Đừng nói gì với bức tường

Thứ Năm, 06/01/2022, 08:34

Có nhiều khu nhà cho thuê giá rẻ kiểu như các thùng hộp carton chồng lên nhau trong thành phố. Người sống ở đấy như robot, họ thức dậy bằng báo thức, nửa tỉnh nửa mơ thò mặt ra đường và rệu rã mò về nhà lúc chập tối. Việc nhàm chán nhất họ làm là thở bằng không khí điều hoà và quạt thông gió to bằng cái màn hình máy tính loại phổ thông. Trong một thùng hộp carton yếm khí, cách quảng trường thành phố chưa đến một cây số, những bức tường còn có thể nói chuyện và than vãn về chủ nhân của chúng.

Bức tường phía Bắc, ngay cửa chính, một bức tường màu trắng và có thể nói là sạch sẽ nhất của căn hộ này, đang than phiền về lũ dế. Lũ dế đã chui vào từ một kẽ nứt nhỏ trên tường. Chúng ca hát, nhảy múa, lột xác, sinh sản. Giờ mới là xã hội nguyên thủy nhưng chỉ một thời gian nữa thôi là cả một nhà nước dế được thành lập. Chúng sẽ học nhau la hét kêu gào và tàn nhẫn hơn trong không gian chật hẹp đang giam hãm chúng, chúng sẽ đục khoét, phá hoại, tạo những vết nứt dài chằng chịt trước khi phá toang bức tường để mở rộng lãnh thổ. Đấy là một viễn cảnh hơi xa nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Còn bây giờ thì nhức hết cả đầu. Lũ côn trùng phiền phức và mọi rợ, chúng đáng bị một đứa trẻ nghịch ngợm nào đó đổ nước sôi, hun khói, rắc muối, phọt tương ớt… để tra tấn rồi tiêu diệt. Tiếc rằng không có đứa trẻ nghịch ngợm nào ở căn hộ này. Chủ căn hộ là một gã độc thân ba mươi tuổi, sống bất cần đời, chẳng mảy may để ý đến sự tồn tại của lũ dế.

Bức tường phía Nam, cạnh buồng vệ sinh và kệ bếp, là nồi niêu xong chảo càng ngày càng bốc mùi từ ngày gã chủ mới sống ở đây. Những cáu bẩn, dầu mỡ, vệt vàng, vệt xanh mốc bám đầy tường. Nguyên nhân là do thói tùy tiện, ở bẩn đến mức tởm lợm của gã chủ. Một ngày kinh hoàng, gã đi vệ sinh không rửa tay, có ít chất thải sinh học nào dính lên tay liền bôi lên tường trước khi chùi vào quần lấy bánh rán ở tủ lạnh để ăn. Gã ăn bánh rán, điện thoại đổ chuông, liền chùi tay lên tường cho đỡ dính mỡ để cầm điện thoại lên nghe. Và cũng luôn lần nghe điện thoại ấy, gã ngoáy mũi búng nguyên một cục to tướng vào tường. Cục gỉ mũi khổng lồ ấy bám dai như đỉa, theo thời gian đã phân hủy thành thứ màu đen mọc lông, là thứ ám ảnh kinh sợ nhất của bức tường. Tôi thà bị lũ dế làm cho nứt toác ra chứ không muốn bị hủy hoại theo cách này, bức tường phía Bắc nói.

Bức tường phía Đông, bên phải lối đi, khó chịu vì những bức tranh đáng nguyền rủa đang bủa vây nó. Nhân loại chưa bao giờ chắc chắn về nghệ thuật nhưng luôn điên cuồng vì những thứ tự cho là nghệ thuật như này. Một khung nền màu xám như màn hình tivi nhiễu sóng với khuôn mặt trắng bệch không được vẽ mắt đặt giữa là nghệ thuật sao. Hay như một bức tranh gã có vẻ tâm đắc khi vẽ xong, có nền là một bãi cỏ màu vàng úa, cỏ vẽ rất thật, nằm trên cỏ là người đàn bà khỏa thân với bộ ngực héo rũ bị hút kiệt nhựa sống. Những bức tranh quái dị tràn ngập năng lượng tiêu cực nhiều lên theo thời gian, không được đóng khung, ngổn ngang, bùng nhùng, làm chỗ trú ẩn cho lũ chuột và gián. Làm ơn hãy đốt hoặc vứt chúng lên xe rác để chúng biến mất mãi mãi. Tôi không chịu nổi nữa rồi. Bức tường phía Đông nói.

Bức tường phía Tây, bên trái lối đi, phía đặt chiếc giường sắt hoen gỉ và một giá sách bằng gỗ xếp kín sách to sách nhỏ gã tha ở nhà cũ về, đang cảm thấy mệt mỏi. Mà hầu như lúc nào nó cũng mệt mỏi. Không chỉ lúc gã chủ làm tình với ả gái chân dài mắt xếch gắn mắc sinh viên gã thuê vào tối thứ năm và chủ nhật hàng tuần. Vừa làm tình gã vừa mệt mỏi vì vợ chồng gã béo ở căn hộ bên cạnh. Bên ấy họ cũng làm tình. Giường bên này cót két cọt kẹt, giường bên kia uỳnh uỵch kinh khủng hơn. Thành giường đập vào tường như búa nện. Thêm nữa còn chửi nhau, làu bàu, mỉa móc. Tay chồng cục súc chửi bậy còn mụ vợ suốt ngày ra rả về tiền bạc, dai mồm như cách mụ rên rỉ trên giường. Bức tường phía Tây lúc nào cũng mệt mỏi vì phải chịu đựng cùng lúc hai cái thế giới suy đồi, đen tối ấy. Có ai dám đặt mình vào vị trí của tôi không? Có dám đổi không? Bức tường phía Tây đặt câu hỏi.

Đừng nói gì với bức tường -0
Minh họa: Thành Chương

Tiếng cửa kẽo kẹt. Gã chủ bước vào phòng cùng với lỉnh kỉnh đồ vẽ, túi nọ, túi kia. Vẫn kính cận gọng vuông choán hết nửa khuôn mặt, áo khoác bò bạc phếch loang lổ màu vẽ và một kiểu uể oải thường thấy mỗi khi gã mò về nhà vào lúc từ bảy đến tám giờ tối.

Những bức tường xì xào về sự xuất hiện của gã. Chúng thi nhau đặt vấn đề xem gã có bán được bức tranh nào không? Gã ăn gì? Bánh mì, bánh bao, bánh bông lan… hay lại là bánh rán. Gã nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên hay nhạc piano không lời với những nỗi buồn cổ điển, chán ngắt. Gã có đọc nốt cuốn sách hôm qua hay lôi một cuốn sách khác ra đọc, một cuốn bất kì, chẳng biết là đã đọc chưa.

Nhìn vẻ mặt chán chường là có thể đoán gã không bán được một bức tranh nào. Gã vẽ thêm được bức tranh hoàng hôn màu xám, bầu trời vẫn đỏ nhưng phần còn lại từ mặt hồ, cây cỏ đến những con người đứng lố nhố đều màu xám.

Gã ăn bánh mì kẹp thịt, nhẽo nhoẹt tương ớt, hai mươi nghìn một cái. Cũng may, tương ớt rơi xuống sàn chứ không bắn lên tường hoặc dính vào tay gã.

Gã móc trong túi nilon ra một lon bia để lên đầu giường, còn lại xếp vào tủ lạnh.

Gã vào nhà tắm mở vòi hoa sen để rửa trôi sự uể oải đang bám vào da thịt. Tắm xong, gã bật nhạc piano không lời, Prelude in E, bản nhạc buồnnhất của Chopin. Thứ âm nhạc phủ rêu tồn tại hàng thế kỉ khiến căn phòng lạnh lẽo hơn.

Gã kiểm tra email, facebook và tin nhắn điện thoại. Có một tin nhắn messenger mới từ bà chị lấy chồng Hàn Quốc (có thể là người thân duy nhất còn lại của gã) hỏi vài câu quen thuộc dạo này có khỏe không, công việc thế nào, có người yêu chưa. Gã trả lời vài dòng cụt ngủn, gửi icon cười buồn rồi bỏ đấy.

Hôm nay là thứ bảy, không phải lịch làm tình với ả Sugar - baby nên gã sẽ đọc sách. Suối Nguồn, cuốn sách dày nhất trên giá sách, đọc đến trang một trăm lẻ ba lâu rồi giờ đọc lại từ đầu. Đọc đến trang ba mươi bảy, chữ trong sách trở thành những chấm đen và móc câu. Gã uống hai viên panadol thay thuốc ngủ để đảm bảo một giấc ngủ sâu, kệ xác có tác dụng phụ với bia không.

Gã tắt đèn.

Tiếng dế vọng ra từ một kẽ nứt bóng tối.

Tiếng sột soạt của lũ gián hay chuột trong đống tranh.

Prelude in E vẫn tiếp tục vòng lặp bải hoải từ chiếc laptop cũ.

Căn phòng khẽ rung như mặt hồ có chiếc lá khô vừa rơi xuống.

*

Nhớ lại người chủ cũ, những bức tường còn cảm giác cô vẫn quanh quẩn ở đây. Cô ấy cũng sống một mình, nhưng là một người ngăn nắp, sạch sẽ, không vẽ tranh khó hiểu, không làm tình (ít ra là ở trong căn phòng này).

Khi ấy lũ dế chưa xuất hiện, lũ chuột và gián không có đất sống.

Những bức tường ít than vãn hơn, chúng nhìn nhau cả ngày, hỏi những câu bâng quơ kiểu bao giờ cô chủ sẽ về, nhiệt độ trong phòng là bao nhiêu, ngoài trời có đang mưa không?

Cô chủ thức dậy bằng báo thức lúc sáu rưỡi sáng, đi làm lúc bảy giờ và về nhà lúc mười giờ đêm. Ban ngày cô làm nhân viên siêu thị, tối làm tiếp thị bia. Có thể nhận biết điều này qua trang phục mà cô mặc. Logo siêu thị và logo hãng bia. Sự khác biệt còn nằm mức độ gợi cảm của từng loại. Một loại chân váy tới đầu gối còn một loại chân váy hở nửa đùi.

Cô chủ nghe những bản nhạc yêu đương giằng xé và thất tình thời thượng.

Cô chủ trồng hai cái cây: quất mini và lan ý. Cô thường trò chuyện tâm sự với cây lan ý như một người bạn và cầu nguyện để cho nó ra hoa. Cây quất mini đóng vai phụ. Có vẻ vai trò của cây quất mini là để bầu bạn với cây lan ý khi cô ấy không có nhà. Nói về vai phụ, lại nghĩ tới con chó nhà vợ chồng lão béo bên cạnh. Vai trò của con chó là để trông nhà, gặm xương thừa, thỉnh thoảng được ôm nựng còn lại thường xuyên bị đá kêu ẳng ẳng lúc vợ chồng lão cãi nhau.

Cô chủ rơi nước mắt khi gọi điện về quê. Nhớ nhà. Nói chuyện điện thoại nước mắt rơi lã chã còn hơn trần nhà chảy nước trời nồm.

Cô chủ khóc từng ba đêm liền vì một tin nhắn của người được lưu trong điện thoại là Anh Yêu. Lại thất tình! Lần thất tình trước nhẹ hơn, chỉ thẫn thờ cả ngày, ăn vài cái bánh bông lan cho đỡ tức. Lần thất tình này trầm trọng hơn, khóc như mưa. Nửa đêm ra ngoài mua phở về ăn. Ăn phở xong uống trà sữa, chén tiếp pizza, xoài dầm và bim bim. Đến nỗi nôn mửa ra nhà vệ sinh. Sau ba ngày khóc lóc và ăn uống nhồi nhét kiểu vậy thì tự tử. Sự buồn chán, cô đơn thường ngày cùng cơn tuyệt vọng như gió mùa ập vào khi mở cửa khiến cô không muốn khóc nữa. Cô cho cả vốc thuốc ngủ vào mồm nhai như nhai kẹo rồi nằm xuống giường một cách thản nhiên.

Thế là chết.

Quất mini và lan ý sau gần một tháng không ai ngó tới cũng chết theo.

Căn hộ này ế trương không ai thuê tầm sáu tháng vì tin đồn có ma dù giảm giá thuê xuống còn một nửa. Cho đến khi gã quái đản này xuất hiện. Ma kệ ma, cứ thuê. Trả tiền trước hẳn nửa năm. Gã làm xáo trộn trật tự và sự sạch sẽ vốn có của căn hộ.

Càng ngày những bức tường càng không thể chịu nổi gã này.

*

Tối chủ nhật.

Ả Sugar-baby xuất hiện lúc gã đang nằm lướt web. Giọng lanh lảnh nheo nhéo liên hồi của ả còn khó chịu hơn tiếng kêu của lũ dế. Nhà còn gì ăn không? Có bia chứ? Rồi ả quẳng túi xách lên ghế, lục lọi tủ lạnh tự nhiên như nhà mình. Anh tắm chưa? Cởi quần áo ra đi, nằm ườn ra đấy làm gì? Làm nhanh lên, đến 10h tôi lại có hẹn. Đồ khỉ đít đỏ! Buồn! Đừng sờ chỗ ấy… Đã yếu còn ra gió. Bên kia cũng khỏe nhỉ? Hai con lợn sề đấy hả? Hí hí! Trời ạ, khách báo hủy hẹn rồi, đêm nay tôi ngủ ở đây cho anh ôm thoải mái.

Gã nghệt mặt khi được ả ban thêm ân huệ.

Ả sấn tới, quặp chặt gã như cách đứa trẻ quặp chặt con gấu bông vì sợ ai đó lấy mất.

Trời ạ! Anh ôm tôi đi chứ. Anh từng bảo thích ôm lắm mà. Tôi nằm quay lưng lại để anh ôm nhé. Tình nhân là phải thế, lãng mạn là như thế, hiểu không đồ ngốc?

Gã ôm ả từ đằng sau, kiểu ôm này dễ chịu hơn.

Có lẽ ả mười chín tuổi thật. Người ả mềm và vẫn thơm mùi gái trẻ. Còn tên, lúc đầu Zalo ả tên Ngọc, sau mấy tuần đổi Zalo tên Mai, tên Thảo… giờ hỏi khéo lại tên khác.

Anh không có gì để nói? Tắt đèn nhé!

Hơi ấm từ xác thịt là liều doping tốt nhất cho giấc ngủ.

Khi cả hai đã ngủ say thì một cảnh tượng kì lạ xảy ra.

Đèn sáng mờ dù đã được tắt. Ánh sáng yếu ớt tạo ra một bóng đen huyễn hoặc phía sau gã. Bóng đen như người con gái đang thổn thức áp ngực vào lưng gã, dang vòng tay mềm mại ôm lấy gã.

Gã ôm ả, bóng đen ôm gã, những cái ôm đan vào nhau.

“Tôi đưa em về/ Chân em bước nhẹ/ Trời buồn gió cao ... Ðời xin có nhau /dài cho mãi sau /nắng không gọi sầu”

Là cô chủ đấy! Bức tường phía Bắc cảm thán. Cô chủ thường hát bài này mỗi lần tỉ tê với cây lan ý.

Hơn một tháng rồi cô chủ mới về! Bức tường phía Nam nói.

Đúng là cô chủ rồi! Tôi còn ngửi thấy mùi hương dìu dịu từ tóc của cô ấy. Bức tường phía Đông nói.

Hôm nay cô chủ không khóc! Chưa từng có đêm nào cô chủ về mà không khóc! Bức tường phía Tây nói.

Mỗi lần cô chủ hiện về, căn phòng rung lắc như xảy ra một cơn động đất ba độ richter, mức độ đủ để người đang thức có thể cảm nhận được.

Trên tờ lịch, chủ nhật là một màu đỏ thẫm. Một ngày đặc biệt. Tròn một năm, ngày cô chủ mở bài “Hạ Trắng” của Trịnh Công Sơn rồi lên giường ngủ một giấc hồn nhiên không bao giờ tỉnh lại.

*

Có một đêm gã đã cảm thấy sự rung lắc của căn phòng. Bật đèn, gã ngơ ngác nhìn quanh xem có phải đang xảy ra một cơn động đất. Những rung lắc biến mất. Gã mở cửa đi ra hành lang. Chẳng có gì ngoài màn đêm dài hun hút. Trở lại phòng, gã hoang mang nhìn bốn bức tường, cho rằng chúng là nguyên nhân của cơn rung lắc. Trong một bộ phim kinh dị gã từng xem, kẻ sát nhân đã tra tấn rồi giam những nạn nhân của hắn vào trong tường cho đến khi chết. Những bức tường trong nhà hắn biết rùng mình, van xin, gào thét... một cách ghê rợn.

Lúc này, những bức tường xung quanh gã im bặt.

Mở điện thoại xem giờ, gã vô tình thấy nick Hoa Hồng Xanh - người yêu cũ của gã - vẫn sáng đèn. Một giờ đêm nàng vẫn còn thức? Nàng đã lấy chồng cách đây ba năm, đã có một thiên thần nhỏ, vì lẽ gì giờ này nàng chưa ngủ? Con nàng quấy khóc? Hay một nguyên nhân tồi tệ nào khác? Gã là kẻ trốn chạy cuộc tình nên không có tư cách để nhắn tin hỏi nàng bất cứ điều gì. Tin nhắn cuối cùng nàng gửi cho gã cách đây ba năm giờ đọc lại vẫn còn đau nhói.

Trằn trọc, uống panadol vẫn không ngủ được, gã phải tìm đến một phương án khác. Gã cởi hết quần áo, lên giường nằm và bắt đầu tưởng tượng đến những cảnh giao hoan, xác thịt. Khuôn mặt hơn hớn cùng cơ thể non tơ của ả nhờn nhợt hiện ra,chỉ một lúc đã khiến gã thở hổn hển và thiếp đi.

Những bức tường chứng kiến hết cảnh đồi bại đấy. Chúng hằn học và ghê tởm gã hơn. Vì gã mà cô chủ vừa hiện về đã đi mất. Chúng oán trách, nguyền rủa, thậm chí còn bàn nhau kế hoạch không tưởng là rời khỏi căn phòng để trần nhà sập xuống chôn vùi gã. Nhưng, như những lần trước, chúng lại trở về với cảm giác bất lực vì chỉ có thể đứng yên nhìn gã đi vào giấc ngủ.

*

Có một buổi chiều đẹp trời ngồi bờ hồ, gã bán được năm bức tranh chân dung. Một ngày hiếm hoi trông gã có vẻ vui hơn, trở về nhà với chiếc áo sơ mi mới, một túi đùi gà rán, một túi toàn bia, bánh sữa… các loại. Nhạc cũng tươi tắn yêu đời hơn, "Và tôi cũng yêu em”. Niềm vui ngắn ngủi này khác với khoái cảm khi vẽ xong những bức tranh nghệ thuật do gã sáng tạo ra. Nhưng biết sao được, vẽ chân dung kiếm tiền nhanh và dễ hơn.

Những bức tranh được cho là nghệ thuật nằm như đống rác giữa nhà đều được gã chụp ảnh đăng lên mạng. Mỗi khi trở về nhà, gã thường kiểm tra email và tin nhắn để xem có ai đặt tranh. Hú họa có người hỏi mua. Cao nhất cũng chỉ đến vài triệu một bức. Gã luôn trầm trồ và khao khát có những bức tranh được giới chuyên môn công nhận về nghệ thuật, được định giá cao ngất ngưởng như của những danh họa nổi tiếng. Nhưng biết bao giờ mơ ước xa vời ấy mới có thể thành hiện thực. Thực tại phũ phàng tranh của gã đang nằm mốc meo ở đây. Email toàn thư rác, quảng cáo hút bể phốt, thuốc tăng cường sinh lí, vay vốn, bảo hiểm... Đến lúc mail đầy ngồi lọc và xóa cũng mỏi tay.

Hôm nay, lúc lọc email, gã phát hiện ra đã bỏ sót một đơn hàng quan trọng của khách gửi từ tháng trước. Ông ta đặt mua ba bức tranh: bức Khuôn Mặt, Thiên Đường Xám và Lan Ý. Khách sộp có tên tuổi trong giới chơi tranh chứ không phải kiểu ất ơ hỏi xong bỏ đấy. Một vụ ngon lành thế này mà giờ mới đọc email và chốt đơn. Trước hết phải tìm lại những bức tranh trong đống lộn xộn kia đã.

Gã hồ hởi lật bới đống tranh. Mồ hôi túa ra. Cuối cùng cũng tìm thấy! Bức Khuôn Mặt bị lũ gián gặm mất một nửa. Bức Thiên Đường Xám lổn nhổn cứt chuột và bị mốc đen. Chỉ còn hi vọng vào Lan Ý, bức tranh được khách đánh giá cao nhất. Lan Ý đang ở đâu?

Lan Ý là bức tranh gã vẽ trong một đêm choàng tỉnh do xung động của căn phòng. Hình ảnh người con gái không rõ khuôn mặt ngồi bó gối bên chậu cây lan ý, giữa bóng tối cùng những vệt sáng mờ nhạt của ánh đèn neon đang hấp hối, là tàn ảnh còn sót lại của giấc mơ. Gã ngồi vẽ một mạch đến sáng rồi mới lăn ra ngủ.

Khỉ thật! Tất cả tranh của gã đều ở trong đống này, từ lúc dọn nhà đến đây chưa từng vứt một bức nào đi cả.Thế mà lục đi lục lại không thấy Lan Ý đâu.

Chẳng nhẽ bị ma giấu?

Chịu rồi! Gã cười méo xệch, cầm lon bia tu một hơi, mở bài “Riêng Một Góc Trời” của Ngô Thụy Miên rồi lên giường nằm.

Nhưng gã không tài nào ngủ được. Cứ nhắm mắt là ảo ảnh hệt như bức tranh Lan Ý lưởng vưởng trong đầu. Thỉnh thoảng cảm giác nhói buốt lại xuất hiện ở tận sâu trong óc. Gã ôm đầu ngồi dậy, uống hai viên panadol để dịu cơn đau.

Gã tắt đèn rồi như nhớ ra điều gì lại dậy bật đèn.

Lò dò lại gần giá sách. Gã đã nhớ ra có một sự thay đổi trong căn phòng này từ lúc gã sống ở đây là vị trí giá sách. Giá sách đã bị gã đẩy dịch đi một mét rưỡi hướng từ cửa đến giường, rất có thể bức tranh Lan Ý đang ở trên tường ngay đàng sau nó.

Gã hì hục kéo giá sách, bỏ qua phương án như lần trước gã làm là cho hết sách trên giá xuống rồi mới kéo.

Gã cứ kéo, giá sách cứ lắc lư không xê dịch được một centimet nào.

Gã bặm môi, phồng mồm, trợn mắt, lấy hết sức trẻ đang lụi tàn của gã để kéo.

Như búa tuột khỏi cán, cuốn Suối Nguồn dày hai nghìn trang mấp mé trên giá sách rơi thẳng vào đầu gã.

Rầm. Cả giá sách đổ ụp lên người gã.

Bức tranh Lan Ý mờ ảo hiện ra trên bức tường ngay khi giá sách vừa đổ xuống.

Gã bất tỉnh.

Nhìn gã nằm dưới giá sách, những bức tường lao xao bàn tán xem gã còn thở nữa không. Gã sẽ thoát ra tình thế này thế nào khi đè lên gã là giá sách bằng gỗ lim, đầu gã chảy máu còn chân gã bị vẹo hẳn một bên như gãy.

Con người khỏe mạnh bình thường chỉ sống được ba đến năm ngày nếu không ăn và không uống. Một số siêu phàm hơn có thể sống được mười ngày đến nửa tháng. Nhưng còn gã, với cơ thể èo uột và một khối u trong não bác sĩ bảo mổ ra cũng chỉ có 20% sống, khoa học không thể khẳng định được.

Hôm nay là thứ ba, vậy ngày kia là thứ năm, ả Sugar-baby của gã có đến theo đúng lịch không. Nghe nói ả mới kí hợp đồng béo bở với một Sugar-daddy khác. Nếu không sắp xếp được lịch ả sẽ không đến.

Cứ ở trong phòng sẽ chẳng biết được ngoài trời đã mưa cả ngày nay. Thành phố ẩm ướt và co rúm lại như một đứa trẻ ăn xin với manh áo mỏng giữa bức màn xám xịt.

Qua một ngày mưa nữa, trong phòng chẳng có gì mới ngoài cái khung cảnh bất động ảm đạm, gã và giá sách.

Những bức tường không còn quan tâm và hồi hộp chờ xem gã còn thở nữa không. Chúng trở về với những vấn đề phiền toái của riêng chúng.

Bức tường phía Bắc đếm lại quân số của lũ dế đang sinh sản một cách vô tổ chức để hình thành một nhà nướcdế bên trong nó.

Bức tường phía Nam đang cầu nguyện cục gỉ mũi màu đen mọc lông kia sẽ rụng xuống và biến mất vĩnh viễn.

Bức tường phía Đông vẫn khó chịu vì những bức tranh quái dị đang bủa vây nó.

Bức tường phía Tây vẫn ngán ngẩm với trận làm tình dai dẳng của vợ chồng lão béo hàng xóm.

Ngày mai là thứ năm. Ngày mai…

*

Nửa năm sau. Cả khu nhà nhếch nhác cùng những bức tường nứt nẻ hôi bẩn đều bị san bằng để xây dựng khu vui chơi trong nhà cho trẻ em theo kế hoạch của chủ mới.

Nghe đâu lúc mua bán giá đất bị giảm 5% vì tin đồn có ma, những tiếng u u than thở trong những bức tường và rung lắc như động đất mà chỉ ở trong phòng, khi con người thực sự bị nhốt kín mới cảm nhận được.

Truyện ngắn của Trần Thái Hưng
.
.