Người hùng của con

Thứ Năm, 11/05/2023, 10:01

Sống với cái khổ, Khánh đã quen rồi. Bây giờ khổ thêm một tí thì có sao. Chẳng là hắn bây giờ đã có cái đuôi lẽo đẽo theo sau tối ngày. Khánh có thể khổ nhưng thằng Tít thì không thể. Loài người dù là ai cũng có duy một bản tính trời sinh, luôn muốn dành điều tốt nhất cho con cái mình. Đôi khi Khánh tự thầm rủa bản thân sao ti tiện quá, vài đồng bạc lẻ cũng kì kèo với thiên hạ để đổi lại sự khinh khi, chửi rủa của đời. Nhưng biết làm sao được phận gà trống nuôi con, đồng lương nhà nước phải xoay nhiều đường.

Cái nghèo khiến con người ta trở nên thật ti tiện. Hắn chai mồm, lì mặt kì kèo từng đồng bạc lẻ, so đo từng miếng thịt giò vụn trên cân. Ở đất chợ Chòi này, độ nổi tiếng của hắn nếu đứng hàng nhì thì có lẽ phải lâu lắm về sau mới có người dám nhận hàng nhất. Đã thế hắn còn quen thói đi chợ sớm, lù lù đứng trước hàng rau đầu dãy. Cân đong đo đếm một lúc lâu, lại tần ngần trước hàng thịt, cá tùy ngày. Gặp hôm trời bức bối, người ở chợ Chòi vừa gặp đã vội xua tay. “Phước phần” được ông thượng úy già như hắn mở hàng, chẳng ai mong muốn cả. Thật quái lạ làm sao!

*

Đêm. Trăng đã lơ lửng phía trên bầu trời, chiếu rọi thẳng xuống mái nhà lụp xụp chưa từng nguyên vẹn. Đôi lần, người và trăng ngỡ hòa làm một vì đâu cần phải bước ra thềm, ở ngay trong nhà, ngẩng đầu đã thấy trăng soi. Vài đứa trẻ chạy loanh quanh trong xóm chơi trò trốn tìm. Bờ tường, gốc cây hay ụ rơm chềnh ễnh, chỉ cần một góc khuất đủ kín đáo để ẩn náu đều được bọn trẻ tận dụng làm thành trì của riêng mình.

Chúng đưa tay che kín miệng, cố gắng không để phát ra bất kì một tiếng động nào, dù là âm thầm nhất. Duy chỉ có căn nhà lụp xụp cuối làng từ lâu không có bất kỳ một đứa trẻ nào dám mon men lại gần. Đến cả trẻ con còn nhận thấy sự nghèo đói được bày biện trước mắt mà chừa ra. Lại thêm “ông ngáo ộp” hung tợn cư ngụ ở đấy, thân người cao lớn, đen sạm suốt ngày nhăn mày, nhíu mặt lầm lì. Chao ôi! Thế là từ một cán bộ Công an mang quân hàm Thượng úy, Khánh lại có một danh phận khác hẳn hoi.

Thằng Tít ngồi trước hiên, chống cằm đăm chiêu suy nghĩ điều gì như ông cụ non. Một vẻ buồn thất thểu vương trên nét mặt non nớt nhưng nhiều nỗi ưu phiền. Đã hơn một năm từ ngày bố con nó chuyển từ huyện về đây, thế mà nó vẫn chưa có lấy một người bạn đồng niên nào đúng nghĩa. Bọn trẻ ở làng chê nó là đứa mồ côi bị “ông ngáo ộp” bắt về đợi ngày làm thịt. Thật tình trong lúc này, bản thân nó chẳng thấy chuyện này hay ho gì cho cam nếu không phải nói là cực kì bực dọc.

Bố nó rõ ràng là một chiến sĩ Công an chứ đâu phải kẻ hung tợn gì. Trong tâm tưởng của thằng Tít, dù ai nói xuôi ngược, nghiêng ngả thế nào thì bố Khánh vẫn là người hùng số một lòng nó. Đấy là sự thật tất yếu không đổi dời. Tít béo tròn mũm mĩm. Hai bên má phúng phính mỡ, hây hây hồng. Người ngoài nhìn vào thường tấm tắc, xuýt xoa khen con trai nhà nào nuôi khéo. Mà nếu bảo nhà không có bàn tay phụ nữ, chắc mẩm nhiều người sẽ nghĩ nói ngoa, đặt điều. Bởi làm gì có vị đàn ông nào mát tay, chu toàn như thế cho được.

25564e6624c6fb98a2d73.jpg -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Khánh ngồi dán mình xuống chiếc ghế gỗ, lắc lư thân người. Ánh đèn dầu mờ mờ chiếu rọi xuống khuôn mặt người đàn ông mới ngoài ba mươi nhưng vết nhăn đã in hằn trên khóe mắt. Đêm nay, đêm trước hay nhiều đêm dài khác nữa, thằng Tít đã quá quen với việc sau giờ cơm nước, nếu không kiểm tra bài vở thì bố Khánh của nó lại lật giở từng trang vở, ghi chép, tính toán nhiều điều chằng chịt.

Ngày 28/12/2022: Bốn quả trứng gà: Tám nghìn; Một bó rau lang: Sáu nghìn. Một cái đùi gà rán cho Tít: Mười lăm nghìn. Thế vị chi hôm nay hết hai mươi sáu nghìn. Tháng sau cận Tết, lương bổng kiểu gì cũng trễ vài hôm, chẳng biết kịp nhận để mua thêm một, hai bộ quần áo mới cho thằng bé không nữa? - Khánh lẩm bẩm thầm thì như sợ có ai nghe thấy được lòng mình đang trăm mối bộn bề lo toan.

- Tiên sư, vào đây ngồi với bố. Tần ngần ngoài đấy muỗi đốt sưng cả chân bây giờ.

Thằng Tít không đáp, mặt cúi gằm, chốc chốc lại đưa mắt nhìn xa xăm, dõi theo hướng bọn trẻ cười đùa phía ngoài. Một đứa trẻ dù cố tỏ ra già dặn trong suy nghĩ hay hành động thì vẫn là một đứa trẻ không hơn kém. Thằng Tít cũng thế! Nó cần có bạn và mong muốn được có bạn chơi cùng đêm ngày. Ngẩn ngơ một lúc, nó quay lưng sang nhìn bố, thơ thẩn hỏi:

- Sao bọn trong làng lại bảo nhau bố là “ông ngáo ộp”?

Sự nghiêm túc trong câu hỏi của thằng Tít càng làm Khánh không giấu nổi sự chua xót, bất lực của mình.

- Thế Tít trả lời làm sao với các bạn?

- Con bảo bố là người hùng không phải là “ông ngáo ộp” hung tợn ăn thịt người. Rõ ràng bố đánh đuổi biết bao kẻ xấu, thế mà bọn nó không tin, còn giễu cợt lời con. Đúng là trẻ con không hiểu việc.

Nghĩ ngợi một lúc, nó lại nói:

- Mình về lại trên huyện đi bố. Về đó con có bạn, bố lại trở thành anh hùng.

Cơ nghiệp làm trinh sát hình sự hết thật rồi nhưng làm Công an xã thì có điều gì không tốt? Mà nếu như hắn có phúc phần hơn vẫn ở huyện làm lính trinh sát thì thế nào nhỉ? Nhưng thôi, kẻ nghèo thì vận đen cũng chực chờ trước mặt, muốn tránh cũng khó nhằn. Bởi vốn dĩ, xuất phát điểm của Khánh phải chạy dài mới bằng được bạn bè cùng lứa.

Ngày bé, khi bạn bè đã biết đạp xe ra huyện tìm con chữ thì Khánh chỉ có đôi chân trần, mỗi ngày đi bộ vài ba cây số để tới trường. Lên trung học, khi bạn bè đã bắt đầu chạy xe máy, đèo nhau rong ruổi khắp phố phường thì Khánh mới lần đầu được chạm tay vào chiếc xe đạp từ hội khuyến học của xã. Điển hình hơn như việc thi vào Trường Cảnh sát. Cậu học trò khi ấy nào đã biết ước mơ, lý tưởng là gì khi còn bao nỗi niềm lo toan đỡ đần cơm gạo. Khánh đăng ký vào ngành Công an vì đó là nơi duy nhất được bao cấp, nối dài thêm giấc mơ đi học từng ngày.

Nhưng ông trời lại ban cho Khánh vẻ ngoài điển trai, khiến bao cô nàng đắm say, vương mối tương tư đêm ngày. Vẻ phong trần, phồn thực ở làng quê ướm lên người Khánh thật vừa vặn, hợp mắt. Chàng trai trẻ mang quân hàm trung sĩ tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân ngày ấy vừa nhận quyết định về huyện đã có được thư tình của cô hàng nước căng - tin đơn vị.

Người ta xầm xì, bàn tán việc một sĩ quan Cảnh sát điển trai như Khánh sẽ không bao giờ chấp nhận thứ tình cảm đó. Ấy vậy mà Khánh lại yêu! Yêu say đắm Thị. Một đám cưới chân quê giản dị ngay sân cơ quan giữa một anh hai mươi tuổi và người đàn bà đã có thì. Thằng Tít ra đời như một minh chứng cho cuộc tình gói gọn hai quả tim vàng đặt giữa ngôi nhà tranh: yên bình và hạnh phúc. Những tưởng cuộc đời từ đây sẽ đối đãi với Khánh nhẹ nhàng hơn đôi chút thì vận hạn lại một lần bám víu vào đời hắn, thống khổ đến tận cùng.

Thị chết! Một cái chết đầy bất ngờ như cú tát trời giáng xuống cuộc đời Khánh. Hồi Thị mới chết, đêm nào Khánh cũng khóc tu tu hệt đứa trẻ. Thằng Tít khát sữa mẹ cũng khóc òa. Hai bố con luân phiên nước mắt ngắn dài, thi đua xem ai khóc tốt, khóc giỏi hơn sẽ giành phần thắng trong mơ được gặp Thị. Tiền bạc tích cóp từng đấy năm của đôi vợ chồng trẻ đi theo căn bệnh lupus ban đỏ của Thị, bay biến cả. Bây giờ thì Khánh không khóc nữa. Bởi dù gì cũng phải sống, không sống đàng hoàng, chỉnh tề như người khác cũng phải cố sống, sống vì con, vì bố mẹ hai bên từng ngày. Thành thử sự dè sẻn, tiết kiệm lâu ngày lại thành ra chi li, tính toán, biến Khánh trở thành một con người khác. Mới ngoài ba mươi mà da thịt đã chai sần, đen nhẻm, gầy sộc.

Sống với cái khổ, Khánh đã quen rồi. Bây giờ khổ thêm một tí thì có sao. Chẳng là hắn bây giờ đã có cái đuôi lẽo đẽo theo sau tối ngày. Khánh có thể khổ nhưng thằng Tít thì không thể. Loài người dù là ai cũng có duy một bản tính trời sinh, luôn muốn dành điều tốt nhất cho con cái mình. Đôi khi Khánh tự thầm rủa bản thân sao ti tiện quá, vài đồng bạc lẻ cũng kì kèo với thiên hạ để đổi lại sự khinh khi, chửi rủa của đời. Nhưng biết làm sao được phận gà trống nuôi con, đồng lương nhà nước phải xoay nhiều đường. Người ta thường bảo lương Công an cao, Công an giàu lắm. Vậy thì phải lấy cuộc đời Khánh làm tư liệu điển hình. Chỉ có nghèo và khổ!

*

Một anh chuyên nghề đá gà vừa được tù tha về, nhác trông bóng Khánh từ xa thì ngỡ ngàng quá.

- Ai như cán bộ Khánh đấy nhỉ? Cán bộ còn nhận ra thằng Thắng này không? - Y chép miệng, mắt láo liên nhìn Khánh hỏi dò.

- Là ai thế nhỉ?

- Thắng. Thắng gà. Bốn năm, sáu tháng tù giam ở Hòa Bình. Chưa gì cán bộ đã quên em rồi sao?

- Cơm nhà nước nuôi anh trắng trẻo, béo tốt khác thời trước quá. Tôi không nhận ra ngay được. Thế bây giờ ra tù về hẳn, anh tính làm gì. Cũng nên chọn một cái nghề nuôi thân đi thôi.

Thắng đưa tay lên che miệng như nhịn cười, dáng vẻ chẳng thể nghiêm trang hơn cho được:

- Cán bộ biết không, Thắng gà ngày xưa chết rồi, bây giờ em là Thắng cầy, Thắng thịt cầy. Ra tù chắt chiu được ít vốn liếng, đủ để mở được một quán bún. Hôm nào cán bộ có rỗi sang làm vài chén rượu, tí thịt cầy với em cho vui nhé. Em mời.

- Anh chỉ khéo vẽ. Hôm nào có thời gian tôi ghé. Giờ thì phải về, nấu cơm cho kịp cu cậu ở nhà đi học.

Ngẫm cũng lạ. Vài năm ở buồng cùng các “anh lớn” máu mặt, Thắng học đòi thêm vẻ ương ngạnh, lươn lẹo ít nhiều. Mà chết dở thật, bao nhiêu xã không chọn, từ huyện về mà lại đúng “xã nhà” của Thắng. Không thân được cũng phải mon men mà lại gần. Tết dí sát gót chân, không khéo lại rách tươm việc.

*

Từ ngày Thị chết, Khánh như người mất đi nửa hồn. Hôm nay giỗ Thị, hắn uống bí tỉ, đầu óc dại đi đờ đẫn. Hai năm nay, cứ đến ngày này, Khánh lại gửi thằng Tít về nhà ông bà trên huyện. Làm sao để trẻ con thấy được bố mình khóc lóc, tỉ tê trước bàn thờ mẹ nó như thế này được. Đàn ông khóc thì hèn lắm, dở người lắm. Mà khóc trước mặt trẻ con lại càng dở người.

Khánh nằm ngã vật ra sàn nhà, nhìn trân trân lên trần, ngẫm nghĩ. Hắn nghĩ đến đời: đời cho Khánh được gì ngoài tấm thân cơ cực từ bé. Hắn nghĩ đến tình: tình cũng giống như đời, chỉ toàn đau khổ. Phàm là đàn ông trong thiên hạ, khát vọng chức tước vốn là lẽ thường tình. Sinh ra trên đời mà không có chí khí thì mới chỉ là tồn tại thôi. Nhưng có chí đến đâu mà mang cái bụng đói, con cái nheo nhóc thì đành vứt bỏ cả.

- Ấy chết anh Khánh, nằm ra nền đất thế này có ngày vớ phải gió độc lại về theo ông bà thì chết toi!

Khánh đờ mắt nhìn sang, chỉ thấy Thắng hai tay hai giỏ hoa quả, bánh trái khệ nệ đứng trước cổng nhà mình.

- Sao anh lại…

- Ngày giỗ chị nhà, em sang thắp nén hương. Để em đỡ anh dậy, bẩn hết cả quần áo đây rồi!

Thắng nhanh chân bước đến, vừa dùng sức kéo, vừa dùng tay phủi đi bụi đất lấm lem trên mình, đỡ cho Khánh gượng ngồi trên ghế cho vững. Áo quần chỉnh tề, y chắp tay cúi lạy, rì rầm khấn vái hệt như thầy cúng lành nghề.

- Giỗ chị mà anh say sớm thế cơ à?

- Ai bảo tôi say?

- Đời còn làm khổ anh nhiều, anh Khánh ạ!

- Anh bảo thế là thế nào? Anh biết gì về đời tôi mà bảo tôi sẽ khổ. Làm gì có ai cả cuộc đời sẽ khổ. Có ai biết được ngày mai thôi, cái giàu ập tới làm tôi quên hẳn mình đã từng khổ thế nào!

Cơn say làm lí trí, đầu óc Khánh như mơ hồ trước tất cả. Hắn gằn giọng uất hận, khóe mắt đỏ hoe như chực chờ khóc nấc.

- Cái giàu như đom đóm đêm, nó sẽ không tự động ập tới nếu anh ngồi mãi ở đây mà chẳng đốt đuốc đi tìm. Thằng em anh đã từng vào tù ra tội, lẽ đương nhiên phải có góc nhìn đời mới lạ hơn anh nhiều.

Khánh lộ vẻ hoài nghi:

- Anh dự định suy tính mưu kế gì?

Thắng tặc lưỡi, bật cười lớn:

- Dân thường như em nào dám tính mưu kế gì với anh, em mà làm thế khác nào múa rìu qua mắt thợ. Em đi tù một lần thì đã ớn tới già nói gì tới có lần sau mà liều mình làm việc sai trái.

Nói rồi, y lại nhe răng cười khì, kéo ghế lại sát gần, nói thầm thì to nhỏ vào tai Khánh:

- Em muốn rủ đại ca cùng làm ăn, kiếm ít đồng tiêu Tết. Việc này phù hợp hoàn toàn với khả năng của anh, yên tâm không phải bỏ ra một đồng vốn liếng.

- Làm gì? Làm gì mà bảo là phù hợp với khả năng?

- Tết này, vài người họ hàng xa ở quê lên đây, anh ở xã bao giờ nghe thông tin các cụ trên đấy chuẩn bị đi kiểm tra thì gọi trước cho em là được. Lâu ngày mọi người ở xa về, chỉ lo bọn em vui quá lại kéo nhau làm vài ván bài cào cho xôm tụ. Em chỉ sợ các cụ hiểu nhầm là sòng bạc thì chết toi.

Hắn sửng sốt. Đầu óc lúc bấy giờ đột nhiên trở nên tỉnh táo hẳn. Khánh nhận thức được lời đề nghị trên đây rõ ràng, rành mạch từng chữ đến lạ thường. Hắn trợn mắt, nhìn thẳng vào người đàn ông đối diện, đổi giọng gắt gỏng:

- Anh cả gan thật, còn dám mò mặt tới đây đề nghị tôi làm cái việc này cơ à? Anh biết tôi là ai rồi, bỏ ngay cái ý định đó đi. Đừng để phải vào tù ăn cơm nhà nước nữa.

- Từ nay đến Tết, mỗi tuần em gửi lại chỗ anh hai triệu. Có gì khó khăn đâu, chỉ cần các anh có lệnh đi kiểm tra thì gọi trước cho em một cuộc. Việc này em biết, anh biết chứ làm gì còn dính thêm người nào mà anh lo ngại. Xem như em gửi anh ít đồng sắm sửa quà Tết cho cháu, cho anh. Nhỡ có bị tóm thật, thằng Thắng cầy này lấy danh dự ra để cam đoan không khai đến anh một lời.

Người ta thường than nghèo, dù rằng gia cảnh không đến mức túng thiếu, như sợ người khác biết mình khá giả rồi lân la vay mượn. Thế mà người nghèo đúng nghĩa như Khánh lại chưa từng than vãn một câu nhưng cả thôn, cả làng không ai là không biết cái sự thật đó. Và bây giờ, đến cả người vừa ra tù như Thắng còn nhận thức được rõ điều này mà tự mở lời đề nghị. Ngay lúc ngỡ rằng bản thân đã xiêu lòng, Khánh chợt nghĩ về đôi mắt trong veo, to tròn của thằng Tít. Con trai hắn mới hơn bảy tuổi, đi đến đâu cũng nghêu ngao câu hát theo giai điệu của riêng mình rằng: “Bố là người hùng”. Sự im lặng làm Thắng bỗng thấy nóng lòng, sốt ruột hỏi dò:

- Đồng ý anh nhé! Chỉ cần anh gật đầu một cái để em biết đường lo liệu việc. Đâu có khó khăn gì.

- Anh về đi, tìm gì lương thiện mà làm. Đừng để đầu năm mà tôi với anh lại phải gặp nhau trên trụ sở Công an xã thì không hay. Anh có lòng đến thắp cho chị nén hương, tôi rất trân quý, còn quà cáp, mời anh mang về.

- Ơ kìa anh…

Thấy Khánh đã quay mặt đi, chẳng buồn đoái hoài đến lời mình nói nữa, Thắng đành hậm hực bước ra về. Kế hoạch đinh ninh, bấm bụng sẽ thành công lại thất bại làm y sượng mặt, chẳng biết nói gì thêm.

*

Chợ Chòi cận Tết, trời rét cắt đứt da thịt người. Bao thức đồ xuân bày biện, người người chen nhau chọn đi chọn lại, tìm kiếm cành quất, đào. Thằng Tít bơi trong ba lớp len dày, run rẩy nắm tay bố nó dạo chợ xuân. Khánh còn mặc nguyên bộ cảnh phục trên người, vừa tan tầm đã chạy phóng về nhà để kịp đèo thằng Tít lên chợ. Suốt mấy hôm từ nhà ông bà trên huyện về, nó cứ nằng nặc bảo bố phải dẫn đi chợ, không mua sắm gì, chỉ cần được bố đưa đi nhưng nhất định phải là đồ Cảnh sát. Trẻ con mà bỗng muốn làm gì tất phải có lý lẽ riêng của nó.

Người ở chợ vừa nhác trông thấy Khánh đã đổi liền sắc mặt. Bây giờ, họ chẳng còn sợ Khánh kì kèo, so đo vài đồng bạc lẻ nữa. Có người ở chợ như biết được việc gì còn rì rào to nhỏ, hướng mắt trông về Khánh mà trầm trồ. Thằng Tít nghe có người nhắc tên bố mình thì lắng tai cố gắng nghe cho rõ. Họ đang nói điều gì? Họ lại đồn thổi điều chi?

Tít như chẳng nhịn được nữa. Nó kéo bố đến trước mặt cô hàng thịt như muốn làm rõ mọi vấn đề. Khánh nhìn đôi hàng lông mày cong lên, chốc chốc lại nhíu khẽ của Tít đến mức chỉ biết lắc đầu cười hiền, để mặc thằng bé kéo tay mình, lôi đi nhanh chóng.

- Cháu vừa nghe cô nhắc tới tên bố! Bố cháu là Công an, là người hùng chứ không phải là “ông ngáo ộp” xấu xa!

- Ai bảo bố cháu là “ông ngáo ộp” đâu nào. Bố cháu là người hùng thật đấy. Người ở chợ Chòi này ai cũng biết bố của Tít là người hùng.

Thằng bé ngơ ngác quay sang nhìn bố thì đã thấy Khánh mặt đỏ như gấc chín, tủm tỉm cười. Lần đầu tiên ở xã, Tít mới nghe có người đồng ý với tư tưởng của nó, thôi không nặng nề hay chì chiết nữa.

- Bố của Tít và các chú ở xã vừa bắt được cả mười tên người xấu đấy. Không có bố Khánh, thì có lẽ nhiều người dân ở nơi này không có một cái Tết trọn vẹn rồi. Trước đây cô có gì nhỡ lời, Tít bảo bố bỏ qua cho cô nhé!

Bấy giờ thì đôi mắt tròn xoe, lóng lánh của Tít đã lấp đầy niềm hân hoan, vui sướng. Cố nhiên, điều hạnh phúc của một đứa trẻ đôi khi chỉ cần được người lớn công nhận về lời nói, suy nghĩ của mình. So việc tặng hời một túi bánh hay cái ngáo ộp thì trẻ con mong đón nhận tình yêu thương hơn nhiều.

Hóa ra, sau lần từ chối thẳng mặt tên Thắng, Khánh đã tường thuật lại rõ ràng sự việc cho chỉ huy của mình. Còn kẻ được cho cơ hội quay đầu hướng thiện lại thản nhiên sai phạm vì tự đắc nghĩ rằng đồi trống, đất vắng thì chẳng ai biết được gì. Chắc bây giờ y đang rủa thầm Khánh ghê gớm lắm, mà biết sao cho được, sai - đúng, trắng - đen xưa nay vốn phân minh, rạch ròi. Khánh nheo mắt, cúi xuống nhìn con, vờ hỏi:

- Tít có thấy bố oách không nào?

Thằng bé ngượng nghịu nắm chặt tay Khánh, gật đầu đáp:

- Bố là người hùng số một của Tít, giỏi hơn cả siêu nhân điện quang trên tivi hôm qua Tít vừa xem.

Sự đời vốn dĩ đâu mãi tối đen, mịt mù. Sương tan, đêm cạn, nắng mới sẽ vươn lên rạng rỡ. Bóng hình bố con Khánh hòa vào biển người ở chợ Chòi, chỉ còn nghe tiếng cười khúc khích, dần xa.

Truyện ngắn của Đặng Lê Cát Tiên
.
.