Thanh xuân của một gia đình cảnh vệ

Thứ Năm, 09/03/2023, 07:11

Nhớ lại kỷ niệm đám cưới của ông và bà trong rừng. Đêm ấy, rừng ngập ánh trăng, những tàng cây cứ sáng như loáng nước long lanh đong đưa trong gió nhẹ, đêm như được lọc qua tấm thủy tinh trong suốt, các loài côn trùng hình như cũng đang hoan lạc trong ánh trăng, cất những giai điệu đêm đầy phấn khích, ông bà nắm tay nhau ngồi vắt vẻo trên hai cánh võng mắc song song, ánh trăng như vuốt ve cả hai, đổ lên lấp lánh bụi vàng bạc.

1.

Qua khỏi Đồn Biên phòng Xa Mát, đường đến Chàng Riệc xuyên qua những khoảng rừng già với nhiều cây cổ thụ hai, ba người ôm không xuể, tán che kín trời. Con đường xuyên rừng giống một dải mây uốn lượn chia thảm lá rừng thành hai trảng xanh nao lòng, trong lơ mơ tưởng tượng bay bổng, giống một sợi dây lụa trắng ngà mảnh mai vắt trên thảm lá rừng làm dấu, với hai đường biên là bầy lá cỏ hoang dại cùng những bông hoa xinh xinh đủ màu, để lữ khách đến với rừng ngoạn cảnh, không thể vội vã hối hả, không thể mạnh bạo dằn dữ bước chân, không thể ồn ào vọng động…, để những sợi tơ cảm xúc lắng nghe và thu trọn âm thanh đa cung bậc, màu sắc tuyệt mỹ, cảm nhận những ưu vật kỳ ảo tạo tác của thiên nhiên ban tặng mang tên "rừng". "Rừng biên giới", "Rừng anh hùng", "Rừng chiến khu", "Rừng in dấu chân người lính", "Chiến khu R"..., có biết bao tên gọi được dành cho Chàng Riệc.

"Rừng hát, gió lay trên cành biếc, lao xao, rì rào, dòng suối uốn quanh, làn nước trôi trong xanh…", câu hát cứ như một dòng âm thanh mềm mại cuốn theo từng bước chân khi Hiếu được buông thả mình vào không gian xanh biếc của nhiều tầng cây lá điểm xuyết sắc màu rực rỡ các loài hoa cỏ dại, ríu ran muôn ngàn tiếng chim hót, ve ngâm, và thảng đâu đó mơ hồ có tiếng róc rách của suối ngàn trong khu rừng thiên nhiên còn mang nét hoang sơ Lò Gò, Xa Mát. Là một chàng trai thuộc thế hệ Gen Z, 25 tuổi, cao lớn, đầy chất "nam thần" mạnh mẽ thuộc đơn vị cảnh vệ 180B, mà sao Hiếu muốn tan ra trong làn gió hây hây mơn trớn mềm mại, tan ra trong vạt nắng mật trong vắt thủy tinh, tan ra trong sắc xanh mê mải của muôn ngàn triệu mắt lá rừng hun hút cao, hun hút sâu… Có chút giật mình, Hiếu tự hỏi, sao lại có những khoảnh khắc cảm xúc kỳ lạ vậy. Ừ, mà không gian thanh bình êm ả đến thế...

Hiếu và một nhóm Cảnh vệ đồng đội đang có chuyến đi "về nguồn", thắp lửa truyền thống, để hiểu biết hơn về những chiến tích oai hùng của lực lượng Cảnh vệ thời chiến tranh. Buổi trưa sau bữa ăn "phục dựng" cơm dã chiến ngày xưa, cơm nắm, muối mè, nước lọc trong các bi đông quân đội, cả nhóm rủ nhau ra ngồi dưới gốc cây Kơnia ngàn tuổi, rễ lượn như sóng trên mặt đất, nghe nói cây đã được xếp hạng "Cây di sản" quốc gia.

- Lần đầu tôi mới được đến đây. Rừng đẹp đến ngất. Không ngờ, ngoài kia nắng như lửa nung lò gạch, mà đây mát lịm - Một Cảnh vệ trẻ thuộc Đoàn 180 từ ngoài Hà Nội vào trầm trồ…

-  Tôi thì đến đây không biết là lần thứ mấy. Từ 3 tuổi, năm nào cũng mấy lần ba đưa đến đây - Hiếu nhìn cả nhóm bạn có chút khoe khoang...

-  Ồ, thích thế. Đúng là các cậu ở trong Nam có khác.

- Mà sao lại đến đây nhiều thế - Một cậu bạn khác hỏi.

- À, khu rừng này là nơi ông nội tôi đã hy sinh. Lúc đó ông là Cảnh vệ Miền - thuộc C80 (sau là Đoàn 180) An ninh vũ trang bảo vệ các lãnh đạo của Trung ương Cục R. Ba đưa tôi thắp nhang viếng linh hồn ông và các đồng đội của ông ngày xưa.

- Ừ, đúng rồi, lúc nãy khi thắp hương chỗ Đài tưởng niệm hương linh 14.000 liệt sĩ trên đồi 82, chưa biết gì nhiều về nơi này mà tôi cũng rưng rưng.

- Lúc tôi còn bé thì chưa xây đài tưởng niệm… Mà ở đó là hương linh liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Mà này, trong đó có gần 700 liệt sĩ là người Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Ba tôi cũng có mấy chú bác hy sinh trong cuộc chiến biên giới… Ba cũng trong Đoàn 180B đó. Giờ thì tới tôi.

- Ô, nhà cậu ba thế hệ Cảnh vệ? Độc à nha. Một nhà Cảnh vệ, chắc nhiều chuyện hay lắm.

- Ừ, Ba kể cho nghe nhiều lắm về ông nội và đồng đội xưa trong chiến tranh ở khu rừng này. Mỗi lần đưa tôi đến đây, ba lại kể cho nghe. Mà ngày xưa, thời ông nội, các câu chuyện nghe cứ như huyền thoại. Họ không như mình hôm nay, vũ khí so với Mỹ thì cứ y như "nhà ngói"- "nhà tranh", mà Mỹ còn có máy bay, xe tăng, bo bo giang thuyền… Thế mà ông và đồng đội "chiến" được hết. Thần sầu luôn.

- Kể lại chúng tôi nghe với.

- Này, ngay thời ấy, các ông đã bảo vệ nhiều khách và đoàn khách nước ngoài vào tận đây, để xem, để nghe, để hiểu hơn cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam chống Mỹ.

- Thật tò mò, hồi ấy họ đã bảo vệ khách nước ngoài thế nào? Đâu, cậu kể đi… Háo hức quá…

2.

Những cánh rừng phía Bắc Tây Ninh - Thánh địa của kháng chiến, chống Mỹ cứu nước, thuộc thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, với những địa danh nghe tên như thần thoại: Rùm Đuôn, Chàng Riệc, Lò Gò, Đa Ha, Tà Xìa, cùng với các con suối Tiên Cô, suối Chò, sông Sà Mách, trảng A Lân, trảng Tà Nốt… Dưới tán rừng ấy, có thể cảm nhận mỗi mái lá trung quân, mỗi khoảng rừng săng lẻ, đều ẩn chứa biết bao câu chuyện, bao huyền thoại của một thời gian lao mà anh dũng chiến đấu của các chiến sĩ Đoàn 180. Cả thanh xuân của họ cống hiến cho nơi này, bảo vệ Trung ương Cục an toàn, để từng câu chuyện của họ đều như thần tích.

2abf0dd71dd2c08c99c3.jpg -0
Minh họa: Đặng Tiến

Đây cũng là khu vực biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, nơi suốt 15 năm từ 1960-1975, vùng đất chiến khu là "túi bom" của pháo đài bay B52 và nhiều loại máy bay ném bom hạng nặng của quân đội Mỹ, chưa kể hàng trăm trận càn dữ dội nhằm xóa trắng Trung ương Cục - đầu não lãnh đạo Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Căn cứ Trung ương Cục đã đi vào lịch sử với biệt danh bất tử là "R". Từ "R", các lãnh đạo cuộc cách mạng đã chỉ đạo làm nên chiến thắng, từ "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Chiến tranh phi Mỹ hóa và Việt Nam hóa" đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng. Những tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam ngày đó gọi "R" là "Nhà trắng và Lầu năm góc của Việt Cộng giữa rừng già".

Theo lịch sử truyền thống Đoàn 180, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Ðoàn 180 luôn vững vàng bám trụ, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực và du kích địa phương hình thành một vành đai đánh địch. Mặc cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù, quyết tâm đánh bại hàng trăm trận càn lớn nhỏ và mọi âm mưu, thủ đoạn của Mỹ - Chính quyền Sài Gòn, để bảo vệ nhân dân, bảo vệ an toàn Trung ương Cục miền Nam.

… Ờ thằng cháu nội đích tôn mình hôm nay cùng mấy thằng nhỏ ngoài Hà Nội vô, đang nói về ông. Ờ, mà cũng nơi cánh rừng này, trong trận càn Junction City năm 1967, mình đã gặp bà nội nó, là sinh viên năm cuối trường Đại học Y Sài Gòn, tham gia hoạt động phong trào bị lộ, nên vào cứ, và được điều về đơn vị ông tăng cường. Trận đó mình bị thương nặng, hàng chục vết thương bằm nát thân thể với hàng chục mảnh đạn, mảnh bom găm trong người, tưởng chừng không xong, vậy mà bà ấy cùng cả cái tổ quân y dã chiến tỉ mỉ gắp từng miếng kim loại, khâu vá từng mảnh da, cứu được ông, còn trả ông về đơn vị khỏe mạnh, tiếp tục chiến đấu. Ông nhớ, lúc về lại đơn vị ông đã thương thầm cô bác sĩ sinh viên Sài Gòn đó, nhớ từ giọng nói dỗ dành ông ăn, nhớ bàn tay cô nhẹ nhàng thay băng đặt thuốc, nhớ tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của cô mỗi sớm mai.

Nhưng để được gần cô bác sĩ, phải đợi đến lần ông nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối chuyến thăm "R" của nữ nhà báo Báo Nhân đạo của Ðảng Cộng sản Pháp, vì ông rất giỏi tiếng Pháp, từng là dân học trường Tây thuộc địa ngày xưa. Và cô bác sĩ cũng giỏi tiếng Pháp, được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và giúp bà làm quen sinh hoạt trong chiến khu như một cận vệ thân cận…

Mà nghĩ cũng vui, nữ nhà báo Pháp đó từng là du kích chống phát xít Đức trong Thế chiến 2, nên việc đối mặt với bom đạn, với gian khổ thiếu thốn, đều không làm khó được bà, ngược lại, bà luôn muốn tiếp cận thật gần, không chịu xuống hầm tránh, mặc bộ quân phục Quân Giải phóng, đội chiếc nón tai bèo hay cái nón cứng, đạp xe luồn ngang dọc trong rừng… Ông và cô bác sĩ chở nhau trên một chiếc khác chạy theo bà có khi muốn hụt hơi, sợ nhất lúc bà cao hứng vừa chạy xe vừa hát líu lo, nhỡ không để ý kịp tránh mấy cái hố bom sâu hoắm.

Sau đó, những bài phóng sự "Ba tháng trong rừng rậm" của bà, mang không khí chiến sự nóng hổi, được viết từ "tâm" cuộc chiến đã cho thế giới biết về một cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập - chủ quyền - tự do - hòa bình của Việt Nam. Khi Đài Phát thanh Giải phóng đọc lại, ông và đồng đội cùng nghe, thấy vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ lại kỷ niệm đám cưới của ông và bà trong rừng. Đêm ấy, rừng ngập ánh trăng, những tàng cây cứ sáng như loáng nước long lanh đong đưa trong gió nhẹ, đêm như được lọc qua tấm thủy tinh trong suốt, các loài côn trùng hình như cũng đang hoan lạc trong ánh trăng, cất những giai điệu đêm đầy phấn khích, ông bà nắm tay nhau ngồi vắt vẻo trên hai cánh võng mắc song song, ánh trăng như vuốt ve cả hai, đổ lên lấp lánh bụi vàng bạc. Ừ, nếu như không nghe thi thoảng tiếng pháo từ xa xa vọng tới, nếu như không có một vài ánh hỏa châu chớp lóe góc cánh rừng, thì có lẽ khu rừng đêm trăng là tiên cảnh…

Ông nhớ những lần bảo vệ các vị khách nước ngoài vào thăm căn cứ "R" huyền thoại như: Phóng viên Báo Sự thật của Đảng Cộng Sản Liên Xô, đoàn Báo chí - Nhiếp ảnh - Truyền hình Trung Quốc, nhà báo Úc, nhà báo Báo Nhân đạo của Ðảng Cộng sản Pháp, nhà văn - nhà báo Ba Lan, đoàn báo chí Triều Tiên, đoàn báo chí Cuba... Và cho dù có nhiều lần các đoàn khách bị hứng pháo bầy, bị dính bom, thậm chí có lần suýt bị thám báo quân đội Sài Gòn và lính biệt kích Mỹ phát hiện, tưởng chừng bị rơi vào vòng vây của chúng...

Nhưng nhờ sự thông minh, mưu trí, nhạy bén phán đoán tình hình, nắm vững địa hình, nắm rõ quy luật cũng như các chiến thuật tác chiến của địch, ông cùng đồng đội đã biến nguy thành an, từ bị động thành chủ động, vừa bảo vệ an toàn đoàn khách, vừa tấn công tiêu diệt địch. Tất cả những điều đó đã được các nhà báo nước ngoài "thu" không sót chi tiết nào, và họ đã cho cả thế giới xem - nghe về cuộc kháng chiến thánh thần của quân và dân ta, được sự ủng hộ của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình ủng hộ. Đó cũng là chiến công của ông và đồng đội.

Cho tới giờ, sau gần nửa thế kỷ, mà ông vẫn không thể quên cái buổi chiều hôm đó… Chiều nhạt nắng rừng, bên con suối Chò mùa nước cạn, in bóng lá trong xanh tới đáy nước, những tảng đá lô xô rêu trơn mượt, Bến tắm tiên của các nữ chiến sĩ trong "R", lao xao trong gió tiếng con gái cười đùa vọng vang rừng. Rồi bỗng ào ào tiếng trực thăng Mỹ đổ quân, một cuộc chiến đấu giữa các nữ chiến sĩ với quân Mỹ, sau cùng lớp hy sinh, lớp kịp lui vào rừng sâu, riêng một nữ chiến sĩ do mắt bị cận, rơi kính, nên bị bắt... Ông không thể quên cũng buổi chiều hôm sau, bọn Mỹ lại cho trực thăng bay vè vè, loa kêu Quân giải phóng ra đầu hàng, không chúng sẽ làm nhục người nữ chiến sĩ đó. Bất chợt nghe tiếng súng rộ lên từng loạt dài, tiếng bọn Mỹ hò hét. Người nữ chiến sĩ đã lao ra khỏi máy bay, quyết hy sinh không để ảnh hưởng tinh thần đồng đội.

Tháng 4/1970, quân đội Sài Gòn và Mỹ đã huy động một lực lượng khổng lồ, tổ chức chiến dịch đánh vào căn cứ Trung ương Cục tại biên giới Campuchia giáp Tây Ninh, âm mưu bóc trắng toàn bộ Trung ương Cục. Một cuộc chiến không cân sức. Để bảo vệ Trung ương Cục, ta đã cho rút toàn bộ cơ quan sâu vào rừng phía Campuchia, nhưng để an toàn trong cuộc rút quân đó, một phần quân số lực lượng an ninh vũ trang Đoàn 180, trong đó có ông đã ở lại khu rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn, đương đầu với địch, đánh lạc hướng. Ông cùng đồng đội dùng chiến thuật nghi binh, tạo lập thành một trận địa giả, kết hợp cùng lúc nhiều loại vũ khí từ AK, cối DKZ, B.40, B.41, cả M79 của Mỹ, rồi mìn, lựu đạn..., để không cho địch biết chính xác lực lượng của mình. Họ đã kiên cường bám trận, tổ chức nhiều cuộc tấn công quân địch theo nhiều chiến thuật kết hợp, bắn tỉa, gài mìn, đánh cấp tập bất ngờ vào chỗ chúng trú quân…

Ông cùng đồng đội ngoan cường chiến đấu. Mỗi ngày quân số hao hụt dần, từng người từng người hy sinh, tay vẫn cầm chắc súng… Khi quân Mỹ phát hiện ra, gần như đánh vào rừng trống, không thấy bóng Trung ương Cục đâu, lại bị thiệt hại quá nhiều nên chấm dứt chiến dịch trong sự thừa nhận thất bại với Tổng thống Mỹ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ông là người sau cùng của đơn vị bám rừng chiến đấu chứng kiến cảnh trực thăng bốc quân rút về Sài Gòn, rồi cũng lịm dần lịm dần, trước lúc chìm vào khoảng mênh mông. Ngày hôm sau B52 của Mỹ tới rải bom, gần như cả khu rừng bị cày xới tan hoang. Ông cùng đồng đội đã tan vào đất đá cỏ cây rừng Tây Ninh…

3.

- 0 giờ ngày 25/9/1977, khi ấy ba mới 9 tuổi, nhưng ký ức chưa bao giờ phai mờ. Hôm đó được bà nội cho lên Khu Trung ương Cục thắp nhang ông nội, rồi nửa khuya, nghe tiếng súng tiếng lựu đạn nổ ran trời, bà nội ôm chặt ba, nói trong bàng hoàng: "Mình mơ hay tỉnh", hổng lẽ hôm qua thắp nhang rồi mơ thấy chiến tranh… Nhưng đâu phải, chiến tranh thật rồi"… Và ba cùng bà nội đã chứng kiến các chú các bác tại cửa khẩu Xa Mát, bắt đầu một cuộc chiến mới, trận đầu tiên của cuộc chiến biên giới Tây Nam, với lời thề đầu ngọn súng "Một tấc không đi, một li không rời", "Quyết tử bảo vệ biên giới",… đối đầu không cân sức với bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary.

-  Sao ba và bà nội không về lại Sài Gòn?

- Trời! Bà nội con đó, máu chiến binh từ trong rừng ngày xưa, khi thấy các chú bác chiến đấu, ra chiến trận liền, để giúp băng bó cứu chữa mấy chú bác, người dân bị thương. À lúc đó, bà nội gửi ba cho mấy chú nuôi quân, cạnh đó có hầm từ thời chiến tranh, và cũng an toàn hơn vì còn sâu phía trong. Lúc đó đâu có điện thoại như bây giờ mà gọi nhắn nhe gì. Đường đi cũng trầy trật, đâu đẹp như đường băng mà ào cái về tới Sài Gòn.

- Hồi đó các chú bác đánh có giống ông nội ngày xưa không?

- Không. Lúc đó ba còn bé, nhưng nghe các chú bác nói với nhau. Đánh bọn này khó. Vì đối phương từng là bạn thân thiết với mình, từng biết hết các chiêu thức, từ chiến thuật tác chiến đội hình đến các chiến thuật cá nhân, rồi trang thiết bị vũ khí, quân trang quân dụng của họ cũng y chang như mình…

- Rồi các chú bác đánh làm sao?

- 7 ngày đêm bị bao vây bốn phía, các chú bác Đoàn 180B của ông nội con, lấy kinh nghiệm thời trước đánh Mỹ, và các chiến sĩ Trạm Biên phòng 27 (nay là Ðồn Xa Mát), chiến đấu trong điều kiện hầm hào, công sự bị ngập nước, mùa mưa mà, lương thực, đạn dược ngày càng cạn kiệt. Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia bị bọn Pol Pot - Ieng Sary đánh úp mình, nên việc tiếp viện không kịp. Nhưng tất cả đã kiên cường bám trụ, không rời bỏ vị trí. Ai cũng hiểu không thể mất một ly mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc, nên quyết bám đất đến cùng. Nhiều chú bác là đồng đội của ông nội đã hy sinh trong trận. Thương nhất là các chiến sĩ biên phòng, họ đều còn rất trẻ, có người chỉ mới 18-20 tuổi.

- Rồi sao ba lại nhập ngũ? Rồi lại là Cảnh vệ?

- Năm ba nhập ngũ 18 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 12, trốn bà nội ghi tên tình nguyện trên phường đội. Ba muốn giống ông nội, muốn được đi bảo vệ biên cương. Ui, bà nội hay tin, không nói gì. Nhưng rồi ba lại được bên Công an tuyển quân đưa về Đoàn 180B, Cảnh vệ. Bữa tiễn ba lên đơn vị, bà nội chỉ nói mỗi câu, làm sao cho xứng đáng với ông nội con.

- Kể tiếp đi ba…

- Ờ, khi đó ba lại được cho đi học đào tạo nghiệp vụ ở Liên Xô, rồi về đơn vị chuyên bảo vệ VIP, cả ta lẫn nước ngoài.

- Con muốn ba kể cho nghe chuyện của ba hồi đó, xem có rút kinh nghiệm gì cho bọn con bây giờ.

- Cả thanh xuân, cả cuộc đời của ba là thuộc về ngành Cảnh vệ. Ba yêu nghề, ba yêu công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự rất phức tạp. Không chỉ là chuyện bảo vệ an toàn cho các VIP, cho mọi sự kiện quốc gia, mà còn là đại diện - là đại sứ đặc biệt với khách nước ngoài để họ ấn tượng đẹp về đất nước mình. Mỗi lần đưa con về Tây Ninh, nơi ông nội con hy sinh ngày xưa, thắp nhang ông, ba luôn cảm giác ông nội mỉm cười hài lòng về ba.

- Ba kể con nghe một kỷ niệm của ba về nghề đi… Cho bọn con học hỏi.

- Thời của con bây giờ nhiều ưu việt. Không chỉ các kiến thức kỹ thuật chuyên môn ngày càng nâng cấp độ cao, tinh nhạy, hiện đại, phản ứng nhanh…, mà ngay việc các con thuần thục nhiều loại vũ khí trang thiết bị chuyện dụng hiện đại, vũ khí công nghệ…, cũng là một cái hơn thời của ba nhiều.

Ờ, kể cho nghe kỷ niệm khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam thăm chính thức. Ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc. Sau khi rời Hà Nội thì vào TP Hồ Chí Minh. Ba còn nhớ, trước khi họ vào TP Hồ Chí Minh, thì đơn vị Cảnh vệ phía Nam đã phải trải qua một đợt tập huấn đặc biệt. Chưa hết, còn phải liên tục tập xử lý các tình huống, từ ám sát, nổ bom cảm tử, bắt cóc con tin, gây rối trật tự… để tạo phản xạ thuần thục xử lý. Trước đó nữa, công việc tiền trạm phía Mỹ cũng đưa ra rất nhiều điều kiện về việc an ninh. Họ đặt ra các câu hỏi về tình huống, đề nghị lực lượng an ninh Việt Nam làm rõ, để thống nhất phương án phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh cho đoàn Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ được Bộ Công an giao nhiệm vụ này, và Cảnh vệ còn phải phối hợp cùng các lực lượng khác, lên kế hoạch, phương án tổng thể, xây dựng các phương án chi tiết bảo vệ, phân công nhiệm vụ cụ thể, chế độ thỉnh thị, báo cáo…

Tháp tùng Tổng thống Mỹ còn cả một đoàn hùng hậu, ngoài các nhà tài phiệt của nhiều ngành công nghiệp muốn tìm đến thị trường Việt Nam, thì riêng lực lượng bảo vệ gồm mấy thành phần: An ninh cận thân - vệ sĩ, an ninh của Bộ Ngoại giao, an ninh Hải quân Mỹ, FBI… Rồi họ đặt rất nhiều yêu cầu khắt khe với Việt Nam như phải có trực thăng của họ tháp tùng trên cao, cho họ bố trí lực lượng bắn tỉa, yêu cầu cho mang theo 30 súng ngắn, vài cơ số tiểu liên vào những nơi hội đàm với Việt Nam… Rồi cấm đường từ 4-5 giờ trên các tuyến đường đi qua, hàng quán hai bên đường đóng cửa, các nhà có cửa sổ nhìn ra đường phải đóng cửa…

- Sau cùng thì sao? Mình có theo ý họ không ba?

- Theo là theo thế nào. Mình có chủ quyền của mình, có quyền chủ nhà của mình. Nhưng không thể cứng rắn như thời chiến tranh - đối đầu, mà là sự mềm dẻo của công tác ngoại giao, xếp lại hận thù, hướng tới tương lai.

- Vậy mình "mềm dẻo" các điều kiện của họ ra sao ba?

- Cũng phải mất nhiều cuộc trao đổi giữa Cảnh vệ mình và phía họ, cũng cứng mềm dĩ hòa vi quý đủ cả. Sau cùng thì mình cho phép trực thăng họ đậu ở sân bay của mình (có biến thì mới tính), súng ngắn thì cho 5 vệ sĩ Mỹ mang 5 cây với 8 viên đạn 1 băng, không cho mang tiểu liên vào các phòng họp, chỉ được phép ngồi trên xe ở bên ngoài. Mình cũng từ chối cho họ triển khai các tay súng bắn tỉa của Mỹ. Rồi ta chỉ cấm đường lúc xe của đoàn họ đi qua, sau đó thì mọi sinh hoạt đường phố bình thường.

- Thế lúc ở TP Hồ Chí Minh có gì đặc biệt?

- Máy bay Tổng thống đáp xuống lúc 2 giờ sáng, vậy mà dân TP Hồ Chí Minh thức khuya đón, đứng đặc hai bên đường từ Tân Sơn Nhất về tới quận 1, tay cầm quốc kỳ hai nước, vẫy chào. Lực lượng bảo vệ phía Mỹ cũng bất ngờ, không nghĩ khuya vậy mà đông thế, nhưng phía ta thì không, vì chính chúng ta để cho người dân "xuống phố" đón, cho họ cảm thấy sự mến khách của thành phố. Vui nhất là lúc ổng đi bộ đến Bảo tàng Mỹ thuật, bắt tay người dân một cách vui vẻ thân thiện. Buồn cười nhất là mấy tay vệ sĩ Mỹ đi theo, cứ nằm bò ra nhìn phía dưới lòng đường… Chẳng là trước đó, ở các tuyến đường đi qua các nắp cống đều được yêu cầu hàn chặt lại, mà khúc này thì không nằm trong lịch trình.

- Vui ha. Khác với những lần bọn con đón các nguyên thủ quốc gia dự APEC ở Đà Nẵng. Cũng nghiêm ngặt, nhưng công nghệ 4.0 đã thay thế nhiều việc, giờ là bảo vệ từ xa, thậm chí theo dõi bằng vệ tinh…

- Sau lần đó, phía an ninh Mỹ và Văn phòng Tổng thống Mỹ thật sự rất nể Cảnh vệ Việt Nam. Mọi công tác bảo vệ tưởng như rất giản đơn nhưng rất chặt chẽ, mọi việc nhẹ nhàng diễn ra bình thường như không nhưng thật sự chi tiết tỉ mỉ không sót bất cứ gì.

4.

Về khuya rừng Lò Gò, Xa Mát, nơi Trung ương Cục đóng quân ngày xưa, Hiếu và các bạn hình như vẫn tràn đầy những cảm xúc của đêm lửa trại vừa diễn ra. Bao câu chuyện về Đoàn 180 trong chiến tranh chống Mỹ, trong cuộc chiến biên giới Tây Nam của các cựu chiến binh đã đọng lại trong họ nhiều ý nghĩa đẹp. Trong ánh sáng lửa dần tắt, trong cái hư hư thực thực khi màn sương đêm ở rừng buông xuống trắng mờ, có lúc tưởng chừng như đang xuyên không về hơn nửa thế kỷ trước, đang ngồi bên những người chiến sĩ Đoàn 180… Và trong lúc lửa tàn, cả khu rừng như chìm trong một màn đen huyền hoặc, thấp thoáng những bóng người tan vào phía sâu hút rừng đêm trong ánh trăng non. Chợt nhớ hồi sáng Hiếu cùng các bạn đã nghiêm cẩn và xúc động lặng người trước đài tưởng niệm hương linh các liệt sĩ.

Bình minh rừng ngày mới trong trẻo, thanh khiết, nhẹ bẫng. Trên những vòm cây ríu rít tiếng chim hót như đánh thức bao mắt lá đang bừng lên trong ánh nắng ban mai, gió như có như không bâng khuâng lướt qua. Ngồi trong chiếc lán lợp lá trung quân, nghe gió riu riu qua các tàng cây, lá hứng gió như ngàn triệu quạt mát, chút tĩnh lặng phiêu du lắng nghe những âm thanh rừng… Một khu rừng bình yên. Nhưng sâu thẳm, rừng giấu trong mình bao huyền thoại thời chiến tranh, huyền thoại của những chiến sĩ Cảnh vệ Đoàn 180 anh hùng.

Có một niềm tự hào trong Hiếu về ông nội, về ba của mình, tự hào thanh xuân của một gia đình Cảnh vệ. Và Hiếu cũng thầm hứa sẽ thật xứng đáng với kỳ vọng của ông nội, của ba, thuộc thế hệ Cảnh vệ mới của Đoàn 180 danh tiếng.

Truyện ngắn của Hoài Hương
.
.