Sức mạnh biểu cảm của phụ từ

Thứ Sáu, 05/11/2021, 15:33

Trong cuộc sống, thường khi ta bắt gặp những con người xét về các tiêu chuẩn khách quan của cái đẹp thì chẳng có gì hơn người, nhưng chẳng hiểu do đâu họ lại có sức quyến rũ đến không cưỡng nổi. Một chiếc răng nanh hơi bị khểnh, một lúm đồng tiền mơ hồ, cũng có khi tinh vi hơn, một cái nhìn ngơ ngác con nai vàng, một tiếng cười mũi ấm áp vô tư... Chúng ta không sao cắt nghĩa cái sức hấp dẫn nhiều khi đến phi lý ấy, nên đành gộp chung vào một cách gọi: cái duyên.

Những nhà thơ có nhiều thành tựu thường biết “đặt” rất đúng chỗ những chữ tưởng chừng như rất cũ nhưng làm nổi bật cả bài thơ. Điển hình như Nguyễn Bính, Trần Đăng Khoa, Trúc Thông...

Trong văn học, nhất là trong thơ, cũng có hiện tượng như vậy. Trước nay, khi nhận xét giá trị tác phẩm, ta thường quan tâm đến những tiêu chuẩn to tát về nội dung, hình thức đã được mặc định thành những tiêu chí bất di bất dịch, như cách dùng số đo manơcanh để chọn hoa hậu, mà nhiều khi bỏ qua những tiểu tiết làm nên cái duyên văn, thơ của tác phẩm (và thường khi của cả tác giả). Những cái duyên như vậy có thể có ở bất cứ chỗ nào trong tác phẩm, nhưng với thơ, chúng rất hay xuất hiện ở cách dùng các phụ từ. Bài viết nhỏ này chỉ thử đưa ra đôi ba ví dụ về hiện tượng này mà thôi.

Một vài giới từ chỉ địa điểm: Giới từ được nhiều nhà thơ sử dụng và sử dụng có duyên bậc nhất là giới từ “ở”. Đây là hai câu thơ của Nguyễn Bính:

“Lúa ở đồng anh và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng tôi”.

Câu thơ này mà kéo thẳng một mạch thì thành một câu văn xuôi không thể lẩm cẩm hơn, nhưng cắt thành hai như trên thì lại làm nên hai câu thơ hay và thú vị đến nỗi những ai đã yêu thơ Nguyễn Bính ít người không biết tới. Sự thể là do đâu? Nếu đem câu hỏi ấy ra hỏi ngay cả các nhà thơ, thậm chí các nhà phê bình thơ, tôi e không chắc đã có được câu trả lời thoả đáng, chứ đừng nói là câu trả lời thống nhất. Với kiến giải chắc không tránh khỏi chủ quan, hạn hẹp, tôi cho rằng: Về mặt nội dung, ngữ nghĩa, câu thơ trên chẳng có gì sâu sắc, cao diệu để làm nên cái hay của nó. Ấn tượng mạnh trước hết là ở cách chơi ba lần điệp ngữ “lúa ở đồng” (trong hai câu thơ này, ngoài ba điệp ngữ ấy chỉ còn lại vẻn vẹn ba đại từ nhân xưng và hai chữ “và” !), nó gây cảm giác bề bộn, ngổn ngang như một cái gì đó đang diễn ra trước mắt và cả trong hồn người vào thời khắc ấy. Nhưng ấn tượng quan trọng hàng đầu của câu thơ nằm trong nhạc điệu (và nhịp điệu) của nó. Đây là đặc thù muôn thuở của thơ, nghĩa là trong thơ yếu tố nhạc điệu là một phần không thể thiếu, thậm chí có khi là phần quyết định làm nên giá trị của tác phẩm.

Chẳng hạn với hai câu thơ này, nếu xem bằng mắt (và nếu lại là người không có chút năng lực cảm thụ thơ) thì sẽ không thấy hết cái thú vị của nhạc điệu. Phải đọc nó lên, và chỉ theo một phản xạ ngữ điệu thường tình thôi thì ta đã buộc lòng nhấn mạnh trọng âm ở ba từ “ở”, riêng từ “ở” cuối câu trên, đọc xong ta được phép dừng lại một chút, nhưng chỉ một chút thôi để còn kịp bắc cầu xuống câu dưới. Từ “ở” trong văn cảnh này là một phụ từ về mặt ngữ nghĩa, nhưng lại chiếm một vị trí chính yếu về mặt nhạc tính, bởi dấu hỏi ở đây là một thanh điệu vừa trầm nặng vừa mềm mại, nó ấn câu thơ xuống ở những chỗ cần thiết cho nhu cầu tiếp nhận cảm xúc của con người. Hãy thử thay thế nó bằng những từ khác, ta sẽ thấy hiệu quả cũng khác hẳn.

Trường hợp với nhà thơ Trúc Thông trong câu thơ được nhiều người bàn luận sau đây cũng thế: “Lá ngô lay ở bờ sông”... Theo tôi, giá trị của từ “ở”  này cũng không khác mấy với trường hợp vừa nói tới ở trên, và cách lý giải cũng vậy. Một nhà thơ là đồng hương và hậu sinh của thi sĩ Nguyễn Bính là Nguyễn Đức Mậu cũng rất hay dùng từ “ở” trong thơ và dùng cũng rất đắc địa, các bạn có thể dễ dàng xác minh điều này khi giở lại các trang thơ của nhà thơ quân đội này.

Trần Đăng Khoa cũng thường có những ca xử lý giới từ điệu nghệ. Bài thơ đề tặng nhà thơ Tố Hữu có câu:

“Chú buồn nghe một tiếng rao
Thương bạn nhỏ gió thổi vào nghiêng nghiêng”.

Phân tích, mổ xẻ những gì thuộc về cái duyên như ta đã nói là điều cực khó, nếu không nói là có những trường hợp hầu như bất lực, nói cách gì cũng không ra nhẽ, thà cứ để mặc ai muốn hiểu thế nào thì hiểu mà lại hơn. Chẳng hạn như với từ “vào” ở đây. Cái giới từ chỉ phương hướng này nếu trong văn cảnh bình thường và với người lớn thì có vẻ lòng thòng, thật thà như đếm, nhưng trong câu thơ của một cậu bé nó trở nên thích hợp lạ lùng, bởi nó hết sức hồn nhiên như khẩu ngữ của trẻ con, mà lại ăn vần chằn chặn. Kết hợp được các yêu cầu khó khăn ấy một cách thanh thoát đến thế chỉ có thể gọi là một duyên may. Một câu thơ khác của Khoa cũng có thể dùng những lời giải thích trên đây để phân tích về sự hợp lý nghệ thuật của cách dùng phụ từ, ấy là câu:

Sang năm Bác tám mươi rồi
Bác ơi Bác thấy trong người khỏe không”.

Hai chữ “trong người” có vẻ như chẳng có gì, trong văn cảnh khác có thể bỏ đi cũng không sao, nhưng chính cái vẻ như không có gì ấy, nếu mượn lời của Hoài Thanh khen Xuân Diệu, thì “chính là chỗ Khoa hơn người  đấy”. Tôi còn muốn nói thêm một trường hợp nữa trong thơ Khoa, cũng về vấn đề này: “Lá trầu khô giữa cơi trầu”... Lá trầu chẳng khô giữa cơi trầu thì khô ở đâu? Liệu có ai tẩn mẩn mà thắc mắc thế chăng? Mà cái vần “âu” thì có khó gì mà không đổi được, “lá trầu khô đã từ lâu” chẳng hạn. . . tội gì mà phải lặp từ - người ta bảo thế. Đã đến đận này thì khéo phải bó tay, chỉ biết rằng không thay như thế được, rằng câu thơ của Khoa là đạt đến tối ưu trong trường hợp này. “Lá trầu khô giữa cơi trầu” là nó khô ngay ở cái chỗ trú ngụ của nó, ở cái chỗ nó được phép là nó nhất, nó phải hoàn thành cái nhiệm vụ “trầu” của mình - tức là nó phải tươi; còn giá như nó có khô ở chỗ khác, chỗ mà có thể người ta vứt nó ra đấy thì có gì đảm bảo là nó không khô vì lý do khác chứ không phải vì người ăn trầu đã từ lâu không sờ đến nó, mà ở đây là vì ốm. Nói “lá trầu khô giữa cơi trầu” thì cũng tựa như nói “lưu đày ngay giữa quê nhà”, nghịch cảnh lắm, nên cảm thương lắm lắm! Ấy, cái duyên của người làm thơ đôi khi nằm ở những chỗ chẳng đâu vào với đâu như thế đấy. Thò bút vào để vạch vòi nó ra cũng là việc làm bất đắc dĩ, vì rất dễ hóa ra vô duyên.

Anh Ngọc
.
.