Nhà văn Khải Đơn: Tôi muốn là bạn của người trẻ

Chủ Nhật, 17/05/2020, 19:07
Dõi theo hành trình chữ của Khải Đơn, mới biết, để có một nhà văn Khải Đơn như hôm nay, nhất định không phải chuyện ngày một ngày hai, cũng không phải chị có biệt tài biến hình. Tất cả tạo sinh từ trải nghiệm, từ quăng quật, hơn cả là từ khí chất con người chị...


1. Năm 2014, Khải Đơn ra mắt tập tản văn "Đừng tháo xuống nụ cười". So với thế hệ 8X chúng tôi, nhiều bạn ra sách từ thời sinh viên, thậm chí có tập truyện ngắn khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, thì việc Khải Đơn trong tư thế tác giả cuốn sách đầu tay ở tuổi 27 chẳng có gì là bất ngờ. Chưa kể, "Đừng tháo xuống nụ cười" xuất hiện vào thời điểm tản văn đang lên ngôi, rất dễ bị khuất lấp, đè bẹp trên các kệ sách. Ấy vậy mà không, cuốn sách tái bản ngay sau đó không lâu.

Có thể nói, giữa trập trùng những cuốn tản văn lấy rên rỉ nhớ nhung sướt mướt làm căn bản và mộng mơ huyễn hoặc làm trọng tâm, có khi là vẽ ra thế giới nội tâm của người trẻ ở… ngoài Trái đất, thì "Đừng tháo xuống nụ cười" như gáo nước lạnh, đưa người trẻ trở lại với mặt đất. Như chính lời “tự thú” của Khải Đơn: “Trong ánh sáng khôn lường của ngày thơ dại, mình đã lạc lối, yêu đương khôn xiết, đứng dậy không sợ hãi, và điên cuồng từng trải chuyện đớn đau…

Cuối câu chuyện này, biết bao lấp lánh bị bẻ gẫy, tóc bồng bềnh và mắt xanh thao láo nhìn cuộc đời trước mặt. Phải chăng một tuổi trẻ quá lộng lẫy đã hóa thành tro lửa vương vãi lên trời, và mình thấy ngạt thở?”.

Cuốn sách của Khải Đơn chọc đúng những vết sẹo, đã từng là ổ nhọt mưng mủ lên da non. Rành mạch. Lạnh lùng. Lôi cuốn. Đến khi gấp sách lại, thoát ra mới giật mình. Hình như mình đã gặp Khải Đơn ở đâu đó? Và rồi sau một hồi cục cựa, refresh lại bộ nhớ, tôi ớ ra, là gặp chị từ hồi sinh viên, trên chuyên san văn chương Tuổi Ngọc, do nhà thơ Nguyễn Liên Châu chủ biên. Đó là hồi Khải Đơn mới bắt đầu viết, dù chưa nhiều, nhưng các tản văn và truyện ngắn đã ra giọng riêng, ngôn ngữ sắc lẹm và góc cạnh, làm tôi nhớ đến văn của Hải Miên và Phan Thị Vàng Anh.

2. Năm 2018. Tháng Chín. Trời trong nắng nhẹ. Dưới hàng me xanh ngát của Đường Sách TP Hồ Chí Minh, không có em nào làm thơ như trong thơ Nguyễn Nhật Ánh và nhạc Phạm Minh Tuấn, nhưng có Khải Đơn cùng khá nhiều độc giả trẻ dự buổi ra mắt du kí "Mekong phù sa phiêu bạt" của chị.

Lúc này Khải Đơn đã là cái tên mà nhiều đơn vị xuất bản để ý, muốn chăm sóc. Bởi sau "Đừng tháo xuống nụ cười", chị có thêm "Sài Gòn - Thị thành hoang dại", "Ta có bi quan không", "Gập ghềnh tuổi 20" khiến người trẻ “trắng mắt ra” qua trải nghiệm và con chữ của mình.

Bữa đó, Khải Đơn trên sân khấu không khác hình dung của tôi lắm. Chắc nịch, quyết liệt trong những chia sẻ. Về trải nghiệm suốt 10 năm ngang dọc, đi vào những vùng lõi nóng bỏng của Đông Nam Á. Về thói quen ghi chép mỗi ngày, để “dù đi đâu và xa cách bao lâu”, mỗi khi cần phục dựng kí ức làm bản thảo thì xem lại mọi thứ vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Về việc để bắt tay viết "Mekong phù sa phiêu bạt" chị đã phải đọc, học nghiêm cẩn các nhà văn, như John Steinbeck, Ernest Hemingway ra sao?

Với du kí, Khải Đơn lại là người đến sau. Trước đó, đã có quá nhiều những hot bloger, hot facebooker,… lên đường để check – in quảng cáo và viết sách lồng ghép quảng cáo. Phần đa tác giả du kí kiểu này chỉ chìa ra cho đơn vị xuất bản cái tên kèm những hình ảnh long lanh, những ghi chép vụn vặt, ông chẳng bà chuộc. Đó là bột thô, việc còn lại khoán trắng cho biên tập viên, gột nên hồ. Khi thành hình thì hồn vía cuốn sách là của biên tập viên chứ không còn chút nào của tác giả nữa, ngoài cái tên và ảnh đính kèm.

Khải Đơn đến sau, nhưng "Mekong phù sa phiêu bạt" lại vượt lên trước. Bởi cuốn du kí mang một màu sắc khác, ăm ắp phận người. Những con người bình thường, thậm chí là dưới đáy, chìm nổi, bên rìa xã hội, được Khải Đơn thả - neo - chữ, níu lại trên trang viết, lấp lánh như phù sa của dòng Mekong huyền thoại. Tôi đọc sách và nghĩ, dường như câu “thân gái dặm trường” không có trong ý nghĩ của Khải Đơn, hoặc không đủ sức khiến chị chùn chân, để các trang viết theo nhau, ánh lên giá trị của dấn thân, thấu hiểu và thương yêu.

3. Dõi theo hành trình chữ của Khải Đơn, mới biết, để có một nhà văn Khải Đơn như hôm nay, nhất định không phải chuyện ngày một ngày hai, cũng không phải chị có biệt tài biến hình. Tất cả tạo sinh từ trải nghiệm, từ quăng quật, hơn cả là từ khí chất con người chị.

Cuối năm hai đại học, Khải Đơn từng nghỉ học để đi viết báo. Kết quả là năm ba phải thi lại đến sáu môn.

Nhận thấy mình còn hạn chế trong việc tiếp xúc, hỏi chuyện người lạ, hè năm hai, Khải Đơn cùng người bạn đã đạp xe xuyên Việt với lỉnh kỉnh nồi niêu xoong chảo. Đi để trải nghiệm, thực hành giao tiếp, phỏng vấn.

Khải Đơn từng không thể tốt nghiệp đại học đúng thời hạn như bạn bè. Bù lại, khi các bạn cầm bằng tốt nghiệp ngược xuôi tìm việc, thì Khải Đơn đã chững chạc là cộng tác viên, phóng viên ở các tòa soạn. Chị từng là phóng viên của báo Thanh niên, Tuổi trẻ, với những phóng sự, bài viết nhận định, tranh luận thu hút giới trẻ.

Đi. Nhưng Khải Đơn không chúi đầu vào các điểm du lịch. Chị đặt chân đến các khu vực có xung đột. Chị lăn lộn ở các khu rừng, thị trấn hiu hắt, biên giới. Chị vào tận các thư viện địa phương. Chị la cà quán cà phê bụi. Tất cả, chỉ để hiểu nhịp đập cuộc sống nơi đặt chân đến. Hơn nữa, hòa mình vào thiên nhiên, vào con người nơi sở tại còn là cách để Khải Đơn nhận diện mình, nó như thuốc thử quỳ tím, qua đó chị thấy mình rõ hơn.

Tác phẩm của nhà văn Khải Đơn.

Khải Đơn là điển hình của kiểu người trẻ tự biết cách lập trình cuộc sống, quy hoạch cuộc đời. Là người biết mình có gì, mình cần gì, phải sống như nào với mục tiêu và đam mê. Khác hẳn với những “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hoặc “gọi dạ bảo vâng lễ phép ngoan nhất nhà”. Rõ ràng, những trang văn được chiết xuất từ trải nghiệm của một người như vậy sẽ không đụng hàng, không lẫn vào bất kì ai.

4. Năm 2019. Tháng Mười. Tại Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt ở Đức. Tôi bất ngờ khi gặp cuốn sách nửa du kí "Đi thật xa trên một chiếc camper" của Khải Đơn ở gian hàng Hà Nội – Việt Nam. Trước đó chưa thấy truyền thông trong nước nhắc đến. Có lẽ sách mới, được một công ty sách tư nhân đưa thẳng qua Hội sách trưng bày. Và tôi may mắn là độc giả được đọc sớm, tranh thủ mỗi khi có mặt ở gian hàng.

Camper là xe hơi được sử dụng với chức năng như một ngôi nhà di động, xuất hiện trong đời sống du ngoạn của người Mỹ gần 100 năm trở lại đây, làm nên một phần văn hóa của người Mỹ. Với Camper, Khải Đơn học cách sống và yêu không gian bé nhỏ, cách sống của người không nhà, học về sự bất an cùng cách kiểm soát những biến số đó tác động đến cơ thể và tâm trí mình, học cách sống tối giản. Và trên những hành trình ở Mỹ, Mexico, Chile, Khải Đơn nhận ra: Thiên nhiên thật kỳ diệu, thiên nhiên biết cách đùa cợt với mọi sự sáng tạo của con người, thiên nhiên dạy con người biết sống có nhân tính, và thiên nhiên không khoan nhượng, nhưng thiên nhiên cũng đẹp như người tình.

Khép lại Hội sách ở Frankfurt, trên chuyến tàu đi Heidelberg, nhìn qua cửa kính là mùa thu nước Đức, tôi vẫn nghĩ đến chiếc Camper của Khải Đơn, và tặc lưỡi, nghĩ rằng, nếu có cơ hội ngồi trên một chiếc Camper chắc thu nơi đây còn quyến rũ hơn nữa.

5. Đến thời điểm này, cơn say sách tản văn và du kí ở độc giả gần như đã đạt ngưỡng. Nếu như được chọn giọng tản văn, du kí của thế hệ mình, tôi sẽ bỏ phiếu cho Đinh Hằng và Khải Đơn, chứ không phải tác giả nam hay ai đó đi trước trong thể loại này. Văn của Khải Đơn là lối văn của người có tư duy phản biện, độc lập, có chính kiến và không miêu tả, kể lể đơn thuần.

Và nếu có cuộc bình chọn người phát ngôn cho thế hệ trẻ, để biết sống với giá trị và hiểu biết bản thân, tôi chắc Khải Đơn sẽ nhận được không ít phiếu. Bởi Khải Đơn cùng những trang văn của chị là phản đề đầy đủ cho lối sống nhợt nhạt, thiếu hồng cầu, thiếu quang - hợp - đời - sống.        

“Khoảng bốn năm qua, tôi viết tự do và đi, hầu hết thời gian tôi ở ngoài thiên nhiên và viết về thiên nhiên. Thiên nhiên cho tôi cảm giác tự do được rời khỏi những định kiến và trì kéo của các hệ giá trị mà đô thị đem lại cho con người. Tôi cảm thấy tự do hơn và yêu cuộc sống hơn.Và khi viết, tôi muốn người đọc trẻ tìm thấy thứ họ cảm thấy gần gũi, dễ chịu, từ đó bớt hỗn loạn và sợ hãi hơn trong cuộc đời. Tôi muốn là bạn của họ, như chúng tôi là những người đọc và viết cho nhau nghe”.

Khải Đơn bảo vậy. Và tôi biết chị vẫn đang sống hết mình với tâm niệm đó. Khi tôi ngồi gõ những dòng chữ cho bài viết này thì Khải Đơn đang đi road trip ở Chile. Chị kẹt ở Chile hai tháng qua vì dịch COVID-19. Tôi ớ người khi nghe tin, nhưng chị trấn an ngay: “Không có vấn đề gì cả, mọi thứ ổn và mình rất thích quốc gia này”. Tôi chỉ biết chúc chị mọi sự tốt lành, để lại chân cứng đá mềm, để tiếp tục đi và viết, và để là bạn của những người trẻ.

Văn Thành Lê
.
.