Những câu thơ thoát thai từ một miền suy tưởng
Nhà giáo - nhà thơ Đặng Quốc Việt yêu thơ, mê thơ thì đã lâu, nhưng chuyên chú với việc sáng tác thì mới độ hơn mười năm trở lại đây! Sự chuyên chú mà chúng tôi đề cập ở đây là sự lao động nghệ thuật có hệ thống và tư tưởng! Kết quả của sự chuyên chú ấy là trong khoảng một thập niên trở lại đây ông đã liên tục cho ra mắt bạn đọc 7 tập thơ!
Trong lịch sử văn chương, đã có nhiều tác giả tạo được dấu ấn cho mạch chữ của mình khi đã ở tuổi muộn chiều! Đấy có thể coi là một đặc thù của nghề văn, nghiệp chữ. Đặc biệt là với mảng thơ, thì ý tứ, tư duy của thơ cần một độ lắng, độ lùi cần thiết, để tương tác và ngấu ngả thành câu chữ của miền thơ! Nghiệp thơ, cần lắm sự thẩm thấu và trải nghiệm của người viết, nó là phần lõi, phần tư tưởng để cho năng khiếu thơ ca sinh ra những vần thơ có giá trị đích thực với cuộc đời này!
Nhà giáo - nhà thơ Đặng Quốc Việt yêu thơ, mê thơ thì đã lâu, nhưng chuyên chú với việc sáng tác thì mới độ hơn mười năm trở lại đây! Sự chuyên chú mà chúng tôi đề cập ở đây là sự lao động nghệ thuật có hệ thống và tư tưởng! Kết quả của sự chuyên chú ấy là trong khoảng một thập niên trở lại đây ông đã liên tục cho ra mắt bạn đọc 7 tập thơ! Điều rất đáng ghi nhận là trong những trang thơ đã xuất bản của ông, người ta thấy rõ nét một sự làm mới, làm khác trong tư duy và ngôn ngữ thơ! Cái sự mới, sự khác ấy, đã tạo nên luồng nên lạch, mang dấu ấn riêng của thơ Đặng Quốc Việt!
“Núm sống” là tác phẩm thơ mới nhất của nhà thơ Đặng Quốc Việt được xuất bản! Có thể nói rằng tập thơ này, ngoài những giá trị riêng tư, nó là ấn phẩm ghi dấu đậm nét nhất những tìm tòi của ông trong thi ca!
“Núm sống” thơ được ông tổ chức thành bốn phần tách biệt, là: “Núm sống tụ người xa”; “Nhiều mắt nhiều tay”; “Người không bóng” và phần cuối là “Thơ Namkau” và “Thơ bốn câu”! Việc chia mảng tách bạch ra thế là cần thiết, nó giúp người đọc dễ tiếp cận và định hình rõ nét hơn những tìm tòi trong thơ ông. Ví như ở phần đầu là những trang thơ vân vi, nhuần nhị thấm đẫm nguồn cảm xúc về mẹ cha và quê hương, còn phần bốn lại là những trang thơ Namkau và thơ bốn câu với đặc trưng là những bài thơ sử dụng ít chữ, nhưng ý tứ thơ thì đa chiều và chồng lớp!
Bài viết nhỏ này xin không tách bạch vào bốn phần chuyên biệt ấy, mà chỉ chạm vào hồn vía thơ ông trong cái mạch mới mẻ của ý tứ và câu chữ, đã làm nên chất riêng của một người thơ tuổi đã ngoại thất tuần!
Thơ Đặng Quốc Việt là sản phẩm được tạo ra bởi sự trải nghiệm cùng những góc nhìn lý trí và khác biệt. Nó là thơ của tư duy và trí tuệ, thơ ấy nhiều bài có nhịp điệu, nhưng nó không vướng vào cái tự sự kể tả dãi dề của thơ mặt phẳng! Mở tập “Núm sống” ra, ngay trang đầu tiên là mạch hồi ức gọi nhau về, tương tác với hôm nay giữa cỏ xanh tóc trắng:
“Ngõ dâm bụt, đâu bé xưa giằng nhau tiền lá/ Này Bon Sai nghiêng ngả dáng bà còng/ Cây gạo cổng chùa xù khối u chịu đựng/ Bia đá đình nghiêng vai gánh tội công/ Sụt sịt chiều lạc góc phố tha ma/ Mái tóc bạc loi choi bên mẹ cha xanh cỏ” (Núm sống).
Ấn tượng lắm với câu kết, “Mái tóc bạc loi choi bên mẹ cha xanh cỏ”. Để viết được câu ấy phải qua muôn nổi vạn chìm của mấy mươi năm công quả và trải nghiệm giữa đời này, lúc ấy mới nhận ra cái mái tóc bạc của mình nhỏ bé như thế nào trước sắc cỏ xanh trên nấm đời cha mẹ!
Cái cách lập tứ, gieo câu ấy đã bật lên những cặp nhãn tự lay gợi, xin được tiếp dẫn mạch cảm xúc của nhà thơ khi viết về cha mẹ. Chủ thể của thơ vẫn là mẹ cha, điểm nhìn vẫn là từ nấm mộ ven đồng, mà tạo ra trùng trùng ký ức nhòe lên giữa thực tại và cõi thẳm:
“Choèn choèn vạt nước lòng mương/ Âm âm giun dế quyện sương quánh bờ/ Quặn lòng vẳng tiếng mẹ ho/ Cơn đau hành mẹ, đến giờ con mang/ Mẹ coi con tựa cục vàng/ Đền ơn: Nấm đất tuềnh toàng mé mương” (Gối đầu tay mẹ).
Chúng tôi đã nhiều lần được đọc thơ của Đặng Quốc Việt và hơn một lần được viết về thơ ông. Xin trích dẫn mấy dòng viết về thơ ông khi đọc tập thơ “Chân trời tối sáng” của ông: “Như chúng tôi đã đề cập, ngôn ngữ thơ trong “Chân trời tối sáng” là mạch ngôn ngữ dung dị, chân thành, nhưng là thứ ngôn ngữ thơ được hình thành từ nguồn mạch của Cảm xúc và Tư tưởng thơ. Bởi vậy mà những câu thơ của ông luôn đến với bạn đọc bằng sự lay gợi và thức mở”… Tất cả những gì mà chúng tôi dự cảm về thơ ông khi tiếp cận tập thơ ấy, đến nay vẫn còn nguyên lõi giá trị. Đây, tiếng thước kẻ của cụ giáo làng, đã định hình nên nhân cách của bao thế hệ người, bằng sự nghiêm cẩn và tử tế:
“Tiếng thước kẻ đập bàn văng vẳng/ Cụ giáo làng tóc cước đã quy tiên/ Chim ra ràng túa đi khắp ngả/ Những thằng rạ, con rơm giờ sắp “ông Bành” (Vỡ lòng).
Thơ trong ấn phẩm “Núm sống” tạo được ấn tượng nghệ thuật dày hơn, đậm hơn có lẽ là những trang thơ ở hai phần sau của tập sách! Trong những trang thơ ở phần “Người không bóng” người đọc gặp cái giọng thơ Đặng Quốc Việt dìu dịu, hom hóm, tỉ tê như mạch kể từ cổ tích:
“Em tí tởn đại bàng xa đến quắp/ Ta dằn lòng không dám ước ao/ Rời gốc khế, ta bay chim sắt/ Đại bàng phu nhân! Em lưu lạc chốn nào?” (Cây khế).
Cái hóm, cái tinh tế trong việc xử lý thi liệu và cảm xúc, đã khiến cho những nhành thơ mọc lên từ cái gốc hồi ức tự sự, mang một sắc thái tươi mới và hiện đại:
“Thuở ấy/ Sân đình vui đá bóng/ Nhà em dâm bụt đỏ ngõ ngoài/ Vô tình bóng bưởi bay qua cổng/ Anh nháo sang tìm, mong thấy ai…/ Thuở ấy/ Gốc bàng tơ hé mắt/ Soi mói rình hai đứa kề vai/ Thuở ấy/ Đám sao khuya hấp háy/ Cười ta vụng dại nắm tay hoài” (Đêm trằn trọc).
Đến với những bài thơ Namkau và thơ bốn câu trong tập thơ chọn này của nhà thơ Đặng Quốc Việt, sẽ thấy sáng lên những câu chữ mới, tạo nên hệ thống ngôn ngữ và tư tưởng thơ của ông! Đánh giá về thơ Namkau (Một thể thức thơ mới do thi sĩ Trần Quang Quý chủ trương, đang được nhiều người tìm hiểu), thì cho đến thời điểm này trên phạm vi cả nước, số lượng các tập thơ được viết hoàn toàn bằng thể thức thơ Namkau mới chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay! Vậy mà Đặng Quốc Việt đã xuất bản tập thơ thuần Namkau là “Cãi trời” từ năm 2020! Ấn phẩm này đã góp phần định hình nên phong cách sáng tạo của người thơ họ Đặng! Nhiều nhà thơ, nhà phê bình văn học, như Vũ Nho, Trần Quang Quý, Đỗ Ngọc Yên… đã có những đánh giá khá tích cực về ấn phẩm “Cãi trời”, xin trích dẫn lại một bài từ trong ấy:
“Dao kéo ép “nhân tài” ra đúng Hoàng Đạo/ Đột biến vào hùa cùng tà giáo/ Nhổ gốc lên, cây ta lớn vượt cây người/ Muốn lên trời tự nắm tóc mình lôi/ Vỡ sọ “kẻ thông minh” nếu quả dưa rụng từ cây táo!” (Cãi trời).
Có thể nói, phong cách sáng tạo của Đặng Quốc Việt đã tạo ra nét đặc trưng bởi ngôn ngữ thơ ông được hình thành từ một miền suy tưởng, thơ ông là thơ của lý trí, của trải nghiệm, bởi vậy, đọc ông là đọc những nỗi niềm trăn trở mà ông gửi trong ruột chữ:
“Ôm nhầm tay lái ẩm ương/ Lạc nơi cần đến, nhầm đường phải đi/ Được người cầm lái, bẻ ghi/ Tìm ra lối sáng, khó chi sang giàu/ Nhất kiêng kẻ tối dẫn đầu!” (Xe ôm).
Nhà thơ Đặng Quốc Việt sinh ra và lớn lên từ miền quê Nam Định, hiện ông đang là một trong số ít những cây bút thuộc thế hệ cao tuổi mà sức sáng tác vẫn dồi dào của Hội Nhà văn Hà Nội. Đến nay, đã bảy mươi bảy tuổi đời, nhưng sức hút từ ngôn ngữ thơ vẫn kéo ông đi về phía trước.
Thơ Đặng Quốc Việt không thuộc miền thơ của cảm hứng ngâm vịnh hò vè, càng không phải là thơ của những dãi dề bày tỏ. Thơ ấy, là những câu chữ thoát thai từ một miền suy tưởng, với những chiêm nghiệm, những trăn trở đầy lý tính và nhân hậu!
Tuyển thơ “Núm sống” này là một dấu mốc quan trọng trong cuộc thơ và cuộc đời của người thơ họ Đặng. Với tư duy sáng tạo và phong cách sáng tác mà ông đang có, chắc chắn còn thêm những dấu mốc mới trên con đường thơ mang tên Đặng Quốc Việt!
9/2023