Người nghệ sĩ nhiếp ảnh đắm đuối với vẻ đẹp quê hương

Thứ Năm, 14/09/2017, 09:09
Giới nhiếp ảnh cả nước đến Thanh Hóa mà không nhắc tới nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm coi như một thiếu sót. Riêng với tôi và một số anh em, về xứ Thanh mà không đến với nghệ sĩ Trần Đàm là như mắc nợ, như có lỗi với anh.


Giọng người nghệ sĩ tuổi đã cao nhưng vẫn đầy sức trẻ Trần Đàm vang trong máy rất hồ hởi. Làm sao có thể khất anh được. Vừa ở Y Tý, Lào Cai về Hà Nội hôm trước, hôm sau chúng tôi đã có mặt ở biển Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

Giới nhiếp ảnh cả nước đến Thanh Hóa mà không nhắc tới nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm coi như một thiếu sót. Riêng với tôi và một số anh em, về xứ Thanh mà không đến với nghệ sĩ Trần Đàm là như mắc nợ, như có lỗi với anh.

Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích rộng nhất nước, với đầy đủ đặc trưng của các vùng địa lý: biển, đồng bằng, trung du, miền núi. Thiên nhiên đã ưu đãi cho xứ Thanh nhiều thứ mà nơi khác không thể có được: Nào biển đẹp chạy dài hàng trăm cây số; nào đồng bằng hai vụ lúa chín vàng chạy xa tít chân trời, và điểm xuyết với những hàng kè (cây giống cây cọ) vươn lên trời xanh; những hang, những động, những cánh đồng cói mướt mát xanh; rồi huyệt đạo Núi Nưa, nơi Bà Triệu luyện quân khởi nghĩa; suối cá thần vẫn treo lơ lửng câu hỏi vì sao hàng vạn con cá từ hang thẳm chui ra chẳng đi đâu, chỉ quẩn quanh nơi con suối nhỏ, để rồi tối lại chui vào hang...

Xứ Thanh là mảnh đất địa linh nhân kiệt, suốt chiều dài lịch sử đã sản sinh ra những đấng nữ lưu, tuấn kiệt có công rạng rỡ non sông.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm.

“Người xứ Thanh ra ngoài thì làm nên nghiệp lớn, ở lại thì tài hoa...” - Trần Đàm nói với chúng tôi vậy trong chuyến chúng tôi đi khắp Thanh Hóa khoảng hơn tuần, vào mùa thu năm 2014. “Ông nói có quá không đấy?” - Một nhà văn hỏi lại. “Thì, người ta nói chứ không phải tôi nghĩ ra, các ông cứ kiểm chứng mà xem...”.

Khoan nói về điều trên, riêng sự nhiệt tình với anh em bè bạn, với nghệ sĩ từ các nơi đến với Thanh Hóa thì Trần Đàm thuộc loại hiếm. Anh luôn hăng hái, tận tình đưa mọi người đi các nơi, các vùng của xứ Thanh để thu vào ống kính con người, cảnh sắc xứ Thanh quê anh. Anh em bạn bè đến, Trần Đàm sẵn sàng gác lại mọi việc, cùng vác máy lên đường.

Suốt một đời gắn bó với mảnh đất quê hương, Trần Đàm thông thuộc từng hang sâu ngõ hẻm, từng con nước lên, mùa thay lá của núi rừng, sông, biển xứ Thanh. Anh đi đến đâu cũng như người nhà, như trở về nơi thân thuộc. Chẳng vậy, khi chúng tôi lấy giấy giới thiệu của UBND tỉnh Thanh Hóa xuống các nơi, đồng chí Phó Văn phòng đã nói: “Bác Đàm là từ điển xứ Thanh, đi cùng bác ấy, các chú mang giấy để phòng thôi...”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm tâm sự: “Quê hương mình đẹp quá! Đâu đâu cũng có mây núi chập trùng, đâu đâu cũng phong cảnh hữu tình, biển trời bao la, đâu đâu cũng gợi cảm hứng cho thơ, cho họa... những giây phút ấy tôi không thể không bấm máy”. Vậy đấy! Khởi nguồn mọi sự sáng tạo nghệ thuật là tình yêu quê hương, đất nước, con người. Trần Đàm là một thành viên trong quỹ đạo ấy.

Trần Đàm sinh năm 1940, ở miền quê Thiệu Hóa. Thuở đầu đời chàng thanh niên Trần Đàm làm ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thiệu Hóa, lên tới Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện thì chuyển về Báo Thanh Hóa rồi làm Thư ký tòa soạn Báo Thanh Hóa. Ngỡ như nhà báo Trần Đàm sẽ suốt đời đi cùng nghiệp báo, nhưng anh lại rẽ sang ngả đi làm Giám đốc Nhà in Báo Thanh Hóa. Làm quen với máy ảnh khi còn làm báo, và chụp cũng chỉ nhằm minh họa cho bài viết; vậy nên ảnh chụp của Trần Đàm giai đoạn này chủ yếu ở dạng phản ánh.

Bước ngoặt nghệ thuật đến với Trần Đàm khi Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Lê Phức những lần về Thanh Hóa công tác nhận thấy sự ham thích chụp và khả năng tiềm ẩn nơi Trần Đàm, ông đã trao đổi cùng Trần Đàm: “Thanh Hóa hiện nay đang là “vùng trắng” của nhiếp ảnh nghệ thuật, anh Đàm hãy cố gắng thay đổi tư duy, đến với nghệ thuật nhiếp ảnh. Không những phải trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, anh còn có trách nhiệm gây dựng và phát triển phong trào hội viên ở đây”.

Qua các lần đi chụp cùng một số nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung ương, đặc biệt với sự hướng dẫn tận tình của nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ - khi bà về công tác nơi đây - với sự nhanh nhạy vốn có của một nhà báo, Trần Đàm tiếp cận và nắm bắt khá nhanh những yếu tố cơ bản của nghệ thuật nhiếp ảnh. Cũng từ đấy, ảnh anh chụp bắt đầu gây ấn tượng tốt với người xem.

Mọi con đường đến với nghệ thuật đều không đơn giản, đều đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực và năng lực nữa. Nghệ thuật nhiếp ảnh đã mở ra một thế giới mới trong tư duy Trần Đàm. Và rồi, những đam mê, học hỏi, tìm tòi, khám phá đã cuốn Trần Đàm hòa chung dòng chảy nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm đã tổ chức 4 triển lãm ảnh cá nhân gây được tiếng vang trong dư luận; đã cho xuất bản hàng chục tập sách ảnh, trong đó nhiều tập đáng chú ý như: “Nét đẹp xứ Thanh”, “Hương rừng quê Thanh”, “Khoảnh khắc đẹp quanh ta”,  “Du lịch Thanh Hóa”, “Biển mặn”, “Hoa trăm miền”, “Miền đất ta yêu”, “Hồn Đất tình Người”, “Miền tâm linh”... Thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh cứ đều đều mang đến cho nghệ sĩ Trần Đàm nhiều giải thưởng danh giá của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa và nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật của các địa phương, bộ, ngành, khu vực.

“Mưu sinh” - ảnh Trần Đàm.

Có thể tạm chia ảnh của Trần Đàm làm hai mảng lớn: Ảnh về xứ Thanh và ảnh mọi miền đất nước. Là người gắn bó gần trọn đời với quê hương Thanh Hóa, không có nơi nào của xứ Thanh không có bước chân Trần Đàm, ống kính Trần Đàm đặt tới, hướng tới. Anh chụp con người, cảnh sắc quê hương với tình cảm, tấm lòng của một người quá hiểu, quá yêu mảnh đất mình đang sống.

Từ bình minh trên biển Quảng Xương, Tĩnh Gia đến vẻ đẹp từ lúc còn hoang sơ đến khi sầm uất của Sầm Sơn; từ vẻ đẹp mùa thu hoạch cói Nga Sơn đến những cọn nước lấp lóa ánh chiều miền sơn cước Bá Thước. Cái mặn mòi của biển phả vào từng gương mặt rắn rỏi mà vất vả của những người đàn ông đàn bà sống vì biển chết cũng vì biển...

Rồi những vẻ đẹp thanh bình, dung dị rất đặc trưng xứ Thanh mỗi chiều về từng đàn bò vàng trên nền lúa vàng, vươn lên không gian là những hàng kè kiêu hãnh... Đây, kia, chân dung những người thợ làng nghề thủ công, những cô gái xứ Mường với nụ cười rạng rỡ...

Nghệ sĩ Trần Đàm khai thác mọi đề tài, khai thác tối đa mọi vùng đất, con người xứ sở quê hương mình, và anh đã thành công. Có lẽ ít có nghệ sĩ nhiếp ảnh nào chụp về mảnh đất quê mình nhiều như thế và thành công như thế. Chỉ riêng sách ảnh thôi anh đã có đến dăm bảy tập chỉ chuyên về xứ Thanh.

Người nghệ sĩ không thể tự bó mình trong một không gian hạn chế. Trần Đàm ham đi và đi nhiều. Mọi vùng đất của Tổ quốc từ tít tắp mũi Cà Mau đến cực Bắc Tổ quốc - Cột cờ Lũng Cú... ống kính của nghệ sĩ đều đã hướng tới và sáng tạo nên những tác phẩm ảnh có giá trị. Anh kể, lần ấy bỗng nhiên có sự thôi thúc phải đi chụp bằng được nơi cuối cùng của đất nước; vậy là một mình tìm cách đi và tìm cách tự kiếm sống trong suốt gần tháng trời lang thang chụp ở vùng đất phía Nam.

Ảnh của Trần Đàm không nặng về tìm tòi những tạo hình ấn tượng, những bố cục độc đáo, bắt mắt hay ánh sáng thật đắt... Trần Đàm mỗi khi bấm máy đều như có sự thôi thúc tự bên trong tâm hồn; quê hương, con người đẹp quá, phải nắm bắt lấy, phải “chộp” lấy ngay. Chính thế nên, ảnh của nghệ sĩ Trần Đàm có sự dung dị, rung động, chất chứa nhiều cảm xúc.

Ở tuổi 77, nghệ sĩ Trần Đàm hiện vẫn luôn đau đáu nỗi mong ước có thật nhiều sức khỏe để đi và chụp. Anh cũng rất chân tình tâm sự: “Nghệ thuật nhiếp ảnh vô bờ bến lắm, sức mình có hạn, sáng tạo được và được quê hương, anh em bạn bè bốn phương yêu quý thế là mừng lắm rồi. Các ông cứ về xứ Thanh đi, xứ Thanh khai thác không bao giờ hết vẻ đẹp đâu, tôi sẵn sàng cùng các ông lên đường...”.

Ngoài nhiếp ảnh, đến nay tác giả Trần Đàm cũng đã cho xuất bản hai tập thơ: “Dâng Mẹ ” (2002), “Xuân lòng” (2013). “Thơ tôi làm vui thôi, cái đắm đuối nhất với tôi vẫn là nhiếp ảnh” - nghệ sĩ Trần Đàm giãi bày. Để kết bài, xin trích mấy dòng trong bài bút ký của cố nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh viết về Trần Đàm, nghệ sĩ nhiếp ảnh xứ Thanh được phong tặng tước hiệu Nghệ sĩ có cống hiến xuất sắc - ESVAPA của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: “Trần Đàm đã rất công phu ở miền đất chôn nhau cắt rốn. Đó là quê xứ Thanh. Trăm miền khác giục giã anh nhưng cũng đang chờ anh trước những thử thách công phu khác”.

Cao Minh
.
.