Có ai về

Thứ Năm, 09/12/2021, 14:51

Sông Bôi chảy qua thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy - Hòa Bình) như một dải lụa óng ả dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Những đoàn thuyền chở hàng từ thành phố về tấp nập cập bến. Dãy núi Tung Sê soi bóng xanh thẫm dưới lòng sông. Nhìn về phía xa là quần thể di tích chùa Hương thơ mộng. Những con đường dọc ngang trong thị trấn tạo nên sự nhộn nhịp phố phường. Chúng tôi cùng dòng người hối hả về dự lễ chùa Tiên.

Nón đây em bỏ đi đâu?

Chùa Tiên thuộc xã Phú Lão, tọa dưới dãy núi Tung Sê mướt xanh những cánh rừng trải dài hàng cây số. Chùa thường khai hội vào đầu xuân nhưng quanh năm chùa luôn đông người đến lễ. Họ cầu may, cầu phúc. Các chàng trai cô gái Mường thường rủ nhau cùng du ngoạn động Tiên, động Thượng làm lễ hợp phúc. Họ hay hát dân ca giao duyên và nghe chuyện trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Ở đây chúng tôi được người hướng dẫn lễ đọc cho nghe những câu hát Mường về tình yêu. Có câu ca rằng: “Cho anh được thương em cho ta được yêu nhau/ Như cây lúa yêu đồng mường ta”.

3a-lễ khai hội chùa tiên.jpg -0
Lễ khai hội Chùa Tiên.

Càng đi sâu vào hang, mọi người càng sững sờ với những cột đá dựng thành hàng thẳng tắp. Trên vòm hang là những chùm nhũ đá rủ xuống như hoa như tuyết. Muôn vàn giọt nước tí tách rơi trong vắt. Người hướng dẫn viên đưa chúng tôi tới trước một vách hang dựng đứng. Từ phía trên cao một mâm nhũ hình tròn buông lưng chừng giống như một chiếc nón ba tầm của các quan họ trong làng. Chiếc nón thiên nhiên nghiêng trong ánh sáng chiếu rọi từ trên cao. Người hướng dẫn viên say sưa giải thích về chiếc nón kỳ diệu này. Anh cho biết có một văn nhân đến đây đã thảo một bài thơ tặng lại cho mọi người. Những câu thật tình tứ: “Nón đây em bỏ đi đâu/ Để anh chờ đợi miếng trầu động Tiên/ Người duyên nên nón cũng duyên/ Phải chi hội ngộ viết nên ân tình…”.

Nhưng thật bất ngờ khi chúng tôi đứng trước một cổng trời kỳ lạ khi đến giữa hang động. Cổng trời rộng lớn đón những chùm ánh sáng khúc xạ qua nhiều vách núi lô nhô tạo thành ngũ sắc cầu vồng như mơ vậy. Đây là hiện tượng hiếm hoi cho du khách bất ngờ bắt gặp. Đó là món quà thiên nhiên ban tặng. Một đám mây trắng như muốn dừng lại che lấp chùm ánh sáng thiên thần đang tràn qua cổng trời.

Từ đâu đó những âm thanh đàn đá vang lên trong vách hang làm chúng tôi rất thích thú. Thì ra người hướng dẫn viên đã lấy những tảng đá nhỏ gõ lên một hàng thạch nhũ bên vách hang. Anh đánh thành bản nhạc “Mời trầu” của người Mường. Đó là một bản đàn quen thuộc với mọi người. Những âm thanh rộn ràng như chào đón chúng tôi. Người hướng dẫn viên nói tục mời trầu ngày đầu năm mới được người Mường rất coi trọng. Họ đi từng đoàn đến từng nhà chúc Tết và ăn trầu của gia chủ. Cồng chiêng vừa đi vừa hát và ăn trầu đỏ thắm làn môi.

“Vào cửa ra cửa mẹ” là một vòng uốn quanh trong lòng hang. Người thực hiện theo hành trình này khi đến đây sẽ luôn gặp may. Trai gái sẽ nên duyên. Gia đình thật yên hòa. Đó là triết lý mang yếu tố tâm linh của vùng văn hóa Mường. Nơi đây trong một khu di chỉ khảo cổ tại Chi Nê, các nhà khoa học đã tìm ra được những di vật cổ ngàn năm như trống đồng loại 1 cùng những mũi giáo hình búp đa và lá lúa (Thời kỳ Đông Sơn).

Còn nghe nói trong hàng Đồng Nội (Đồng Tâm), các nhà khảo cổ còn phát hiện những hình thú và ba mặt người khắc trên vách núi. Đây chắc chắn là tác phẩm nghệ thuật tạo hình cổ nhất ở nước ta. Chính vì thế Lạc Thủy có tới 8 di tích thuộc nền văn hóa Hòa Bình. Dòng sông Bôi luôn có sự ước hẹn với mùa xuân. Hàng chục con thuyền hối hả theo con nước trong xanh đưa khách vào lễ hội chùa Tiên. Dòng sông còn là nguồn phù sa cấp cho những cánh đồng và vườn hoa xuân hai bên đường vào thị trấn phố.

Đồn Điền Chi Nê

Hành trình về nguồn của chúng tôi tiếp tục tới đồn điền Chi Nê, nơi lưu dấu di tích nhà máy in tiền đầu tiên của nước ta (1947). Trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám giành chính quyền độc lập, chính phủ ta gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt là việc phát hành đồng tiền của chính quyền trong thời kỳ đầu không hề dễ dàng. Nhiều lực lượng chống đối cùng với sự tráo trở của giặc Pháp quay trở lại xâm lược nước ta nên Đảng và Chính phủ ta đã phát động công cuộc “Toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946).

1a-góc thị trấn chi nê.jpg -0
Góc thị trấn chi Nê.

Trước đó nhà máy in tiền  đã phải bí mật sơ tán từ tháng 11-1946. Địa điểm đầu tiên được chọn là đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện tại xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Biết bao gian khổ, khó khăn nhưng các nhân viên kỹ thuật ấn loát đã được gia đình ông Đỗ Đình Thiện cưu mang giúp đỡ tận tình nên nhà máy in tiền sớm ổn định và làm việc thuận lợi. Chính tại đây tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất 100 đồng đã được in. Đó là tờ bạc “Con trâu xanh” đã cùng những tờ bạc với mệnh giá khác được đưa lên Việt Bắc và các vùng tự do.

Vùng đất Chi Nê rộng lớn được coi là địa chỉ trung chuyển các cơ quan đầu não nước ta trên đường lên chiến khu Việt Bắc và đi về các vùng tự do phía Nam. Đồn điền của gia đình ông Đỗ Đình Thiện chính là một địa chỉ đáng tin cậy nhất. Để giữ bí mật mọi việc ấn loát và phát hành đồng tiền diễn ra kín đáo, gia đình ông Thiện vẫn sinh hoạt bình thường ở phía ngoài cùng với những người làm thuê trồng cà phê.

Nhà tư sản đồn điền Đỗ Đình Thiện đã bỏ nhiều công sức và tiền của đóng góp cho nhà nước ta ngay từ những ngày đầu in tiền ở Hà Nội. Sau bao khó khăn dồn dập khi quân Pháp và quân Tưởng gây ra, ông đã cùng tham gia kháng chiến chống Pháp. Đồn điền rộng hàng ngàn héc ta của ông ở Chi Nê đã trở thành cơ sở cách mạng. Chính nơi đây cũng là nơi Bác Hồ đã tới làm việc ngay trong thời gian đầu phát hành tờ giấy bạc của nhà nước ta.

Lần đó, sau khi bế mạc phiên họp Hội đồng Chính phủ (18-2-1947), Bác Hồ đã cùng đoàn đi công tác vào Thanh Hóa. Trên đường đi Bác đã dừng chân tại đồn điền Chi Nê và làm việc tại nhà ông Đỗ Đình Thiện cả ngày hôm sau (19-2-1947). Bác đã đi thăm những công nhân và bà con người Mường trong đồn điền rồi dùng cơm cùng gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Tới mờ sáng hôm sau Bác mới lên đường vào Thanh Hóa công tác.

Và cũng chỉ một ngày sau đó, đến 5 giờ sáng Bác lại có mặt tại Chi Nê và dừng lại nghỉ ở đây (21-2-1947). Buổi sáng Bác đã đi thăm cơ sở của nhà máy in tiền cùng các bộ phận làm việc. Như có linh tính mách bảo và cùng những quan sát tình hình chiến sự, Bác đã yêu cầu lãnh đạo nhà in tiền phải rời khỏi đồn điền Chi Nê đến một địa chỉ khác kín đáo hơn. Rồi trong đêm đó Bác rời khỏi đồn điền, đi về một ngôi chùa ở Sài Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây.

Quả nhiên theo lệnh bộ phận in mới tạm đưa vào hàng núi thì giặc Pháp cho máy bay đến dội bom xuống đồn điền Chi Nê. Trong đó hai quả trúng ngay nhà ông Đỗ Đình Thiện cùng hai vựa cà phê bị thiêu cháy ra tro. Vụ cháy kéo dài cả tuần lễ sau đó. Trong đó kho vật liệu in bị thiêu hủy hoàn toàn.

Sau trận bom này, gia đình ông Đỗ Đình Thiện đã theo lực lượng kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc. Đồn điền Chi Nê của gia đình đã được giao lại Ban Kinh tài của Đảng quản lý. Điều đặc biệt trong kháng chiến ông bà Đỗ Đình Thiện đã đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng ngành Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).

Dòng sông kháng chiến

Khu di tích cách mạng lịch sử, Bảo tàng nhà máy in tiền ở đồn điền Chi Nê nay vẫn còn lưu giữ được hơn 200 hiện vật và ảnh từ những năm đầu tiên. Cùng với đó là những tư liệu mà ông Đỗ Đình Thiện ghi lại trong thời gian ở đây. Bảo tàng còn lưu giữ những kỷ vật hai lần Bác Hồ về thăm và làm việc ở đồn điền.

Dọc triền sông Bôi, đoàn chúng tôi còn dừng chân tại di tích chiến khu Mường Khói cách Chi Nê không bao xa. Nơi đây luôn vang lên tiếng quân ca ngày nào vang dậy trên sóng nước sông Bôi. Một dòng sông kháng chiến đã minh chứng bao sự đổi mới từng ngày từng giờ trên mảnh đất kiên trung với sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường bao đời nay.

Vương Tâm
.
.