Viết văn có cần đi thực tế?
Rất nhiều người biết rằng Tố Hữu chưa lên Điện Biên mà viết được "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" rất hoành tráng và sát với những địa danh thực tế. Nguyễn Tuân chưa lên Tản Viên mà viết được "Trên đỉnh non Tản". Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chưa đến Pác Pó mà viết được ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó" nổi tiếng và nhiều ví dụ khác chứng minh rằng, không cần đến đúng nơi ấy, chứng kiến sự kiện ấy mới viết được tác phẩm.
Nói như vậy, có người sẽ cho rằng tôi là người cổ súy cho văn nghệ salon, chỉ cần ngồi ở nhà, không cần đi đâu cũng viết được. Điều này chưa hẳn đúng nhưng rõ ràng đi thực tế không phải điều kiện tiên quyết để tác phẩm có tính xác thực hoặc hấp dẫn. Nó chỉ là điều kiện cần thiết và được khuyến khích. Không quá phụ thuộc vào những điều kiện thực tế, sự sáng tạo của nhà văn sẽ bay bổng và vươn xa hơn nhiều và đó cũng là một trong những đặc điểm vượt trội mà không phải môn nghệ thuật hoặc khoa học nào có thể thay thế.
Nhà văn Nguyễn Tuân. |
Các nhà văn truyền thống rất ưa thích sự xê dịch và lãng du, nhiều nhà văn cổ điển châu Âu và Nguyễn Tuân ở Việt Nam là những người điển hình cho những kiểu này. Họ đi lại, quan sát, ghi chép và từ những thu lượm thông tin ngoài hiện trường, cuộc sống để tích lũy, tinh lọc cho những trang viết của mình.
Trong quá trình đi thực tế, có người ghi lại tỉ mỉ mọi sự kiện, câu chuyện, người khác chỉ ghi lại những ấn tượng lớn và cũng có kiểu chỉ quan sát và lưu nhớ trong não bộ. Kiểu ghi chép tỉ mỉ tỏ ra hữu hiệu với những nhà văn chủ trương gắn liền với các hiện thực xã hội hoặc loại hình văn học đòi hỏi tính chính xác, chân thật cao như bút kí, ghi chép.
Các thể loại văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, theo tôi không đòi hỏi quá nhiều từ cuộc sống. Nó là kiểu văn học hư cấu nên phần tưởng tượng của nhà văn đóng vai trò quan trọng và quyết định. Tất nhiên những hư cấu, tưởng tượng của người viết cơ bản dựa trên những kinh nghiệm, quan sát sẵn có và quá trình tích lũy từ cuộc sống.
Và cũng cần phân biệt những sáng tác có mục tiêu cụ thể là viết về một miền đất định danh thực tế, nghề nghiệp hoặc nhân vật có thật thì người viết cũng cần có những hiểu biết và trải nghiệm nhất định ở vùng đất ấy, tìm hiểu nghề nghiệp hoặc tiếp xúc trực tiếp với nhân vật, những cọ xát thực tế ấy đóng vai trò quan trọng.
Hiển nhiên việc tiếp thu kiến thức qua sách vở và các kênh thông tin cũng là một cách đi thực tế. Ngay cụm từ "thực tế" cũng phải mở rộng biên độ ra, nếu cho rằng thực tế nhất thiết là phải đến tận nơi, sờ tận tay, nó sẽ bó hẹp khả năng tưởng tượng và năng lực sáng tạo của tác giả. Nếu nhất thiết phải đến châu Phi mới viết được về châu lục này hoặc phải lên mặt trăng mới viết được về mặt trăng thì văn học, nghệ thuật sẽ rất tầm thường. Nó lệ thuộc vào đôi chân bám chặt mặt đất mà không tài nào cất cánh lên được.
Tôi nói thêm về một trường hợp cụ thể mà qua sách vở, phim ảnh và sự tưởng tượng được nhiều người đương nhiên chấp nhận là không thể nào đi thực tế được. Đó là sự sáng tạo về đề tài lịch sử. Rõ ràng không ai có thể sống trong quá khứ mà mình chưa trải qua. Người viết chỉ có thể tái tạo, phục dựng lịch sử qua sách vở, phim ảnh, những lời kể lại cùng sự phân tích, xét đoán, tưởng tượng của mình.
Ví dụ chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 được ghi chép khá sơ sài trong sách sử và các câu chuyện kể. Không còn ai sống ở thời ấy để kể lại chính xác diễn biến của trận đánh. Người viết có đến thực địa cũng chỉ là một giải pháp hỗ trợ, khảo sát về địa lý. Việc miêu tả kĩ lưỡng trận thủy chiến nổi tiếng này cơ bản này dựa vào sự tưởng tượng và khả năng phân tích của nhà văn. Và người đọc tất nhiên không ai ngây thơ tới mức đặt câu hỏi với tác giả: Ông có chứng kiến sự kiện ấy đâu mà viết?
Có một thời, người ta quá coi trọng sự khảo sát thực tế. Có rất nhiều chuyến đi của hàng trăm, hàng nghìn văn nghệ sĩ đến các nông trường, nhà máy, công trường, các vùng miền núi xa xôi, nông thôn tìm tư liệu để viết. Tất nhiên kết quả của việc thực tế này là một số tác phẩm hay ra đời và có giá trị nhưng cũng nhiều tác phẩm chỉ mang tính minh họa thuần túy, quá phụ thuộc vào tư liệu hiện thực, chưa đủ tầm khái quát và tinh luyện nên chỉ có giá trị nhất thời. Đi qua những thời điểm lịch sử nhất định hoặc khi những quan niệm bị thay đổi thì những tác phẩm kiểu ấy dễ lỗi thời, lạc hậu.
Ở đây tôi muốn nói thực tế nên là một sự tinh luyện và chắt lọc, nó không nhất thiết là sự sống sượng bê nguyên hoặc mượn nguyên những gì mình thấy. Điều đó đã có báo chí và các phương tiện truyền thông khác, không cần đôi cánh của văn học nghệ thuật.
Người nghệ sĩ cần những va chạm thực tế để biết cuộc sống, đời thực, cảm nhận nhưng anh ta không phụ thuộc hoàn toàn vào nó, sự mắt thấy tai nghe chỉ là cái cớ chắp thêm đôi cánh và bồi bổ thêm sự tự tin cho sáng tạo và tưởng tượng.
Nhà thơ Tố Hữu. |
Theo quan sát của tôi, lớp nhà văn đi trước có thể do quan niệm và hoàn cảnh lịch sử, họ giàu vốn sống và va chạm thực tế hơn, đọc những người này, độc giả thường thấy tác phẩm của họ ngồn ngộn những cảnh đời, cảnh sống.
Còn những người trẻ hơn, một phần do quan niệm về một thứ thực tế chính xác đã giảm dần và cũng do tuổi đời và những điều kiện xã hội khác, họ có ít những sự va chạm với đời sống hoặc chủ trương tìm thực tế qua sách vở, phim ảnh, các phương tiện truyền thông khác nên tác phẩm không quá nặng mô phỏng đời sống thực và thậm chí nhiều người thích thả mình vào những vùng miền xa xôi.
Đó là mảnh đất cho kiểu tác phẩm kì ảo, quái dị phát triển vì chúng không quá đòi hỏi một thực tế sát sạt hoặc những soi xét từ phía độc giả.
Với những người ưa thích đi thực tế thì cũng cần tránh những suy diễn dung tục khi đọc tác phẩm khi cho rằng sẽ có những miêu tả không thật chính xác về một vùng đất hoặc con người nào đó nếu chúng chỉ là những phiếm chỉ hoặc biểu tượng.
Theo quan sát của tôi, các độc giả truyền thống ưa thích những trang viết giàu tính thực tế hoặc các trải nghiệm tự thân. Họ vẫn thích so sánh những gì nhà văn viết với thực tế họ biết, trải nghiệm hoặc nghe kể. Quan điểm này sẽ dẫn đến việc ưa thích những tác giả có bề dày cuộc sống hoặc trải nghiệm.
Mặt khác tôi cũng thấy nhiều độc giả trẻ ưa thích một lối văn phiêu lưu, nhiều tưởng tượng mà không quá quan tâm hoặc so sánh xem nó giống thực hay không. Ở điểm này, các tác giả trẻ và độc giả trẻ có nhiều điểm tương đồng về gu thẩm mĩ và sở thích.
Đến bây giờ, chúng ta vẫn thỉnh thoảng thấy những chuyến đi thực tế của các nhà văn, cá nhân hoặc đoàn thể. Dù cấp tiến và đổi mới thế nào cũng không thể phủ nhận những quan sát và kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống và hiểu biết là rất hữu ích. Nhà văn càng nhiều trải nghiệm cuộc sống thực tế hoặc sách vở, hoặc cả hai thì anh ta càng nhiều vốn liếng và tự tin. Sự tự tin sẽ làm cho tác phẩm có tính chân thật hoặc làm tiền đề cho những hư cấu mạnh mẽ.
Nhà văn có thực tế phong phú mà trang viết vẫn bay bổng, giàu sáng tạo thì quá trình hấp thu hiện thực đã được nhào luyện và nhuần nhuyễn. Nếu những trang viết giống y như hiện thực thì chưa chắc nó đã thể hiện được tài nghệ của nhà văn vì anh ta có thể quá phụ thuộc vào dữ liệu và vì thế trí tưởng tượng cũng như các khả năng sáng tạo cũng giảm đi.
Đi thực tế rõ ràng là cần thiết nhưng nó không còn đóng vai trò quá quan trọng nữa. Sách vở và các phương tiện truyền thông như phim ảnh, truyền hình, thông tin liên lạc đã hỗ trợ hoặc cung cấp các khả năng khác cho người viết. Có thể đối với những thế hệ trước đây đi thực tế là phần không thể thiếu trong quá trình hình thành tác phẩm, còn đối với những người trẻ hiện thời nó chỉ còn là yếu tố khuyến khích hoặc đáng tham khảo.
Văn chương, theo đà phát triển của xã hội hiện đại, càng ngày càng có những chiều kích và cách thức tiếp cận mới. Đi thực tế cũng vậy, nó trở thành một khả năng mở và nằm trong nhiều sự lựa chọn của người viết.