Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa: “Mỗi trang viết luôn trĩu nặng nỗi niềm, mong ngóng”

Thứ Năm, 17/06/2021, 17:55
Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa quê ở Đô Lương, Nghệ An, từng trải qua quân ngũ, sau đó làm báo viết, báo hình, báo điện tử, làm lãnh đạo, quản lý... Ông xuất bản 6 tập thơ và đoạt nhiều giải thưởng cho thơ. Văn nghệ Công an xin được giới thiệu cuộc trò chuyện về nghề, về thơ với nhà thơ Bùi Sỹ Hoa.


- Thưa nhà thơ Bùi Sỹ Hoa, từ tập thơ đầu tiên "Có một nỗi niềm" đến tập thơ thứ 6 "Tìm trong im lặng" là cả một quá trình ghi dấu hơn 30 năm cầm bút của anh. Anh có thể chia sẻ con đường thơ của mình được không?

+ Gần 10 năm sau khi được in bài thơ đầu tiên, tôi mới cho ra mắt tập thơ đầu tay có tên “Có một nỗi niềm” (Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, 1989). Gần đây, cũng phải đợi 10 năm sau khi ra tập thơ “Thiên nhiên cá tính như em”, Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn - 2010, tôi mới gom đủ bài cho tập thơ mới nhất, tập “Tìm trong im lặng”, NXB Hội Nhà văn, 2020. Nói thế để tự nhận rằng, tôi làm thơ rất khó khăn, không biết do công việc làm báo bận bịu và… mâu thuẫn với thơ ca (?) hay vì mình tài hèn, sức mọn?

Mới đây, gặp lại một người anh từng học Văn hồi Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi bất ngờ đến sững sờ: NXB Hội Nhà văn vừa ra tuyển tập văn học của anh, gồm 5 cuốn, mỗi cuốn dày 500 trang in, vậy là 3.000 trang in dày dặn về truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ và phê bình văn học. Quả là một nghị lực làm việc phi thường, đáng trân trọng. Trong khi đó, cũng chừng ấy năm học hành xong ra trường về quê như anh, mình chỉ in được vỏn vẹn 1/10 số trang viết so với anh ấy, thật xấu hổ!

Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa.

Tuy nhiên, đôi lúc ngồi ngẫm lại, viết được nhiều là tốt, nhưng viết ít có khi cũng có cái… hay riêng, theo cái tạng của mình? Nhìn đi nhìn lại, sau mỗi trang viết của mình có để lại điều gì không với bạn viết, bạn đọc mới là điều đáng nói hơn cả. Tôi lại càng thấm thía lời một người thầy, người anh hồi tôi “ra lính”, rằng “cố làm được một việc gì đó”. Ừ, cái việc gì đó thật khó nói ra, chỉ ra, nhưng phải cố gắng, phải làm được, dù ít ỏi. Với tôi, đó là cố gắng viết được một vài câu thơ ưng ý chăng?

- Thơ của anh được đánh giá là luôn chân thành, ấm áp, đáng tin cậy, đọc lên như được uống một ngụm nước mát lành, để nhìn về tuổi thơ thật tiếc nhớ, một miền quê để ngưỡng vọng và mang lại cho ta rung động trở về... Anh viết về quê hương và tuổi thơ bằng cảm thức như thế nào?

+ Tôi làm truyền hình, báo in rồi báo điện tử, cả trong và ngoài quân đội, ở địa phương và Trung ương nên được đi nhiều nơi, gắn bó với nhiều sự kiện, chứng kiến nhiều cung bậc lớn nhỏ trong cảm xúc, suy tư của nhiều người cũng như của bạn bè, đồng nghiệp và của chính mình, trong đó có những cảm xúc được dành riêng cho thơ. Điểm qua thì tôi cũng có những bài thơ… địa danh, nghĩa là đến đâu nổi tiếng thì viết một bài thơ về nơi đó, như Côn Sơn, Côn Đảo, Đà Lạt, Cà Mau... hay ở nước ngoài như Biển Chết, Hoàng Phố, Cố cung… chẳng hạn. Nhưng ngay cả khi viết về địa danh thì tôi cũng cứ lại nhọc nhằn, có khi hàng năm sau mới “nộp bản thảo” cho chính mình. Cũng là để nói thêm rằng, tôi không chỉ cứ chằm chặp viết về quê mình, về tuổi thơ của mình, dù mỗi trang viết về quê hương, xứ sở luôn luôn trĩu nặng nỗi niềm, mong ngóng.

Nhà thơ Anh Ngọc có lần giải thích rất hay về sự giống và khác nhau ở hai từ quen thuộc: quê hương và cố hương, một khái niệm chung chung, trung tính và một khái niệm riêng có, cụ thể, máu thịt. Tôi nghĩ làm thơ về quê hương chắc chắn cũng phải nét chung và nét riêng đó, có cái giống với mọi miền quê khác nhưng lại có nét riêng đậm đà chỉ nơi mình chôn rau, cắt rốn mới có được. Tất nhiên, đó là suy nghĩ, là quan niệm của tôi, còn việc có viết ra hết được, câu thơ và cả bài thơ có “ra” không, có tạo được dấu ấn nào không lại là chuyện khác.

- "Mẹ bảo các con lớn lên nhờ khoai sắn/ một buổi học, một buổi cày/ lớn tồng ngồng áo quần nào cũng ngắn/ tắm vục cạn giếng/ mắng một trận ra trò mà cứ cười trơ/ mẹ nhớ thời rau không ra kịp lá/ khoai chưa kịp bột sắn chưa heo về/ cha vẫn làm thơ con thi học sinh giỏi/ liên hoan cả nhà mấy tấm bánh đa". Trong bài thơ " Mẹ nhắc" của anh, ký ức về quê hương, về mẹ và bộn bề bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ... Có phải càng nhiều tuổi hơn thì càng nhớ quê hơn, đau đáu với quê hơn?

+ Trái với nhiều bài thơ viết khó, viết khổ khác, bài “Mẹ nhắc”, tôi viết rất nhanh, gần như là “nghĩ gì, viết nấy”. Sau này, tôi nghiệm ra, mỗi lần viết về quê, về mẹ, tôi thật thoải mái, tự do khi chọn ý, lập tứ, vần điệu và chỉ cần mình nói đúng nhất, thật nhất là có thơ. Bạn thử nghĩ xem, đối diện với cố hương, với mẹ mình, liệu mình có cần uốn bút, có cần điệu đà, tô vẽ hay nói phóng lên, nói quá lên điều gì đó? Hai bài thơ “Mẹ nhắc” và “Con trai của mẹ”, tôi đều viết theo thể tự do, không nệ vần điệu, miễn là nói đúng, nói hết lòng mình. Tôi nghĩ sự khéo léo, chỉn chu hay những điều cao sang, ám ảnh khác cũng vô cùng cần thiết trong khi cầm bút, nhưng nó phù hợp và ăn nhập hơn ở những trạng huống, hoàn cảnh khác trong cuộc sống.

- Một người bạn thơ lớn mà anh vẫn thường nhắc đó là nhà thơ Trần Hữu Thung, người con đất Diễn Châu. Anh hãy chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ Trần Hữu Thung và bài thơ "Ở quê" mà anh viết về ông?

Bìa tập thơ “Tìm trong im lặng” của Bùi Sỹ Hoa.

 + Tôi không có may mắn được sinh hoạt văn nghệ thời nhà thơ Trần Hữu Thung còn làm lãnh đạo Hội nhưng lại may mắn được đi cùng ông mấy tháng ròng khi ông đã nghỉ hưu và chỉ tham gia những công việc được địa phương yêu cầu. 

Ấy là những năm ông viết kịch bản và lời bình cho phim tài liệu truyền hình “Thăm quê thấy nhiều gợi mở” và tôi được giao làm biên tập phim. Những hiểu biết của tôi về quê hương Diễn Châu, về nhà thơ “Thăm lúa”, “Anh vẫn hành quân”… đều được tôi “diễn” thành thơ trong bài “Ở quê” sau khi tôi thấm thía rất nhiều về con người ông, thơ ông và nhất là thán phục một con người càng về quê, càng lớn tuổi, càng thu mình lại càng tỏa sáng, càng thu hút hiếm thấy. 

Tôi có thêm nhiều điều mang theo khi ông ân cần nói với một người võ vẽ làm thơ là tôi, người xưng cháu, gọi chú với ông, rằng “bạn vong niên là bạn khác tuổi, như chú với cháu”, rằng “cháu gom thơ mình lại, đưa chú đọc, coi ra răng”. Bạn thử nghĩ xem, một người viết trẻ, được một người đi trước tài năng, đức độ dìu dắt, động viên nhẹ nhàng, sâu nặng như thế… liệu có vững tin hơn, quyết liệt hơn trên con đường sáng tạo thi ca vốn không bao giờ dễ dàng cả?

-  Xa quê hương khi đã trưởng thành và thành danh, bước ngoặt đó có khiến anh bị xáo trộn không? Điều đó anh thể hiện trong thơ như thế nào?

+ Bạn có nhớ bài thơ Đường nổi tiếng “Hồi hương ngẫu thư” (Về quê, tình cờ ngồi viết) của Hạ Tri Chương? Thường thì mọi người rời quê đi tìm tương lai khi còn trẻ, về già mới tìm lại quê, còn tôi ngược lại, học hành xong về quê 30 năm, đến lúc 50 tuổi lại xa quê. Bởi thế mới có bài thơ “Ao quê”, trong đó có những câu “Trẻ tung bốn phương, già lần cố hương/ Tôi tìm điều gì phía trời xa lắc”. 

Tìm điều gì trong một môi trường mới khi mình không còn trẻ và liệu mình có tìm nổi không là một câu hỏi không dễ trả lời. Chỉ biết, tôi may mắn được làm những việc khó hơn, khác hơn, thú vị hơn, được đi xa hơn và vẫn tiếp tục làm thơ, viết báo như mình không thể khác. Và cũng may mắn là tôi thường xuyên về quê, nói đặc giọng quê, quen uống nước chè xanh, không chê sắn khoai nhà nên người làng không thấy lạ, chào hỏi râm ran và vẫn gọi tôi bằng cái tên thời chăn trâu, cắt cỏ và thật ít người biết tôi là… nhà thơ!

- Dự định trong năm nay của nhà thơ Bùi Sỹ Hoa như thế nào?

+ Tôi vừa trở lại Kỳ Sơn sau rất nhiều lần đến đó mà hầu như chỉ làm tin, làm báo; để rồi lần này “tỷ phú thời gian” có thể nghiền ngẫm để viết được bài ghi chép “Mây núi Kỳ Sơn” in báo Văn nghệ và bài thơ “Phu Xai Lai Leng”. Nghĩa là phải đi, phải tìm hiểu đến nơi đến chốn thì may ra mới có thể “làm được một điều gì đó” như lời thầy tôi nói năm nào. Còn dự tính thì nhiều, bạn ạ, nhưng cứ bí mật đã, tôi vốn rất khó nhọc, viết được ít khi cầm lấy bút mà?

Vân Khánh (thực hiện)
.
.