Bất ngờ Đỗ Ngọc Yên

Chủ Nhật, 03/12/2023, 21:11

Lúc ấy chiếc ca nô tắt máy, thả trôi để cho cánh nhà văn chúng tôi được thoải mái ngắm nhìn sông Thương vào một ngày cuối thu. Như từ trong gió, thoảng vọng lên câu thơ "Mắt em nghiêng chiều thu sông Thương". Tôi ngơ ngác hỏi: "Ai vừa đọc thơ ấy nhỉ?" Cô Minh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, người đi cùng đoàn chúng tôi cười ngượng nghịu: "Bác Yên làm thơ tặng em đấy".

Tôi hơi bất ngờ vì mặc dù quen biết ông Đỗ Ngọc Yên đã lâu, nhưng cứ "đinh ninh" rằng ông là nhà lý luận phê bình (LLPB) văn học. Bằng chứng là Đỗ Ngọc Yên vào Hội Nhà văn Việt Nam theo chuyên ngành LLPB văn học, chứ đâu phải chuyên ngành thơ. Ông cứ để cho mái tóc trắng dài xõa bay trong gió, rồi thủng thẳng: "Tớ làm thơ từ khi còn là sinh viên Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cách đây gần 50 năm đấy nhớ". Tôi nói lại: "Thế mà bác cứ giấu tài mãi".

15-1.jpg -0
Phút suy tư trên sông Thương của nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên.

Đỗ Ngọc Yên còn cho biết thêm rằng, tuy làm thơ "lâu năm" nhưng vì "ngại" nên ông ấy hiếm khi gửi thơ đăng báo. Hơn nữa, theo như ông kể thì năm 1966, khi vừa tròn 18 tuổi thì cậu học sinh trường cấp 3 Nông Cống, Thanh Hóa, lên đường nhập ngũ. Trong ba lô cũng có "tí ti" dăm ba bài thơ viết trong sổ tay những lúc dừng chân hành quân vào Nam chiến đấu.

Đơn vị của ông dừng chân trên mảnh đất Nam Lào đầy nắng và gió, nhưng cũng đầy bom đạn Mỹ. Cuộc chiến đấu bảo vệ tuyến đường chi viện chiến trường miền Nam ở Nam Lào diễn ra vô cùng ác liệt. Trong một trận chiến đấu, anh chiến sĩ trẻ Đỗ Ngọc Yên bị thương, một mảnh đạn xuyên qua cổ làm nó rách toác.

Đỗ Ngọc Yên cười: "May mà đầu mình không lìa khỏi cổ". Đúng là vết thương tuy nguy hiểm, nhưng vẫn còn may. Cổ ông vẫn còn nguyên khí quản, chỉ có thực quản là bị tổn thương hơi nặng. Tuy nhiên cũng từ đấy suốt 10 năm trời (1971- 1981), năm nào ông cũng lên bàn mổ. Dường như khát vọng sống đã giúp ông vượt qua những thời khắc nguy nan, có lúc tưởng chừng như cận kề cái chết. Năm 1974, anh chiến sĩ, thương binh Đỗ Ngọc Yên được ra quân. Ông kể rằng: "Hôm tôi khoác ba lô về đến cửa, cả nhà tôi bàng hoàng. Bố mẹ tôi đã không nhận ra con bởi khuôn mặt của tôi bị biến dạng khủng khiếp. Đến khi nhận ra, cả nhà cứ ôm lấy tôi mà khóc".

Trở về với khuôn mặt "khó coi" nhưng chàng trai xứ Thanh vẫn không hề nhụt chí. Anh thi đỗ vào Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khóa 19 ấy có nhiều người sau khi ra trường đã trở thành nhà văn. Đỗ Ngọc Yên kể: "Nếu không có chuyện tôi được phân công công tác tại Viện Triết học thì tôi đã theo đuổi nghiệp thơ phú". Thì ra, công tác ở một cơ quan nặng tính lý luận ấy đã "nhiễm" vào trong tâm hồn và trong lòng "cậu cử nhân văn khoa" với những "phạm trù" và với những "cặp phạm trù". Đỗ Ngọc Yên bén duyên với lý luận phê bình từ đó.

Cũng có lẽ vì công việc kiểu "nho nhe" nên thi thoảng nếu có viết thơ trở lại thì cũng là những bài thơ "rất nặng triết lý", chẳng hạn như bài thơ "Làm người" mà Đỗ Ngọc Yên sáng tác và được in trên Báo Văn nghệ năm 1986. Ở bài thơ triết lý ấy ông đã viết: "Bao lần anh nói cùng em/ Làm người thôi chứ khát thèm gì đâu/ Làm người để được khổ đau/ Dẫu cơn nắng hạ mưa rào sá chi/ Dẫu rằng đông rét tái tê/ Dẫu giêng hai có dầm dề mưa bay/ Làm người để được mỗi ngày/ Sáng ra khóe mắt đẫm đầy bình minh/ Để khi nghe trái tim mình". Bài thơ như sự chiêm nghiệm từ chính cuộc đời và từ cuộc sống hối hả.

Được biết ở Viện Triết học hồi đó còn có những người sau này thành những nhà thơ nổi tiếng như: Vĩnh Quang Lê, Đỗ Minh Tuấn và Nguyễn Linh Khiếu. Tôi trộm nghĩ: "Làm triết nhưng vẫn có thơ hay".

Nhưng rồi cũng từ chính cuộc sống hối hả ấy mà chàng "triết gia" Đỗ Ngọc Yên đã sang Cộng hòa dân chủ Đức kiếm sống năm 1988. Đợt đi ấy có cả chàng Nguyễn Văn Thọ (Nhà văn Nguyễn Văn Thọ), chàng Thọ cũng từng ra trận và cũng từng bôn ba với đời. Ba năm trôi vèo, Đỗ Ngọc Yên về nước, cái vốn hay nói cách khác là tài sản ông mang về không phải xe máy Sim Sơn hay hàng hóa gì gì đó. Đỗ Ngọc Yên trở về nước với vốn tiếng Anh mà ông học được trong chuỗi ngày lao động.

Nghe ông nói thế tôi mới ớ ra vì hôm trước chúng tôi ngồi trò chuyện thì được ông thông báo: "Năm tới có thể tôi sẽ xuất bản một tập thơ Namkau song ngữ Việt- Anh, khoảng 100 bài. Chủ yếu là thơ do tôi sáng tác, cũng có thể có một số bài của các nhà thơ khác mà tôi dịch. Tập trung vào thơ viết về mùa thu". Tin này đúng là bất ngờ thật, vì nghe đọc tiếng Anh đã không dễ dàng với những người lớn tuổi huống hồ là dịch thơ mình, dịch thơ bạn từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tôi hỏi lý do thì được Đỗ Ngọc Yên cho hay, ông có cảm hứng với mùa thu và bởi thơ viết về mùa thu theo thể thức Namkau (năm câu) thường ngắn gọn. Tôi lại hỏi tình hình dư luận nói như thế nào về những bài thơ mùa thu mà ông đã dịch sang tiếng Anh. Đỗ Ngọc Yên vui vẻ: "Dư luận rất khích lệ tôi dịch thơ".

15-2.jpg -1
Một số tác phẩm của tác giả Đỗ Ngọc Yên.

Rồi nhà LLPB văn học Đỗ Ngọc Yên cho hay, những bài thơ do ông dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh được truyền tải (đăng) trên trang Web "Song ngữ Namkau" của Câu lạc bộ (CLB) thơ Namkau. Hiện trang Web "Song ngữ Namkau" có gần 500 người theo dõi. Do đó "ông chủ trang" Đỗ Ngọc Yên khá bận rộn. Nào là nhận bài, tuyển chọn, biên tập bài, dịch sang tiếng Anh và duyệt đăng. Toàn những công việc "nặng nhọc" đối với người đàn ông đã 76 tuổi này. Nhưng qua đó cũng cho thấy khả năng làm việc của ông còn khá sung sức. Theo tôi được biết trước đây, Đỗ Ngọc Yên đã được cố nhà thơ Trần Quang Quý, người sáng lập ra CLB thơ Namkau (2020), và nguyên là vị Chủ nhiệm đầu tiên của CLB này mời làm cố vấn cho CLB. "Lời giới thiệu" cho tập thơ "Khúc dạo một con đường - I" cũng do nhà thơ Trần Quang Quý mời ông viết.

Tôi hỏi thêm: "Đã là trang web thì khắp thế giới đều biết. Bác thấy dư luận "quốc tế" nói sao?" Ông Yên cho hay: "Có một số người nước ngoài đã đăng nhập vào trang "Song ngữ Namkau" của chúng tôi và bình luận đại ý: "Được biết và vui vì có một trang thơ song ngữ Việt - Anh về một thể thức thơ duy nhất Namkau, của một câu lạc bộ. Chúng tôi được biết đến và hiểu được phần nào đời sống thơ ca Việt Nam". Tôi nói vui: "Vậy là bác đang làm công việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài rồi".  Ông Yên chỉ tủm tỉm cười mà không nói gì.

Hỏi kỹ càng hơn về chuyện dịch thuật, nhà LLPB văn học Đỗ Ngọc Yên nói thật: Việc chuyển ngữ các văn bản thông thường đã khó, huống hồ là chuyển ngữ thơ. Tiếng Việt mình quá ư là phong phú và lại còn sử dụng nhiều từ Hán Việt, các từ tượng thanh, tượng hình, nên đụng vào là biết nhau ngay. Thêm nữa, thơ Việt thông thường được viết theo thể thơ truyền thống, ví dụ như thơ lục bát chẳng hạn. Do đó chuyển ngữ sang tiếng Anh dĩ nhiên không thể chuyển thành "lục bát tiếng Anh" được. Chính vì thế nên khi chuyển ngữ Đỗ Ngọc Yên khá "khôn lỏi", chủ yếu dịch những bài thơ tự do theo thể thức Namkau (chỉ có 5 câu/bài).

Tôi hỏi gặng: "Thế bác có dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt không?". Ông thật thà: "Cũng có đấy nhưng rất ít. Bởi vì chuyển ngữ thơ đâu chỉ cần biết tiếng nước ngoài, dịch nghĩa theo kiểu word by word (chữ ra chữ), mà còn phải hiểu biết về văn hóa bản địa, nơi sản sinh ra bài thơ đó nữa. Cái này không lơ mơ được, không có hiểu biết đầy đủ là hỏng ngay".

Nhìn tôi đang lẩm nhẩm đọc lại câu thơ "Mắt em nghiêng chiều thu sông Thương", Đỗ Ngọc Yên vừa buộc lại túm tóc dài trắng như cước đang tung bay trong gió thu, cho gọn lại vừa nói: "Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, muốn dịch thơ, người dịch trước tiên phải biết làm thơ, đồng thời phải am tường văn hóa, ngôn ngữ tiếng Việt cũng như văn hóa và tiếng nước ngoài. Có thế mới dịch được. Vì dịch thơ cũng có nghĩa một lần sáng tác nữa từ chính tác phẩm thơ đó. Tôi quan niệm rằng: Người dịch thơ là người đồng sáng tạo. Người đồng rung cảm với nhà thơ, ông ạ".

Nguyễn Trọng Văn
.
.