Nhà văn Thuận: Thanh Đồng trong tín – ngưỡng –chữ
- Nhà văn Khải Đơn: Tôi muốn là bạn của người trẻ
- Nhà văn Nguyễn Xuân Hải với “Người đẹp ở bản Hoa”
- Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Bền bỉ tuổi bách niên
- Nhà văn Trần Thị Trường: Có nhiều người bị xã hội bỏ lại với chính cái giàu của họ
1. Tôi gặp tiểu thuyết "Chinatown" của nhà văn Thuận trong một hiệu sách cũ, thời sinh viên. Lạ lẫm. Ấn tượng. Và tò mò.
Đầu tiên là tên tác giả. Thuận. Trước đó tôi chưa từng biết tác giả nào chỉ có một từ ngắn gọn đến thế.
Sau tên tác giả là bìa sách. Những mặt người. Với rồng. Và hoa. Cùng tông màu đỏ gắt. Đúng kiểu Tàu.
Sau bìa sách là thông tin tác giả ở bìa gấp. "Thuận. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Pyatigorsk (Cộng hòa Liên bang Nga), cao học Đại học Paris 7 và đại học Sorbonne. Tác giả của tiểu thuyết "Made in Vietnam" và một số truyện ngắn, tiểu luận. Hiện sống tại Pháp". Theo đó, đây đích thị là tiểu thuyết của một người học cao, không thuộc diện như Nguyễn Huy Thiệp từng nói là "những người già nua, không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… vô học, tự phát mà thành danh".
Nhà văn Thuận. |
Thêm nữa, lật vào trong, thấy cuốn tiểu thuyết chẳng có chương, đoạn. Liên tù tì từ đầu đến cuối câu chữ không buồn xuống hàng. Trừ những đoạn in nghiêng. Với hình thức này, vài năm sau nữa tôi mới gặp lại trong tiểu thuyết "Xuân từ chiều" của Y Ban.
Lạ lẫm. Ấn tượng. Và tò mò. Nên tôi mua cuốn sách. Xem Thuận viết gì?
Kết quả là tôi phải đánh vật với từng trang sách. Cảm giác thằng sinh viên là tôi bị quá tải, như đi lạc vào ma trận chữ. Thân phận người tha hương. Bức bách không lối thoát. Muốn buông ngang. Mà không dứt ra được. Bởi những câu văn lạnh lùng chan chát. Không ngại đụng chạm. Như thể tác giả khó ở trong người nên tìm đến chữ để tung hê tất cả. Đời sống sinh động nhưng đời người bế tắc, hay chính người viết bế tắc nên dẫn người đọc vào thế giới chưa thấy lối thoát của mình?
2. Chưa thoát khỏi từ trường của "Chinatown", tôi tò mò tiểu thuyết trước đó của Thuận, là "Made in Vietnam". Lại thêm cuộc đánh vật nữa. Nói như nhà phê bình Đoàn Cầm Thi, là "… một tiểu thuyết không kết không mở không cao trào - xung đột - mâu thuẫn, không thắt nút - mở nút, một tiểu thuyết không chương đoạn, không dấu xuống hàng, ý này vắt sang ý kia, tiết kiệm chấm phẩy và các mỹ từ, thán từ cùng các câu trau chuốt. Tạo cho tiểu thuyết một nhịp điệu gồ ghề. Và một Việt Nam đương đại hiện lên mà những kẻ đạo đức giả chắc chắn không thích".
Sau hai tiểu thuyết trên, tôi lờ mờ thấy ở Thuận một lối đi riêng với tiểu thuyết. Thuận không chấp nhận cách kể chuyện thông thường. Hơi khó "vào" với cậu sinh viên mới tập tành viết như tôi, nhưng khiến tôi nhớ. Nhớ tiểu thuyết của Thuận như nhớ một cô gái không hẳn đẹp nhất, không hút hồn ngay lần gặp đầu tiên, nhưng duyên lạ, và "ngày mai trong đám xuân xanh ấy" sẽ không lẫn với bất kì ai.
Tuy nhiên, cũng phải nói, Thuận gặp đúng điểm rơi thị trường xuất bản Việt Nam cởi mở năng động, để cuộc trở về với độc giả trong nước được hanh thông hơn. Sau "Chinatown" (2005) và "Paris 11 tháng 8" (2006) hạn chế trong phát hành, thì Nhã Nam, một thương hiệu sách mới ra đời lúc bấy giờ đã nhìn ra Thuận. Nhã Nam in lại "Chinatown", phát hành rộng rãi. Tiếp đến, đẩy Thuận đến gần độc giả hơn với "T mất tích" (2007), "Vân Vy" (2008), "Thang máy Sài Gòn" (2013), "Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư" (2015). Có thể nói, mỗi lần tiểu thuyết của Thuận ra mắt đều là một sự kiện văn học trong nước, lôi kéo giới đọc và giới bình luận văn chương.
Tiểu thuyết của Thuận là các cuộc khảo sát nội tâm "mẫu di dân mới" bằng văn chương, những người dứt khoát không từ/chối bỏ quá khứ, hòa nhập tốt với cộng đồng bản xứ. Hòa nhập nhưng kiên định không thể/muốn lẫn vào xứ người. Họ cô đơn, "bơ vơ đông đảo", vật lộn với cả kí ức và thực tại.
Thuận riết róng, thẳng băng khi chạm đến lịch sử, văn hóa và chính trị. Chị xáo xới và lật tẩy tâm lí người Việt. Trước hết, đó là những cuộc thám hiểm vào thế giới tâm lí chính bản thân chị, rồi đến độc giả, trong nước và Pháp quốc. Ở đó chưa khi nào vắng bóng tiếng cười, sự giễu nhại, có thể là trực diện hoặc kín đáo.
3. Trong hình dung non nớt của tôi, văn học Việt ở hải ngoại có thể chia thành ba thế hệ. Thứ nhất, là các tác giả miền Nam trước và sau 1975 một chút. Thành tựu văn chương hầu như đã rõ ràng từ khi còn ở trong nước. Thế hệ thứ hai, hội nhập tốt hơn, nhưng vẫn viết bằng tiếng Việt. Có thêm lực lượng tác giả từ các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây. Và thế hệ thứ ba, hoặc sinh ra ở nước sở tại, hoặc lớn lên với văn hóa bản địa, nói tiếng bản địa và viết văn bằng ngôn ngữ bản địa. Thế hệ này bước đầu đã tạo được dấu ấn hội nhập rõ ràng. Có thể kể đến Nam Lê (giải PEN/Malamud Award 2010, Úc), Linda Lê (đề cử chung kết giải Goncourt 2012, Pháp), Viet Thanh Nguyen (giải Pulitzer 2016, Mỹ), Oce Vương (giải Whiting Award 2016, Mỹ), Kim Thúy (đề cử giải Văn học mới thay thế Nobel 2018, Canada) v.v…
Theo lối nhìn trên, có lẽ Thuận là gạch nối giữa thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba.
Nhưng Thuận có "hành trang" đặc biệt hơn, nếu so với thế hệ thứ hai. Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong gia đình tri thức đặc trưng. Tuổi thơ liên miên sơ tán, tránh bom rơi đạn lạc. Tuổi mới lớn có thời đoạn ở Sài Gòn. Thuận hiểu đời sống bao cấp Hà Nội và Sài Gòn. Rồi du học Nga. Rồi định cư ở Pháp, học cả văn học Anh cổ điển lẫn văn học Nga đương đại.
Và so với thế hệ thứ ba, Thuận nhập cuộc không hề kém cạnh. Năm trong số tám tiểu thuyết của chị đã được dịch và xuất bản ở Pháp, hai trong số này lại có thêm hợp đồng của một NXB ở Anh. Chưa kể, "Thang máy Sài Gòn" nhận giải "Sáng tạo" của Trung tâm Sách Quốc gia Pháp. Ở trong nước, tác giả hải ngoại nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, mới chỉ có Đoàn Minh Phượng với tiểu thuyết "Và khi tro bụi", và Thuận nhận tặng thưởng cho tiểu thuyết "Paris 11 tháng 8".
Bên cạnh sáng tác, Thuận còn tích cực, năng nổ trong tư cách dịch giả, chuyển ngữ khá nhiều tác phẩm nặng đô của các nhà văn Pháp qua tiếng Việt, như "Mở rộng phạm vi đấu tranh" của Michel Houellebecq, "Xạ thủ nằm bắn" và "Ba gã cần khử" của Jean - Patrick Manchette. Đặc biệt là "Ngôn từ" của Jean - Paul Sartre, Thuận dịch cùng dịch giả Lê Ngọc Mai.
Một số tiểu thuyết của nhà văn Thuận. |
4. Là người viết, tôi nghĩ đọc Thuận không chỉ để thỏa mãn việc đọc, mà còn để học. Và không chỉ học từ tác phẩm, tôi còn học từ những nghiệm suy của chị về văn chương.
"Không thể nói rằng càng đọc nhiều thì càng viết hay. Nhưng càng đọc là càng mất hồn nhiên, càng phải tính toán. Văn chương thế giới tuy rộng nhưng chật cứng nhân tài, cầm bút lên là thấy bao nhiêu cái bóng sừng sững trước mặt. Nhưng tính toán, trong trường hợp này, cần thiết hơn hồn nhiên. Tính toán có khả năng dẫn đến một lối thoát mới, chứ hồn nhiên thì có nhiều nguy cơ lạc vào các đường mòn".
"Theo quan niệm của tôi, mỗi tác phẩm có một nhịp điệu riêng, tác giả có khả năng cuốn độc giả vào tác phẩm hay không chính là nhờ nhịp điệu. Nhịp điệu của tác phẩm phụ thuộc vào cách sử dụng từ, cách đặt câu, cách ngừng lại, cách thêm bớt từng dấu phẩy, dấu chấm. Làm sao để mỗi tác phẩm bộc lộ được một kiểu hòa âm đặc thù. Và làm sao để tiểu thuyết là một tổng thể văn chương trọn vẹn chứ không phải là các truyện ngắn đặt cạnh nhau. Tìm được nhịp điệu đã là khó. Nhưng giữ được nó trong suốt tác phẩm thật khó vô cùng".
Trong văn chương, Thuận từ chối việc làm vừa lòng đám đông. "Thành thực mà nói thì viết là công việc của riêng tôi. Nó phải thỏa mãn những đòi hỏi mà tôi đặt ra trước tiên".
5. Tác phẩm gần đây nhất của Thuận là "Thư gửi Mina". Lại một cuộc làm mới, phiêu lưu chữ nữa, khi tiểu thuyết là tập hợp những bức thư. Câu chuyện xoay quanh nhân vật là nữ nhà văn gốc Việt viết thư cho người bạn gái Afganistan cùng học ở Nga đầu những năm 1990. Thư, nhưng không dừng ở tỉ tê kể lể tâm sự, mà phân tích, mổ xẻ, dự đoán và hoài nghi, về quê hương và tha hương, về tình yêu và tình dục, về chính trị và văn chương v.v... Tiểu thuyết có không gian trải rộng từ Nga qua Pháp, từ Hà Nội, Sài Gòn đến Afganistan với nhịp điệu nhanh, mạnh, lôi cuốn.
Mới đây, giữa những cuồng quay đại dịch corona virus, Thuận cho hay, "Thư gửi Mina" sẽ xuất hiện trong diện mạo mới, bằng tiếng Pháp, vào tháng 9 tới. Đồng thời, tiểu thuyết thứ chín của chị, "Công viên của những cây sậy", đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. Thật là một sức sáng tạo đáng nể.
Không hiểu sao tôi cứ hình dung, nếu có thứ tín - ngưỡng - chữ, thì chắc hẳn Thuận là một Thanh Đồng lộng lẫy, hút mắt. Theo đó, quá trình viết mỗi cuốn tiểu thuyết của Thuận như là một cuộc hầu đồng. Thần - linh - chữ nhập vào Thuận, để chị khiển chữ, sử chữ, cho chữ tràn theo bàn phím, xong rồi thăng…