Chợ Nôm nhộn nhịp ngược xuôi

Thứ Năm, 28/10/2021, 16:01

Làng Nôm (xã Đại Đồng-Văn Lâm-Hưng Yên) có thế đất dáng con thuyền bên kênh đào phụ lưu sông Đuống. Nếu nhìn từ trên cao hình ảnh làng giống như một chiếc cân. Cây đa cổng đình là mũi đồng cân. Đường làng tựa chiếc cần dài. Còn quả cân là Văn chỉ của làng. Vậy nên mọi người ngày đêm lận đận làm ăn trên mọi nẻo đường quê. Trẻ nứt mắt đã nghe lời ru: "Con ơi mẹ dặn câu này/ Học buôn học bán cho tày người ta".

Xa xứ phận con buôn

Quanh vùng cổ Luy Lâu xa xưa đều có làng làm nghề đúc đồng. Làng Nôm ở giữa lại kề bên sông hồ. Mỗi lần lũ về là chìm trong biển nước mênh mông. Đã mấy trăm năm vùng chiêm trũng này thợ đúc đồng đều phải nhờ dân làng Nôm chở thuyền hàng đi bán. Dần dần mọi người rủ nhau đi mua đồ đồng nát về bán cho cánh thợ đúc. Chợ Nôm hình thành cách đây hơn 200 năm phía trước chùa Linh thông cổ tự mọc ra những quán đồ đồng. Từ đó dân năm xã đúc đồng quanh vùng đều về chợ mua vật liệu để làm hàng.

Cái nghề đi buôn đồng nát của làng Nôm như trời định. Cánh trai làng đều dong thuyền từ đêm đi giao hàng. Còn các bà các cô gồng gánh trên vai tất tả trên mọi nẻo đường thu mua đồng nát. Họ rong ruổi ngõ ngách trong kinh thành hay bươn bả tới các làng quê từ tinh mơ. Vì thế nghề đúc đồng làng Nôm cũng ngày ngày phát triển. Dân làng còn xây cả quán xá trong kinh thành và tạo nên những dãy phố bán hàng và thu mua đồng nát. Đó chính là phố Hàng Đồng vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở Hà Nội. Không chỉ có vậy dân làng Nôm còn vào tận Đàng trong để dựng nghiệp. Có người đã theo chân chúa Nguyễn vào kinh đô và đã trở thành tổ nghề đúc đồng ở Huế tới hơn 300 năm trước. 

1-ch--nôm.jpg -0
Chợ Nôm.

Dân làng Nôm dựng nghiệp từ nghề buôn bán đồ đồng và đã hình thành một đội ngũ thương nhân nức tiếng giàu có khắp nơi. Họ còn vang danh trên cả nước. Ca dao của làng đã truyền tai: "Cái Bống đi chợ cầu Nôm/ Sao mày không rủ cái Tôm đi cùng/ Cái Tôm nó giận đùng đùng/ Nó đi xuống bể lấy chồng lái buôn". Dân làng Nôm trở nên giầu có vì buôn bán. Trong làng có cụ Tạ Văn Tiếp bỏ tiền xin phép xây cả một trạm ga xe lửa (Đông Xá) gần làng để mọi người về buôn bán tại đất cảng Hải Phòng cho thuận lợi. Cụ còn cho đặt một cái cân lớn ở ga để mọi người kiểm tra hàng. Thậm chí bà Tạ Thị Mai (con cháu cụ Tiếp) đã trở thành chủ hiệu Đại Hưng Long, chuyên buôn bán đồ đồng lớn nhất ở Hải Phòng. Bà có tới 36 gian kho trên đất cảng để xuất khẩu hàng đi nước ngoài.

Người làng Nôm còn nức tiếng với dòng họ Phùng: "Gạo nếp cái. Gái họ Phùng". Những cô gái họ Phùng đều đẹp và giỏi giang. Cụ bà Phùng Thị Tám chỉ bằng đôi quang gánh lang bạt vào tận Thanh Hóa làm ăn mà trở nên giàu có. Dân làng kể bà đã tậu đất làm nhà cho thuê và còn mua được cả chức lý trưởng cho chồng. Không những thế bà còn tập trung nuôi các con ăn học thành tài nên đã được vua ban cho bốn chữ "Tiết hạnh khả phong".

Chưa hết, gái họ Phùng nổi như cồn ở Thanh Hóa còn có cô Phùng Thị Thanh Xuân. Sinh thời cô đến tận làng Cổ Am (Thiệu Hóa-Thanh Hóa) buôn đồng nát nhưng đã bị đột tử. Cô mất vào giờ thiêng trên đất Cổ Am. Sau đó nhiều thiên tai, dịch họa đã được cô hiển linh hóa giải cứu giúp dân làng. Vì thế dân làng lập miếu thờ. Nơi đây người ta vẫn còn giữ đôi quang gánh của cô cùng cái cân mã tấu và chiếc nón đã sờn vành.

Tại thành phố Thanh Hóa có cả đường phố mang tên Phùng Thị Thanh Xuân phải chăng cũng khởi nguồn từ sự linh thiêng tâm linh này. Tại làng Nôm người họ Phùng cũng lập đền thờ vọng cô như một sự tưởng nhớ đến tổ nghề buôn bán đồng nát thuở xa xưa. Chợ Nôm hàng trăm năm qua luôn được dân làng ghi nhận với sự thăng trầm và tha hương. Ca dao xưa truyền tụng: "Đồng nát thì về Cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm bán gả chồng xa/ Khi nào em trở về già/ Quê chồng thì bỏ, quê cha thì về". Hay còn dị bản khắc ghi: "Đồng nát thì về cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm về ở với cha".

Làng cổ ngàn năm

Mọi người vào chợ nhưng luôn luôn phải đi qua cửa chùa Nôm. Không ở đâu có chùa cổ lại rộng đến vậy (15ha). Trước nghe nói đây là đồi rừng thông cổ thụ dễ đến ngàn năm. Ngôi chùa đã có từ lâu cách đây mấy trăm năm mới được xây dựng lại và được gọi là "Linh Thông Cổ Tự". Nhưng đây là chùa của làng buôn bán nên dân gian gọi đích danh là chùa Nôm. Chùa được xây dựng khang trang từ thời Hậu Lê (1680). Các nghệ nhân đã về đây luyện đất khắc tượng Phật. Dân làng thường tới cung tiến và cử người giúp việc. Hơn một trăm tượng La Hán đã được sơn son bồi lụa đẹp như người thật. Những bàn tay tài hoa đã ghi dấu ấn nơi đây như một bảo tàng tượng Phật bằng đất độc nhất vô nhị. Đã hơn ba trăm năm những tượng phật vẫn bền bỉ sắc mầu tươi như mới.

2-c-u-dá-làng-nôm.jpg -0
Cầu đá làng Nôm.

Điều kỳ lạ có những trận lụt kéo dài hàng chục ngày vào những năm 1945, 1971 và 1986. Nước lũ ngập tới mái chùa. Các pho tượng phật đều bị ngâm ướt lâu ngày. Vậy mà sau khi nước rút các "lão" phật La Hán vẫn rạng rỡ ánh sáng phát ra từ đôi mắt cùng với nụ cười hiền hậu an ủi lòng người. Dân làng Nôm cho dựng chùa có vòm mái hình chiếc thuyền úp để cầu trời phật luôn giúp dân thoát khỏi những thiên tai sông nước và buôn bán làm ăn phát đạt. Vậy nên cổng tam quan chùa được xây bằng gỗ lớn nhất mà không nơi nào có được.

Hiện cổng tam quan chùa cổ này được coi là một kỷ lục với những điêu khắc dân gian đậm dấu ấn phật giáo của vùng đồng bằng Bắc bộ. Đó là những hình tượng tứ linh độc đáo tinh xảo. Cổng chùa thật tráng lệ thể hiện sức sáng tạo trong văn hóa làng quê. Cổ tự thơ đề rằng: "Linh thông cổ tự ngỡ ngàng/ Cây đề, cây gạo bóng choàng trăm năm/ Tam Quan cao ngất đâu bằng/ Trăm tượng La hán rỡ ràng linh thiêng" (Nguyễn Thông).

Do dân làng phải đi buôn bán làm ăn ở xa nên những dòng họ lớn đều cho xây nhiều nhà thờ tổ. Hiện làng Nôm nổi tiếng với những ngôi nhà cổ vài trăm năm được kiến trúc cổ kính dọc đường làng lớn bên hồ nước trong xanh. Nhưng có lẽ lớn hơn cả là đình làng thờ thần Tam Giang. Nhất là đình phía ngoài còn làm hoàn toàn bằng đá xanh được mua từ Thanh Hóa đưa về. Truyền kỳ về thần Tam Giang vẫn được lưu truyền với câu chuyện cổ tích đặc sắc. Vào thời Tây Hán có một cô gái tên là Tĩnh xinh đẹp và dịu dàng. Nhưng nàng không lấy chồng một lòng theo đạo Phật tu thân. Có lần nàng ra ngã ba sông tắm gội bỗng nhiên trời đất tối sầm. Sấm chớp và gió giật từng cơn. Một con thuồng luồng nổi lên quấn lấy tấm thân ngọc ngà của nàng rồi bỏ đi.

Đêm đó nàng Tĩnh về chùa rồi ngủ lại trước án bàn thờ. Trong mơ nàng thấy mình vớt vầng trăng rồi nuốt vào miệng. Khi tỉnh dậy nàng mới biết mình đã có thai. Bụng mang dạ chửa đúng chín tháng mười ngày nàng sinh hạ được cậu con trai và đặt tên là Tam Giang với ý nghĩa là người con của ba dòng sông hội tụ. Tam Giang lớn lên dũng mãnh có sức khỏe vô song. Chàng là tướng của Hai bà Trưng có công dẹp giặc rồi lập nên trại Đồng Cầu (Làng Nôm ngày nay). Một lần đi đánh giặc tướng Tam Giang tử trận rồi bị dòng nước cuốn trôi dạt về đúng làng quê. Từ đó dân làng Nôm xây đình thờ và tôn vinh ngài là đức thánh Thượng đẳng Tam Giang.

Cầu đá bệ rồng

Cầu đá xanh làng Nôm được xây cùng thời với đình ngoài cách đây hơn 200 năm. Dân kẻ chợ lắm tiền đổ vào xây đình chùa rồi xây luôn chiếc cầu đá. Người tứ phương đi chợ rất thú vị với chiếc cầu này vì bằng phẳng liền mạch nhẵn thín. Đi mưa không trơn trượt tuy độ rộng chỉ bằng hai người gồng gánh gặp nhau (chừng 2 mét). Cầu Nôm có 9 nhịp với 27 cột chống và 9 cột ngang được đục khắc vân mây. Trên đầu mỗi cột chống các nghệ nhân đục một đầu rồng tạo nên sự vững chãi và sống động cho mỗi bước chân khách lãng du. Cầu được xây dưới một cây gạo cổ quanh năm xanh tốt xum xuê nên cảnh sắc hữu tình. Mỗi mùa lũ về sông rộng hẳn ra chiếc cầu lấp xấp trên mặt nước giống con thuyền đá nghiêng nghiêng trôi trên dòng xoáy. Vậy xưa mới có câu quan họ: "Chợ Nôm nhộn nhịp ngược xuôi/ Ai qua cầu đá dắt tôi đi cùng/ Chân cầu có chín mắt rồng/ Tôi sợ say sóng bởi dòng nước trôi".

Vương Tâm
.
.