Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An

Người giữ những khoảnh khắc đẹp về Bác Hồ

Thứ Bảy, 25/08/2018, 08:46
Chuyện những bức ảnh Vũ Năng An chụp về thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc 19-8-1945, cũng như cuộc đời đến với cách mạng, dùng nhiếp ảnh phục vụ cách mạng đã quá nhiều người viết và biết. Chính sự tin cậy và quý trọng nơi ông mà tôi được ông tâm sự sâu hơn, riêng tư hơn về nghề cùng những trăn trở của một người cầm máy...

Nhắc tới nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An, chúng ta nhớ ngay tới những tác phẩm ảnh đã trở thành minh chứng lịch sử về một dân tộc, một con người vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm: "Mít tinh, biểu tình ở Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945", "Chiếm Phủ Khâm sai ngày 19-8-1945", "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê- 1950"... đã làm nên tên tuổi Vũ Năng An, đưa ông đến với  giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt đầu tiên, 1996.

Ông sinh năm 1916 và mất năm 2004.

Chuyện những bức ảnh Vũ Năng An chụp về thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc 19-8-1945, cũng như cuộc đời đến với cách mạng, dùng nhiếp ảnh phục vụ cách mạng đã quá nhiều người viết và biết. Chính sự tin cậy và quý trọng nơi ông mà tôi được ông tâm sự sâu hơn, riêng tư hơn về nghề cùng những trăn trở của một người cầm máy...

Vũ Năng An cho rằng đời mình có hai điều may mắn lớn mà không dễ ai có được; thứ nhất, được chứng kiến những ngày tháng vô cùng trọng đại và đã ghi lại được không khí của những ngày đó; thứ hai, ông là một trong số rất ít người được chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay chúng ta đã quá quen với một số lý thuyết và thực tiễn về chụp ảnh chân dung; nhưng cách đây khoảng 60-70 năm, một người chụp ảnh đã suy nghĩ, trăn trở thấu đáo về điều đó, quả ý tưởng có phần đi trước thời đại.

Và có lẽ chính điều này cắt nghĩa vì sao chúng ta có người chiến sĩ - nghệ sĩ Vũ Năng An và những tác phẩm ảnh về Bác Hồ thành công và sống mãi cùng thời gian. Trong hàng trăm bức ảnh chụp về Bác, Vũ Năng An tâm đắc và thích nhất hai bức ảnh: "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê - 1950" và  "Bác Hồ thăm cảnh hồ Y-xức-Kun, Liên Xô", chụp năm 1959.

Mỗi khi nhắc đến những ngày tháng được gần Bác và chụp ảnh Bác, người nghệ sĩ lão thành ánh mắt long lanh, vẻ mặt đầy xúc động; ông cho rằng đấy là quãng thời gian hạnh phúc nhất của mình. Từ một người chụp ảnh yêu nước có cảm tình với cách mạng, đi theo cách mạng rồi trở thành người nghệ sĩ - chiến sĩ tham dự trực tiếp các sự kiện, chứng kiến và ghi lại bằng hình ảnh; Vũ Năng An đã lưu giữ những thời khắc, thời điểm vô cùng trọng đại của dân tộc; trong đó có hình ảnh lãnh tụ xuất chúng, lỗi lạc nhưng cũng vô cùng giản dị, gần gũi với nhân dân, hình ảnh đó là: Hồ Chí Minh.

“Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê, 1950” - tác phẩm của cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An.

Vũ Năng An kể: "Tháng 12-1946, giặc Pháp lấn tới rất dữ, tình hình chính quyền non trẻ và xã hội hết sức nghiêm trọng, căng thẳng. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lúc ấy đã khuyên tôi nên đi kháng chiến. Thế là tôi cùng gia đình gồng gánh dắt nhau dời khỏi Hà Nội, đến Xuân Tảo ở nhờ nhà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung ít ngày rồi tiếp tục lên Phổ Yên, Đại Từ - Chiến khu Việt Bắc của cách mạng".

Từ năm 1947 đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, Vũ Năng An phụ trách Ban Nhiếp ảnh tại Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh và Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị. Quãng thời gian này Vũ Năng An xông xáo đi khắp các mặt trận để chụp ảnh. Nói về sự ra đời của bức ảnh nổi tiếng "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê 1950", ông rủ rỉ kể: "Cái tên Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh vang trong tôi từ những ngày chập chững đến với cách mạng. Đời tôi, tôi không thể ngờ được là mình có ngày lại được sống gần và chụp ảnh về vị lãnh tụ mà mình kính ngưỡng.

Vì thế, ngay từ những ngày đầu tiên được chụp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1945, tôi luôn luôn trăn trở làm sao mình chụp được thành công nhất về Bác. Bác Hồ là một hình tượng vô cùng linh hoạt, gần gũi…

Thế nên, chụp như thế nào, làm sao nắm bắt được những cái đã làm nên một con người Hồ Chí Minh… thật vô cùng khó. Hôm ấy, ở mặt trận Đông Khê, Bác Hồ cùng các vị chỉ huy đang thị sát trận địa, tôi bấm máy liên tục nhưng vẫn chưa được ưng ý lắm. Lúc ấy như có sự mách bảo trong tôi, tôi xuống một vị trí thấp và chọn một góc đẹp để quan sát Bác cho đến khi cảm giác đã ưng nhất, tôi bấm máy. Quả thực sau này khi tráng phim, rửa ảnh tôi suýt phát khóc khi hiện diện trên ảnh hình ảnh Bác Hồ như tôi thầm mong muốn".

Bức ảnh "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê 1950" là sự kết tinh, hội tụ về con người lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ảnh rất thực mà như bay lên khỏi hiện thực bởi ý tưởng của ảnh mang tính khái quát cao độ. Bác ngồi đó, bên lưng đèo lộng gió, trong bộ quân phục giản dị, đang chăm chú quan sát trận địa. Bác như vị thống lĩnh tối cao, lại như vị cha già dân tộc rất mực hiền từ, nhân hậu mà ung dung, tự tin…Bức ảnh đượm chất trữ tình pha lẫn chất anh hùng ca của dân tộc.

Chỉ với bức ảnh đó cũng đã đủ để khái quát một giai đoạn lịch sử đấu tranh gian khổ của dân tộc Việt Nam. Ảnh không dừng lại ở mức tư liệu lịch sử hay phản ánh thời sự thông thường. Ảnh đã hội tụ đầy đủ mọi yếu tố của nhiếp ảnh: tính thời sự, nhanh nhạy, bố cục chuẩn, góc bấm đắt, đối tượng được khái quát và khám phá trở thành hình tượng nhiếp ảnh đẹp và mang tính thẩm mỹ cao; cũng đồng thời với khoảnh khắc bấm máy tuyệt vời, hình ảnh Bác Hồ trong ảnh đã thành hình tượng về Bác Hồ không thể khác được.

Bức ảnh đã đem đến những rung động thẩm mỹ về một con người: lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đến tác phẩm "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê 1950" này, Vũ Năng An đã tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy trong loại ảnh thời sự nghệ thuật. Ảnh trở thành tác phẩm nổi tiếng.

 Sự cảm thụ về một hình tượng mẫu để qua đó sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đích thực, không phải là một sự sao chép, minh họa hay chụp theo lối "kính nhi viễn chi" cao xa vời vợi… Không bao giờ chấp nhận sự lười nhác trong suy nghĩ hay sự chộp bắt mang tính chất "ăn sẵn" đơn giản. Để có được những bức ảnh có giá trị về Bác Hồ như chúng ta biết, những bức ảnh không thể thiếu được trong những bộ lưu trữ, những bảo tàng quốc gia Việt Nam… là cả một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của nghệ sĩ Vũ Năng An.

Bức ảnh thứ hai thể hiện sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, cùng những trăn trở làm sao lột tả được đầy đủ nhất cốt cách tinh thần, phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bức "Bác Hồ thăm cảnh hồ Y-xức-Kun, Liên Xô" của Vũ Năng An.

Ông kể: "Năm 1959, Bác Hồ đi thăm Liên Xô (cũ), tôi được cử đi chụp về Bác và đoàn của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bác đi nhiều nơi, làm việc nhiều, trong đó có chuyến bạn bố trí đi thăm cảnh hồ Y-xức- Kun. Trong các chuyến đi cùng Bác, tôi luôn ý thức về tầm quan trọng của những khoảng thời gian vô cùng trọng đại và quý hiếm này; tôi vừa tranh thủ chụp thật nhiều, vừa quan sát và ghi nhớ để ghi vào sổ nhật ký hành trình cá nhân.

Hôm đó, trời rất đẹp, nắng dịu, Bác thật tự nhiên đi lại, trò chuyện, ngắm cảnh thiên nhiên của nước Nga. Tôi không sa vào chụp thời sự, tư liệu như mọi hôm. Tôi tách riêng ra, lặng lẽ quan sát phong độ của Bác. Đây rồi, cái  "thần thái" của Bác vừa xuất hiện, tôi giơ máy bấm. Đó chính là cái khoảnh khắc khó có thể tái hiện được.

Bác ngồi đó ung dung tự tại, gương mặt, nụ cười, phong thái… hòa nhập làm một, làm nên một cốt cách Hồ Chí Minh. Ở bức ảnh này Bác Hồ trông như một vị thánh của trần gian: râu, tóc bay theo gió, ánh mắt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ, hồn hậu trên gương mặt toát lên vẻ hiền triết và quắc thước… Bối cảnh phía sau mờ nhòe tạo nên sự lung linh hư ảo của ảnh…".

Người nghệ sĩ già trầm ngâm cho rằng, chụp về Bác, không riêng ông mà nhiều người khác cũng chụp rất thành công, rất đẹp. Nhưng để những bức ảnh trở nên sống động, có hồn, nắm bắt được thần thái của nhân vật là điều không dễ. Ông tự hào trong gia tài ảnh chụp về Bác, ông có được hai bức ảnh ông ưng ý nhất.

Cũng chính hai bức ảnh: "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê, 1950" và "Bác Hồ thăm cảnh hồ Y-xức- Kun, Liên Xô" đã trở thành những tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng, bởi ngoài giá trị tư liệu lịch sử, còn mang giá trị nghệ thuật. Tới đây tôi chợt cảm nhận một điều, xưa nay trên thế giới chụp về lãnh tụ hầu như người ta chỉ quan tâm tới sự hiện diện trong sứ mệnh lịch sử và tư liệu của lãnh tụ đó.

Rất ít các nhà nhiếp ảnh khai thác hay kết hợp giữa yếu tố thời sự điển hình với phẩm chất nghệ thuật cho một tấm hình về lãnh tụ. Ở nước ta, tuy nhiếp ảnh còn non trẻ và hạn chế, nhưng bởi với lòng kính yêu lãnh tụ, một số nhà nhiếp ảnh chụp về Bác Hồ đã sáng tạo nên một số bức ảnh về Bác đạt tầm tác phẩm nghệ thuật, trong đó có Vũ Năng An.

"Những gì thuộc về tôi, tôi đã làm xong rồi", trong một lần trò chuyện, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Vũ Năng An đã nói vậy. Người nghệ sĩ sinh năm 1916, tại thành phố Nam Định không xuất hiện rực rỡ như một tài năng. Cuộc đời ông là sự bôn ba, sóng gió, bươn chải kiếm sống và làm nghề nhiếp ảnh hết Sài Gòn lại trên tàu thủy chạy tuyến hàng hải Pháp- Nhật- Việt Nam, rồi Hà Nội.

Cuộc cách mạng 19-8-1945 đã thay đổi cuộc đời Vũ Năng An, ông trở thành người nghệ sĩ cách mạng, với sự tận tâm và tâm huyết đã để lại cho cuộc đời những tác phẩm nhiếp ảnh vô giá về tư liệu và nghệ thuật. Ông mất tháng 7 năm 2004 nhưng tài năng, sự lao động tận tụy đã mang lại cho ông danh hiệu cao quý.

Cao Minh
.
.