Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường: Một cá tính độc đáo

Thứ Năm, 07/12/2017, 08:51
Trong căn gác nhỏ chỉ khoảng 10 mét vuông ở khu phố cổ Hà Nội của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường, mọi tiện nghi sinh hoạt đều hết sức giản đơn. Thứ duy nhất chiếm nhiều chỗ trong căn phòng ấy là những bó phim, từng chồng ảnh cỡ lớn xếp đầy cứng trong các khoang tủ và bày la liệt ra bàn... Hà Tường nói, gia tài lớn nhất khiến ông giàu có và tự hào chính là những thước phim và bức ảnh ấy.


Gia đình Hà Tường sống ở khu phố cổ (phố Tô Tịch – quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) đã trên dưới 100 năm. Năm 1942, cậu bé Hà Tường cất tiếng khóc chào đời để rồi 18 năm sau ông lặng lẽ bước vào cuộc đời cầm máy. Những năm 65 - 70 của thế kỉ trước, Hà Tường kết bạn với nhiều nhiếp ảnh gia tên tuổi như Võ An Ninh, ông Nguyệt Diệu (hiệu ảnh Nắng vàng), ông Nguyễn Văn Lưu phố Hàng Bông, và rất thân với nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, thường lui tới nhà riêng của ông ở phố Tô Hiến Thành.

 Nhắc tới Hà Tường, giới nhiếp ảnh thường nhớ đến ông với nhiều giai thoại, cá tính khác người, đến mức có người cho là ông lập dị. Mỗi khi tranh luận, nhất là tranh luận trong lĩnh vực nhiếp ảnh thì kể cả bên bàn nhậu, quán cà phê hay trong những cuộc chấm thi ảnh, Hà Tường luôn tranh luận đến cùng về một bức ảnh nghệ thuật, về một con người, về một tác giả, ngay cả khi chỉ có một mình ông đứng riêng một phía. Có lẽ vì thế, ông không dễ được lòng người khác bởi hay thẳng thừng như “vỗ mặt” người ta.

Tôi quen biết người nghệ sĩ khó tính này từ rất lâu, ông đã chụp cho tôi hai bức chân dung đen trắng ngay dưới bức tường ở chân cầu thang bằng chiếc máy ảnh Zenit của Nga, với ống kính Tele của Đức. Cả chiếc máy lẫn ống kính đều cũ đến mức những con số lấy tiêu cự đã mờ nhạt hết, còn loa che nắng được làm bằng… miếng bìa carton cuộn lại.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường.

Khi được xem ống kính Tele, tôi rất ngạc nhiên vì đây là ống kính dùng răng ngạnh, chỉ có thể vừa vào máy Exarta của Đức, không hiểu ông xoay xở thế nào để vặn cho khít vào máy Zenit dùng răng xoáy. Hà Tường cười ranh mãnh trả lời thắc mắc của tôi: "Vì vậy cần phải có bộ óc phát minh, phải mô - ni- phê nó đi. Tôi đã phải làm thêm một cái Alapto răng xoáy cho cái Tele Đức này để vặn vừa thân máy Zenit Nga".

 Phương tiện chụp ảnh được lắp ghép kiểu ông chẳng bà chuộc như thế, những tưởng rất khó tạo được thành quả như ý. Nhưng trái ngược hoàn toàn với suy đoán của tôi, hai bức ảnh chân dung ông chụp cho tôi vô cùng đẹp. Ngoài bố cục và độ nét căng, ảnh còn bắt sáng rất mượt. Hà Tường đã sử dụng thủ pháp ánh sáng công cho ảnh lên ven, cảm giác bong lên từng sợi tóc. Hai bức ảnh ấy tôi vẫn giữ, bảo quản cẩn thận cho đến ngày nay.

Bộ sưu tập chân dung người nổi tiếng

Tôi chỉ là một trong vô vàn “đối tượng" mà ông đã chụp trong cuộc đời cầm máy của mình. Ngay từ khi mới bước vào nghề, ông đã quen biết, chơi thân và đã chụp rất nhiều ảnh chân dung của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Đào Duy Anh, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Trần Văn Cẩn, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Thái Bá Vân, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Kim Lân, Hữu Loan…

 Hầu hết các chân dung ông chụp đều là ảnh đen trắng, được ông bấm máy trong những thời điểm ngẫu hứng bên bàn trà hay trong bữa rượu đạm bạc. Góc chụp cũng đơn giản như chính con người, tính cách các văn nghệ sĩ. Phông chụp ảnh của ông có khi chỉ là một bức tường nham nhở những viên gạch đỏ lâu ngày tróc hết vữa, có lúc là cánh cổng bong sơn… Nhưng với nghệ thuật lấy ánh sáng điêu luyện, với bố cục, góc chụp chặt chẽ và đặc biệt bắt được đúng hồn nhân vật, ông đã tạo được bức chân dung thể hiện sâu sắc nét cá tính từng con người.

“Khi biết mình muốn chụp ai, nhất là những khoảnh khắc đời thường, thì tôi sẽ "canh” cho đến lúc mình tìm thấy khoảnh khắc ưng ý nhất" - Hà Tường tâm sự. Cần mẫn như thế nên ông có bức ảnh hiếm hoi khi chớp được khoảnh khắc mà các cây đa cây đề Dương Bích Liên, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Nguyễn Sáng ngồi uống rượu với nhau. Ông chụp bức ảnh Tào Mạt nằm bên cạnh quyển tạp chí Thế giới mới. Ông “vẽ" Nguyễn Tuân ngồi hút tẩu với vài sợi khói mong manh bay lên.

 Trong số những nhà lãnh đạo, những tướng lĩnh của Việt Nam, Hà Tường đã chụp các cụ Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Lê Quang Đạo… Đặc biệt khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn đương chức, Hà Tường đã chụp được bức hình rất đời thường, khi vị lãnh đạo giản dị này ngồi uống nước ở vỉa hè. Cho đến nay, Hà Tường vẫn lưu giữ được gần như đầy đủ những bức ảnh chân dung ông từng chụp, dù nhiều người trong số đó theo quy luật thời gian đều về nơi thiên cổ.

Ông từng nói lên quan điểm nghệ thuật của mình: "Tôi chụp hình chân dung thì chẳng phân biệt người nổi tiếng hay bình thường, miễn sao người đó phải cho tôi cảm nhận rằng họ tốt, tôi thích chơi, thì mới chụp. Ai không tốt có thuê tiền tôi cũng không chụp".

Không biết có phải vì thế mà ngay ở khu phố nơi ông đang sống, rất ít người biết ông theo ngành nhiếp ảnh. Mỗi nhân vật ông chụp thường phải “bắn" 2 đến 3 cuộn phim (thời kì chưa có máy kỹ thuật số), hoặc có những người ông phải chụp nhiều lần mới cảm thấy ưng ý. Ông từng vào Thanh Hóa chụp đi chụp lại chân dung Hữu Loan, vào tận Sài Gòn để chụp được Nguyễn Sáng ở trong ấy, dù khi Nguyễn Sáng ra Hà Nội ông cũng đã từng chụp rất nhiều.

Bức ảnh các danh hoạ Việt Nam (từ trái qua: Dương Bích Liên, Đặng Đình Hùng, Trần Dần, Nguyễn Sáng) ngồi uống rượu cùng nhau của NSNA Hà Tường chụp năm 1982 tại nhà riêng của Nguyễn Sáng.

Với những người bạn thân,  đồng nghiệp như Võ An Ninh, hay họa sĩ Bùi xuân Phái, Lưu Công Nhân….  ông đều chụp hàng chục cuốn phim. Đến mức người ta đồ rằng, riêng bộ tứ Sáng, Nghiêm, Liên, Phái, hay Lưu Công Nhân, Võ An Ninh thì Hà Tường đã có thể làm được triển lãm cá nhân về họ với nhiều ảnh chưa từng được công bố.

 Tình cờ vào một buổi sáng, tại quán cà phê 30 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, tôi gặp lại Hà Tường, trông ông không thay đổi là mấy, vẫn tính cách phớt đời, giọng nói sang sảng thể hiện ông còn rất khỏe. Ông cho biết vẫn ở căn nhà 10 mét vuông ở phố Tô Tịch và mời tôi có dịp qua nhà chơi. Tôi xin số phôn, ông nhoẻn miệng cười: "Tôi không bao giờ dùng di động, không đi xe máy; cuốc bộ là chính". Khi tôi hỏi ông vẫn chụp phim và dùng ống kính Đức cổ chứ? Ông trả lời rất đanh gọn sau câu hỏi của tôi: "Tất cả là đáp số bằng tác phẩm ảnh".

“Cao thủ đốt phim"

Trong căn gác nhỏ, tiện nghi đơn giản như chính con người nghệ sỹ Hà Tường, duy có điều làm tôi phải chú ý: Từng bó phim chụp rồi được kẹp trong túi nilon xếp gọn trong khoang tủ, điều đó đã chứng minh ông là người chịu "đốt phim” số một. Số phim mà ông đã mua để chụp những chân dung Hà Nội, phong cảnh, con người miền Tây Bắc có thể tương đương với số tiền mua được căn hộ vừa vừa ở Hà Nội lúc bấy giờ.

Thế nhưng, hình như với Hà Tường, vật chất không hề quan trọng, ông chỉ cần có một chốn dù bé xíu cũng đủ để nuôi dưỡng đam mê. Nên có bao nhiêu tiền, thay vì đổi căn hộ rộng hơn, ông dùng tất cả vào đam mê nghệ thuật. Ông lấy trong tủ bộ sưu tập ảnh mới chụp cho tôi xem. Khác với những bức ảnh chân dung đen trắng từ mấy chục năm về trước, lần này toàn bộ là ảnh mầu hàng trăm chiếc cỡ 30x45cm, phần lớn chụp ở các vùng miền núi đồng bào các dân tộc thiểu số.

Từ bức ảnh ruộng bậc thang với thảm lúa chín vàng như bức tranh sơn dầu, cho đến bức ảnh từ trên cao ông lia ống kính xuống một xóm nhà sàn, khói lam lan tỏa hòa quyện những đám mây lơ lửng trên sườn núi trông chẳng khác nào bức tranh thủy mặc. Ảnh của Hà Tường có những nét riêng về bố cục, độc đáo về ánh sáng, nhiều bức ảnh tôi có cảm nhận như những tác phẩm hội họa lập thể với nhiều mảng, nhiều gam mầu pha trộn làm người xem không chán mắt.

Hà Tường đã giành được nhiều giải thưởng trong các kì thi ảnh và các cuộc triển lãm ảnh trong nước. Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và đã được mời tham dự nhiều cuộc chấm thi ảnh Trung ương và địa phương, là thành viên Ban giám khảo. Giờ đây, đã bước sang tuổi xưa nay hiếm,  ông vẫn mê say với nhiếp ảnh, thỉnh thoảng ông lại có chuyến đi sáng tác dài ngày vượt vài trăm cây số đến các vùng đồng bào dân tộc ít người. Khi tác giả đang viết bài này thì có người bạn gọi điện cho tôi đang gặp Hà Tường chụp ảnh ở Mù Cang Chải – Yên Bái.

Duy Ngọc
.
.