Nhà thơ Thạch Quỳ: Tác phẩm chưa có mới là giải thưởng của sáng tạo

Thứ Sáu, 25/06/2021, 11:41
Nhà thơ Thạch Quỳ tên khai sinh là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941, tại Đô Lương, Nghệ An, từng là giáo viên dạy toán cấp 3, sau chuyển sang công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An đến khi nghỉ hưu. Trong khi nhiều tác giả lấy số lượng thơ làm căn cứ cho lao động chữ nghĩa thì ông lại luôn cẩn trọng nhìn lại chính mình với cái nhìn có phần khắt khe, không dễ bằng lòng.


Một số tập thơ đã in của ông: “Tảng đá và nhành cây” (1973); Nguồn gốc cơn mưa” (thơ thiếu nhi 1978); “Con chim Tà vặt” (1985); “Cuối cùng vẫn một mình em” (1996); “Đêm Giáng sinh” (2004); “Bức tượng” (2010), “Thạch Quỳ - Tuyển tập thơ” (2018). Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với nhà thơ Thạch Quỳ xung quanh chuyện đời, chuyện nghề.

- Thưa nhà thơ Thạch Quỳ.  Các nhà thơ thường có những miền không gian cảm xúc để từ đấy thơ của họ cất cánh. Ông có thể chia sẻ vì điều này được không?

 + Tôi sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp. Thời tôi sinh là năm 1941, vùng quê ấy đang nguyên vẹn của thiên nhiên, như từ thuở hồng hoang. Cách nhà tôi khoảng 200 mét đã là rừng rậm, cây to 2-3 người ôm. Trên những cây to đó đủ các loài chim, hàng nghìn loài chim, hàng trăm loại cây ăn quả. Thiên nhiên tốt đẹp không thể tưởng tượng nổi. Riêng con chim cu ngay cạnh nhà tôi cũng đã có hàng chục loại rồi... Mênh mông chim. Buổi chiều chúng họp làng hàng trăm con ở trước cửa nhà. Trên một cành cây, những con chim cu đất cu vầy ấy đậu liền nhau, có những cành tới  4 - 5 chục con. Rồi bao loài hoa rừng nở, quả trên cành, cá dưới nước... Làm nên tâm hồn tôi chính là thiên nhiên cực kỳ đẹp đẽ ấy. 

Thời niên thiếu, tôi là người lao động nông nghiệp, hằng ngày chăn trâu cắt cỏ. Nhưng ở trong thiên nhiên ấy tâm hồn mình gắn bó với cái tươi đẹp đó. Lội trong bùn tôi cũng thấy nó bốc lên một cái mùi không bao giờ có thể quên được. Nhìn một ngọn cỏ đối với tôi cũng hoàn toàn khác. Trong thơ tôi viết  mấy bài về cỏ,  mỗi bài mỗi kiểu mỗi khác. Có đến cả trăm câu thơ viết về các loài chim loài cá: “Nước trong veo con cá quả no mồi/  lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa/ con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ/ nổi mắt tròn ngơ ngác nhận ra tôi; Hoa bưởi trắng quanh sân hoa nhãn đỏ bên đường/ trái mận tím chào mào bay rối rít/ chèo bẻo hót xanh trời trên ngọn mít/ tiếng vàng anh chín lựng trái xoan...”.

Nhà thơ Thạch Quỳ.

- Còn những người sống quanh ông thì sao, thưa ông?

+ Con người ở vùng quê tôi thuở ấy hầu hết đều mù chữ. Cha mẹ tôi cùng mù chữ. Cha tôi có tâm hồn nghệ sỹ, có thể ca hết vở tuồng này đến vở tuồng khác. Mẹ tôi có khả năng tính nhẩm cực nhanh và chính xác, thuộc rất nhiều ca dao dân ca và đặc biệt rất coi trọng sự học. Thế nên các anh em tôi đều học hành đến nơi đến chốn, khổ mấy cũng phải học, vì mẹ tôi không cho nghỉ giữa chừng. 

Sống giữa những người nông dân mù chữ ấy, tôi thấy họ rất tinh tế nhạy cảm và có một chủ nghĩa nhân văn không nói ra lời, nằm trong cách ứng xử vô cùng tế nhị.. Trong cái thế giới không biết chữ ấy, họ đi cũng rất nhẹ gót, ngồi cũng rất ý tứ, ăn coi nồi ngồi coi hướng, định nói câu gì thì phải xem có mếch  lòng có động chạm người này người khác hay không. 

Có một chị đi cấy thuê cho nhà tôi, mù chữ rách nát lắm, nhưng khi mẹ tôi hỏi: “Mự ăn mấy bát thì no?”, người nông dân rách nát, mù chữ ấy trả lời: “Chị ạ, cả đời tôi có biết no là gì đâu. Nhưng mà tôi cùng ngồi ăn với mọi người, thấy họ dậy cả rồi thì tôi ăn thêm nửa bát nữa là tôi dậy”. Ăn thêm nửa bát chứ không ăn thêm một bát. Bởi vì nếu ăn thêm một bát thì thời gian ăn thêm dài quá, hóa ra thiếu tế nhị. Nhưng nếu không ăn thêm nửa bát thì mình còn đói. Chi tiết này khiến tôi rất cảm động. 

Tôi không nói mù chữ thì tế nhị hơn biết chữ, nhưng sau này tôi sống với những người biết chữ tôi thấy có người không bằng họ. Cho nên nhiều khi tôi cứ nghĩ không khéo chữ nghĩa làm hư con người. Dù không hề biết chữ, nhưng những người Việt ở trong làng xã, qua lịch sử đã hình thành một nhân cách, một nền văn hóa tốt đẹp ở ngay trong tâm hồn con người. Còn sau này chúng ta luôn luôn nói là giáo dục tư tưởng này giáo dục đạo đức nọ, nhưng chúng ta vẫn không có được những cái tinh tế, những vẻ đẹp nhân văn tế nhị ẩn chứa im lặng trong tâm hồn của những người mù chữ đó.

- Thưa nhà thơ Thạch Quỳ. Mỗi nhà thơ có một quan niệm về thơ, về nghề viết. Với bản thân nhà thơ Thạch Quỳ thì sao?

+ Thơ là tiếng nói riêng của cảm xúc của tư duy, là sản phẩm tinh thần của một cá thể. Tất nhiên nó phải mang dấu vết tâm hồn, cá tính, phong cách của chính    người viết đó. Cho nên tác phẩm văn học luôn luôn phải có tính riêng biệt. Nhưng vấn đề của văn học thì lại là vấn đề chung của xã hội và của cả loài người. Chỉ có sự khám phá của từng nhà thơ, nhà văn, cách khai thác, cách tiếp cận, cách trình bày -  những cái đó là cảm xúc riêng, sáng tạo riêng không ai giống ai.

 - Nhà thơ Thạch Quỳ nhấn mạnh đến yếu tố riêng, yếu tố cá nhân trong sáng tạo của người viết. Có ý kiến cho rằng bản thân ông rất khắt khe với lao động văn chương. Ông nghĩ như thế nào về nhận xét này?

Ta trở lại quan niệm của cụ Nguyễn Du một chút. Cụ không phát biểu riêng về lý luận sáng tác, không tìm được cụ nói gì ở đâu, nhưng đọc cả Truyện Kiều thì ta có thể gặp hai câu: “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngủ trong tính tình”. Nếu trong lòng của nhà thơ nhà văn không có sự ngổn ngang bề bộn, tư duy đa chiều day dứt, trăn trở trước cuộc sống thì không có lý do gì để cầm bút viết ra chữ nghĩa. Vì nếu viết ra thì nó không có nội dung, nó rất vô hồn. Thế nên theo quan điểm của cụ Nguyễn Du thì yếu tố đầu tiên của người sáng tác phải là “Ngổn ngang trăm mối bên long”. Sau đó muốn “Nên câu tuyệt diệu” thì phải “ngủ trong tính - tình”, tính là cá tính, còn tình tức là tâm hồn tình cảm. Cả tính và tình đều mang sắc thái riêng biệt của người viết ấy, không trộn lẫn với ai. 

Tất nhiên cụ Nguyễn Du không dạy ai, nhưng bản thân Truyện Kiều là một tác phẩm lớn, nếu biết nghiên cứu thì cũng có thể học hỏi ở đó khá nhiều điều. Chẳng hạn như cụ Nguyễn Du rất để ý đến tính chân xác của từng câu từng chữ. Khi cụ viết “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ long” tức là nói sự xa cách nhớ nhung giữa hai người, nhưng lại lấy hình ảnh cái ngó sen. Đó là một hình ảnh có thực của đời sống, nhưng không phải ai cũng gọi tên ra được. Nó đòi hỏi sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc và được diễn đạt đầy tài hoa mà vẫn cụ thể, chính xác. Đây là những chi tiết ta phải học cụ Nguyễn Du, học trong ca dao tục ngữ, học trong sách vở, học từ đời sống, đủ mọi thứ...  Nghĩa là muốn làm một nhà văn nhà thơ, đầu tiên phải làm học trò. Đâu đâu cũng có thầy cả. Khó nhất ở chỗ có biết tìm cái mà học hay không. Muốn học cũng phải sắc sảo nhận biết, biến cái học được thành cái riêng của mình... 

- Thưa nhà thơ Thạch Quỳ. Nỗi “ngổn ngang trăm mối” trong thời đại của cụ Nguyễn Du là khác còn với nhà thơ Thạch Quỳ thì sao, điều gì buộc ông phải trăn trở và tìm cách thể hiện những trăn trở đó?

 + Với một nhà văn nhà thơ, một trí thức hay một công dân bình thường thì “ngổn ngang trăm mối” ấy cần dành cho suy nghĩ về cuộc sống chung của cả dân tộc mình. Trong lịch sử, đất nước ta phải đối đầu với những cuộc xâm lăng, phải thực hiện những cuộc kháng chiến trường kỳ, rồi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với bao khó khăn nhọc nhằn, cho nên tôi lo nghĩ nhiều về các vấn đề của nhân sinh, vấn đề xã hội, những vấn đề thuộc về tâm hồn con người. 

Tất nhiên trong cuộc sống riêng tư của mỗi người thì cũng có cả trăm mối, nhưng có lẽ cũng không đáng kể bằng trăm mối ngổn ngang của cả một dân tộc mà một nhà văn cần phải quan tâm. Tôi chỉ muốn nhìn nhận các vấn đề, phản ánh các vấn đề đó, đóng góp suy nghĩ riêng biệt của mình. Mà bản chất của văn học là triết mỹ. Mục tiêu của văn học luôn hướng đến những giá trị, góp phần hình thành một quan hệ xã hội tốt đẹp, hình thành những giá trị thuộc về nhân cách con người ở tầm cỡ thế giới. Tất cả tâm hồn, tư duy và trí tuệ nhà văn chỉ nên tập trung vào hai yếu tố đó.

- Từng được nhận những giải thưởng thơ, quan niệm của ông về giải thưởng văn chương?

+ Giải thưởng là do một nhóm người nào đó chấm. Anh được giải thưởng có nghĩa đó là sự công nhận của nhóm người đó, ban giám khảo đó. Ban giám khảo này cho tác phẩm này được giải Nhất còn nếu ban giám khảo khác thì họ lại cho tác phẩm khác giải nhất. Như vậy giải thưởng phụ thuộc vào trình độ ban giám khảo. Thế nên tôi khó mà tự hào về các giải thưởng đã đạt được. Giải thưởng nói cho cùng là của mỗi nhà văn thì tự nhà văn đó biết. Biết ở đâu? Biết ở chỗ là cái chưa làm được. Cái làm được thì đã hiển thị trên giấy, thời gian sau suy ngẫm lại sẽ nhận ra hạn chế này hạn chế kia của chính mình. Không có giải thưởng nào mà nhà văn thật sự bằng lòng cả. Cho nên cái chưa viết, cái còn đang ấp ủ – cái đó là giải thưởng của sáng tạo, tức là tác phẩm chưa có ấy.

- Một góc nhìn rất thú vị. Xin cảm ơn nhà thơ Thạch Quỳ về cuộc trò chuyện này! 

Anh Thư (thực hiện)
.
.