hoang", "Rừng đen", "Những người thợ xẻ"... có nhiều cảnh quay khiến người ta tưởng rằng có sự hỗ trợ của kỹ xảo. Nhưng theo chia sẻ của nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn thì: "Với những phim này tôi làm hoàn toàn là cảnh quay thật chứ không có sự hỗ trợ nào của kỹ xảo. Tôi luôn trăn trở trước một cảnh quay, cứ phải thử từ phải sang trái, trái sang phải, từ trên cao xuống rồi những góc âm ngược lên trên... để cuối cùng chọn ra được phương án tối ưu nhất. Tôi cho rằng, mình là người làm nghệ thuật có sự hỗ trợ của máy móc, nhưng luôn phải tư duy để làm sao mỗi bộ phim ra đời có được những cảnh quay đẹp, góc quay ấn tượng, có chiều sâu. Với mỗi bộ phim, tôi đều quan tâm đến dấu ấn cá nhân người cầm máy mà mình để lại. Vì thế, cứ hết lần này đến lần khác, tôi cứ tự đưa ra những thử thách với chính mình. Để rồi vượt qua nó. Vượt qua được chính mình là cảm giác rất tuyệt vời!".

Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn thừa nhận rằng, anh là người khác với nhiều người. Nhất là với thời buổi hiện nay, khi con người, trong đó có các nghệ sĩ đang trở nên "thực dụng" hơn thì Vũ Quốc Tuấn vẫn chỉ thích làm những phim khó, thích quay những cảnh khó. Anh bảo rằng, khi cầm một kịch bản, anh chỉ mong có những cảnh khó để suy tính, trăn trở. Anh tâm sự: "Tôi đặc biệt hào hứng với những phim khó, cảnh khó bởi chỉ có khó khăn mới thử được sức mình đến đâu, mới phát huy được sự sáng tạo, trí tưởng tượng... Nói thì bảo ngược đời, nhưng phim khó tôi mới làm, phim dễ quá, đơn giản quá tôi lại bỏ qua đấy. Có nhiều lời mời tôi làm phim nhựa giải trí, tôi đã từ chối vì khi xem kịch bản thấy chẳng có gì để nghĩ cả. Thành ra chán, không muốn nhận lời!".

Khi được hỏi: "Sao anh lại từ chối những hợp đồng làm phim nhựa giải trí trong khi những phim này thù lao cho quay phim thường được trả rất hậu?", NSƯT Vũ Quốc Tuấn cười: "Một khi đã dính đến hai chữ điện ảnh là tôi rất nghiêm túc. Tự trọng nữa. Tôi có nhiều chỗ khác để kiếm tiền mà. Kiếm tiền với phim truyền hình chẳng hạn, tôi có thể "sống khỏe", bởi đến nay tôi cũng quay đến trên 3.000 tập rồi, chia ra trung bình mỗi năm tôi cũng quay đến gần 200 tập chứ chẳng ít! Mà thù lao cho phim truyền hình bây giờ cũng khá ổn. Nó không khiến tôi dư giả nhưng cũng sống khá thoải mái, không đến nỗi phải toan lo về miếng cơm manh áo đâu...".

Với nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn, làm việc trước hết là thỏa mãn niềm đam mê, sự phiêu lưu, khám phá và trí tưởng tượng của mình. Anh cũng chia sẻ rằng, những phim khiến anh có được những điều này thì dù khó khăn, vất vả thậm chí là cả mạo hiểm anh vẫn cứ nhận lời, cứ lao vào làm đến cùng, thử đến hết các phương án thì mới chịu. Anh cũng không giống như nhiều người làm công việc quay phim, họ hay cảm thấy "chạnh lòng" vì làm công việc này "kém oai", nên thường tính đường để sớm muộn cũng trở thành đạo diễn.

Còn NSƯT Vũ Quốc Tuấn luôn cảm thấy hài lòng và an nhiên với vị trí công việc của mình. Đến và ở lại với điện ảnh, bao năm lên rừng xuống biển cùng với chiếc máy quay, cùng với những giọt mồ hôi mặn chát trong những buổi trưa nắng hay những đêm khuya giá rét với những mối nguy hiểm cận kề, nhưng NSƯT Vũ Quốc Tuấn vẫn chốt lại là: "Nghề đã chọn người chứ người không chọn được nghề!". Nghề quay phim tuy vất vả, gian nan và đầy mạo hiểm là thế, mà đã giữ chân được Vũ Quốc Tuấn - một nghệ sĩ tài hoa, tâm huyết - thì hẳn là phải có lý do của nó...

Nguyệt Hà
.
.