Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

Thứ Năm, 11/11/2021, 18:45

Mấy câu thơ trong “Ngập ngừng” của Hồ Dzếnh lại nói hay, chính xác, hàm súc hơn nhiều trang lý luận nói về trạng huống cảm xúc chờ đợi là thứ men chưng cất rượu thơ tình yêu làm say lòng nhiều người: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!/ Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân/ Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần.../ Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?”. Em hẹn rồi em đến đúng giờ thì không có chuyện. Em hẹn rồi em không đến thì mới có trạng huống này: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than” (Ca dao). Thế mới có thơ. Thì ra “đợi” là một cội nguồn của thơ!

Tâm trạng “đợi” đã được ca dao nói nhiều và rất sâu sắc: “Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”. Dựa vào cặp ẩn dụ di động (thuyền – chỉ người trai), cố định (bến – chỉ người nữ) câu ca dao là lời vàng sắt đá về sự chung thủy. Hai chữ “khăng khăng” thật đáng ca ngợi nhưng cũng có chút gì đó ngậm ngùi: Liệu “anh” có nhớ không, có “khăng khăng” chút nào không? Còn nhiều câu “ngậm ngùi” và khó hiểu hơn: “Gặp nhau đây, mắt liếc miệng chào/ Hỏi người bạn cũ có nơi nào hay chưa?/ Ba bốn nơi tới nói, dạ nọ bất bằng/ Em ôm lòng chờ đợi bóng trăng xế chiều”. “Ba bốn nơi tới nói” là ba bốn nơi tới dạm hỏi. “Dạ nọ bất bằng” là em không ưng. Thế nên “Em ôm lòng chờ đợi bóng trăng xế chiều”. “Ôm lòng” là “cầm lòng” chỉ “một mình em biết một mình em hay”. Chờ đợi cái gì? Sao là chờ đợi “bóng trăng xế chiều”? Nếu hiểu đó là không thời gian trong một ngày thì có thể “diễn nôm” là em đành đợi mỗi buổi hoàng hôn xem có ai đến không? Hiểu vậy có phần chưa tương xứng với sự sâu sắc của dân gian. Còn hiểu đó là khoảng thời gian một đời người thì có gì đắng đót và xót xa quá: không yêu được người như ý, em đành “ôm lòng”, “cầm lòng” đến già vậy! Xin mời độc giả cho ý kiến. Tác giả bài viết chỉ xin thêm ý ngày xưa người phụ nữ hay được ví với “trăng”!

image001.jpg -0
Chia tay và chờ đợi!!!

Nhưng hình như trong tình yêu xưa thì cả người nữ, người nam vị tha và tinh tế hơn bây giờ, tỉnh táo và có phần thực dụng(!?): “Chợ Gióng một tháng sáu phiên/ Bắt cô hàng xén kết duyên Châu Trần/ Xa xôi dịch lại cho gần/ Cách sông cách núi cũng lần cũng sang/ Người ơi tôi dặn người rằng/ Đâu hơn hãy lấy, đâu bằng đợi tôi”. “Duyên Châu Trần” là duyên vợ chồng. Đấy mới là mơ ước của người nam thôi. Còn thực tế và tấm lòng thì: “Đâu hơn hãy lấy, đâu bằng đợi tôi” là lời người nam dặn “cô hàng xén” nọ! Xét kỹ đó là mong muốn cho nhau được hạnh phúc!

Ngày trước khi đã yêu nhau thì lấy chữ “tín” làm đầu, dù chết không thay đổi. “Truyện Kiều” có câu: “Tháng tròn như gửi cung mây/ Trần trần một phận ấp cây đã liều” (câu 327- 328) là lời Kim Trọng nói với Kiều. “Ấp cây” tức “ôm cây” là từ điển tích Vĩ Sinh người nước Lỗ (thời Xuân Thu) yêu một cô gái nhưng cha mẹ cô chê Vĩ Sinh nghèo. Tha thiết yêu chàng nho sĩ, cô gái có ý định trốn theo Vĩ Sinh. Họ hẹn gặp nhau dưới chân cầu. Chiều tối ấy Vĩ Sinh đến trước đợi. Người yêu chưa đến, Vĩ Sinh cứ ôm chặt lấy trụ cầu thà bị nước dìm chết hơn là thất hứa.

Thời hiện đại nhà thơ Vũ Quần Phương có bài thơ “Đợi”: “Anh đứng trên cầu đợi em/ Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm/ Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy/ Nước chảy bên lòng, anh đợi em/ Anh đứng trên cầu nắng hạ/ Nắng soi bên ấy lại bên này/ Đợi em. Em đến? Em không đến?/ Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!/ Anh đứng trên cầu đợi em/ Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em quen thành lạ/ Nước chảy… kìa em, anh đợi em!”.

Không cần quan tâm tác giả có đọc/vận dụng điển cố trên hay không nhưng nhìn từ “liên văn hóa” đó là sự kế thừa/truyền thống – nâng cao/hiện đại. Ở “Đợi” không còn là nước mà là nước thời gian chảy tự ngày xưa đến nay, chảy vào trong lòng. Không còn là nắng vật lý mà là nắng tâm hồn. Sâu sắc và phổ quát nhất là ở chân lý: khi có tình yêu thì chờ đợi là hạnh phúc, mọi cái lạ thành quen (đất lạ thành quen). Nhưng khi tình yêu không còn thì đợi chờ là vô nghĩa, thời gian thậm chí trở nên đáng ghét, dửng dưng (Đứng một đời em quen thành lạ). Đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của thơ Việt Nam hiện đại!

Với bản dịch “Đợi anh về”, Tố Hữu đã chứng minh sự ngược lại quy luật “dịch là phản”. Trước hết nó được Việt hóa triệt để với nỗi lòng, suy nghĩ như là của người Việt. Việt hóa ở cả tiêu đề. Nghĩa ở bản phiên âm là “Hãy đợi anh!” (của nhà thơ Nga Konstantin Simonov 1915-1979). Nếu thế là lối mệnh lệnh thức xa lạ với tính dân chủ, bình đẳng của người Việt. Nốt chủ âm của bản nhạc tình yêu da diết này là “đợi”: “Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có buồn lê thê/ Em ơi em cứ đợi... Đợi anh hoài em nghe/ Tin rằng anh sắp về!/ Đợi anh anh lại về”. Không chỉ là thơ, đó là thứ vàng ròng của tình yêu vĩnh cửu. Đó không còn là ngôn từ mà là niềm tin kết thành thứ kim cương thách thức thời gian, thách thức giông bão... Theo người dịch, bài thơ “là tâm trạng của những người đang yêu nói chung”, “là niềm tin vào tương lai, vào tình yêu được đơm hoa kết trái”.

image002.jpg -0
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

Chỉ cần một bài “Biển vắng”, Trịnh Thanh Sơn đủ được xếp vào số ít những nhà thơ tình yêu của thế kỷ XX: “Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng/ Xin đừng dõi chi chân trời/ Anh ngồi im chìm chiếc bóng/ Chén này biển với mình thôi!/ Một cộng với một thành đôi/ Anh cộng cô đơn thành biển/ Nắng tắt mà người không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai”. Không có chữ “đợi” nhưng cả bài thơ nói về tâm trạng chờ đợi riêng biệt, sâu sắc và tinh tế. Không tả người “không đến” mà lại nói được rất nhiều về người này. Người ấy ư? Hai chữ tên bài đã bao hàm khá trọn vẹn. Người ấy mênh mông như biển, “dữ dội và dịu êm” và cũng bí hiểm như biển...

Dựa vào thế mạnh của tiết tấu và nhịp điệu mà trong âm nhạc sự chờ đợi có phần khắc khoải và da diết hơn so với thơ. Nhạc phẩm “Đợi chờ trong cơn mưa” của Thế Hiển là bài hát thành công: “Chờ em, chờ em/ Đợi em, đợi em/ Chiều mây xám, công viên quạnh hiu/ Hạt nắng chợt tắt, cơn gió se sắt/ Mưa bỗng rơi, rơi vào nỗi nhớ/ Mưa rớt không nguôi, mưa trút tim tôi/ Chiếc lá rơi, nhớ thương vời vợi...”. Cơn mưa buồn hô ứng rất hợp với sự chờ đợi đến “héo hắt”, “tê tái”. Đối tượng được chờ đợi chuyển từ “em” cụ thể sang hô ngữ “ai” chung chung như có gì trách cứ, giận hờn, như gửi vào mưa vào gió: “Chờ ai, đợi ai?/ Đợi ai, chờ ai?/ Chờ héo hắt suốt con đường dài/ Mưa vẫn mưa mãi, cơn gió tê tái/ Ôi gió mưa hay là bão tố/ Ai nhớ thương ai? Ai ngóng trông ai/ Có biết chăng nỗi lòng mong đợi...”. Bài hát khép lại bằng nốt nhạc vui, nhưng cũng vì thế mà có phần chơi vơi, hẫng hụt: “Em đến bên tôi, như tia nắng cho đời!”. Đúng quá! Chờ đợi như thế mà “em đến” thì em xứng đáng được so sánh như vậy. Nghệ thuật tròn trịa chưa chắc đã đi trọn vẹn vào lòng người!?

Tựa vào vành trăng khuyết mà luyến láy khi trữ tình da diết lúc chiêm nghiệm xa vắng về một tình yêu đã qua, âm nhạc của Huy Thục trong bài “Trăng khuyết” (thơ Phi Tuyết Ba) khai thác triệt để ngữ liệu dân ca day dứt, cảm động: “Anh ngỏ lời yêu em, vào một đêm trăng khuyết/ Bởi tình yêu tha thiết, biết tròn trước đêm rằm/ Em vui lúc trăng tròn/ Chạnh lòng khi trăng khuyết/ Anh ơi, anh có biết chăng/ Hay tình lứa đôi... Một ngàn năm, một vạn năm/ Con tằm vẫn kiếp, con tằm giăng tơ/ Ai ơi chín đợi mười chờ/ Chờ ai, ai đợi, ai chờ đợi ai...”.

Kế thừa tinh hoa âm nhạc dân gian rồi thổi vào tinh thần nội dung mới là hướng đi rất cần khuyến khích. Nhưng sự diễn tả tâm lý trữ tình trong truyền thống vẫn như là đỉnh cao để hôm nay vươn tới. Vạn năm sau, triệu năm sau, còn con người, còn tình yêu thì người ta vẫn còn hát “Bèo dạt mây trôi” vì tính mẫu mực cổ điển, tinh tế, mới mẻ: “Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi/ Anh ơi, em vẫn đợi bèo dạt/ Mây trôi, chim sa, tang tính tình...”. Một không gian trôi dạt, một tâm trạng trữ tình hoang hoải ngóng đợi. Không một nhạc sĩ, thi sĩ tài năng nào thay được các chữ “mòn mỏi”, “đợi”, các hình ảnh “sao rơi”, “trăng sắp tàn”, “cành tre”... vì nỗi nhớ khắc khoải, đau đớn như đã gửi cả trong đó, thấp thỏm ở trong đó: “Mòn mỏi thâu đêm, suốt năm canh/ Anh ơi, em vẫn đợi... mỏi mòn/ Thương nhớ... ờ ơ... ai/ Sao rơi, trăng sắp tàn ... trăng tà/ Cành tre đu trước ngõ/ Là gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh...”!!! 

Nguyễn Thanh Tú
.
.