Mùi kí ức

Thứ Năm, 02/03/2023, 20:20

Cha tôi mất trong một chiều mưa lê thê, rả rích sau mười ngày từ bệnh viện trở về. Ngày đưa tiễn cha, dì Liên và cả Triều khóc cạn nước mắt. Giá như tôi không gặp lại vết sẹo dài thì những ý nghĩ đã không chen lấn, giằng xé ruột gan và vắt kiệt tâm trí tôi. Tôi có thể gào khóc như Triều và hòa chung vào nỗi buồn đau, mất mát với dì Liên. Những giọt nước mắt cứ ứa ra, tôi thấy mình vẫn trơ lì như khúc gỗ.

Tôi sẽ không bao giờ gặp một buổi trưa nào nắng quái hơn thế. Nắng dầm nắng dãi, nắng dội lửa lênh láng mặt đường, nắng đẩy chị em tôi dạt vào một góc, chỗ nền đất gần mé cổng. Đôi mắt của thằng Triều không ngừng sóng sánh như có bao nhiêu nắng đã thu hết vào đó. Tôi quàng tay lên vai nó để cái túi vải che bớt phần lưng gầy guộc rịn mồ hôi tươm tướp.

- Bao giờ cha mới về?

Triều hỏi, mà ánh mắt đã neo đậu ở phía căn nhà lụp xụp, phía thềm có con mèo đang lim dim trong râm mát. Trên đường đến đây, tôi lỡ nói với Triều: "Cha không có nhà, mẹ dặn chị em mình đứng ở cổng, kẻo lạ nước lạ cái, tìm không đúng nhà. Hoặc nhỡ có đúng, con Mực cũng chẳng quen mình…".  Hình như trong tâm trí Triều chợt hiện ra một con Mực dữ tợn nào đó, nó vội khúm núm chân lại, bấu chặt lấy tay áo tôi.

Vậy là Triều tin tất thảy những điều đó, dẫu ngó quanh chẳng thấy bóng dáng của con Mực nào và cửa nhà trống huơ, không khép.

- Chị có nhớ mặt cha không?

Câu hỏi của Triều làm tôi đơ ra như sỏi đá. Nó đã hỏi về cha cả trăm lần trong những đêm nằm chõng trên sân, chỉ có mẹ ngao ngán, buộc phải chắt lòng ra để vỗ về thằng con sáu tuổi. Bây giờ, Triều lên mười và mấy năm ròng, những câu hỏi của thằng bé đã nuôi lớn tôi, nhen một đốm lửa giữa vùng tối thăm thẳm của tuổi thơ tôi.

Và sau bốn năm gom nhặt những câu từ của mẹ, tôi đã nhớ không sót một chữ nào để kể lại cho Triều nghe về cha: Người đàn ông có khuôn mặt chữ điền, vầng trán cao, mái tóc rậm dày, đôi mắt ấm và làn da ngăm ngăm. Triều cũng nhớ hết nhưng nó thích được nghe kể lại, để những câu chữ lại dội vào tâm trí hình ảnh về cha mà nó đã ôm ấp suốt bao tháng ngày đằng đẵng.

- Chị kể y chang mẹ. Nhưng mẹ kể hay hơn…

Ừ, chị đâu thể ríu rít như một chú chim non hay đẩy đưa câu từ ngọt ngào như mẹ. Bởi thứ duy nhất mà chị có, không phải là những lần gặp cha khi Triều chưa chào đời như mẹ kể, mà chỉ là cảm giác. Nhưng nó đã chai sạn mất rồi…

*

Từ trong nhà vọng ra những tiếng ho khan dai dẳng, kế tiếp là tiếng rên hừ hữ. Triều reo lên một cách hân hoan và vui sướng:

- Hình như cha ở trong nhà đó chị ơi!

z4150345649359_878b22a3226e68fba4f3508b4b8ee4b7.jpg -0
Minh họa: Tô Chiêm

Triều toan bước chân vào, tôi bất giác giật tay lại:

- Nhưng vẫn còn con Mực…

Triều đột ngột rụt chân. Tôi hơi rợn mình khi tiếp tục buông ra một câu nói dối. Đáng lẽ, tôi cũng có được những phút hân hoan như Triều lúc này. Nhưng nó đâu hay biết, niềm khao khát gặp cha trên chiếc chõng tre năm nào đã tơi tả trong một chiều dầm dề gió thổi, mẹ đã mang hai chị em tôi sang gửi nhờ nhà hàng xóm. Sực nhớ ra con búp bê vải, tôi chạy ù về nhà, thấy cửa chốt trong, thấy tiếng rộn rạo, tiếng cót két của giường gỗ, và thấy mẹ đang ưỡn cong mình như con tôm nhỏ dưới một cơ thể lớn…

Những ngày ấy còn chưa xa lắm và tôi đã thôi ngô nghê tin vào câu chuyện mẹ kể. Hình ảnh về người cha bao năm vun đắp bỗng chốc như nắm cát vụn mặc sóng cuốn đi muôn ngả. Và tôi cũng đoán trước được, khi mẹ để lại cho chị em tôi một mẩu giấy ghi tên và địa chỉ của cha với lý do phải về thăm ngoại một chuyến, thì cơ hội gặp lại mẹ cũng mong manh như con diều ngơ ngác giữa bầu trời đứng gió.

Người đàn ông từ trong nhà bước ra và người phụ nữ lật đật theo sau. Triều có chút bất ngờ, chắc vì người đàn ông xác xơ như điếu thuốc tàn trước mặt đã phá vỡ mọi hình dung của nó. Hồi nãy, tôi còn nghĩ đến một cảnh tượng, khi cha bước ra, dẫu không nhận ra chúng tôi, cha cũng sẽ ân cần nói: "Hai cháu tìm ai?". Bởi giọng ân cần, ấm áp ấy, hai chị em tôi sẽ chạy đến, chia nhau nửa cái bụng của cha để úp mặt vào nức nở. Nhưng ông chỉ lướt đôi mắt của mình trên khuôn mặt Triều - một cái nhìn trơ ra cả đáy. Vì giống. Giống y đúc. Trong cái nhìn của người phụ nữ kế bên cũng ngồn ngộn sự thảng thốt bởi sự giống nhau ấy, của Triều và của cha.

Bàn tay nhỏ của Triều bất ngờ tuột khỏi tay tôi, làm tôi có chút chới với. Bất ngờ hơn, trước vẻ bặm trợn, cộc cằn mà cha đang phơi ra, Triều vẫn chạy đến như một con sóc nhỏ. Vẫn có chút dè dặt, thằng bé chỉ dám túm lấy vạt áo mốc, nũng nịu:

- Hai chị em con nhớ cha lắm…

Cha cúi xuống nhìn thằng bé. Và ánh mắt không gợn chút xao động nào.

Người phụ nữ xách giùm tôi cái túi vải, dẫn hai chị em tôi xuống bếp và xới cho mỗi đứa một bát cơm đầy. Triều di cái ghế gỗ con con ra cửa bếp tự lúc nào, mắt trân trân nhìn lên nhà. Nắng không còn đổ vào mắt nó, mà sao đôi mắt vẫn sóng sánh không thôi. Người phụ nữ ngồi kế bên, (tức là dì Liên, sau này tôi vẫn thường gọi thế) thi thoảng lại nhìn vào bát cơm của hai chị em tôi. Triều và miếng nào, chậm rãi miếng đó, mắt không rời khỏi vị trí mà nó đã phục sẵn nãy giờ. Tôi lùa cơm vào miệng, từng miếng dai cứng như cọng rơm khô…

Bữa cơm đầu tiên cùng cha diễn ra khi mảnh trăng non lừng lững nhô lên. Triều hí hửng sắp mâm và so đũa. Cởi bỏ hết ngượng ngùng, thằng bé chủ động ngồi cạnh cha, gắp cho cha miếng sườn to nhất. Cha nhận miếng sườn đầu tiên ấy và cũng là cuối cùng, bởi sau câu nói "Để tao tự gắp", Triều đành lủi thủi ngồi im.

Có bóng người đàn ông đi vào, đứng lại ở giữa sân. Cha làu bàu: "Lại thằng Thoa điếc".

- Ông Binh cho tôi xin điếu thuốc.

Ngay tắp lự, Triều đứng phắt dậy đi tìm hộp sơn tròn tròn, con con cha đựng những điếu thuốc lào trong đó. Trước khi lấy ra hai nhúm cho lão Thoa điếc, nó còn ngoảnh lại nhìn cha, để biết đâu khuôn mặt ơ hờ ấy sẽ biểu lộ tín hiệu nào đó cho Triều biết mà đong đếm. Thấy cha chỉ cắm cúi lùa cơm vào miệng, ngoài sự mong đợi của Triều, nó có vẻ hụt hẫng.

- Thằng bé nào đấy ông Vinh? Nom giống ông ra phết đấy. Chắc lại con rơi con rụng hở?

Lão đi rồi, tiếng cười hể hả vẫn còn rớt lại ở sân. Một câu nói chứa tới ba mũi dao. Một mũi cho tôi, một mũi cho dì Liên. Và mũi còn lại, cho thằng bé mười tuổi trâng tráo nhìn theo lão điếc và đôi chân như que củi đang run lên từng hồi.

Như chỉ chờ bữa cơm xong xuôi, cha mới nhạt giọng:

- Thế mẹ chúng mày đâu?

Triều bưng cái mặt rầu rầu ra đáp:

- Mẹ về quê thăm ngoại ạ.

- Ngoại mày chết ngoẻo từ hồi nào.

Cha buông chữ không chút lợn cợn nào. Triều ngồi lặng đi, giống như một ngôi sao lặng lẽ mờ dần sau những đám mây đen. Dì Liên giục chúng tôi vào nhà ngủ sớm. Nhưng hai chị em tôi nằm trên giường rồi, vẫn nghe thấy tiếng dì nổi quạu:

- Trước mặt trẻ con, ông không được nói vậy.

Lời dì như gió thổi qua tai cha, chốc lát tôi đã nghe tiếng ngáy như đá lở của cha miết vào đêm tối.

- Chắc ngoại chết thật rồi.

Giọng Triều nghe buồn thật buồn. Tôi không giỏi vẽ ra câu chuyện nào đó như mẹ để dụ thằng bé còn non nớt, cả tin. Triều cũng chưa bao giờ hỏi mẹ, ngoại trông thế nào, bao tuổi rồi, sao không thấy ngoại đến thăm. Bởi trong tiềm thức của tôi, của Triều, chỉ một chữ "ngoại" thôi cũng đủ để hình dung về một bà già có tấm lưng còng, nụ cười móm mém và hay ngồi quấn tóc bằng dây vải nhung tím thẫm bên hiên nhà. Giả sử mẹ có kể, tôi cũng đoán chỉ bấy nhiêu đó thôi, không hơn không kém. Tâm trí tôi đã lấp đầy bởi hình ảnh về người cha nhân hậu và bởi ký ức trong những buổi chiều dầm dề gió thổi, những tiếng cười hỉ hả, tấm lưng ngăm đen và sát nách có một vết sẹo dài.

Buổi sáng hôm sau, khuôn mặt của Triều không còn đọng lại một chút buồn nào, vẫn lóc cóc theo sau cha lúc cha ra ao kéo cá với sự vui thích lạ lùng. Thằng bé vốn dễ quên và dễ tha thứ. Nhưng sự cởi mở và tươi rói ấy, Triều không bao giờ dành cho dì Liên. Mỗi lần đi đám cỗ cưới trong xóm, bao giờ dì cũng mang về cho Triều một quả trứng vịt lộn (thứ duy nhất mà dì có thể cầm gọn trong tay mà không phải ngượng ngùng xin túi gói lại). Nhưng không thể đưa thẳng cho Triều nên dì phải đi đường vòng, bằng cách dấm dúi vào tay tôi. Những tối Triều ngủ quên ngoài chõng, dì Liên ngồi bên, lẳng lặng xoa tấm lưng đầy rôm sẩy của nó, thi thoảng vẫn giật mình thon thót như sợ Triều bất chợt tỉnh giấc sẽ hốt hoảng kêu la. Có đêm, tôi thỏ thẻ hỏi, thằng bé trở mình, quay mặt vào bức tường: "Vì dì Liên mà mẹ mới bỏ đi đó, chị không biết à?". Sao lúc ấy tôi thấy thương dì Liên quá.

Vạt áo của cha không đủ rộng để giấu đi hai đứa con rơi con rụng. Cả làng đều đã biết tới sự xuất hiện của chị em tôi. Cha cũng nhẹ dạ như Triều, tin rằng mẹ chỉ đi dăm ba bữa sẽ về. Như buổi sáng qua, Triều ngồi cười tủm tỉm bên hè: "Mai kia mẹ qua, sẽ đón hai chị em mình và cha về luôn, chị ạ". Đôi mắt Triều vẫn không ngừng lấp lánh, vui tươi. Triều biết đâu chữ "mai kia" xa lắc, xa lơ, và cha đâu còn là đứa trẻ nhỏ để mẹ dang rộng vòng tay đón về. Và khi Triều nói câu đó, chắc vì biết dì Liên đang lụi cụi trong bếp, cách chỗ chị em tôi ngồi không xa, đủ để chốc lát sau, cái bếp nhỏ tỏa khói mịt mù.

Cha bắt đầu đánh Triều, khi thằng bé làm đổ xô cá, vỡ cái bát, rót nước để tràn ra khắp phích và ngay khi chai rượu của cha… vừa cạn đáy. Sự nhẫn nại trong cha dường như đã bục vỡ và hai chị em tôi trở thành món nợ đời đeo đẳng của cha. Một hôm, nhìn những vết lằn roi đỏ lựng trên chân Triều, tôi hỏi:

- Em có ghét cha không?

Triều trả lời tỉnh queo:

- Cha thương em nên cha mới đánh chứ. Có lần em thấy thằng Sơn, thằng Chính bị cha bọn nó đánh, mà em thèm…

Tôi lặng người đi.

Đêm, dì Liên canh lúc Triều đã ngủ, mò mẫm vào chỗ chị em tôi nằm. Rồi dì xoa dầu lên những vết lằn sưng tấy trên đôi chân khẳng khiu của Triều. Tôi nghe dì buông tiếng thở dài thênh thang như tiếng gió.

So với mẹ tôi, dì Liên đơn sơ hơn, quê kiểng hơn. Chưa một bận con mà trông dì già hơn tuổi tác. Dì cho tôi những cảm giác thân thuộc tôi chưa từng có trước đây: khoảnh khắc dì ngồi xõa mái tóc dài xuống chậu nước bên thềm giếng rồi khẽ khàng đưa lược chải, lúc dì ngồi sau lưng gỡ tóc rối cho tôi và nói, "Tóc con đẹp quá, Hằng à" hay cả khi đi chợ về, dì Liên dúi vào tay tôi những chiếc bánh rán. Có lẽ, khi tôi còn bé, mẹ cũng làm những điều tương tự vậy, nhưng tất cả đã mờ khuất đi sau buổi chiều dầm dề gió thổi ấy. Chỉ còn những kí ức phủ gai ở lại. Mẹ cũng bắt đầu chải chuốt, tô son trát phấn nhiều hơn từ dạo ấy. Mẹ mở một quán nhỏ tin hin nằm chênh vênh bên mặt đường quốc lộ và mẹ bắt đầu làm thợ may. Thứ duy nhất khiến tôi nhớ về cái nghề của mẹ chính là những con búp bê vải. Và những lần đưa cho tôi, mẹ đều ngọt ngào nói:

- Mẹ mới may xong một con búp bê mới cho Hằng đây. Hằng dẫn em đi đâu đó chơi, gần trưa hẵng về, cho mẹ làm việc nhé.

Sau này, khi biết mẹ làm nghề may để che đậy một thứ nghề khác, ô uế và nhem nhuốc, tôi đã không còn thấy nụ cười của mẹ lung linh trong nắng sớm. Những con búp bê vải trở thành món đồ để mẹ dẫn dụ sự thơ ngây và hồn nhiên của tôi. Những lần sau đó, khi nhận búp bê vải từ mẹ, tôi đã cố phơi ra sự não nề trên khuôn mặt, nhưng tuyệt nhiên mẹ không nhận ra điều đó. Sau buổi chiều dầm dề gió thổi ấy, tôi bắt gặp nhiều tấm lưng hơn. Họ đến căn nhà của tôi, có khi lại đến cái quán nhỏ của mẹ. Mẹ thường cười khúc khích, khi người ta vùi mặt vào đôi bầu ngực núng nính của mẹ và trườn cánh mũi trên hai ngọn núi ấy. Dữ dội nhất là chiều ấy, tôi thấy mẹ quằn quại và giãy giụa dưới đôi chân có vết sẹo dài như một con rắn uốn cong mình bên mé đùi phải. Tôi đánh rơi con búp bê vải, hoảng sợ chạy đi. Buổi chiều ấy đã vắt kiệt sức lực của mẹ. Trông mẹ như một cánh hoa tả tơi, héo rũ và trên cổ hằn lên những vết răng sắc nhọn. Mẹ gói ghém nỗi buồn thật nhanh và thật khéo, khi sáng hôm sau tôi đã thấy mẹ đưa đẩy cái nhìn và nụ cười của mình luồn dây đo qua hông của người đàn ông kém tuổi.

*

Xóm lên kế hoạch đổ nhựa cho con đường đất nâu trước khi mùa mưa đến. Nghe đâu người ta sẽ thu phí theo đầu người. Khi ông trưởng thôn đến nhà, cha lùa chúng tôi vào xó bếp như lùa bầy vịt vào chuồng. Triều ngồi im như thóc, đến tiếng thở hình như cũng giấu bặt đi. Trên nhà, tiếng cha hục hặc vọng ra:

- Chúng đâu ruột thịt gì với tôi. Mẹ chúng nó chỉ gửi nhờ mấy hôm mà các ông đòi thu tiền là cớ làm sao? Ông cứ đòi thu là tôi quăng mấy đứa đó ra đường, có xảy ra gì, các ông gánh hết.

Nghe lời dọa cục cằn của cha, ông trưởng thôn lồng đồng bỏ về, đi đến nửa sân vẫn lủng bủng trong miệng: "Tao chống mắt xem mấy hôm là bao lâu". Dẫu thắng được ông ta, nhưng qua khe cửa, tôi vẫn thấy trong mắt cha cồn lên sự căm hận. Triều bị đòn nhiều hơn. Và cũng đau hơn. Mỗi lần vung roi, cha đều gằn giọng: "Mẹ mày không về sớm, tao chôn sống chị em mày luôn", "Liệu mà cắp quần cắp áo xéo đi cho khuất mắt tao" ...

Vì những trận đòn mà Triều sinh ra cục tính. Thằng bé gây gổ với trẻ con trong xóm như cơm bữa khiến mỗi lần nó lếch thếch trở về, tóc tai đã rối như tổ cu và mặt loang lổ vết xước. Một chiều, tôi ôm thúng đi cắt rau muống ngoài ruộng về cho đàn lợn, Triều lẽo đẽo theo sau. Nhưng khi biết đằng xa có ba thằng con trai khác đang có ý chắn đường, Triều liền chạy vụt lên phía trước.

- Mẹ mày đi đâu rồi Triều?

- Đi đâu chúng mày đếch cần biết.

Đoán được sự châm chọc, Triều thủ sẵn nắm đấm.

- Mẹ mày theo trai bỏ chị em mày rồi.

Vừa nói dứt câu, chúng cười ha hả chạy đi, mỗi đứa một ngả. Triều gọi với theo:

- Tao sẽ cho chúng mày nhừ đòn.

Triều bất lực, chốc lát nước mắt chảy ròng ròng.

- Sao chị không nói gì?

Nhưng sự bình thản và ơ hờ của tôi đã vô tình đẩy Triều xuống vực đáy của nỗi tức uất. Triều gào lên trong tiếng nấc:

- Chị không phải con của mẹ!

Rồi thằng bé vụt chạy đi, cái bóng nhỏ gầy liêu xiêu giữa nhập nhoạng nắng chiều. Tôi cũng muốn "nói gì" đó quá, muốn hét lên, "Sao mẹ nỡ theo trai, bỏ lại thằng Triều tội nghiệp thế, mẹ ơi".

Triều trở nên lầm lì hơn. Thằng bé ít nói, ít cười và không bao giờ còn hỏi tôi về mẹ nữa. Nó cũng thôi nhìn dì Liên bằng những tia lửa. Có cái quần rách đũng, nó lén lúc dì Liên ở sau giếng, đặt chúng trên đầu giường dì cùng với cây kim cuộn chỉ. Tôi thấy dì Liên tủm tỉm cười, vá xong quần cho Triều, dì cũng lặng thầm đặt vào chỗ nó nằm. Cứ thế, dì và Triều lén lút như gửi thư tình cho nhau.

Năm năm trôi qua, Triều mười lăm tuổi và tôi mười bảy. Hai chị em tôi lớn lên giữa những đau thương và mất mát, giữa quá khứ và hiện tại, nhưng khác nhau ở chỗ, với Triều, quá khứ rực rỡ và đẹp đẽ, hiện tại nhàu nát và xác xơ. Còn tôi, sự ấm áp của dì Liên bao năm đã xoa dịu những nỗi buồn khuất nẻo trong tuổi thơ tôi.

Cha dần chấp nhận sự tồn tại của chị em tôi. Cha chưa lần nào đuổi chị em tôi đi như những lời dọa nạt cha nói trong cơn say. Những trận đòn không ngăn được bước chân của Triều lóc cóc theo sau cha và nó không có nhiều chuyện để ríu rít với cha như năm năm trước. Mỗi lần vắt chài qua vai, cha hắng giọng:

- Xách giỏ, Triều!

Mùa đông năm ấy là khoảng thời gian tươi đẹp nhất khi trong căn nhà ít tiếng nói, tiếng cười đã bắt đầu le lói vài đốm lửa ấm áp. Cha chịu ngồi chung với chị em tôi để húp xì xụp bát cháo khoai mà dì Liên nấu. Dì ngồi nhìn cha ăn ngon lành như một đứa trẻ, những u buồn trong đôi mắt dì dường như cũng tan đi. Cha đã vơi cộc cằn, quát mắng và không dùng đòn roi với Triều nữa. Cha chủ động gọi nó theo cha trong những lần bắt ếch đêm mưa, đi thồ lúa, chặt cây… Cha không đánh tôi, chưa lần nào gọi tên tôi và gom nhặt trong năm năm chỉ những câu nhát gừng là đầy túi nhỏ.

Khoảng thời gian đẹp đẽ bao giờ cũng thật ngắn ngủi. Cuối đông, bệnh viêm phổi của cha được phát hiện quá muộn và đã đến giai đoạn mãn tính. Bệnh viện trả cha về với lý do cha ở lại thì họ không giúp ích được gì thêm, điều trị bằng thuốc men tại nhà sẽ đỡ tiền viện phí. Là họ nói vậy, chứ nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của dì Liên, tôi và Triều đều ngầm hiểu trở về là chờ chết. Những con vi khuẩn đang ngày đêm gặm nhấm lá phổi của cha thành muôn vạn hình thù kì dị. Cha thở mỗi lúc một khó nhọc hơn. Mỗi ngày, Triều ngồi kế bên bóp chân cho cha và không ngừng kể cho cha nghe rằng nó đã bắt đầu tập quăng chài, kéo vó.

- Con cảm nhận được cá lúc nhúc trong chài nhưng kéo lên đến bờ chẳng còn con nào nữa. Sao vậy cha?

Triều cố tình hỏi chỉ để nghe cha nói về sự chậm rãi, khẽ khàng khi kéo chài dạt vào bờ và sự dứt khoát khi đưa chài lên. Tôi ngồi ngoài thềm, nghe tiếng thở khò khè của cha, tôi xót lòng:

- Triều, để cha nghỉ ngơi!

Triều đứng dậy, lầm lũi ra sân vác vó ra ao, rồi đứng tần ngần ở đó hồi lâu. Dì Liên bê chậu nước ấm và cầm theo cái khăn trên tay. Dì gọi tôi vào phụ giúp dì lau người cho cha. Đoạn dì cởi áo cho cha, rồi dì lật nghiêng người cha để trơ ra thân thể rám nắng, tôi rợn mình, tim đập từng hồi ráo riết. Dì tỉ mỉ lau con rắn ấy - vết sẹo dài bên mé đùi phải của cha. Tôi bất giác lao đi, một nỗi sợ hãi choán lấy tâm trí tôi. Cảnh tượng ngày ấy chập chờn hiện ra, chính là cha, người đàn ông đã ghì chặt lấy mẹ tôi mà cấu xé. Nước mắt tôi ròng ròng, mũi tôi cay xộc lên bởi thứ mùi kí ức.

Cha tôi mất trong một chiều mưa lê thê, rả rích sau mười ngày từ bệnh viện trở về. Ngày đưa tiễn cha, dì Liên và cả Triều khóc cạn nước mắt. Giá như tôi không gặp lại vết sẹo dài thì những ý nghĩ đã không chen lấn, giằng xé ruột gan và vắt kiệt tâm trí tôi. Tôi có thể gào khóc như Triều và hòa chung vào nỗi buồn đau, mất mát với dì Liên. Những giọt nước mắt cứ ứa ra, tôi thấy mình vẫn trơ lì như khúc gỗ. Dì Liên ngồi ở giường, chỗ cha tôi nằm mấy ngày trước. Tôi ngồi trên ghế băng dài, đưa mắt nhìn vô định. Còn Triều ngồi lặng ở sân, hướng mắt trông ra bờ ao để mường tượng khung cảnh cha đứng kéo cá ở đó ngày nào.

- Những buổi sáng, cha con thường đưa cho dì ít tiền và dặn đi chợ thì mua cho hai đứa nhỏ cái bánh, cha con cũng chẳng quên để lại những con cá rô đồng, đằng hắng lúc đi qua bếp, "Hình như con Hằng thích cá rô rán đấy". Trước khi chết, ông ấy nói với dì, nhờ hai con mà ông ấy đã được sống như một con người.

Những lời dì Liên nói làm đôi vai tôi chùng chình quá. Cha đã giấu những thương yêu trong cái vỏ cộc cằn, khô khốc, chắc Triều cũng như tôi, chưa bao giờ nhận ra điều đó. Giá như lúc này, tôi có thể dũng cảm nói với dì, rằng mỗi lần thấy cha đánh Triều, mà con thèm…

Hai chị em tôi chẳng ai nhìn vào đôi mắt dì Liên, để nghe dì bộc bạch. Những khuôn mặt buồn chạm vào nhau lúc này chỉ khiến lòng càng thêm se sắt.

- Đến bây giờ, ông ấy vẫn yêu mẹ con.

Dì Liên như mở dần cánh cửa tăm tối trong lòng tôi, dẫu mỗi câu của dì đều chứa những bí mật như chiếc gai nhọn sắc. Sự hằn học và cộc cằn của cha là có nguyên cớ, bởi trái tim của mẹ thuộc về nơi khác. Sự điên cuồng cấu xé kia cũng là cách cha phơi ra nỗi đau và sự bất lực của đời mình. Tôi chạy tới, ôm lấy cổ dì Liên và òa khóc nức nở. Vì thương cha. Vì những điều đã tỏ.

Vài ngày sau đó, khi tôi và Triều về, thấy chiếc ô tô đen bóng loáng đang đỗ ở cổng và dì Liên ngồi thừ trên chiếc ghế băng dài trong nhà. Tôi nghe loáng thoáng có tiếng người phụ nữ bên trong. Và không ai khác, mẹ tôi trong chiếc váy hoa lòe loẹt và khuôn mặt bóng nhẫy đon đả chạy ra, hai tay dang rộng ôm lấy tôi và Triều:

- Hai đứa đã lớn tướng thế này rồi cơ à? Mẹ suýt nữa thì không nhận ra.

Triều chắc cũng ngửi thấy mùi nước hoa nồng nặc nên nó ngoảnh mặt quay ra hướng khác.

- Chị cho tôi xin lại hai đứa con.

Mẹ nói với dì Liên, nhẹ bẫng, không gợn chút cảm xúc nào về năm năm xa cách. Nhưng tôi nhận ra ở đó một sự ngạo nghễ và thách thức mẹ dành cho dì Liên. Mẹ đi xin lại hai đứa con, như thể mẹ vô tình đánh rơi chúng tôi ở đoạn đường nào, đã nhiều lần cố công tìm hoài, tìm mải miết. Khi tôi đang như khúc gỗ trôi sông, Triều dứt ra khỏi vòng tay của mẹ, lao đến ôm chặt lấy dì Liên:

- Tôi không đi đâu cả.

Ánh mắt sắc lẹm của Triều khiến mẹ nghệt ra mấy giây. Chắc mẹ cũng không tin thằng bé dễ thương, nũng nịu trong vạt áo của mẹ giờ nào đã trở nên hỗn hào, lạnh lùng như thế. Mẹ quay lại nhìn tôi, tia hy vọng duy nhất để mẹ cứu vãn sự kiêu hãnh và ngạo mạn của mình. Nhưng bắt gặp cái nhìn ráo hoảnh của tôi, mẹ buông dần tay xuống.

- Ở đấy xem cả đời có ngóc đầu lên được không!

Mẹ dằn từng bước, tiếng gót giày lộp cộp nện mạnh xuống nền gạch. Chiếc ô tô chở mẹ đi, bụi tung mù mịt. Dì Liên đặt tay lên vai tôi, giọng buồn mơn man:

- Vào nhà thôi con!

Truyện ngắn của Dương Hằng
.
.