Cái sân - Một mảnh hồn Việt!

Thứ Sáu, 15/10/2021, 00:05

“Truyện Kiều” của Cụ Nguyễn Du kết tinh văn hóa Việt, điều này đúng ở cả phương diện ngôn từ. Chỉ một đơn vị chữ “sân” mà được nhắc tới 23 lần, một trong những hình tượng xuất hiện nhiều nhất. Đối chiếu với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân thì hầu như nó vắng bóng.

Với gia đình người Việt xưa thì sân là mảnh đất thường ở trước nhà là không thể thiếu. Nó được nâng lên thành không gian văn hóa tinh thần, gần gũi, thiêng liêng chẳng khác gì sân đình của làng vậy. Hơn ai hết, Nguyễn Du đã kiến tạo cái mảnh sân theo nguyên tắc này.

Gia đình Vương Ông “thường thường bậc trung” cũng có sân giống bất kỳ nhà nào: “Gương nga vằng vặc đầy song/ Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân”. Hình tượng được thẩm mỹ hóa trở thành “sân hoa”: “Song song vào trước sân hoa lạy quỳ”; “Cúi đầu quỳ trước sân hoa”. Là “sân mai” - sân trồng cây hoa mai: “Cúi đầu, nép xuống sân mai một chiều”. Là “sân đào” - sân trồng cây đào: “Sinh thì dạo gót sân đào vội ra”. Là “sân ngô” - sân trồng cây ngô đồng: “Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng”. Là “sân quế hòe”: “Một cây cù mộc, một sân quế hòe”. Còn là “sân mây”: “Tạ lòng, lạy trước sân mây”...

image001.png -0
Sân quê!

Cái sân được linh hồn hóa, nhìn sân mà biết cảnh biết người: “Sân rêu chẳng vẽ dấu giày/ Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân”. Cảnh này cho thấy sự vắng vẻ, hoang tàn. Chủ nhân đang lênh đênh trôi nổi đâu đó. Cái sân được điển cố hóa để nói về chiều sâu văn hóa hình tượng: “Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm”. Câu thơ mượn điển cố Lão Lai tử thời Xuân Thu nổi tiếng là người hiếu thảo, đã 70 tuổi còn giả trẻ con vui chơi, nhảy múa, còn làm trò vờ ngã để bố mẹ vui. “Chẳng sân Ngọc bội thì phường Kim môn”. Sách “Lễ ký” viết đại ý kẻ sĩ thường đeo đồ trang sức bằng ngọc, dần dần hình thành quan niệm ví phẩm chất đức người quân tử quý như ngọc (Ngọc bội). “Phường Kim môn” chỉ những người tài. Kiều khen Kim Trọng: “Nàng rằng: Trộm liếc dung quang/ Chẳng sân Ngọc bội thì phường Kim môn” chứng tỏ Kiều không chỉ có vốn văn hóa dày dặn mà còn có lối ứng xử tinh tế, khen cũng tinh tế!...

Nhắc lại như vậy để rút ra bài học: nghệ sĩ có sứ mệnh kiến tạo những biểu tượng mới, do vậy phải hiểu sâu các mã văn hóa dân tộc và nhân loại. Vì như một điều tất nhiên, nghệ thuật bao giờ cũng tuân theo quy luật kế thừa, phát triển, nâng cao từ truyền thống!

Nói thế cũng để thấy cái mảnh sân quen thuộc là một biểu tượng cơ bản của văn hóa Việt!

Cái đình của mọi làng ngày xưa mang ý nghĩa tâm linh (“Toét mắt là tại hướng đình”) nên thiêng liêng lắm. Là trung tâm hành chính nơi bàn bạc, hội họp; là trung tâm văn hóa, mọi việc đều diễn ra ở đình, từ thể thao, hát xướng, văn nghệ đến lễ hội; là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng (thờ Thánh, thờ Thành hoàng). Bao giờ cũng vậy, trước khi vào tế lễ, hội họp trong đình, người ta phải qua sân đình, gặp gỡ, chào hỏi, bàn bạc, chuẩn bị... Thế nên bất cứ ngôi đình nào cũng có sân đình là vậy. Với trẻ em và thanh niên thì sân đình quan trọng hơn nhiều. Bất cứ trò chơi nào cũng diễn ra ở đây. Nhiều cuộc tỏ tình ở gốc đa sân đình... Nó trở thành nơi chốn thần tiên nhất, tự nhiên là nơi ký thác tình cảm đi sâu vào ký ức tâm hồn: “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Là nơi trao gởi, giãi bày: “Đêm qua tát nước đầu đình...”.

Vì thuộc nền văn minh lúa nước nên mảnh sân gắn liền với nông dân. Gặt lúa về có chỗ để tuốt, đập, trục lúa. Tách ra được những hạt thóc vàng, có sân để phơi phóng, để sàng sẩy. Góc sân có chỗ chất đống rơm, đống rạ, thế là thành chỗ lý tưởng cho trẻ con chơi trò trốn tìm...

Trước 1975 rất ít gia đình nông dân có sân gạch, còn hầu hết là sân đất. Ngày xưa sân gạch càng hiếm. Ngay gia đình Vương Ông trong “Truyện Kiều” cũng chỉ có sân đất: “Sân rêu chẳng vẽ dấu giày”, “Một sân đất cỏ dầm mưa”. Sân đất nhưng được đầm kỹ, làm phẳng nên trở thành không gian gắn liền với đời người, là nơi thể hiện mọi sinh hoạt. Sau những ngày nồm ẩm, trời chợt hửng nắng, sân đã khô ráo, thế là nhà giàu nhà nghèo lộ ra hết. Người ta đem ra phơi đủ thứ những gì là tài sản của một gia đình tiểu nông. Một góc phơi thóc, một chỗ phơi lạc, đậu, vừng... Ngoài bờ giậu vắt vẻo đủ thứ quần áo mới cũ. Trên dây phơi vắt ngang sân khoe đủ thứ rèm gió, rèm cửa, màn, chăn, chiếu...

Sân còn là không gian văn hóa tâm linh. Nhiều gia đình lập bàn thờ ngoài sân, thờ Phật và các vị thần bảo hộ độ trì cho đời sống mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Nhiều lễ bái, cầu vọng, giỗ chạp... những ngày cuối năm, đầu năm cũng tổ chức ngoài sân. Tất nhiên ngày cưới cũng làm rạp mời hàng xóm chia vui ở sân. Nhà nào có người già về với tổ tiên, trước khi về trời cũng “lưu luyến” ở sân một khoảng thời gian...

Những ý nghĩa này mang đậm bản sắc Việt gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lao động sản xuất, nhất là với khí hậu, thời tiết nóng ẩm!

“Thiêng liêng, thiêng liêng hai tiếng gia đình” (lời một bài hát), hiểu theo nghĩa Hán Việt thì “gia” là nhà, “đình” là cái sân. Đúng là “gia đình” thiêng liêng thật. Cái nhà thiêng liêng. Cái sân thiêng liêng!!!

image003-1634231285522.png
Góc sân và khoảng trời!

Cái sân mở rộng nghĩa chỉ khoảng không gian trước mặt của mọi kiểu nhà. Sân trước nhà của vua thì là “sân rồng”, có khi gọi là “sân chầu” là nơi để các quan quỳ lạy hoàng gia, cũng là nơi để nghe vua phán truyền. Là nơi đón sứ giả trước khi vào nội cung... Vì là “bộ mặt” của quốc gia nên cái không gian này rất quan trọng, nó thể hiện tính uy nghiêm của pháp luật, tính thiêng liêng cao cả của vương triều... Thế nên tính châm biếm trong “Hoàng Lê nhất thống chí” càng sâu cay thâm thúy hơn khi tác giả đặt cuộc nổi loạn của đám kiêu binh ở ngay trên sân phủ Chúa Trịnh. Chưa bàn tới các nội dung chi tiết của “sự biến”, ngay việc miêu tả đám đông hỗn loạn trên “sân rồng” đã cho thấy sự thối ruỗng đến tận cùng của một chính thể!

Sân trước chùa gọi là “sân Phật đường”. “Truyện Kiều” có câu: “Khỏi rừng lau, đã tới sân Phật đường”. Nơi cửa Phật thường trồng hoa. Mãn Giác thiền sư trong bài “Cáo tật thị chúng” có câu tuyệt hay: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đêm qua sân trước một nhành mai). Nếu dịch thơ là: “Đêm qua sân trước nở nhành mai” thì thừa động từ “nở” vì không chỉ phá vỡ tính cô đọng, hàm súc của thơ cổ (thơ thiền càng thế) mà còn làm mất đi tính “vô ngôn” của biểu tượng. Chiều sâu triết học của “nhất chi mai” càng rõ khi đặt hình tượng “nhất chi mai” vận động như hướng về ánh sáng trên “sân Phật” tĩnh tại hướng vào tâm. Thế đối lập của các “phạm trù” này làm bật ra ý nghĩa: sự sống là bất diệt!

Bất cứ ai đi học cũng đều lưu giữ khoảng không gian thơ ấu là sân trường xôn xao đầy kỷ niệm!

Là một biểu tượng văn hóa nên cái sân chiếm dung lượng không nhỏ trong không gian văn hóa hiện đại. Khi Pháp sang nước ta mới có đường tàu. Bài thơ “Những bóng người trên sân ga” của Nguyễn Bính kiến tạo một không gian văn hóa trước đó chưa hề có. Nhưng rất buồn “Những cuộc chia ly khởi từ đây/ Cây đàn sum họp đứt từng giây”. Bao cảnh chia ly diễn ra trên ga này. Bài thơ thấm sâu vào người đọc vì nó tạo ra cú “shock” văn hóa.

Ngày xưa cái sân là nơi gặp gỡ, vui vẻ, ấm áp thì nay cái sân là nơi chia ly, lạnh lẽo, buồn đau. Đến mức chia ly diễn ra trong một con người: “Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc chia ly”. Sau này, thời chống Mỹ, nhà thơ Lê Văn Vọng có bài “Chiều sân ga” như là một cách “đối thoại phản biện” lại với thơ Nguyễn Bính: “Về đi em/ Cho con tàu lăn bánh/ Sân ga chiều giá lạnh...”. Người vợ trẻ tiễn chồng ra trận hẳn nhiên là buồn. Sân ga cũng như buồn theo. Nhưng ra đi vì lý tưởng nên không hề yếu đuối: “Con tàu đi/ lại lao đi trong đêm/ những người lính bước vào trận mới/ những chiến sĩ mười tám, đôi mươi/ những chiến sĩ trẻ như ban mai/ chia tay/ để ngày mai trở lại...”. Đọc những câu thơ như thế người ta như thấy được cả cái háo hức của tâm thế lãng mạn ở một thời đại tràn trề tin tưởng, lạc quan vào ngày chiến thắng!

Tiểu thuyết “Cái sân gạch” của Đào Vũ mang rõ ý nghĩa biểu tượng. Không chỉ là cái sân nhà quê mà còn là tài sản, là cách sống, lối sống, là hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của người nông dân. Trần Đăng Khoa có tên tập thơ rất hay “Góc sân và khoảng trời”. “Góc sân” ấy là cả thế giới thần tiên trẻ thơ cùng “khoảng trời” mơ ước thần tiên!

Cái sân tiếp tục được mở rộng theo nghĩa bóng: “lấn sân”, “sân chơi khu vực”, “sân chơi thế giới”...!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.