Báu vật của làng Rồng!

Thứ Bảy, 06/11/2021, 14:38

Lộng Thượng là tên của làng bây giờ. Nhưng một thời địa chỉ ấy còn có tên gọi: Làng Rồng. Cũng là cái ngày xưa xa lắc xa lơ đó, người làng làng Rồng, xã Đại Bái, huyện Văn Lâm của miền quê nhãn lồng Hưng Yên chuyên sống bằng nghề buôn bán phế liệu. Vậy mới có câu ca dao kể trên, vì nhẽ, cầu Nôm là một trong những địa danh của làng.

“Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha

Năm tháng đi qua, từ nghề kinh doanh phế liệu để mưu sinh lúc ban đầu, các bậc tiên hiền của làng Rồng cho ra đời cái nghề đúc đồng. Nhờ cái nghề vô cùng gian nan vất vả nhưng đầy lãng mạn ấy mà người làng Rồng trở nên có danh có phận. Và người ta trân trọng nâng niu cái nghề đã nuôi sống bao kiếp người của làng còn hơn cả một thứ báu vật vô giá.

Bức tranh hiện thực mô tả “cái tích” liên quan tới sự ra đời của nghề đúc đồng làng Rồng chỉ ngắn ngủi vậy thôi. Nhưng truyền thuyết của làng lại kể rằng, người truyền nghề đúc đồng cho người làng Rồng là Khổng Minh Không, vị Quốc sư triều nhà Lý, thế kỷ thứ XII. Để tỏ lòng biết ơn Khổng Minh Không, người dân nơi đây đúc tượng đức Tổ sư thờ cúng và thành tâm hương khói quanh năm cho Ngài.

Báu vật của làng Rồng! -0
Công đoạn đánh bóng sản phẩm.

 Nghệ nhân Dương Văn Ban nay đã ở cái tuổi ngoài bát tuần xúc động tâm tình, mình theo các bậc “tiên chỉ” trong nhà, trong làng học nghề đúc đồng từ thuở mới 13 tuổi. Đến năm 16 tuổi thì người nghệ nhân thuộc lớp người “xưa nay hiếm” của làng Rồng chính thức ra nghề.

Xưa nay, hễ nói tới nghề đúc đồng ở xứ Bắc nước Việt ta thì thiên hạ thường chỉ quen nhắc tới những địa chỉ mà họ cho rằng, đấy mới là những làng nghề truyền thống “có số, có má” bậc nhất. Ví như làng đúc Đồng Ngũ Xã của Hà Nội. Rồi thì làng Tống Xá thuộc huyện Ý Yên, Nam Định. Và nữa là làng Đại Bái của Bắc Ninh,… chứ mấy ai tỏ tường rằng, quê nhãn Hưng Yên cũng là một trong những địa chỉ sinh ra những làng nghề chuyên đúc đồng nổi tiếng từ thời “cổ tích”, trong đó có làng Rồng.

Cụ Ban thổ lộ, đâu như một số phường thợ giỏi ở làng Rồng đã lên kinh thành Thăng Long cùng một số phường nghề khác lập nên làng nghề Ngũ Xã lừng danh. Vậy thì dẫu kín tiếng, nhưng nghề đúc đồng ở làng Rồng cũng đã có tên có tuổi từ ngày nảo ngày nao rồi đấy chứ. Và con người làng Rồng nào đâu có kém cạnh các phường nghề khác trong thiên hạ.

Người làng Rồng bảo, là một trong những cây cao bóng cả của làng nên nghệ nhân Dương Văn Ban là “cuốn sử sống” của làng đấy. Kể về quá trình hình thành, phát triển của nghề đúc đồng làng Rồng, người nghệ nhân già bồi hồi nhớ lại, có được cái danh cái giá như bây giờ các thế hệ thợ thuyền của làng đã từng trải qua bao phen thăng trầm khốn khổ.

Nào đã hết, tới thời chống phát xít Nhật, các lò đúc của làng Rồng hầu như không hề đỏ lửa trong một thời gian vì rất nhiều sự tác động khách quan. Rồi thì dạo Cách mạng tháng Tám làng nghề chững lại một thời gian dài, tưởng chừng như không có tương lai.

“Đặc biệt là quãng thời gian từ 1970 cho đến 1980 của thế kỷ trước, làng nghề đúc đồng của làng Rồng gần như rã đám hoàn toàn anh ạ! - Nghệ nhân Ban xúc động chia sẻ - Xảy ra cơ sự ấy là bởi làng nghề gặp phải vô vàn những khó khăn do khách quan và chủ quan mà bây giờ có kể lại khó có bút lực nào ghi chép cho xuể. Lửa nung trong các lò đúc ở làng đều nguội lạnh hết cả. Dân làng Rồng hoang mang với câu chuyện chuyển đổi nghề để may ra có thể mưu sinh dài lâu. Sau những chấp chới khi mà cả làng đã bỏ nghề, tôi quyết định phải bám bằng được lò nung. Chỉ có thế may ra mới giữ được nghề của tiên tổ trao truyền!”.

Cũng chính những năm tháng bĩ cực ấy, đồng thời với việc tìm đủ mọi kế xoay xở kiếm sống nuôi gia đình bằng cái lò đúc của mình, ông Ban và các bạn thợ còn đôn đáo truyền nghề cho những người trẻ với  khát vọng nhân văn: Sẽ khiến những que diêm cháy sáng trong đêm để các lò đúc đồng của làng Rồng sẽ được nhen nhóm lại.

Rồi đến một bữa nọ sau những chuỗi ngày dài giông tố, trời quang mây tạnh và nắng hửng lên. Đó chính là lúc ước mơ của ông Ban đã thành hiện thực. Ấy là khi nghề đúc đồng của làng Rồng không những chẳng bị thất truyền mà bây giờ, cả làng đã có hơn một trăm lò đúc rực lửa quanh năm. Gặp khi mặn chuyện, ông Ban thổ lộ, trong nhà mình hiện đang lưu giữ bộ đỉnh vuông, tai thùng niên đại gần 100 năm do cụ thân sinh dày công sáng tạo nên. Đó là những báu vật vô giá mang tính gia truyền.

Nhưng với người nghệ nhân tài hoa ấy thì, năm người con trai cùng các hậu duệ đang hăm hở nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo nên những sản phẩm đồng đúc có “thương hiệu” riêng nhằm làm phong phú hơn nghệ thuật đúc đồng truyền thống của làng Rồng mới chính là “của để dành”  mang giá trị lớn nhất cuộc đời mình, ấy vậy!

*

Dẫu là người “sinh sau đẻ muộn”, nhưng bởi sớm có “duyên phận” với nghề đúc đồng truyền thống từ cái thuở còn chăn trâu cắt cỏ và thả diều đánh khăng thành ra, ông Dương Văn Tập sớm đứng trong hàng ngũ những nghệ nhân “có số có má” của làng Rồng.

Kể về con đường vào nghề của mình, ông Tập chia sẻ rằng, mình đến với nghề theo kiểu cha truyền con nối. Mới mười tuổi đầu ông Tập chính thức được bố truyền cho những bí quyết của nghề đúc đồng. Thế nên từ dạo ấy, tất cả những kỹ năng cần thiết của một người thợ đúc đồng chuyên nghiệp, dù là nhỏ nhặt nhất, cậu chàng Dương Văn Tập đã thuộc nằm lòng.

Báu vật của làng Rồng! -0
Những sản phẩm tinh xảo của người làng Rồng.

Nhắc tới quá trình hình thành nên một tác phẩm đồ đồng từ lò đúc thủ công, nghê nhân Dương Văn Tập chợt trở nên hưng phấn đặc biệt. Ông kể, công đoạn đầu tiên tạo mẫu ra bức tượng xong mình cho khuôn vào để lấy hình đó. Theo lời người nghệ nhân chân quê chuyên đúc tượng ấy thì, việc trên là khâu khó nhất trong các công đoạn để làm bức tượng đồng.

Mỗi một tác phẩm tượng đồng là một câu chuyện thuộc về thế giới tâm linh gói ghém trong đó. Vậy nên, nếu người sáng tạo ra nó không nuôi dưỡng trong tâm hồn mình một chữ TÂM thì chả bao giờ bức tượng ấy thể hiện được sự chân thật sống động mang thần thái hoan hỷ đâu. “Chả biết thiên hạ quan niệm thế nào chứ với riêng tôi thì, cái đẹp của một tác phẩm tượng đồng thủ công truyền thống chính là ở chỗ đó đấy anh ạ!” - Nghệ nhân Dương Văn Tập chắc nịch một câu như thế khi kết thúc câu chuyện với khách.

*

Đắm đuối và đầy những say sưa “thổi hồn” vào những bức tượng đang làm, anh Dương Việt Bách, một người thợ trẻ nhưng đã “có tiếng có tăm” từ rất sớm ở làng Rồng cho hay: “Đây thật sự là những tác phẩm mà tôi vô cùng tâm huyết. Anh thấy đấy, các tượng được đúc bằng chất liệu đồng thau. Chúng có màu giả cổ và hiện đang được thị trường rất ưa chuộng!”.

Theo lời anh Bách, những sản phẩm của mình mang màu sắc giả cổ khiến cho người ta có cảm giác chúng có tuổi đời từ 50 - 70 năm. Để mang lại cái cảm giác đó cho người ngoài cuộc anh Bách chỉ mất hơn một tuần lễ để thực hiện các phương pháp gia công. Anh Bách đã phải nhờ tới công nghệ thời 4.0 kết hợp nhuần nhuyễn với vốn kiến thức mà bản thân đã “tu luyện” được từ nghề truyền thống của ông cha mới có thể tạo nên một thứ màu giả cổ riêng có cho các sản phẩm của mình.

Tâm sự về công việc mà mình đang kỳ công theo gót các bậc tiền hiền của làng nghề, anh Bách thổ lộ, muốn trở thành một người thợ đúc đồng truyền thống vào hạng “cao thủ” nhất định phải thành thục năm khâu kỹ thuật cơ bản. Đó là các bước tạo hình; tạo khuôn để đúc thành đồng.

Rồi thì khâu pha chế, nấu đồng và rót đồng; chạm khắc trên bề mặt sản phẩm. Bước cuối cùng là đánh bóng. Trong số các sản phẩm làm nên danh nên giá của làng Rồng thì làm tượng thờ là tốn công sức nhất. Anh Bách quả quyết rằng, một người thợ không có tay nghề cao và phẩm chất tư duy nghệ thuật thì không thể cho ra đời những tác phẩm tượng thuần Việt và “ăn tiền” trên thị trường được. Bây giờ, nghề đúc đồng truyền thống của làng Rồng đã được mở rộng với một quy mô lớn hơn.

Cùng với đó là sự phân công ngành nghề mang tính chuyên nghiệp. Các hộ sản xuất đã liên kết với nhau thành lập các phường sản xuất riêng theo từng công đoạn, từng loại mặt hàng, như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng, xưởng đúc tượng, v. v…

Sự chuyên nghiệp ấy đã tạo cơ hội cho nghề đúc đồng của làng đang ngày càng phát triển. Sản phẩm của làng Rồng đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường. Lớp nghệ nhân, thợ trẻ trong làng đã bảo tồn và phát huy tinh hoa của thế hệ ông cha đi trước một cách căn cơ, bài bản. Nhờ thế mà đời sống của người làng Rồng ngày một khởi sắc, phồn thực.

Lê Công Hội
.
.