Tạ lỗi cùng em

Thứ Sáu, 17/03/2023, 14:51

Nghe nói khi đi trên con tàu theo con đường Hồ Chí Minh trên biển bố đã làm bài thơ “Tạ lỗi cùng em”. Tôi bồi hồi đọc lại những con chữ run rảy theo nhịp sóng của con tàu. Phải nói đến nay tôi vẫn thuộc mấy khổ thơ bày tỏ nỗi niềm ẩn giấu trong lòng bố khi phải xa tiếng khóc chào đời của con trai. Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng đọc lại thuộc lòng cả bài. Lần nào mẹ cũng khóc khi đọc đến câu: “Lỡ nhịp chân trời tạm biệt quê nhà/ Anh lặng thầm trên biển sóng bao la/ Như em vượt cạn băng qua bóng tối/ Phía trước đôi mắt con tròn xoe vời vợi/ Bên nụ cười hòa giọt lệ mừng vui”.

Chuyện tìm việc làm của tôi thật rắc rối mỗi khi nói chuyện với mẹ. Bà phản ứng đùng đùng với đề xuất của tôi khi có ý tưởng muốn theo nghề Cảnh vệ của bố. Tôi định sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Anh sẽ tìm một công việc nào đó thích hợp nhưng vẫn dở dang. Ai cũng nghĩ tôi sẽ thuận lợi mọi bề muốn tìm việc gì cũng dễ. Bởi lẽ tôi cao ráo giống bố và lại có gương mặt hiền lành phúc hậu của mẹ.

Nhưng trong lòng tôi luôn ước mơ sẽ theo bố khoác bộ quân phục Cảnh vệ và đeo súng đứng canh gác bên lăng Bác. Tôi luôn nhớ đến những câu hát ru của bố khi còn bé. Mỗi lần đi công tác xa nhà trở về, lần nào cũng vậy, bố ru bài hát quen thuộc: “Ơ sáng tháng Năm trời trong xanh quá. Bốn phương tụ về Ba Đình. Hãy nhè nhẹ bàn chân Bác chưa tròn giấc mơ…”. Đó chính là bài hát “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước. Có lần mẹ nói, bố tôi cả đời chỉ thuộc mỗi bài hát đó. Trước kia bố cũng đã ru anh trai tôi như vậy. Vẫn chỉ một bài mà anh em tôi luôn chìm vào giấc ngủ và mơ đến vườn hoa lăng Bác cùng đàn cá tung tăng trong hồ bên ngôi nhà sàn Phủ Chủ tịch.

Ai cũng nói tôi có thể đi thi hoa hậu nhất định giật giải cao nhưng chả bao giờ tôi nghĩ tới. Mẹ cũng hay ngắm tôi mỗi khi ngồi vào mâm cơm. Bố thường chỉ im lặng và ít khi kể chuyện công việc của mình. Mỗi lần bố chuẩn bị va li công tác, tôi lại lèo nhèo hỏi bố làm việc gì, ông chỉ nói mỗi hai từ: Bí mật!

Có lần mẹ nói thầm vào tai tôi là bố đi bảo vệ “Thủ trưởng” trong những chuyến đi công tác quan trọng. Tôi cứ lơ mơ hai từ “Thủ trưởng” trong đầu với bao câu hỏi bí ẩn quanh công việc của bố. Khi anh em chúng tôi lớn lên bố không còn hát cho nghe nữa. Ông chỉ ôn tồn nói với anh em tôi về chuyện học hành và chuẩn bị cho tương lai của mình một nghề nào đó mà mình yêu thích theo đuổi.

Tạ lỗi cùng em -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Lại có lần ông bất ngờ đi đúng vào ngày tôi thi đại học. Từ đêm trước, bố chuẩn bị hành lý rồi đi rất sớm khi tôi còn ngủ. Mẹ tôi chỉ nhắn lại lời của bố: Chúc con gái thắng lợi! Tôi bật cười có chút chạnh lòng vì hai hôm trước bố còn hứa sẽ đưa tôi đi đến trường thi. Lúc này mẹ tôi mới nói câu chuyện mà tôi đến giờ mới biết. Bố tôi đã từng vắng mặt khi mẹ sinh ra hai anh em tôi. Mẹ lục tung đám giấy tờ trong tủ tìm ra một bài thơ được chép trong cuốn sổ tay. Mẹ kể đó là lần sinh anh trai tôi mà bố phải đi vào Nam gấp. Ông chỉ kịp đưa mẹ tôi đến bệnh viện với cặp lồng cháo đậu xanh với mấy miếng thịt gà. Bố bàn giao mẹ cho các bác sĩ rồi lên đường.

Nghe nói khi đi trên con tàu theo con đường Hồ Chí Minh trên biển bố đã làm bài thơ “Tạ lỗi cùng em”. Tôi bồi hồi đọc lại những con chữ run rảy theo nhịp sóng của con tàu. Phải nói đến nay tôi vẫn thuộc mấy khổ thơ bày tỏ nỗi niềm ẩn giấu trong lòng bố khi phải xa tiếng khóc chào đời của con trai. Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng đọc lại thuộc lòng cả bài. Lần nào mẹ cũng khóc khi đọc đến câu: “Lỡ nhịp chân trời tạm biệt quê nhà/ Anh lặng thầm trên biển sóng bao la/ Như em vượt cạn băng qua bóng tối/ Phía trước đôi mắt con tròn xoe vời vợi/ Bên nụ cười hòa giọt lệ mừng vui”. Nhưng rồi bất ngờ bà lại đanh mặt lại nói, sau đó mẹ càng giận thêm vì bố con trở về sau một tháng với vết thương băng bó trên đầu.

Mẹ kể lần đi đó không may khi vào rừng khảo sát lại chiến địa cũ, một quả mìn bỗng phát nổ sau một mô đất bên hàng cây. Bố đã nhanh chóng lấy thân che chắn rồi ôm lấy thủ trưởng cùng nằm rạp xuống gốc cây gần nhất. Một mảnh đạn sạt qua đầu bố làm bay mất một mảng tóc và máu chảy tràn xuống vai. Tuy vậy, trời có mắt. Quả mìn ấy không sát hại được người nào. Một tháng sau vết thương mới lành lại nhưng tóc bố không mọc được nữa. Thì ra giờ tôi mới biết lịch sử của vết sẹo trên đầu bố.

Tôi nhớ trước kia thỉnh thoảng bố dẫn tôi ra quảng trường Ba Đình mỗi khi chạy thể dục buổi sáng. Tất cả mọi người đứng nghiêm chào cờ và hát quốc ca. Sau đó bố thường xoa lên đầu như đang vuốt tóc vậy. Một cách trịnh trọng trước Lăng Bác và cúi chào ra về. Mãi sau này bố nói lại là vết sẹo đôi khi tấy lên đau nhức hay ngứa vì dùng dầu gội đầu. Mẹ tôi phải mua bồ kết về nướng rồi đun lên cho bố dùng. Có lẽ vì vết thương mỗi khi trở trời lại đau hay vì bài thơ “Tạ lỗi cùng em” mà mẹ quên đi mọi chuyện và đã bỏ qua sự vắng mặt của bố trong ngày sinh anh trai tôi. Anh tôi được đặt tên đúng như bố đã viết trong bài thơ có câu: “Anh mơ rừng hoa bát ngát xôn xao/ Hãy đặt tên con là Trường Sa-biển khát”.

Nhưng rồi bốn năm sau chẳng ai ngờ bố “tạ lỗi” cùng mẹ bằng cách lần thứ hai sinh tôi bố cũng sấp ngửa xách va li vội vã ra đi. Cũng với nhiệm vụ bảo vệ “Thủ trưởng” quen thuộc. Mẹ ứa nước mắt đành bó tay. Bố chỉ ôm vai mẹ im lặng không nói một lời nào. Đôi mắt ông sẫm đi như ánh chiều chạng vạng. Khi hoàng hôn buông xuống bố vội vã ra xe chờ ngoài ngõ. Nghe nói lần này cả đơn vị phải đi bảo vệ Hội nghị Quốc tế có hàng chục nguyên thủ các nước tham dự. Hội nghị diễn ra trong mười ngày. Nghĩa là bố không thể về nhà.

Mẹ tôi đã từng là một giáo viên trường làng luôn thấu hiểu mọi chuyện nên đã quen với cảnh một mình cô đơn. Bà kể sinh ra tôi rất vất vả trong một đêm mưa gió tơi bời. Bác sĩ khuyên nên mổ đẻ cho an toàn. Nhưng có chuyện không ngờ tới là khi bắt đầu cất tiếng ru tôi mẹ đã ngâm câu thơ của bố: “Hẹn ngày về một sớm tinh khôi/ Anh sẽ đón thiên thần bé nhỏ/ Cất lời ca cùng gió/ Ngắm làn môi xinh và tạ lỗi cùng em”. Có lẽ sự cảm thông của mẹ đã tới tận cùng. Không còn trách cứ nữa.

Mẹ nói là bố luôn luôn ở gần mà cũng lại xa tít tắp. Cho dù hội trường quốc tế không xa nhà tôi là mấy nhưng bố không thể rời đi. Nghe nói có ngày bố đã phải đứng nguyên tại vị trí quan sát bảo vệ các nguyên thủ suốt cả chục tiếng đồng hồ. Lại còn chuyện sau đó bố dẫn một nguyên thủ quốc tế đi thăm Đền Ngọc Sơn nữa chứ. Một sự cố bất ngờ đã xảy ra. Có người say rượu đã nhảy qua hàng rào sắt lao tới la hét ầm ỹ. Bố đã gấp gáp đưa vị thượng khách này đi nhanh vào trong đền. Đồng thời, ông còn lấy thân che chắn những đồ bẩn mà hắn ném theo. Trong chớp mắt phải xử lý nhanh gọn không gây sự rắc rối hay thương tích cho quan khách.

Đó là những chuyện mẹ kể để nhắc nhở khéo là công việc của bố vất vả và luôn vắng nhà như thế chứ không hào nhoáng như hình ảnh bên ngoài đâu. Bà đe liệu mà chọn nghề. Thì ra là vậy. Mặc dù mẹ rất yêu bố và hiểu công việc của một Cảnh vệ nhưng lại rất e ngại cho tôi. Bởi bà biết bản tính tôi hiếu động thích làm những việc sôi nổi và hăng hái trong mọi hoạt động nhà trường.

Tôi rất thích thú khi nhớ lại cảnh bố tôi đứng thế võ để dọa những anh chàng lẵng nhẵng trêu ghẹo tôi. Khí thế bố thể hiện vững vàng khi xuống tấn lan tỏa một sức mạnh khôn lường. Cánh thanh niên bỏ chạy mất dép ngỡ bố tôi choảng cho no đòn. Họ phục lăn rồi vái bố tôi từ xa. Sau đó bố tôi cười sảng khoái rồi còn nói đùa một câu, “con gái cũng là thủ trưởng của bố”. Tôi vui lâng lâng cả ngày hôm đó.

Có lần tôi đòi bố dậy cho mấy bài võ nhưng không được. Những bài võ Judo của chiến sĩ Cảnh vệ có thể quật ngã đối thủ bất kể lúc nào. Bố thương tôi liễu yếu đào tơ và luôn nhắc nhở nên theo nghề dạy học của mẹ. Nhưng thực tình tôi lại thích khoác bộ quân phục Cảnh vệ của bố. Tôi đã từng mặc trộm quân phục của bố ở nhà rồi ngắm mình qua gương. Mẹ bắt gặp mấy lần. Đôi mắt bà trầm hẳn lại, tỏ ra không hài lòng khi thấy tôi vừa soi gương vừa nắn lại ngôi sao trên mũ. Chính vì thế khi tôi nằng nặc đòi xin vào làm Cảnh vệ mẹ tôi mới nổi đóa lên. Bố tôi nghe vậy chỉ mỉm cười thầm lặng.

Thế rồi có lần bố tôi đi nhận nhiệm vụ tháp tùng “Thủ trưởng” đi dự Hội nghị kinh tế thế giới họp ở Hà Nội. Ở nhà mẹ gọi bạn của anh trai tôi tới chơi. Đó là anh Dũng bạn thân của anh Trường Sa. Khi anh tôi lấy vợ, anh Dũng là một trong những phù rể. Phải nói anh Dũng đẹp trai như người mẫu, hiện đang làm nghề hướng dẫn du lịch. Anh ăn nói có duyên và chơi đàn khá hay. Cây ghita luôn bên người anh trong những chuyến đi và làm du khách mê mệt với tiếng đàn điêu luyện của mình. Anh đã làm mọi người quên đi những cung đường dài và khỏa lấp những mệt mỏi.

Mẹ tôi dường như muốn ngỏ ý cho chúng tôi làm bạn trong tương lai. Nhưng mẹ tôi đã nhầm vì tôi quá hiểu anh Dũng. Anh cũng là một kẻ du mục đúng nghĩa và luôn say mê những chuyến đi. Năm tháng anh lênh đênh trên mọi miền Tổ quốc. Tôi và anh Dũng lại hay khắc khẩu. Ông nói gà bà nói vịt. Nhiều lúc cãi nhau làm anh tức khí cốc đầu tôi đau điếng. Tôi nói với mẹ, kẻ hay bạo lực thế làm sao hợp được. Hơn nữa anh Dũng biết tôi nhất quyết theo nghề của bố. Hai người đều vì công việc sẽ luôn khó gần nhau dù chỉ một ngày. Lần đó, không ngờ anh Dũng nói như búa bổ một câu trước mặt mẹ tôi rằng:

- Lấy em Thanh về nó làm chồng con mất mẹ ạ. Thôi con xin làm con nuôi mẹ thôi chứ không thể làm con “dê” của mẹ được.

Tôi phá lên cười. Anh Dũng nhún vai. Mẹ tôi ỉu xỉu. Bà ngờ đâu định nhờ anh Dũng cột chân tôi nhưng không thành. Khi chúng tôi đang nói chuyện thì bất ngờ điện thoại của mẹ reo chuông. Người ta báo bố tôi đang bị cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn. Tan hội nghị trên đường về nhà bố tôi đã cứu một người phụ nữ mang thai nên bị xe hơi chẹt gãy chân. Mẹ tôi ngỡ như ngất đi vì hoảng loạn. Bà gào lên:

- Đúng là người trời. Đi Đông đi Tây không sao lại bị gãy chân tại xó bếp này

Thế là cả ba chúng tôi vội vã đi tới bệnh viện Xanh Pôn. Các bác sĩ đã tạm thời nẹp chân bố tôi và nói chỉ bị gẫy xương ống đồng chắc dăm tháng là khỏi. Bố tôi phải nằm viện ít lâu rồi về nhà dưỡng thương. Mẹ tôi ôm lấy bố rồi khóc sướt mướt. Thấy bố chỉ im lặng vỗ vai mẹ an ủi. Ông cười và tỏ ra mọi chuyện không có gì phải lo. Tôi hậm hực trách bố sao lại liều mạng thế. Lúc này bố mới cười chậm rãi nói:

- Thì bố là chiến sĩ Cảnh vệ mà. Học võ cũng là để cứu người chứ!

Tôi liền cãi: - Nhưng người phụ nữ ấy có phải là Thủ trưởng của bố đâu mà phải lấy thân che chở.

Mẹ tôi chợt im bặt không khóc nữa khi thấy bố tôi kể đó là một người phụ nữ bụng mang dạ chửa giống như mẹ đã từng mang thai. Bố luôn ân hận vì đã hai lần không giúp được gì khi vợ vượt cạn sinh con. Hình ảnh người phụ nữ mang thai luôn nhắc nhở bố về những ký ức không mong muốn ấy. Hơn nữa lúc đó ở giữa ngã ba, người phụ nữ ấy vừa bước xuống đường thì một chiếc ô tô con bất ngờ xuất hiện từ góc khuất phía sau. Tình huống thật nguy hiểm. Bố tôi lập tức dừng xe máy và nhanh chân áp sát tới ôm lấy người phụ nữ kia đẩy về phía vệ đường.

Tài xế ô tô phanh rất gấp nhưng không kịp. Chiếc xe trượt theo đà chèn ngang chân trái bố tôi. Ông đã ngất lịm đi trong ít lâu. Khi tỉnh lại mới hay mình đã nằm trong bệnh viện Xanh Pôn. Người lái xe ô tô đã chở ngay bố tôi tới bệnh viện. Vừa mở mắt sau cơn hôn mê bố tôi đã nghểnh đầu lên hỏi về người phụ nữ mang thai kia. Anh nói cô ta cũng được người khác đưa tới bệnh viện phụ sản ngay sau đó, chắc sẽ ổn. Các bác sĩ nghe người lái xe kể lại sự cố nên rất tận tình với chân đau của bố tôi. Họ sẽ giải phẫu để ghép lại những mảnh xương đã gãy rời. Lúc này tôi bật khóc và ôm chầm lấy bố vì không sao chịu nổi mỗi khi nhắc lại chuyện ông đã vắng mặt khi mẹ sinh tôi.

Mấy đêm liền tôi cùng mẹ trông nom bố thay anh trai trực ban ngày. Có đêm ánh trăng chiếu ngang cửa sổ như một chiếc khăn lụa dịu dàng phủ lên giường bố tôi nằm. Tôi kê chiếc ghế vải dù ngồi đọc sách chờ bố ngủ sau khi uống thuốc. Chân của bố tôi vẫn đau tấy lên sau khi mổ và đóng đinh ghép xương. Nhưng ông vẫn im lặng không kêu rên một tiếng. Có lẽ là một chiến sĩ Cảnh vệ ông đã quen chịu đựng gian khổ.

Tôi lơ mơ chìm vào giấc ngủ trong ánh trăng bên cạnh bố. Bỗng như tôi nghe thấy mẹ cất tiếng hát. Bà đã ru bố tôi cho dịu cơn đau chăng. Đó chính là bài hát mà tôi đã nghe suốt tuổi thơ. Mẹ hát cùng nỗi yêu thương trong đêm trăng cổ tích như vậy. Lời ca vang lên ấm áp đến lạ lùng. Tôi ngủ vùi trong giấc mơ, mình đang tung tăng trên cánh đồng làng với thảm hoa hồng thơm ngát.

Thế rồi bố tôi xuất viện để chờ ngày tháo băng bột. Có lẽ đây là thời gian bố ở nhà lâu nhất. Ông chống nạng đi quanh trong nhà và tự làm mọi việc. Tôi phụ bố khi cần còn phải tập trung vào bài vở trong kỳ thi tốt nghiệp vào cuối năm. Gia đình tôi chuyển từ làng lên phố đã lâu. Mẹ tôi dậy học ở quận Đống Đa. Vợ chồng anh Trường Sa cũng đã có nơi ở mới.

Mẹ tôi dần dần thu xếp được nỗi muộn phiền của mình sau tai nạn của bố. Chuyện đi tìm việc của tôi cũng không thấy bà hỏi tới nữa. Nhưng không ngờ bà luôn nhắc đến người phụ nữ mang thai kia. Có lần mẹ trách con người thật vô tâm. Hai mạng người được bố tôi cứu thoát chết cơ mà. Bà chép miệng thở dài. Họ không nghĩ tới ơn huệ trời biển của bố tôi. Mà báo chí còn đưa tin tuyên dương hành động anh hùng của người chiến sĩ Cảnh vệ nữa đấy. Sao họ vẫn im lặng được nhỉ. Nghe mẹ tôi lèo nhèo mấy lần bố tôi đành lên tiếng:

- Đừng nghĩ tới chuyện báo đáp mà tội cho họ. Mình làm phúc để lấy đức cho con là tốt lắm rồi. Cả nhà ta hãy chúc phúc cho hai mẹ con cô ta được mẹ tròn con vuông. Vậy thôi!

Một lần bố gọi tôi lại sau khi uống thuốc giảm đau. Ông xoa đầu tôi như khi còn trẻ thơ nhưng lại ngồi thừ trong im lặng. Không hiểu sao lúc này tôi lại mong ông cất tiếng ru như thuở nào. Hay có thể ông ngâm lại bài thơ “Tạ lỗi cùng em” đã viết tặng mẹ tôi cũng được. Bố tôi rất ít nói vì đặc tính nghề nghiệp đúng như lời thề nguyện làm lá chắn thép cho Đảng mỗi khi nguy cơ ập đến. Ông cũng đã từng nói với tôi làm lính Cảnh vệ phải xứng đáng là “Thanh gươm báu” sắc bén, sẵn sàng xông lên phía trước. Chắc lúc này ông nhớ lại một thuở trai tráng đầu đội trời chân đạp đất. Lòng nguyện hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc. Cái xoa đầu của bố hình như muốn truyền lại những sự cuồng nhiệt trong im lặng ấy.

Trong tâm tưởng bố tôi thường nhớ tới hình ảnh Bác Hồ hiện lên trong bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu. Đã có thời ông thường ngâm nga trong những lần canh gác bên nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch. Tôi còn nhớ hồi học lớp 12, bố cùng tôi học thuộc từng câu trong bài thơ: “Mình về với Bác đường xuôi/ Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người/ Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo…”. Tôi ngồi im lặng bên bố với bao ký ức tràn về. Bố tôi khoanh tay ngước mắt nhìn về phía xa ngoài cửa sổ. Chim ríu rít trên cây hót líu lo. Nắng treo trên tán cành lá thành chùm sợi long lanh rọi xuống vườn nhà. Đúng lúc này có tiếng chuông cửa reo lên. Ngỡ đến giờ mẹ đi dậy học về nhưng thật lạ vì tiếng chuông lần này khác lạ kéo dài một hồi. Tôi vội vàng đi ra cửa xem sao.

Một người mẹ trẻ bế con cùng chồng mặc áo lính đứng bên cạnh có vẻ sốt ruột ghé mắt qua gióng cổng sắt. Người chồng hỏi tên bố tôi và còn nói là Công an nữa. Tôi ngỡ ngàng định hỏi xem có việc gì thì cả hai cứ thế đi vào. Thì ra đó chính là hai mẹ con mà bố tôi đã cứu thoát chết. Người chồng là lính biên phòng dẫn vợ con đến tìm bố tôi để tạ ơn.

Nhìn thấy bố tôi bị bó bột chân ngồi im như tượng trên giường, bất ngờ người mẹ trẻ bế con vộ quỳ xuống trước mặt rồi bật khóc. Tôi vội đỡ hai mẹ con dậy rồi mời ra uống nước. Mắt bố tôi sáng ngời. Ông vội vã lấy chiếc nạng gỗ đi tới đòi bồng đứa bé. Chắc là bố tôi đang mơ vì không nghĩ có thể gặp lại mẹ con họ. Người chồng líu ríu phân trần vì nhiệm vụ đã vắng mặt ngày vợ sinh con trai. Anh đã đi công tác ngoài đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ. Ngay khi biết tin vợ bị tai nạn anh mới xin đơn vị được trở về với vợ.

Anh kể đã bao ngày đi đến các bệnh viện để thăm dò tin tức của người đã cứu vợ mình. May quá có người mách xem tin trên báo, khi đến bệnh viện Xanh Pôn hỏi mới biết địa chỉ của nhà tôi. Hai vợ chồng anh tìm đến ngay. Một phần để hai vợ chồng cảm ơn đồng thời họ muốn bố tôi đặt tên cho con trai họ để làm giấy khai sinh chính thức.

Bố tôi bế đứa bé mới ba tháng tuổi ngỡ như đang bồng tôi ngày nào. Ông ngồi xuống giường rung nhẹ cánh tay rồi cất tiếng ru cho bé ngủ. Vẫn lời ru năm nào bố đã ru tôi. Phải nói lúc này giọng ông ấm và ngọt ngào hơn lúc nào hết: “Ơ Sáng tháng Năm trời trong xanh quá/ Bốn phương tụ về Ba Đình/ Hãy nhè nhẹ bàn chân Bác chưa tròn giấc mơ…”. Nghe đến đây tôi ôm mặt muốn thét lên với bao ký ức tràn về xao xác tâm hồn tôi. Ông đã đặt tên đứa bé là Hoàng Sa. Một cái tên đầy bất ngờ giống như tên của anh trai tôi là Trường Sa.

Vừa hay mẹ tôi trở về. Thấy vậy, bà quá bất ngờ vội giành bế đứa bé trên tay bố tôi. Bà sung sướng cười rồi nói bố tôi đã đền đáp cuộc đời như thế này đây. Cậu bé khẽ ọ ẹ vì tiếng ồn rồi bỗng mở mắt. Đôi mắt thơ tròn xoe đúng như lời thơ bố tôi đã viết: “Phía trước đôi mắt con tròn xoe vời vợi/ Bên nụ cười em hòa lệ mừng vui”. Khi đó người mẹ trẻ rớm lệ nở nụ cười đẹp như một bông hoa bừng nở. Còn tôi chỉ biết nhìn bố ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ mà nhà chúng tôi đã dùng hơn ba mươi năm qua. Mùi gỗ hương vẫn còn thơm cho đến ngày nay. Đôi vợ chồng trẻ ra về mang theo nét chữ của bố tôi trực tiếp ghi trên giấy khai sinh cho đứa bé. Bóng họ khuất sau cánh cổng, bố tôi nghẹn ngào như muốn bật ra tiếng khóc. Có lẽ, ông lại nhớ đến giây phút mẹ tôi một mình đau đớn trong những đêm vượt cạn sinh ra hai anh em tôi. Nhìn bố tôi bần thần bên chiếc nạng gỗ mẹ tôi vội ôm lấy ông rồi an ủi:

- Em hiểu ra rồi. Đúng là anh đã “Tạ lỗi cùng em” với cả cuộc đời này cùng những đứa trẻ xinh đẹp ra đời. Em yêu anh.

Ba tháng sau khi tốt nghiệp, tôi nộp đơn xin đi học nghiệp vụ Cảnh vệ Công an nhân dân theo nghề của bố. Trong khi chờ đợi, bố đã dậy tôi những bài học đầu tiên khi bước vào ngành là sự kiên cường và dũng cảm trong công việc. Nhìn những động tác võ hai bố con tôi trong khi tập luyện mẹ mỉm cười và tỏ ra mừng thầm trong lòng. Bà không những đồng ý với sự lựa chọn của tôi mà còn khuyên hãy học thuộc bài hát “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” như bố tôi.

Và đến lúc lần đầu tiên tôi được cùng bố tháp tùng các chính khách nước ngoài đến làm việc với lãnh đạo nước ta. Mẹ bất ngờ nhìn thấy tôi trên màn hình, bà vội gọi cho anh Trường Sa bật tivi lên xem. Bà lấy điện thoại chụp hình tôi đứng bên một nữ đại sứ. Khi ấy, tôi mặc bộ áo vét màu xanh nom chững chạc như một chiến sĩ Cảnh vệ thật sự vững vàng trước sóng gió cuộc đời. Khi tôi về bà khoe cho xem và luôn miệng khen: “Ôi Công chúa của tôi. Xinh đẹp quá chừng”. Cảnh hệt như khi mẹ nựng tôi ngày bé. Tôi chỉ biết ôm lấy mẹ. Trong lòng thầm cảm ơn mẹ đã sinh ra con trong một đêm mưa gió trên thế gian này.

Truyện ngắn của Vương Tâm
.
.