Con sâu

Thứ Năm, 09/02/2023, 17:12

Biết con và chồng đi vận chuyển hàng lậu ở vùng núi Khe Đá, vợ Hấn Phèo cả đêm thấp thỏm, lo âu, ruột gan như có muối xát đau rát, đứng ngồi không yên. Chị thắp hương hết cây này đến cây khác, lầm rầm cầu trời khấn phật linh thiêng phù hộ, độ trì cho bé Hà được an lành. Hễ có tiếng chó sủa ở đầu xóm hay cuối làng là chị lại hồi hộp, ngóng trông và thầm mong đó là tiếng bước chân của bé Hà đang trên đường về.

Mỗi lần Thanh về thăm nhà là bé Hải lại sà vào lòng anh. Miệng nó chúm chím, xinh xinh như con chim mới tập hót, hai bím tóc đen huyền buộc túm cứ ngúng nguẩy, dập dờn trên đôi bờ vai, đôi mắt đen nhánh như hai hạt nhãn long lánh nhìn Thanh nũng nịu. Hai bàn tay con bé chẳng lúc nào yên, hết rờ lên cằm, lên má rồi lại nhổ tóc sâu cho ba Thanh. Nó đếm từng sợi, từng sợi tóc bạc hết cả những ngón tay, ngón chân rồi bỏ vào bàn tay Thanh: "Con phải tìm bắt bằng được con sâu làm tóc ba bạc".

Nó mân mê lên chiếc sẹo bóng loáng ở đỉnh đầu Thanh: "Ba ơi! Mẹ nói với con sẹo tròn to là do sâu mụt đòng đanh, sẹo nhỏ lốm đốm là do sâu chốc đầu… còn sẹo thành vết dài trên đầu ba là do sâu chi ạ?".

"À, cái sẹo này là do sâu vách đá - Ba trượt chân ngã dập đầu vào vách đá đó…". Mỗi lần nghe nó hỏi vậy, Thanh lại lặng người đi chỉ còn biết nhìn, âu yếm vuốt vuốt lên mái tóc mềm mượt của nó…

*

Hấn đến quán nhậu của lão Hách nốc rượu say mèm. Đã nhiều lần say hết biết ở quán này nhưng chưa bao giờ hồn vía hắn lại thăng thiên, siêu thoát như vậy. Ngôi nhà đang quay cuồng, chao đảo rồi xoay tít mù như một chiếc chong chóng trước mắt Hấn. Chân tay Hấn bủn rủn thõng xuống như một hình nộm. Nhiều lần Hấn cố lấy hết bình sinh để ra khỏi quán nhưng không được. Từ trong vô thức Hấn bất lực, tuyệt vọng. Hấn gục xuống thiếp đi.

Trong cơn mê man, Hấn thấy mình chơi vơi, lơ lửng trên bầu trời xa thẳm, những cung điện, đền đài nguy nga, tráng lệ, những nàng tiên xinh đẹp tuyệt trần trong những bộ cánh màu hồng dính lấy da thịt nõn nường, ngời ngợi vây lấy Hấn… Hấn ngợp thở, rã rời, như một chiếc lá bị cuốn đi bởi một cơn lốc xoáy khủng khiếp rồi rơi tõm xuống vực sâu hun hút, âm u… Có tiếng ai trầm đục vọng lên bên tai Hấn. "…Thằng này được đây!". Hấn mở mắt, lờ mờ nhận ra lão Hách chủ quán. Lão ta đang dấp chiếc khăn lạnh trên đầu Hấn. "Tỉnh rồi hở ông bạn?". Hấn không trả lời chỉ khẽ gật đầu. "Thôi cứ nằm nghỉ cho lại sức!" - Lão Hách nói rồi bước ra khỏi phòng.

Con sâu -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Chiếc khăn lạnh chườm đá, những cốc nước chanh mát thấu lục phủ ngũ tạng, những bát cháo thơm phức, nóng hổi, những bàn tay mềm mại, mân mê, mơn trớn lên khắp người đã mau chóng làm cho Hấn hồi phục sức lực sau cơn say bí tỉ. Ở lại nhà Hách thêm mấy ngày nữa, nghe lời dỗ dành ngọt như mía lùi của lão, Hấn đã trở thành một cửu vạn thực thụ, một át chủ bài cho Hách. Đất lành chim đậu, Hấn quyết định về quê bán thốc, bán tháo căn nhà hương hỏa của ông bà, cha mẹ.

Hấn bảo vợ: "Ở quê thì cứ là nghèo muôn năm không ngóc đầu lên nổi. Chẳng nơi mô kiếm tiền dễ như ở trên đó, làm một ngày ăn cả tháng, cả năm…". Vợ Hấn vốn hiền lành, nhu mì, chịu thương, chịu khó, lam làm, biết bản tính chồng là người ham chơi, đàn đúm, một tấc lên đến tận mây xanh, nhưng thuyền thì phải theo lái, mà không đi biết ở đâu, đành mẹ con khăn gói, nước mắt vắn dài theo Hấn.

Số tiền bán đất, bán nhà ở quê vừa đủ mua một mảnh vườn đồi và làm được một căn nhà nứa lá. Vợ Hấn tự an ủi: Thôi trời chẳng chịu đất thì đất phải nghe trời, vợ chồng chịu cực, chịu khổ chí thú làm ăn thì cũng chẳng đến nỗi nào. Hai vợ chồng lên rẫy tỉa bắp, trồng sắn, trồng khoai, trồng chuối, hái măng... Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, Hấn giao toàn quyền cho vợ. Hấn đi từ sáng đến tối mịt có hôm đến sáng ngày hôm sau mới về, chân nam đá chân chiêu, quần áo nhàu nhĩ, mặt mũi bơ phờ, sặc sụa mùi bia rượu, mùi nước hoa rẻ tiền.

Cứ vài ba ngày, Hấn huênh hoang dúi vào tay vợ một nắm tiền đến cả chục triệu bạc. Vợ Hấn hỏi tiền ở đâu mà nhiều thế, Hấn nhấm nhẳng: "Tiền làm ăn chứ ở mô nữa, không lẽ từ trên trời rơi xuống à?". Vợ Hấn không dám căn vặn chồng. Tiền thu được từ nương rẫy tằn tiện đủ nuôi sống hai vợ chồng và đứa con gái, số tiền Hấn đem về vợ Hấn gom góp dần rồi cũng mua được chiếc xe máy, tivi và những dụng cụ sinh hoạt trong gia đình. Cuộc sống gia đình Hấn thời gian đó có phần dư giả. Nhưng sau đó tiền Hấn đưa về cho vợ cứ ít dần rồi chẳng thấy nữa.

Mỗi lần về nhà là Hấn đều trong tình trạng say khướt, vợ có điều khuyên giải là hắn sừng sộ, hăm doạ; lỡ lời nặng nhẹ là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Càng ngày Hấn càng hung hãn bất cần đời, dân vùng biên này mặc định cho hắn biệt danh để đời "Hấn Phèo" và kháo nhau: "Đừng có dây vô thằng điên ấy mà mang hoạ…". Cuộc sống của gia đình Hấn Phèo căng lên như một chiếc bong bóng. Khổ thân vợ Hấn Phèo mới sinh đứa con thứ hai được ít ngày đã phải lên rẫy làm cỏ, tỉa bắp, trồng khoai. Vợ sinh con gái, Hấn Phèo lại càng bất mãn, chán nản, đi đâu cũng bô bô: "Toàn là đồ vịt giời…vịt giời…". Không chỉ có vậy, tài sản trong nhà cứ dần dần mà bay. Chiếc xe máy mọc cánh đầu tiên rồi đến chiếc tivi, bộ bàn ghế sa lông…Vợ Hấn Phèo buồn bã hỏi, Hấn Phèo mặt tỉnh bơ, bảo:

- Mình làm cửu vạn bị Công an, Hải quan, Biên phòng bắt nên phải đền cho người ta… làm ăn có lúc được, lúc mất.

Vợ Hấn Phèo nhỏ nhẹ:

- Đừng đi cửu vạn nữa mình ạ! Làm việc phi pháp rút cục không có hậu đâu, của thiên rồi cũng trả địa, thôi ở nhà làm nương rẫy, tuy không giàu sang, vất vả đôi chút nhưng cũng đủ sống, vợ chồng, con cái sum vầy sớm tối bên nhau…

*

Thanh đến trước cửa nhà Hấn Phèo đã lâu nhưng chần chừ chưa vào. Tiếng Hấn Phèo oang oang, hậm hực:

- Đúng là đàn bà tè không qua đầu gối, biết một không biết chín mười. Mở mắt ra mà nhìn thiên hạ họ làm giàu kìa... Đ. mẹ nó chứ, chỉ chằm chằm bắt mấy người cửu vạn làm thuê kiết xác…

Thanh thuộc lực lượng Công an chính quy mới được điều về xã Tân Thịnh công tác mấy tháng. Đây là một xã vùng biên khá phức tạp, đặc biệt là việc nhập cảnh trái phép, buôn lậu hàng cấm qua biên giới. Hàng hóa buôn lậu, có đối tượng là chủ đầu nậu, cùi cõng chuyên nghiệp làm giàu bất chính, nhưng cũng có người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, kiếm sống qua ngày. Có những kẻ với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đầy mánh khoé, nhưng cũng có những giọt nước mắt ngậm ngùi như những tiếng tơ ngân rung, rơi cứa vào lòng Thanh. Chao ôi! Cái ranh giới thiện ác, thực hư mong manh như sợi chỉ. Nhiệm vụ của người chiến sĩ và lương tâm… Đang chìm sâu trong nỗi suy tư, tiếng Hấn Phèo chửi ông ổng vọng ra đánh thức anh:

- Tiên sư cái mả mẹ chúng nó. Loại lòng dạ sắt đá, thú đội lốt người… có vay rồi sẽ có trả… Có ngày tao sẽ cho chúng mày biết tay.

Không thể nấn ná hơn được nữa, Thanh miễn cưỡng bước vào nhà. Vợ Hấn Phèo đon đả:

- Mời anh uống nước!

Hấn Phèo gườm gườm đôi mắt vằn đỏ nhìn Thanh rồi đi xuống bếp. Hắn rút cây rựa sắc lẻm chẻ củi phầm phập, toang toác. Dường như để hả giận và dằn mặt Thanh chứ ngày thường có bao giờ hắn giúp vợ con như vậy.

Thanh biết Hấn Phèo cố tình không muốn gặp, anh nhỏ nhẹ nói với vợ Hấn Phèo:

- Gia đình anh chị thuộc diện khó khăn của xã. Một mình chị vất vả gánh vác lo toan… chúng tôi đã tham mưu với chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ gia đình chị.

Vợ Hấn Phèo vẻ mặt rụt rè, ấp úng:

- Dạ! Cảm ơn các anh! Tôi biết các anh rất quan tâm…Vậy mà…

- Chúng tôi đã liên hệ với Nhà máy tinh bột sắn Sê Pôn để sắp xếp cho chồng chị có việc làm ổn định tại nhà máy rồi chị ạ! Hôm nay tôi đến để bàn cụ thể với anh chị ...

Khuôn mặt vợ Hấn Phèo vụt sáng lên:

- Dạ! Được như vậy thì còn gì hơn nữa. Tôi ngày đêm mong mỏi, nhưng chỉ sợ anh ấy...

*

Biết con và chồng đi vận chuyển hàng lậu ở vùng núi Khe Đá, vợ Hấn Phèo cả đêm thấp thỏm, lo âu, ruột gan như có muối xát đau rát, đứng ngồi không yên. Chị thắp hương hết cây này đến cây khác, lầm rầm cầu trời khấn phật linh thiêng phù hộ, độ trì cho bé Hà được an lành. Hễ có tiếng chó sủa ở đầu xóm hay cuối làng là chị lại hồi hộp, ngóng trông và thầm mong đó là tiếng bước chân của bé Hà đang trên đường về.

Nhưng linh cảm của người mẹ có điềm chẳng lành, chị lo lắng, thương con đến thắt ruột. Chị hối hận, nguyền rủa chính mình, tại sao không can ngăn được chồng để bé Hà mới chưa đầy mười tuổi đầu phải đến nơi rừng thiêng nước độc đêm hôm, mưa gió, lạnh lẽo thế này. Chị nấc lên, hai hàng nước mắt trào ra thấm nhòa trên gương mặt hao hóp, gầy guộc: "Con bé có mệnh hệ gì thì làm sao mà sống nổi đây. Trời ơi là trời! Khổ thân con tôi… đến chết vì rắn rết, rét mướt thôi. Con ơi là con ơi!...".

Buổi chiều hôm đó từ quán nhậu trở về, miệng sặc mùi rượu nhưng vẻ mặt Hấn Phèo hớn hở. Hấn nói với vợ:

- Có một phi vụ lớn mình ạ! Nếu trót lọt thì sẽ trúng quả đậm… chẳng cần mình khuyên can, sau vụ này tôi sẽ giải nghệ rồi tìm một việc làm khác cho ra tấm ra miếng.

Nhớ lời Thanh hôm đến thăm nhà, vợ Hấn Phèo vui và cảm thấy ngạc nhiên, nhưng không khỏi băn khoăn, nghi ngại về những điều chồng vừa nói. Chị dò hỏi:

- Có việc chi vậy mình?

- Bí mật! Bí mật!... Kẻo xôi hỏng, bỏng không mà còn mang hoạ - Hấn Phèo trả lời vợ - Thật tuyệt chiêu… tuyệt chiêu. Lão Hách chủ quán mưu mẹo hơn người, quả đích thị là Trương Lương, Gia Cát Lượng thời nay.

Nói rồi Hấn Phèo liếc mắt nhìn bé Hà đang ngồi học ở chiếc bàn cuối nhà:

- Tối nay con đi với bố nhé!

- Đi mô hả bố? - Bé Hà nhìn Hấn Phèo hỏi.

- Đã bảo đi với bố là đi với bố.

Vợ Hấn Phèo căn vặn chồng:

- Mình làm gì không biết nhưng đêm hôm rét mướt, rừng rú hiểm độc, có đem về cả núi vàng tôi cũng không cho con bé đi.

- Ái chà chà… Thánh tướng nhỉ! Học cái kiểu ăn nói ấy từ khi mô thế hử? Tao cho một tát để chó ngậm cả hàm răng bây giờ… - Hấn Phèo sừng sộ.

- Tôi xin ông để mẹ con tôi yên.

Hấn Phèo đổi giọng thẽ thọt:

- Tôi đã bảo rồi mà ngu lâu. Có việc hệ trọng thì mới cần đến nó… Nó còn nhỏ lỡ có bị bắt cũng không quy tội được. Mà tôi để cho nó đi sau nếu có động chỉ việc vất hàng vào bụi cây là xong, lão chủ quán đã tính toán kỹ lưỡng rồi, bà khỏi phải lo… Không dám nhử con trong cũi sắt thì làm sao bẫy được cọp, beo.

- Tôi cắn cỏ lạy ông. Xin ông đừng đọa đày con bé…

*

Trời đã quá nửa đêm sương mù dày đặc, gió lạnh buốt phả vào da thịt như dao cứa. Bỗng có những tiếng vỗ cánh phần phật, tiếng xào xạc của cây rừng, rồi những bóng người lờ mờ ...

Một tiếng hô đanh gọn: "Đứng lại!". Những ánh đèn pin lấp loáng từ xung quanh dọi thẳng vào những bóng người đang gùi cõng. Tất cả sững sờ, đứng ngây ra không kịp phản ứng. Mọi người sợ hãi tuân thủ theo mệnh lệnh của Thanh đưa hàng về trụ sở xã, riêng Hấn Phèo do dự một hồi rồi vất bao hàng xuống đất, ngang ngạnh:

- Hàng đó các ông lấy đi!

Thanh sẵng giọng:

- Chúng tôi yêu cầu ông đưa hàng về trụ sở xã để lập biên bản!

- Tôi đau bụng quá không đi được - Hấn Phèo vờ vĩnh nhăn nhó.

Thanh vẫn kiên quyết:

- Ông phải đưa hàng về!

Hấn Phèo ngồi thụp xuống ôm lấy bụng rồi vẫn giọng điệu cũ:

- Tôi nói thật mà! Các ông có đánh chết thì cũng chừng đó thôi. Ngày mai tôi sẽ có mặt tại trụ sở xã…

Nghe tiếng hô đanh gọn của Thanh, bé Hà đi sau nép vội vào một thân cây, vóc người nhỏ nhắn cùng với một gói hàng chừng hơn một ki lô gam nên chẳng ai phát hiện thấy. Bé Hà rón rén men theo cây rừng rời xa chỗ bố nó và mấy người đang bị bắt. Hốt hoảng và sợ bị bắt, bé Hà cứ thế dò dẫm đi. Màn đêm dày mịt chất chồng, tiếng côn trùng rùng rợn vây bủa lấy nó. Trời lạnh mà nó mồ hôi cứ tứa ra, tim đập loạn xạ, hơi thở dồn dập, toàn thân nổi da gà. Nhưng lời dặn của bố: "Đây là món hàng rất quý, nếu con để mất hoặc bị bắt, người ta sẽ giết bố…", cứ ám ảnh trí não nó. Nó đi không phương hướng bằng đôi chân mỏi nhừ, sưng tấy, đôi tay quờ quạng tê cóng, mặt mũi, tóc tai bơ phờ, rối tung.

Trời bắt đầu nặng hạt, bé Hà ướt như chuột lột, lạnh run. Nước mưa chảy từ trên đầu xuống mặt hòa với nước mắt của nó chan chát, mằn mặn. Tiếng suối chảy đổ vào vách đá gần đó, nó nghe như tiếng cọp gầm gừ, tiếng sói tru tréo. Nó hình dung bộ răng trắng ởn nhe ra của chó sói và nanh vuốt sắc lẻm dữ dằn của cọp đang nhằm nó lao tới. Bé Hà rùng mình, co rúm, lẩy bẩy… Tiếng gầm gừ, tru tréo mỗi lúc một gần hơn, ghê rợn hơn, bé Hà hoảng loạn, kinh khiếp. Nó vấp vào một gốc cây ngã dúi dụi mặt xuống đất rồi lồm cồm bò dậy rướn lên thật nhanh. Bất thần nó hụt chân dúi vào một bụi cây. Nó chới với, cố níu lấy nhưng không được. Cứ thế nó rơi xuống, va đập bình bịch vào vách đá rớt tõm xuống dòng nước lạnh cắt da, cắt thịt…

Chờ mọi người đi xa Hấn Phèo quay lại tìm con. Hắn lần mò từ vị trí bé Hà nép mình vào thân cây, nhưng trời tối bịt bùng, cây cối rậm rạp, khói sương mù mịt, hắn không biết phải đi theo hướng nào. Hắn vừa chạy vừa gọi, gọi khản cả cổ họng vẫn không thấy tiếng bé Hà hồi âm. Hấn Phèo hoảng loạn, phát cuồng như một con thú mất con. Hắn chạy thục mạng lên những đèo dốc rồi lao xuống những vực sâu…. "Con ơi, con ở mô? Trời ơi!... gói hàng… bố giết con rồi…". Nỗi lo âu và sự hoảng loạn đã khiến Hấn Phèo trở nên điên dại. Hắn vung tay, vung chân đấm đá liên hồi vào những thân cây rừng, vào những hốc đá đến bật máu, tê rần không còn biết đau đớn nữa… Mệt lả, tuyệt vọng. Không còn hơi sức nữa, Hấn Phèo hự lên mấy tiếng rồi gục xuống hai hàng nước mắt trào ra…

Ngày hôm sau dân làng tìm thấy xác bé Hà nổi lập lờ nơi mép suối Khe Đá cách gò Cheng khoảng năm trăm mét. Con bé chết trong tư thế khiếp sợ cùng với nỗi lo không giữ được món hàng sinh mệnh của bố nó; khuôn mặt bạc phếch, hai mắt mở trừng trừng, đôi môi mím chặt, mái tóc xanh đen xõa trôi theo dòng nước, hai bàn tay vẫn ôm chặt lấy một túi khoác nhỏ ở trước ngực. Từ trong túi khoác nhỏ ấy gợn loang ra một màu hồng hồng như máu chờn vờn trên thi thể của bé Hà. Mọi người chẳng ai hiểu được vì sao bé Hà chết ở nơi rừng sâu nước độc này, chỉ khi vớt xác bé lên và mở túi nhỏ người ta mới biết đó là những viên thuốc tân dược màu hồng (hồng phiến) đã rữa ra vì ngấm nước.

Bé Hà chết. Hấn Phèo như một kẻ điên dại. Thân thể tàn tạ, đôi mắt lúc nào cũng long lên sòng sọc, miệng không ngớt chửi rửa, hung dữ: "…Chúng mày đã giết con tao…nợ máu phải trả bằng máu… Tao sẽ cho chúng mày lên ngồi nóc tủ….". Vợ Hấn như người mất trí. Nỗi đau như xé nát tấm thân còm cõi của chị ra từng mảnh. Chị chết đi sống lại mấy lần, suốt ngày lảm nhảm: "Con tôi đâu? Con tôi đâu?… Con bé chết ở trong rừng rồi phải không? Nước trôi con bé rồi phải không…? Mày là kẻ giết người… trả lại con cho tôi… trả lại con cho tôi… Trời ơi, con ơi… Con ơi!..."…

Con chết, vợ ốm nặng, tài sản trong gia đình chẳng còn gì đáng giá, Hấn Phèo tìm đến nhà lão Hách:

- Ông cho tôi ứng ít tiền để lo mai táng cho con bé và chữa trị cho bà xã.

Lão Hách khác hẳn mọi khi, mặt đanh lại, lạnh tanh:

- Tao không phải là nhà sản xuất tiền để cho hạng người như mi…

Khuôn mặt Hấn Phèo thiểu não:

- Ông thương tôi! Tôi cùng quẫn hết đường rồi…

- Tao tưởng mi khôn ngoan mới bày đường làm ăn. Mi làm mất của tao bạc tỷ. Tao chưa trị tội. Rứa mà còn dám vác cái mạng cùi đến đây… Cút đi cho khỏi ngứa mắt tao.

- Tôi đâu có muốn rứa, mà con tôi…

- Mi đến bắt đền tao phải không? Vợ chồng mi đã tố giác tao với tụi Công an… Đồ lừa thầy, phản bạn…

Hấn Phèo ngớ người ra, không hiểu đầu cua, tai nheo ra sao, ấm ứ:

- Ông bảo sao, ai tố giác?

- Còn ai nữa. Mi còn giả vờ à. Biến! Biến….

- Tôi không làm rứa. Mà ai nói với ông là tôi tố giác?

- Mi muốn biết à? Mà biết để làm chi?

- Tôi sẽ giết đứa mô vu oan giáo họa cho tôi.

- Thật không? Anh hùng nhỉ? Hay chỉ được cái danh Phèo…

 Hấn Phèo xắn tay áo lên chụp lấy con dao rựa lăm lăm trong tay.

Lão Hách nhếch mép cười nhìn Hấn Phèo:

- Vậy thì lại đây… - Lão ghé sát tai Hấn Phèo thầm thì…

Tin lời lão Hách, Hấn Phèo mặt đỏ, tía tai, hắn vừa đi vừa lầm bầm, hậm hực, hăm doạ: "Đ. Mẹ mày… Tao giết…Tao giết…".

*

Đêm.

Rừng núi dọc vùng biên đậm đặc, thâm u, bí hiểm, tiếng thú rừng, tiếng côn trùng vòng vọng, rả rích, râm ran, man dại; từng lớp, từng lớp sương mù thi nhau rải xuống bạc xóa. Từ xa nhìn, vùng Khe Đá như một ốc đảo nổi trôi trong khói sương mù mịt, ám lạnh. Một ánh đèn pin chợt lia loáng qua người Thanh. Một bóng người lao thẳng đến, một tiếng gừ trong cổ họng cố nén thoát ra: "Tao giết". Thanh quay lại thoáng nhìn thấy Hấn Phèo đang vung cao một vật đen sì, nhằm đầu anh bổ xuống. Thanh chỉ kịp đưa chiếc roi điện lên đỡ. "Choang". Chiếc roi điện văng ra tóe lửa, đầu Thanh tê buốt rồi choáng váng gục xuống. Đồng đội đi sau nghe thấy tiếng kêu chạy bổ tới. Dưới ánh đèn pin, Thanh nằm sõng xoài trên đất, đầu đầm đìa máu, chiếc roi điện và chiếc mũ kepi văng ra gần đó.

Thanh được đưa về trạm xá xã rồi tức tốc đưa lên bệnh viện huyện. Vết thương khá sâu, làm mẻ hộp sọ và mất nhiều máu nên phải một thời gian sau anh mới trở lại đơn vị công tác.

*

Vợ Hấn Phèo ốm nặng rồi mất trí phải vào bệnh viện tâm thần để lại đứa bé mới sinh chưa đầy sáu tháng, mềm oặt, đỏ hỏn. Chính quyền địa phương và các cán bộ trạm y tế muốn đưa đứa bé vào trại trẻ mồ côi nhưng còn đắn đo vì bé quá yếu. Họ kêu gọi các gia đình nhân dân và cán bộ trong địa phương, ai có điều kiện thì nhận nuôi. Thanh quyết định bồng đứa bé về cho vợ: "Em hãy cứu lấy nó. Tội lỗi của người lớn lẽ nào trẻ thơ phải gánh chịu…".

Sống với chồng nhiều năm, Hằng hiểu tấm lòng của Thanh. Chị một nắng hai sương làm vườn, làm ruộng, làm thêm nghề phụ, nuôi dạy con cái cho anh yên tâm công tác. Là người đàn bà cam chịu, vất vả đã nhiều, khổ thêm một phần nữa chẳng sao. Chị chỉ lo kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng nhìn đứa bé đang khóc ngặt vì đói sữa, tình cảm của người mẹ trỗi dậy trong lòng chị.

Chị dang tay đón đứa bé trên tay anh. Nhìn vợ nựng đứa bé, Thanh bỗng nghĩ đến Hấn. Không biết bây giờ Hấn Phèo đang ở đâu?... Hấn Phèo là một nạn nhân bị kẻ xấu đẩy vào đường cùng, còn bao nhiêu người lương thiện nữa bị lừa gạt, dụ dỗ vào con đường đó? Phải ngăn chặn, cứu vớt họ, phải trừng trị đích đáng kẻ xấu… Những ý nghĩ chồng chéo, day dứt làm đầu anh đau nhức. Hằng lấy khăn ấp lên trán anh. Chị xoa nhẹ lên ngực anh, rồi dịu dàng: "Sáng mai em sẽ làm giấy khai sinh cho con anh ạ!…" .

*

Nhìn bé Hải nhổ tóc bạc và mân mê chiếc sẹo tìm bắt sâu cho ba Thanh, Hằng đứng lặng mỉm cười, lòng chị nao nao, chứa chan bao nỗi niềm: "Vậy mà đã gần ba năm rồi kể từ ngày anh chuyển về công tác ở xã vùng biên…".

Bỗng trông thấy mẹ đang đứng thẫn thờ nhìn, bé Hải chạy sà vào lòng mẹ: "Mẹ ơi! Mẹ ơi! Nhất định con sẽ bắt được con sâu … để tóc ba hết bạc, trên đầu ba không còn sẹo vách đá nữa…". 

Truyện ngắn của Văn Xương
.
.