Hải trình

Thứ Sáu, 24/02/2023, 15:54

Đất liền mờ dần rồi khuất hẳn. Xa tít tắp, một vạch chỉ chia đôi trời đất chông chênh theo từng con sóng cả. Xa bắt đầu say sóng, nỗi cô đơn, sợ hãi lớn dần. Sóng cào xiên siết vào mạn thuyền nghe như những tiếng bóc vỏ trái đất và cố nhét con tàu nhỏ bé vào lòng biển. Cảm giác gờn gợn, chông chênh báo hiệu một chuyến đi vất vả, dù biết trước, nhưng cô vẫn quyết tâm tham gia chuyến hải trình này.

Bồng bềnh, bồng bềnh, vật vã và sõng soài…

Xa từng đi phượt một mình khắp đất nước, leo đường rừng lên đỉnh Fansipan, từng chạm vào mây, đu cả gió, dang tay giữa mênh mông mà níu lấy đất trời, nhưng đây là lần đầu tiên cô mới biết đến cảm giác mênh mông cô độc, nhỏ bé giữa bao la. Chân chạm tới nước, đầu chạm đến trời, cơ thể cô như được bao trùm bởi một tấm vải màu xanh khổng lồ, chẳng có kẽ hở, không một lối thoát. Con tàu cứ thế mà chạy đến đường chân trời, hết chân trời này đến chân trời khác, hàng trăm đôi mắt ngày ngày vời vợi, mong mỏi một điểm chấm đen nhỏ bé cuối ánh nhìn, vậy mà xa đến lắc lơ.

Xa nghiêng ngả ôm nỗi sợ của mình xuống cabin, căn phòng nhỏ có hai cặp giường tầng, ngoài cô còn có ba người phụ nữ, hai cô ca sĩ trẻ của đoàn văn công đang tíu ta tíu tít, dường như họ đã đi nhiều chuyến biểu diễn như thế này nên trông họ rất tỉnh táo, không có vẻ gì là say sóng, vật vờ như cô. Người phụ nữ còn lại trạc tuổi mẹ cô, ít nói, bà nặng nhọc đặt người ngồi khép mình phía đối diện, thi thoảng lại đưa mắt xuống bàn tay đặt lên chiếc hộp nhỏ được bọc cẩn thận nơi đầu giường, dường như trong đó chứa một bí mật, Xa thấy trong đôi mắt man mác buồn của người phụ nữ ấy những ý niệm u uất khó tả, khiến cô nhớ đến người cha đã khuất của mình.

Xa nhớ như in ngày cha trở về. Cận Tết. Nhà trống hoác, bà nội ngồi lặng lẽ trên giường bên cửa sổ nhìn ra vườn sau nhà. Cha bước vào, bình thản nhìn lên ban thờ rồi lẳng lặng thắp nén hương cho tổ tiên và cho cả chính mình. Nhìn vào di ảnh chụp trước ngày ra đảo và cha cô khi ấy, chẳng ai có thể nhận ra hai người là một. Cha tiều tụy, khắc khổ, đôi mắt hằn sâu ngang dọc những vết chân chim, loang lổ đồi mồi, một vết sẹo mới ôm gần hết má trái làm bà nội thừ người.

Vội với lấy chiếc gậy, bà lòng khòng bước đến gần cha, ánh mắt như chứa đầy bể khổ của bà dính chặt vào đôi tay mình đang lần mò, sờ nắm da thịt cha, xem có phải đứa con bằng xương bằng thịt cuối cùng còn sót lại trở về hay không. Hai bác của cô đã hy sinh trong cuộc chiến trước, đến giờ vẫn chưa thấy xác. Bà nấc lên từng chặp, đôi tay run run khi chạm vào khuôn mặt cha và khóc lên thành tiếng “con ơi”, rồi cứ thế tự đấm vào ngực mình thùm thụp cho đến khi cha giữ chặt lấy tay bà ôm vào lòng. Xa đang học, ngơ ngác nhìn, cô thấy mẹ hớt hải từ ngoài ngõ chạy về, vội vàng đến mức chiếc dép tuột ngoài cổng mẹ cũng không dừng mà xỏ lại, thấy bóng cha, mẹ khuỵu xuống bên chiếc cột kèo ngoài hiên.

Ngày nghe tin về cuộc hải chiến, cha mất tích, đôi mắt bà nội như hố cạn hằn sâu, khô khốc, khóc như chảy thịt, người làng bảo khổ đau thì nhiều mà nước mắt bà đã cạn, có bao nhiêu bà đã khóc hết cho 2 bác đã hy sinh. Họ hàng định tổ chức một buổi cầu siêu, bà gắt “đã thấy xác đâu”. Sau này có lần bà dặn, trước khi chết phải cho bà ra biển một lần.

Khi cha về, không thấy bà đòi đi nữa. Mẹ tỏ ra là người mạnh mẽ, nhà chỉ có hai mẹ con, bà cháu, bà đã già yếu nên sau thời gian tấm tức, mẹ lại bán mình quần quật cho ruộng đồng. Mẹ vẫn động viên bà cố gắng xua đi cái không khí thê thiết, u ám mỗi ngày trong căn nhà nhỏ toàn đàn bà, con gái. Chỉ đến khuya, thi thoảng Xa vẫn nghe thấy những tiếng khác lạ lẫn trong tiếng côn trùng ri rỉ loang vọng từ ngoài vườn.

Quay sang mẹ, mẹ giấu mặt ôm chặt lấy vỗ về, ngỏng sang phía giường bà, nghe như tiếng nan giường vặn vào nhau ken két đỡ lấy những trở mình. Một tối chợt tỉnh giấc, Xa thấy mẹ đang ôm phủ gục dưới chân bà khóc nức nở. Hôm sau, mẹ mời thầy về làm lễ đặt trên ban thờ thêm một bát hương nữa. Từ ấy, ngày nào bà cũng dậy sớm thắp hương rồi chống gậy lò dò ra quán nước bến sông, ngồi đó với nhà đò ngóng về bến bên kia sông.

Từ khi cha trở về, ngôi nhà rôm rả hơn, bà chẳng ra bến đò, mẹ hát ca, bà bảo cha mẹ sinh thêm em bé, mẹ phấn khởi, cha chẳng nói gì. Mẹ biết, cha đã khác đi, mẹ vẫn vui vẻ làm vợ, làm mẹ, làm con, mặc cha sống như người hoàn toàn khác biệt. Vẫn con người ấy nhưng một khoảng cách mênh mông thăm thẳm giữa cha và mọi người. Lớn lên, Xa hiểu dường như cha đã phải trải qua những biến cố đầy nỗi đau không thể nói thành lời, hoặc cha muốn giữ lấy những u uất của riêng mình.

Cha hay mê sảng, có đêm Xa khóc ré lên sợ hãi khi nửa đêm cha gào thét, mẹ phải chuyển hẳn Xa sang ngủ với bà. Thi thoảng, cha lại xách ba lô đi đâu đó, ngắn thì dăm ba ngày, dài có khi cả tháng, mẹ hỏi đi đâu, cha chẳng nói. Lần cha nghe báo đài đưa tin ngư dân phát hiện, đưa lên vài hài cốt từ 1 tàu đã chìm ở Trường Sa, cha đi biền biệt. Mỗi lần về, cha thường mang về những quả nhỏ, rồi cẩn thận ươm trồng trong vườn, nhưng chẳng hạt nào cho ra mầm. Có lần ai đó gửi tặng cây đã lên non, cao độ gang tay người lớn, chăm bón thế nào vẫn chẳng thể sống được. Đến khi cha mất, ông vẫn thắc thỏm, dằn vặt với nỗi khổ khắc khoải không hình hài lan ra cả khu vườn đầy những mầm chết.

*

Căn phòng có cô là nhà báo và văn công nên cũng rôm rả chuyện trò, người phụ nữ lớn tuổi tên Hằng, lúc đầu ít nói, dần cởi bỏ lòng mình. Cô ấy nói đã chờ đợi chuyến đi này từ rất lâu, chồng cô trước đây là lính hải quân, đã mất từ vài năm trước. Khi biết chiếc hộp bọc vải là tro cốt của người chồng, mọi người hơi rùng mình, ái ngại. Người phụ nữ nói, chồng cô muốn được rải tro cốt ở vùng biển nơi nhiều đồng đội của ông ngã xuống. Mọi người tò mò, người phụ nữ kể chồng cô không tham gia trận đánh, nhưng chính tay ông đã chôn cất vài người trong số những người đồng đội của mình, sự việc đau thương ấy đã khiến người chồng luôn day dứt, canh cánh trong lòng. “Ông ấy muốn trở về với biển”, cô nghẹn ngào nói.

50e95c217fc5a59bfcd4.jpg -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

*

Mấy năm nay, Nhà nước thường tổ chức những đoàn công tác ra ngoài đó thăm động viên bà con Nhân dân và cán bộ chiến sĩ ngoài huyện đảo. Điểm nhấn của chương trình là buổi lễ thả hoa đăng tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh. Tạp chí được 1 suất, cô quyết tâm xin đi, Tổng biên tập ái ngại nhưng vẫn gật đầu ký công văn đề xuất gửi cơ quan có thẩm quyền, với lý do to đùng cô là con của một cựu binh. Ngày lên đường mẹ vừa lụi hụi chuẩn bị đồ đạc vừa càu nhàu căn dặn, “Con gái con lứa, không biết bơi còn đòi ra biển, cần thiết thì mới lên boong tàu, không thì cứ ở dưới khoang ấy”.

Mẹ nói Xa mới nhớ mình vẫn chưa biết bơi, hồi nhỏ cha bế cô rồi ném đánh ùm như ném khúc gỗ xuống cái mương nhỏ trong làng, khác mỗi cái, gỗ nổi còn cô thì chìm. Trên bờ, ánh mắt cha đục ngàu, hét lớn thúc giục, “Bơi đi, bơi nhanh, chậm là chết”, cảm giác như cha chẳng nói lời ấy với đứa con gái nhỏ của mình. Dưới nước, cô hoảng loạn, bì bõm đập tay, đạp chân được vài cái, uống no nước rồi chìm hẳn. Lúc ấy cha mới vục lên, cô khóc, mẹ chạy ra trách móc, “Nước của cha chỉ có máu thôi”, cha không nói lặng lẽ bỏ về. Từ ấy cô cũng chẳng còn nghĩ đến việc tập bơi nữa, nhưng ánh mắt của cha hôm ấy vẫn còn ám ảnh.           

Con tàu đã rời cảng được hai ngày, trừ lúc ăn tối là trên boong tàu, còn lại cô thường ở trong phòng. Tối ấy, đang miên man chuẩn bị vào giấc ngủ thì có người lính vào gõ cửa phòng và nói nhỏ với cô Hằng điều gì đó, khi người lính đi khỏi, cô Hằng cũng ôm lấy bọc tro cốt rồi đi theo. Mọi người ai cũng hiểu cô chuẩn bị thực hiện di nguyện của người chồng quá cố, hai cô văn công nhìn nhau im lặng, chỉ có Xa tò mò, “Biết đâu lại thêm được điều gì hay ho cho bài bút ký”, cô nghĩ rồi ngồi phóc dậy.

Biển lặng như tờ, xa xa trăng như chạm vào bóng mình phản chiếu dưới mặt biển. Cô đứng mép cửa nhìn ra ngoài. Ngó trên mạn trước, có mấy người đang đứng chuyện trò rôm rả. Nhìn phía đuôi tàu, cô Hằng đang lặng lẽ mở chiếc hộp trên tay người lính khi nãy và chầm chậm lấy từng nắm tro nhỏ vung xuống biển. Những muội tro li ti, màu xam xám dưới ánh trăng bàng bạc như bừng sáng rồi vụt tắt tan vào đại dương. Chốc chốc lại thấy người phụ nữ đưa tay lên quệt mắt, sụt sùi.

Xa bần thần, cô thương những người vợ biết bao, ai cũng khổ, ai cũng đau, nước mắt nào cũng mặn như nhau, chỉ có nỗi đau là khác. Dường như những người phụ nữ ấy đã chuẩn bị cho mình những điều không may nhất, chắc thế nên mẹ mới đặt tên cô là Xa. Một người đàn ông khác đứng cách đó vài bước chân, dường như cũng là một quân nhân. Ánh trăng chênh chếch soi mờ khuôn mặt góc cạnh còn khá trẻ. Chàng trai đứng quan sát, lặng lẽ nhìn, dường như cô Hằng cũng chẳng để ý đến người thứ ba kia. Bất chợt, Xa thấy ánh mắt ấy chạm vào mắt cô rồi mỉm cười, khoảnh khắc vô tình ấy làm Xa có chút bối rối, cô vội lảng nhìn về phía khác để tránh ánh mắt như thăm thẳm của chàng trai.

Lúc sau, cô Hằng trở lại phòng, khuôn mặt cô dường như giãn hẳn ra, chẳng còn giấu niềm u uất, bước chân trở nên nhẹ tênh và đôi mắt giờ biết cười của cô như nói cho xung quanh biết cô vừa làm được điều gì to lớn, vĩ đại. “Chắc ông ấy giờ này đang mỉm cười nơi chín suối”, người phụ nữ nói với Xa khi thấy cô đang thức, cô thở dài tuồn tuột rồi đặt mình chìm sâu vào giấc ngủ.

Sáng sớm, hoàng hôn loang đỏ ửng chân trời, lan trên mặt biển, tràn lên boong, nắng hiện hữu nhanh đến độ làm Xa nhớ đến cái chết của Đam San. Hai ngày vật vã trong căn phòng nhỏ dưới khoang tàu làm cô choáng ngợp với ánh sáng trước mặt. Con tàu đã dừng bên rìa một hòn đảo nhỏ, mọi người háo hức, hò reo khi thấy những người lính hải quân đi xuồng nhỏ ra đón vào bờ. Chương trình tặng quà và giao lưu hôm ấy diễn ra nhiều ý nghĩa và xúc động, Xa xung phong lên hát xen kẽ các tiết mục văn nghệ của văn công. Cô nghe kể cuộc sống kham khổ của những người lính trên đảo ngày đó, giữa mênh mông đại dương chỉ có niềm tin và tình yêu Tổ quốc mới nuôi dưỡng ý chí con người gắn bó với nơi này.

Đêm ấy, chỉ có đoàn văn công và cánh nhà báo được ở lại nhà khách trên đảo. Mồ hôi và gió biển làm da thịt Xa nhớp nháp, cô muốn đi tắm nhưng lại thôi, bởi nước ngọt ở đây quý như vàng. Hồi chiều, Xa đã vô tình nghe thấy vài người lính nói chuyện về việc nhường số nước ngọt trong tiêu chuẩn được dùng mỗi ngày để cho đoàn công tác. Cô đã kín đáo nói với mọi người không dùng nước ở nhà khách, ngay cả việc dùng vệ sinh cá nhân sẽ chờ lên tàu. Xa chọn cách đi dạo giữa đêm, người lính gác nhà khách dặn cô đừng đi quá lâu và đừng tắm biển đêm.

Đi dạo một lúc, Xa ngồi dựa lưng vào gốc cây bàng vuông bên bờ kè nhìn ngắm đại dương. Biển nửa đêm về sáng thật ngoạn mục, cô ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vũ trụ và thiên nhiên hùng vĩ, sóng lăn tăn, nhè nhẹ nghe như bản hòa tấu ru ngủ nhân gian cố lôi kéo hàng vạn vì tinh tú lấp lánh xuống mặt nước. Xa xa, thi thoảng có vệt sáng sao chổi lóe lên rồi ẩn mình vào vũ trụ, mọi thứ đều hoàn hảo, những hình ảnh cô chỉ thấy trong phim “Life of Pi”.

Quên lời người lính nhắc ban nãy, Xa hít một hơi thật sâu rồi bước ra phía bãi cát. “Mát quá”, Xa thốt lên khi chân mình chạm mép nước, “biển có nóng đâu, ảo giác chăng, hay là sự đánh lừa của đại dương?”, chẳng bù cho khi trưa, cát nóng chảy tan như đường rang. Nước đã đến đầu gối, Xa vẫn chầm chậm nhích bàn chân, chiếc váy đã ướt nhưng cô chưa muốn dừng lại. Đại dương như một thứ quyến rũ đang mê hoặc thiếu nữ, nước đã đến ngực, lực đẩy của sóng mạnh hơn, đẩy cô lùi vào rồi lại kéo ra.

Xa mê mẩn khoảnh khắc này, cô nhắm mắt tận hưởng cái cảm giác hòa mình vào vũ trụ. Nước chạm đến cổ, đột nhiên bàn chân bước vào chỗ cát lún, Xa chợt bừng tỉnh. Ngay lúc ấy một con sóng vỗ vào mặt làm cô bị ngợp, Xa chới với, hốt hoảng, cô cố lùi lại nhưng sóng càng kéo cô ra,cô lại uống thêm mấy ngụm nước mặn chát, chân không chạm đến cát, cô lại sặc nước. Xa định kêu cứu thì đột nhiên cảm giác như có ai đó nắm lấy tay mình. Một chốc, Xa kiệt sức, ho sặc sụa, nằm thở hổn hển trên bãi cát.

- Cô liều thật, tí nữa thì bán mình cho đại dương.

Xa ngước nhìn với vẻ mặt ân hận, hối lỗi, cô giật mình vì không phải là người lính gác, cô nhận ra đó là chàng trai trên tàu đêm qua. Vẫn ánh mắt kỳ lạ ấy, nhưng lúc này anh ta đang ngồi bên cạnh Xa. “Cảm ơn anh, không có anh chắc tôi đã…”, giọng Xa lí nhí. Chàng trai đáp lại bằng một nụ cười duyên để lộ hàm răng trắng như vỏ sò, chiếc áo trắng hải quân đã ướt sạch.

- Sao cả ngày nay tôi không thấy anh?- Cô hỏi như một người quen.

- Tôi mới từ tàu lên đảo khi tối, động cơ tàu có trục trặc, phải sửa cho xong - chàng trai trả lời, rồi nói tiếp - Cô hát hay lắm, tôi đã nghe cô hát.

- Lúc giao lưu ư, vậy mà những người tặng hoa tôi không có anh - Xa cười đáp lại một cách vặn vẹo, bàn tay Xa quơ tay chạm vào một cái rễ cây. Thấy Xa đang ngạc nhiên nhìn theo những chiếc rễ mọc ra từ bờ, chàng trai bảo đó là rễ cây bàng vuông, đảo nào cũng có, giữa muôn trùng khắc nghiệt, cây ăn sâu, bén rễ hiên ngang như những người giữ đảo. Xa kể về việc cha mình khi còn sống luôn cố gắng trồng một cây bàng vuông trong vườn, nhưng thất bại, anh nói cây khó trồng, vài tháng hạt mới có thể nảy mầm. Đêm ấy, họ ngồi dưới bãi cát, gió biển làm chiếc váy của Xa khô nhanh hơn, bay phần phật, tốc lên để lộ cặp đùi trắng nõn, cô phải dùng tay giữ rồi kéo xuống mấy lần. Mỗi lần như thế chàng trai lại quay mặt nhìn về hướng khác khiến Xa thấy thích thú. Sau cuộc nói chuyện dài, họ vội chia tay khi có tiếng gọi của người lính gác phía xa.

*

Sáng hôm sau, buổi lễ thả hoa đăng diễn ra trang trọng, bài diễn văn da diết và xúc động của Trưởng đoàn khiến nhiều người đã khóc. Mắt cô đỏ hoe nhìn vòng hoa lênh đênh mặt biển, dưới đó, nhiều người còn nằm lại. Trong không khí lặng lẽ nhưng trang nghiêm ấy, ánh mắt Xa dường như thấy khuôn mặt người đàn ông đêm qua đứng phía sau hàng người. Đến giữa trưa Xa bị sốt cao, có thể là do ngấm nước từ tối qua, cô không nói với quân y việc đó khi họ khám, cô nằm bẹp đến tối.

Đêm ấy, tàu thả neo ở cụm đảo Sinh Tồn. Xa cố thức, cô thức dậy loạng choạng đi lên boong tàu, “Cô tìm tôi phải không ?”, giọng chàng trai đêm qua nói khi cô đang ngơ ngác, ngó nghiêng. Xa chưa kịp nói thì bàn tay rắn chắc người thanh niên đã nắm lấy cô “Đi theo tôi”, Xa như bị bàn tay ấy thôi miên, lý trí vâng lời cảm xúc một cách vô điều kiện, mà thật ra trong thâm tâm cô, lòng đã tự nghiêng ngả. Anh dắt cô đến phía cuối đuôi tàu, chỗ này được che chắn bởi những kiện hàng to gửi cho các đảo nên kín đáo. Họ ngồi cạnh bên nhau ở nơi kín gió ngắm đại dương.

- Tại sao tàu lại dừng ở đây, bình thường tàu vẫn chạy đêm cơ mà ? - Xa mở đầu cuộc trò chuyện.

Chàng trai nói đoàn công tác nào cũng qua đêm tại đây, để cho những linh hồn đang nằm dưới đáy biển không cảm thấy cô đơn. Xa đã từng nghe cha kể về trận đánh, nghe những thông tin trên mạng xã hội nhưng vẫn bị cuốn vào câu chuyện của người lính bên cạnh. Đêm trước hôm xảy ra trận đánh, sương mù đặc quánh tràn mặt biển, có ba con tàu hậu cần chở công binh ra đây, mỗi tàu neo gần một đảo chìm, tàu chở vật liệu thi công và những người lính còn rất trẻ nhưng đầy lòng dũng cảm.

Sáng sớm, chỉ với xà beng, họ đã đào hố trên san hô để cắm cờ Tổ quốc, người lính nói trong khi tay chỉ về phía nơi có ánh đèn xa trước mặt “chính là nơi ấy”. Lúc sau tàu giặc đến, chúng tràn lên bãi đá ngầm với súng và lưỡi lê bao vây, uy hiếp bộ đội. Với vài người ít ỏi, những người lính đã nắm chặt tay nhau đứng thành vòng tròn xung quanh bảo vệ lá cờ. Mãi không đánh bật được, bọn chúng rút về tàu rồi bắn đạn pháo về phía chiếc tàu đang neo đậu của ta và những người lính Việt Nam giữ bãi đá. Họ như những mốc chủ quyền hiên ngang bằng xương bằng thịt nhưng làm sao chống lại được đạn pháo. Cả một vùng nước đầy khói đạn, máu hòa vào biển đỏ quạch bắn lên tung tóe.

Kể đến đó, Xa lặng đi, tay cô đặt tay mình lên bàn tay người lính. Đại dương phía trước, bầu trời phía trước như đang hòa vào nhau, cô nghe thấy tiếng đạn pháo, khoảng không giữa mặt biển và bầu trời xuất hiện những người lính và những con tàu. Cô nhìn thấy cha mình, cha cô là thợ máy, bị thương vào mặt ngay từ loạt đạn pháo đầu tiên, cha đã cố gắng dập lửa nhưng tàu trúng đạn liên tục, không thể sửa chữa, tàu nghiêng ngả yếu ớt rồi chìm dần. Rất ít người còn sống. Đại dương như con quái vật nuốt trọn từng thi thể xuống lòng biển. Xa khóc nấc lên. Cha là một trong số ít ỏi những người còn sống cố gắng bơi về phía bãi đá khác nhưng bị bắt lại, hình ảnh khiến cô nhớ đến mắt cha lần tập bơi ngày nào. Xa để yên cho chàng trai đưa tay lau nước mắt cho mình, lúc sau anh ta đưa cho cô một túi vải, nói rằng trong đó là hạt bàng vuông, cô hãy mang về trồng.

Gió biển lành lạnh, cô cảm thấy hơi ấm của chàng trai như đang thôi miên tiềm thức mình, hơi ấm có mùi mằn mặn của nước, khen khét nắng, chàng trai nắm gọn lấy bàn tay cô bé nhỏ. Xa mãn nguyện, cô lấy điện thoại ra Selfie với người lính. Trong khoảnh khắc ấy, cô dựa vào vai chàng trai, tiếng thở như sóng biển. Lúc sau Xa thiếp đi, phía chân trời ưng ửng.

Sáng sớm hôm ấy, chiếc tàu rời đi, Xa không biết đêm qua cô về phòng bằng cách nào, nhưng những đêm sau cô không gặp lại người lính ấy nữa. Xa ốm nặng, cô được đưa đến phòng quân y và ở đó cho đến hết chuyến hải trình.

*

Tàu cập bến, ô tô đưa mọi người về nhà truyền thống Vùng 4 hải quân. Sức khỏe Xa đã đỡ hơn, nhưng dường như cô vẫn chưa quen với cảm giác những ngày trên sóng nước. Đến nơi, mọi người gọi Xa mới tỉnh giấc, cô chỉnh lại đầu tóc rồi vội vã chạy theo đoàn người vào trong nhà truyền thống, cảm giác não và đôi chân vẫn lâng lâng như một người xa lạ với đất liền. Trong khi mọi người đứng chen chúc nghe người dẫn chương trình thuyết minh, Xa tách khỏi đám đông và đi tham quan một mình theo hướng ngược lại. Đôi chân bước chậm rãi, mắt lặng lẽ quan sát những hiện vật tại các vị trí trưng bày. Khi bước đến vị trí chân dung của 64 người lính hy sinh, đột nhiên cô rùng mình, một luồng điện chạy dọc cơ thể, mắt cô sững sờ nhìn kỹ từng tấm ảnh nhỏ. Tất cả họ đều có chung một khuôn mặt của chàng trai cô đã gặp, vẫn khuôn mặt góc cạnh, vẫn nụ cười và đôi mắt thăm thẳm ấy, Xa bỗng khụy xuống, lả đi.

Tỉnh dậy, Xa thấy mình đang nằm ở bệnh xá quân y, cô thấy khỏe và tỉnh táo hơn. Bác sĩ nói rằng cô bị suy nhược, cơ thể có dấu hiệu mất cân bằng cảm giác do chưa quen sự thay đổi từ biển với đất liền, dặn cô cần nằm nghỉ thêm, qua đêm nay sẽ khỏe, sáng mai theo đoàn ra sân bay, hành lý của cô cũng đã được mọi người chuyển xuống dưới y tế.

- Tại sao họ lại có chung một khuôn mặt, những người lính đã mất ấy? - Xa hỏi vị bác sĩ đứng tuổi.

Bác sĩ nhìn cô ngạc nhiên, “Đâu có, họ là 64 người khác nhau”.

Xa chột dạ, quay lại giường bệnh, tìm cái điện thoại, cô ngạc nhiên khi tìm mãi không thấy tấm ảnh chụp chung với người lính đêm hôm trước. Hụt hẫng, cô mở khóa balo lấy ra túi vải nhỏ, trong ấy vẫn có một quả bàng đã khô.

*

Tháng ba năm sau, Xa trở về sau những lần đi công tác dài ngày, mẹ bảo cây bàng vuông con trồng năm ngoái bên mộ cha đã lên cao quá đầu người. Cô tất tả chạy ra bãi tha ma ngoài cánh đồng. Ngôi mộ nằm bên những thảm cỏ dại xanh rì, nhìn vào di ảnh nhỏ, dường như cha đang vui. Cạnh đó, cây bàng mọc lên lặng lẽ, đã tẽ ra vài cành. Gió xuân tràn lên những mơn mởn cỏ non, lá bàng cũng rung rinh, lắc lư phần phật vui tai, nghe như rì rào sóng biển.

Sau này, Trường Sa ngày càng đón nhiều đoàn công tác, thi thoảng cô vẫn nghe kể về một chàng trai bí ẩn trên những chuyến tàu.

Truyện ngắn của Bùi Tuấn Minh
.
.