Viết văn có cần cảm hứng?

Chủ Nhật, 24/05/2020, 08:37
Viết văn có cần cảm hứng? Câu hỏi này có vẻ cổ lỗ và hơi quê mùa vì tôi chắc đa số người viết sẽ ngồi bật lên ngay tức khắc. Tất nhiên, có chứ. Thậm chí đó là thứ quan trọng nhất. Còn đối với tôi, tôi chưa vội trả lời ngay câu hỏi này.


Cảm hứng rất quan trọng, tất nhiên. Không có cảm hứng khó làm cho tốt được việc nhưng liệu nó có phải yếu tố quan trọng hàng đầu khi người ta viết văn?

Ta thường nghe nhiều người nói, muốn làm cái này, cái kia mà không có cảm hứng, không có hứng thú. Nhiều người viết quan niệm cảm hứng là nguồn năng lượng để duy trì sự hoạt động và suy nghĩ của người viết. Không có cảm hứng người ta khó làm hoặc làm thiếu hiệu quả hoặc ít cá tính. Vậy có phải cảm hứng lúc nào cũng được dự trữ để sẵn sàng lấy ra làm việc? Điều này rất khó khả thi, cảm hứng là thứ không dễ dàng sinh ra, nó cần có những điều kiện cần nhất định và ngay cả khi có cảm hứng rồi cũng chưa chắc đã viết được.

Và đã có người từng nói, cảm hứng đối với những người viết chuyên nghiệp là điều xa xỉ. Bao giờ cảm hứng mới xuất hiện để viết đây? Nếu không có cảm hứng thì có viết được không? Làm thế nào để nuôi dưỡng cảm hứng, để nguồn năng lượng không bị tắt ngúm sau vài trang sách hoặc đầu voi đuôi chuột. Và cảm hứng có mãi mãi tồn tại, bất biến hay một lúc nào đó nó sẽ rời bỏ chúng ta vĩnh viễn.

Tôi cho rằng cảm hứng là cần thiết nhưng nó quan trọng nhiều hơn đối với những người viết nghiệp dư. Những người này cần có cảm hứng họ mới viết được còn những người chuyên nghiệp, họ tự tạo ra cảm hứng hoặc thậm chí điều khiển được cảm hứng để nó đến đi theo ý mình và biết cách nuôi dưỡng, tạo chất xúc tác riêng cho sự viết.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh và nhà văn Lê Văn Trương.

Ta cứ nghĩ thế này, một nhà văn giữ mục cho một tờ báo, mỗi tuần anh ta phải viết một đến hai bài, lúc nào cũng đợi cảm hứng đến thì làm việc sao nổi. Áp lực công việc, áp lực chất lượng buộc người viết phải tự tạo ra điều kiện tốt nhất về tinh thần và vật chất cho mình. Thậm chí không đủ điều kiện để đáp ứng, cũng cần thoái mái và hài lòng với những gì sẵn có để tạo ra sản phẩm.

Có một câu chuyện hài hước của Azit Nêxin thế này. Có một người muốn viết văn, bao nhiêu cảm hứng, bao nhiêu ý tưởng dào dạt đến mà bao nhiêu năm anh ta chưa viết được dòng nào. Lúc thì thiếu cái này lúc thì thiếu cái nọ. Khi mọi thứ đã gần hoàn hảo thì lại nảy sinh một vấn đề mới: ruồi. Những con ruồi cứ vo ve xung quanh khiến anh ta không thể viết nổi. Anh ta bèn kết luận, mình không viết được, mình thất bại là do ruồi!

Tất nhiên câu chuyện về ruồi chỉ là một kiểu hài hước nhưng không phải không có lý. Có rất nhiều người than vãn rằng, vì thiếu cái này, cái kia mà không viết được trong khi ý tưởng thì tràn trề như nước sông Hồng. Có những người khác lại cả đời chuyên sản xuất ý tưởng, để cương, nghĩa là cảm hứng rất nhiều mà hầu như không viết nổi một thứ gì!

Lưu ý, tôi không có ý định mỉa mai bất cứ ai, tôi muốn nhấn mạnh rằng đối với người viết chuyên nghiệp cảm hứng chỉ là điều kiện cần chứ không quyết định. Bàn ghế, một căn phòng yên tĩnh không có ruồi là điều kiện cần nhưng là thứ yếu. Bao nhiêu người đã từng viết khi không có một cái bàn tử tế để viết, vừa viết vừa nghe tiếng con khóc, vợ cằn nhằn, lợn eng éc đòi ăn,  phòng thì ngột ngạt, chật chội và nóng như một cái mồ!

Vậy cái gì đã thôi thúc họ viết và viết được. Đó là áp lực cuộc sống. Viết để kiếm sống, để sinh tồn, để khẳng định cái tôi của mình. Dostoievsky viết văn như điên để trả nợ, không viết nhanh thì chủ nợ đến chửi mắng, tịch thu tài sản, tịch thu bản thảo. Vũ Trọng Phụng viết để kiếm cơm hàng ngày giống như rất nhiều người cùng thời như Hồ Biểu Chánh, Nam Cao, Lê Văn Trương, Lan Khai… Và bây giờ vẫn còn những người trong tình trạng ấy. Những người ấy đợi cảm hứng đến mới viết thì họ sẽ chết đói!

Nhưng nếu viết văn mà không có cảm hứng thì tác phẩm sẽ khô cứng, nhạt nhẽo, đó cũng là một quan điểm sai lầm. Rất nhiều những nhà văn kể trên, cứ đọc những tác phẩm của họ mà xem chúng có hay và hấp dẫn không. Thậm chí Vũ Trọng Phụng viết truyện dài kì đăng báo mà khi viết kì sau đã không nhớ nổi hôm trước mình đã viết đến đâu mà tác phẩm vẫn không dở.

Dostoivesky viết trong vật vã và sợ hãi mà vẫn sản sinh kiệt tác. Không có cảm hứng, viết vì áp lực cuộc sống, viết để trả nợ, viết để kiếm cơm vẫn hay có chất lượng, thậm chí những tác phẩm đó còn hay hơn những tác phẩm được sinh ra từ cảm hứng dạt dào hoặc từ điều kiện vật chất đầy đủ. Đó là một điều khá mâu thuẫn nhưng đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử văn học. Thậm chí có một câu nói khá phiến diện nhưng thỉnh thoảng nó cũng đúng: Nhà văn nghèo thì viết hay hơn nhà văn giàu!

 Tất nhiên trên đời này làm gì có cái gì tuyệt đối, chúng ta phải chấp nhận các ngoại lệ, cá biệt. Thậm chí rất nhiều cá biệt. Tôi cho rằng trong sự viết, cảm xúc quan trọng hơn cảm hứng, cảm xúc là sợi dây ngầm để văn chương có hồn. Không nhiều cảm hứng khi viết nhưng khi đã viết rồi thì cảm xúc xuất hiện, cảm xúc khiến cho văn chương không nhạt nhẽo, trôi tuột đi, nó là thứ keo gắn kết, hàn mạch những chỗ rời rạc với nhau. Càng ngày văn chương hiện đại càng giàu tính cảm xúc và đọc thứ văn ấy người ta thường bị cuốn đi rất xa.

Điều quan trọng nữa trong sự viết là nuôi dưỡng cảm xúc và ý tưởng. Cách làm của tôi là thế này, trong sổ tay của tôi có chi chít các ý tưởng chạy tới. Tôi đánh dấu và viết lưu ý về chúng, quá trình bồi đắp các ý tưởng cứ lớn theo thời gian và đầy đặn dần. Khi nào một ý tưởng chín muồi hoặc cơ bản hoàn thành, tôi sẽ viết, đánh dấu một đề mục đã xong và tiếp tục suy nghĩ và nuôi dưỡng các ý tưởng khác. Các ý tưởng cứ móc nối, liên kết với nhau, cái này mời gọi cái kia, cái này thúc đẩy cái khác, quá trình suy nghĩ, hình thành không ngừng xảy ra, và tôi chỉ việc viết lại chúng sao cho thật hiệu quả và hấp dẫn.

Tất nhiên đối với nhiều người chuyên nghiệp, đợi cảm hứng nghĩa là thất bại, người viết phải tự tìm cách tạo ra chúng, sản sinh ra các cơ hội, thời cơ, tự mình quen với những áp lực khủng khiếp về thời gian, tốc độ và chất lượng. Giống như một cầu thủ đá bóng trên sân khách, có rất ít khản giả ủng hộ anh ta, hoặc thậm chí không có người nào. Mỗi khi anh ta có bóng, đám đông lại la ó, chế giễu. Nếu là cầu thủ không chuyên nghiệp thì rất dễ dẫn đến trạng thái mất bình tĩnh, thiếu ý chí, rối loạn và thất bại. Còn đối với cầu thủ chuyên nghiệp, điều kiện không thuận lợi đôi lúc lại khiến anh ta bùng lên mạnh mẽ và chế ngự các thách thức và giành chiến thắng.

Tôi rất thích các trận đấu bóng đá mà huấn huyện viên phải đối đầu với chính tổ quốc mình vì đang dẫn dắt một đội tuyển khác. Ví dụ như ông Park Hang-seo khi đang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong một trận đấu quyết định với Hàn Quốc - tổ quốc của ông. Một trận đấu hứa hẹn nhiều gay cấy và căng thẳng, một bài toàn cần được giải quyết giữa tổ quốc và công việc. Đã có người phỏng vấn ông Park về vấn đề này, ông nói, Hàn Quốc là đất mẹ của tôi nhưng tôi là một người chuyên nghiệp, tôi sẽ làm tất cả để đội tuyển Việt Nam chiến thắng!

 Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng ví dụ trên cho thấy khi người viết đã trở thành chuyên nghiệp thì mọi vấn đề xảy đến với anh ta sẽ được giải quyết ổn thoả. Anh ta sẽ tìm cách để có được những điều kiện tốt nhất để làm việc và nếu không tốt nhất thì vẫn cứ làm việc với những khả năng tối ưu có thể.

Tất nhiên trong việc viết, cảm hứng hay cảm xúc chỉ là một trong nhiều yếu tố, còn rất nhiều những điều kiện khác như tài năng, sự rèn luyện, trải nghiệm và tinh thần lao động. Bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần có những phẩm chất nhất định, chưa có được nó thì phải rèn luyện hoặc mài sắc những thứ có sẵn. Nếu nhà văn nào cũng yêu cầu một căn phòng mát mẻ, yên tĩnh và không có ruồi mới viết được thì là điều rất nguy hiểm và nực cười.

Cho nên, không có ruồi và sẵn nguồn cảm hứng cũng chỉ là những yếu tố cần thiết mà thôi, những người chuyên nghiệp thì ở bất cứ tình huống nào họ cũng xoay sở để có thể viết được.

Uông Triều
.
.