Lã Thanh An - Hai trong một

Thứ Sáu, 27/08/2021, 16:03

Cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ năm 2006 - 2007 xuất hiện một đám 5 gã cựu binh ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đều vào chung khảo nhưng chỉ một người được giải. Cả năm người sau cuộc thi ấy cho đến nay vẫn viết đều đặn trên các báo Trung ương và địa phương. Có người đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng... lại nhưng nữa, nếu giờ hỏi rằng ở Hải Hậu có người nào viết văn thì đa số bảo rằng chỉ có Lã Thanh An.

Sở dĩ người ta nhớ Lã Thanh An vì lối viết dí dỏm tươi roi rói đậm chất quê. Ngoài đời y là người hoạt khẩu nói năng cười cợt múa may như nghệ sĩ hài. Gặp một lần rồi thì nhớ. Riêng cánh viết lách ngồi với nhau không có y thì mười phần kém vui tới dăm bảy. Chả thế mà trong một trại sáng tác, nhà thơ Vương Trọng đã nhận xét rằng tay An này là tác giả nhưng cũng là nhân vật. Đúng vậy. Không kể các bạn viết khác, riêng tôi đã có bốn truyện ngắn lấy Lã Thanh An làm nguyên mẫu, nhiều truyện khác đều có những chi tiết về con người này để gán cho nhân vật.

 Lã Thanh An - Hai trong một -0

 Nhà văn Lã Thanh An.

Lã Thanh An tuổi con Hổ (1962) nhưng mà hổ… còi. Là út trong trong một nhà có bốn anh em giai nên được bố chiều mẹ yêu, các anh nhường nhịn. Học xong phổ thông y vào luôn Trường sĩ quan. 25 tuổi đã mang quân hàm Trung úy Đại đội trưởng Đại đội xe. Tưởng cứ vậy thẳng tiến lên tá tướng, ai ngờ năm 1987, một chiến sĩ của đại đội chả biết lái xe kiểu gì để xe nhao xuống sông chổng ngược bốn bánh lên trời. May không chết người. Lính khai ra ông Đại đội trưởng Lã Thanh An cho đi làm kế hoạch 3. Vậy là đồng chí Trung úy hoàn dân nhẹ nhàng theo chế độ phục viên.

Ông sĩ quan trẻ phục viên về nhà cầm đầu thanh niên cả xã hò hát nổ trời, lại còn lập lò võ thỉnh thoảng tỷ thí với thanh niên xã bạn. Người ta kêu ca, người ta phàn nàn. Các cụ thân sinh nói mỏi mồm mà tình hình không biến chuyển. Vậy là các cụ bàn rằng thằng này không sợ giời ắt phải sợ đất. Phải bắt nó lấy vợ! Các cụ ban lệnh ra, ông con chép miệng: Lấy thì lấy. Được mai mối làm quen với một cô gái xã bên. Cả hai bên đồng ý cưới nhau. Hai họ đã thống nhất chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn, giấy mời đã phát tứ tung.

Ấy vậy mà hai hôm trước ngày cưới, chú rể bỏ nhà trốn biệt tăm tích sau khi để lại mấy chữ “tuyệt mệnh” rằng thì là chưa muốn lấy vợ. Khốn khổ cho cả họ bây giờ biết ăn nói làm sao với bên nhà gái. Chuyện người lớn chứ đâu phải trò đùa. Cả họ bàn bạc gần buổi sáng rồi thống nhất cử ông chú là đô vật vô địch hàng huyện sang nhà gái để trình bày. Ông chú đô vật sang nhà gái thấy mấy vại dưa muối, người ra vào tấp nập. Người dựng rạp, người xuống ao đánh cá chuẩn bị cho cỗ cưới… Thấy tình hình gay go, ông chú bụng run thon thót bèn rón rén ngồi ghé vào mép ghế thẽ thọt thưa rằng chúng tôi rất xin lỗi, thằng mất dạy nó trốn đi rồi. Nói xong ông đô vật phóng thẳng ra ngõ, không kịp nhìn ông bố vợ hụt ngồi chưng hửng chưa biết phản ứng thế nào. Chạy một đoạn xa mới nghe tiếng chửi và tiếng chum vại vỡ xoang xoảng.

Mươi ngày sau vị Trung úy phục viên mới thò mặt về. Cánh thanh niên họ hàng nhà cô dâu hụt nghe tin kéo đến quây…  An nhà ta chạy trốn chỉ thiếu nước độn thổ.

Vài tháng sau cô dâu hụt lấy được chồng thì mọi chuyện mới nguôi ngoai. Bấy giờ Lã Thanh An mạnh mồm tuyên bố rằng phải yêu đủ 49 cô rồi cưới cô thứ 50. Chả biết hắn thực hiện cái tuyên bố ấy đến số bao nhiêu nhưng năm 1989 cưới vợ. Năm 90 có con luôn. Làm một lèo đến 1994 đã đủ tiêu chuẩn hai con.

 Lã Thanh An - Hai trong một -0

 Bìa tập truyện ngắn “Chuyện ông phán” của nhà văn Lã Thanh An.

Đúng là không sợ giời thì ắt phải sợ đất. Lấy vợ sinh con rồi thì An lành hẳn, chí thú làm ăn. Vốn đa tài hắn tham gia thông tin xã kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động. Y sắm được cái máy Kiep cổ mở nghề chụp ảnh. Thỉnh thoảng lại ôm guitar gỗ phập phừng hát đám cưới… nhiều nghề lắm nhưng thu nhập chả là bao. Và tự nhiên dính vào nghiệp văn chương.

Trong khoảng hơn chục năm Lã Thanh An cho ra đời hơn ba chục truyện ngắn in trên các báo Trung ương và địa phương. Y có hai truyện ngắn vào Chung khảo cuộc thi truyện ngắn 2006 - 2007 tuần báo Văn nghệ. Một truyện in trên báo xong thì một tay ất ơ thấy thích quá lấy nguyên bản gắn tên mình đưa đăng báo khác. An cầm đơn đi lên tận Hà Nội kiện tòa báo, tòa soạn hoảng quá đền cho mấy trăm. Nhưng người ta nhớ nhất truyện “Ông Phán” vì nó mộc mạc, tươi rói chất quê với giọng kể hóm hỉnh dân dã đến tự nhiên.

Chỉ hai năm 2010 - 2012, Lã Thanh An cho ra hai tập truyện ngắn dày dặn được dư luận chú ý đánh giá cao.

Lã Thanh An làm nhiều thơ. Thơ của y khá hay. Nhiều những bài thơ được đánh giá cao với những câu thơ độc đáo. An tả buổi chiều muộn có câu: “Gà quáng mắt mổ nhầm vào chỗ cũ”. Tếu táo trong chuyện trò nhưng có lúc thơ của An mang tính chiêm nghiệm gần gũi: “Ước làm một cái bút chì, để nguyên thì ngắn vót đi thì dài”.

Theo tôi biết thì Lã Thanh An viết không dưới vài trăm bài thơ. Y làm thơ vào những tờ giấy loại, những mảnh lịch… Sau đó xuất bản mồm lúc bạn bè trà dư tửu hậu. Rồi vứt luôn, quên luôn. Sở dĩ giờ còn được một số bài là do nhà văn Nguyễn Danh Khôi thấy thơ An hay thì lụi cụi nhặt lên kẹp thành một tập lưu lại thỉnh thoảng nhặt ra một vài bài gửi báo. Giờ Khôi mất rồi chả biết cái tập bản thảo thơ giấy vụn của An có còn? Tuy nhiên Lã Thanh An cũng chẳng lấy làm tiếc vì y cho rằng làm thơ chỉ để chơi. Làm thơ để uống rượu cho ngon và rượu ngon thì mới làm được thơ.

Ấy cũng bởi rượu nên Lã Thanh An gầy quắt quặt. Giờ cân lên chắc chỉ bốn mươi ki lô. Một ông bạn nhà thơ lớn tuổi lúc ốm gần chết có câu thơ: “Nếu ngày mai tôi chết/ Chả mong điều gì hơn/ âm thầm một giọt lệ/ rỏ xuống những nguồn cơn”. Đang biêng biêng rượu, Lã Thanh An đọc luôn “Nếu ngày mai tôi chết/ Thì chả mong gì hơn/ Đổ đầy quan tài rượu/ Rồi chôn đâu thì chôn” để cùng cười với nhau.

Mải văn chương, mải rượu, lại được người vợ đảm lo hết mọi việc mà chẳng kêu ca nên Lã Thanh An cứ vô tư ngồi viết. Ngoảnh đi ngoảnh lại con đầu đã vào đại học được vài năm, con thứ hai sắp tiếp bước. Nhìn lại nhà cửa tuềnh toàng, ăn uống kham khổ, lúc ấy An mới thấy cái nghiệt ngã của đam mê. Một lần con nhắn về xin tiền đóng học và tiền sinh hoạt. An đã cay đắng viết:

“Không có tiền đành gửi tép khô đi
Và gửi thêm động viên con mấy chữ
Tôi cắn bút viết câu đang tư lự
“Con cứ yên tâm bố bỏ viết văn rồi.””.

Rồi không thấy An viết gì nữa. Y mở lớp dạy chữ Hán Nôm cho các nhà sư và thầy cúng. (Cụ thân sinh Lã Thanh An nguyên là một nhà nho nên rất rành Hán nôm, lúc bé An được bố dạy nên y cũng biết nhiều). An còn tự nghiên cứu sách vở để xem lá số tử vi cho thiên hạ. An làm tử vi rất kỹ càng, mỗi lá số y viết tới hơn 20 trang. Lúc biêng biêng rượu thì như giời xui nói ra tuồn tuột mà rất đúng. Có một lần, khi Olek Bavưkin, Trưởng Ban đối ngoại Hội Nhà văn Nga sang Việt Nam, đến chỗ chúng tôi chơi. Trong bữa rượu An đọc tử vi của Ôlek vanh vách. Ông Tây tròn mắt, gật gù “đa đa” lia lịa rồi cắm cúi ghi chép lời thánh phán qua mồm họ Lã theo lời dịch của dịch giả Thúy Toàn.

Giờ thì Lã Thanh An đã con cái thành đạt, nhà hai tầng như biệt thự, sáng lên lớp dạy Hán Nôm, chiều đọc sách Oso. Lúc buồn ôm nguyệt cầm nghêu ngao mấy giá Cô giá Cậu. Y khoe dạo này đang thiền, ngại viết. Thì ra cái anh văn chương nó chỉ bám theo lúc nghèo. Khi khá lên thì tự nhiên nó nhạt tình nó bỏ mình mà đi mãi.

Hôm vừa rồi gặp y, mình bảo: Nghỉ viết lâu rồi đấy nên viết lại đi kẻo phí. Lã Thanh An cười hì hì lôi ra một chồng vở học sinh chép tay bản thảo hơn 300 truyện mini. Đọc sướng lắm. Thì ra câu “Con cứ yên tâm bố bỏ viết văn rồi” chỉ là bột phát trước hoàn cảnh. Ngọn lửa đam mê văn chương trong Lã Thanh An vẫn chưa bao giờ tắt.

Mai Tiến Nghị
.
.