Viết văn để làm gì?

Chủ Nhật, 29/12/2019, 08:03
Viết văn để làm gì? Câu hỏi tuy đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào nếu muốn tìm hiểu cội nguồn của sự viết. Viết văn là phương tiện, sự thôi thúc sáng tạo hay còn có điều gì lớn hơn thế?


Ngày nay thì người ta đã quá quen với việc viết văn, nó là một nghề giống như bao nghề khác những lại ẩn chứa những đặc điểm riêng, đôi lúc khá mơ hồ hoặc được gán cho những tính chất cao cả nào đấy. Và điều ấy có  phải sự thực hay chỉ là “huyền thoại” mà đôi khi người viết cố ý xây dựng hoặc huyễn hoặc nghề nghiệp của mình?

Tôi cho rằng viết văn trước hết là vì nhu cầu cá nhân của tác giả, là một biện pháp giải toả tinh thần, một thú chơi tao nhã kéo dài hàng nghìn năm qua. Ngày trước, có lẽ không ai coi viết văn là một nghề, sự sáng tạo văn học chỉ dành cho tầng lớp biết chữ, thường là có địa vị cao sang và kinh tế khá giả.

Từ cuộc sống thoải mái vật chất, người ta mới có nhu cầu giãi bày những tâm tư, cảm xúc của mình trên trang giấy và từ đó những trang viết mang tính văn học  bác học mới hình thành. Khi những người biết chữ nhiều hơn, hình thành một tầng lớp đông đảo trong xã hội thì nhu cầu viết càng được đẩy cao. Viết văn trở thành nhu cầu giải trí, giãi bày, đầu tiên dành cho cá nhân người viết và dần dần có những lớp công chúng đầu tiên. Người ta truyền tụng hoặc in sao các bài thơ hay, các câu chuyện hấp dẫn và kể cả những người không biết chữ cũng có nhu cầu được biết những sáng tạo văn học thông qua lời kể của người khác.

Các đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9

Viết văn, theo sự tiến triển của văn minh loài người ngày càng mang lại những lợi ích tinh thần và vật chất. Người viết được hưởng những quyền lợi chính đáng do sự viết của mình mang lại và hình thành một nghề trong xã hội.

Điều tôi muốn bàn sâu hơn là tâm thức của người viết trong bối cảnh đương đại cùng với sự nhìn nhận mục đích của sự viết trong suốt chiều dài lịch sử. Có những giai đoạn, những thời kì sự viết hoàn toàn mang mục đích cá nhân, phản ánh nhu cầu và tâm tư riêng biệt của người viết nhưng cũng có lúc sự viết không hoàn toàn là của cá nhân, nó mang những ý nghĩa với cộng đồng hoặc cả xã hội rộng lớn.

Giai đoạn văn học Việt trước những năm 1945 rất chú trọng đến nhu cầu cá nhân của con người. Trải qua hàng nghìn năm dưới sự hà khắc đè nén của lễ giáo phong kiến, những cảm xúc, suy nghĩ của con người cá nhân chịu ràng buộc bởi những quy định chặt chẽ khắt khe thì đến lúc này, cái tôi cá nhân được giải phóng và người ta được phép viết về nó.

Các nhà văn háo hức viết về tình yêu đôi lứa và chống lại các định kiến hẹp hòi, giáo điều. Người viết được giải phóng bởi những luồng tư tưởng tự do từ phương Tây truyền đến. Các nhà văn của “Tự lực văn đoàn” viết rất nhiều về tình yêu với khuynh hướng chống lại giáo điều và đề cao tự do cá nhân. Tôi tin rằng người viết lúc ấy sống trong một bầu không khí rất phấn khích của cái mới, viết để giải phóng cho mình và thúc đẩy tự do của người khác.

Chưa bao giờ người viết lại sống trong một tâm thế háo hức và sục sôi như thế trong suốt chiều dài lịch sử của văn chương Việt; Viết mà không lo lắng  phạm tội “khi quân” hay lo sợ bị cha mẹ, bạn bè chê cười vì những suy nghĩ khác biệt. Viết văn lúc này đã trở thành một nhu cầu rất lớn, trước hết là của cá nhân trong một thời kì vô cùng mới mẻ.

Bước vào giai đoạn chiến tranh giải phóng đất nước, nhu cầu và cảm xúc của người viết đã khác ít nhiều so với trước đó. Viết vẫn là lao động của mỗi cá nhân nhưng mục đích và tình cảm cá nhân dường như đã phải dường chỗ cho cảm xúc về cộng đồng, về Tổ quốc và đặc biệt về cuộc đấu tranh của dân tộc.

Cái tôi cá nhân của nhà văn gần như đã bị hoà đồng trong một cái ta lớn hơn, cảm xúc riêng tư cá nhân nhỏ bé hơn so với tình cảm của cộng đồng. Nhà văn viết vì cái chung lớn và những vấn đề cấp bách hiện hữu lúc ấy chứ ít vì con người cá nhân mình nữa. Viết vì người khác, kể chuyện của người khác, những trang viết về tình cảm riêng tư còn rất ít hoặc buộc phải khuất mờ để khỏi xa rời bánh xe lịch sử.

Nói như thế để biết rằng, sự viết không hẳn bao giờ cũng vì cái tôi cá nhân hoàn toàn. Khi cuộc sống đã thanh bình, khi người ta không còn quá căng thẳng với những khẩu hiệu đao to búa lớn nữa thì người viết dường như lại quay về cái tôi bản thân. Lúc này những suy nghĩ cá nhân, những tình cảm, trải nghiệm, những câu chuyện của chính mình được viết ra đậm đặc hơn và chiếm một vị trí quan trọng. Văn học để phục vụ con người, khi con người thay đổi  mục đích của mình thì văn học theo quy luật tự nhiên ấy cũng thay đổi để đáp ứng nhu cầu ấy.

Văn chương nước Việt từ đầu thế kỉ XX đã trở thành một nghề kiếm sống. Nghề viết cũng có những thăng trầm của nó theo quy luật tự nhiên. Khi  nghề viết văn mới hình thành, nó là một thứ nghề tương đối cao sang trong xã hội, người viết có vị thế đáng kể. Ta nhớ lại giai đoạn đầu thế kỉ XX, các nhà văn có rất nhiều người hâm mộ, họ có một địa vị xứng đáng khi tham gia vào xã hội, thậm chí chiếm những vị trí quan trọng trong chính quyền và có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng.

Rồi theo thời gian, nghề văn trở lại con đường bình thường như những nghề nghiệp khác dù có lúc, có nơi nó vẫn có những ảnh hưởng và được sự chú ý của cả nhà nước và công chúng. Đến những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỉ XX, viết văn vẫn là thứ nghề “có giá”. Nó mang lại thu nhập và vinh quang cho người viết nếu tác phẩm được Nhà nước chọn in và mang lại uy tín xã hội khá lớn. Những người bạn văn cao niên của tôi thường kể rằng, ở giai đoạn đó nếu giới thiệu mình là nhà văn thì “oai” và sáng giá lắm!

Nhưng văn chương ngày càng khốc liệt, đến bây giờ khi gặp ai đó lần đầu tiên hoặc những người chưa đủ thân thiết, tôi hầu như không bao giờ giới thiệu mình là nhà văn, các đồng nghiệp của tôi cũng thế, họ hầu như rất ngại ngùng khi giới thiệu mình là “nhà văn”. Cái từ ấy, không biết nó bị khinh nhỡ ở đâu, từ bao giờ mà mỗi khi thốt ra, người ta phải nhìn trước ngó sau, suy nghĩ thật lâu mới dám nói.

Các nhà văn Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc.

Nhưng vì sao chúng tôi vẫn viết và tôi biết vẫn còn có những người trẻ mong muốn đi theo con đường này. Tôi sẽ trở lại vấn đề được đề cập từ đầu bài viết.

Viết văn trước hết là nhu cầu được giãi bày của con người cá nhân. Anh ta cảm thấy yêu, ghét cuộc sống hoặc có một câu chuyện hay cần thổ lộ, anh ta có những phẩm chất của một nghệ sĩ và từ trong sâu thẳm muốn được bộc lộ điều ấy. Tôi nhấn mạnh, viết trước hết vẫn là nhu cầu cá nhân của người viết về tinh thần sau đó mới các mục đích khác như kiếm tiền, danh lợi và các nhu cầu khác.

Không có gì sung sướng hơn là được truyền tải những suy nghĩ, quan điểm, tình cảm của mình với cộng đồng. Nhà văn có vai trò gần giống nhà truyền giáo khi anh ta có quyền truyền bá những tư tưởng, quan niệm về thẩm mĩ, cái đẹp, cuộc sống, về tất thảy những thứ tồn tại ở dạng vật chất hoặc trong thế giới tinh thần của con người. Người viết được làm chủ một thế giới rất rộng lớn và vĩ đại mà có thể nói gần như không một ngành nghề nào có được quyền năng như thế. Tôi cho rằng đây chính là động lực chính để người ta cầm bút và nuôi dưỡng nghề nghiệp của mình.

Danh vọng và tiền bạc. Đó là những yếu tố tiếp theo để người ta có động lực viết. Khi viết văn đã trở thành một nghề chuyên nghiệp thì nó cũng mang lại danh vọng và tiền bạc giống như những nghề nghiệp khác. Dù ở mặt danh vọng  ở thời điểm này văn chương không có gì là ghê gớm nhưng trong sâu thẳm của nhiều người “nhà văn” vẫn là một từ muốn thốt ra đầy kiêu hãnh. Hàng nghìn lá đơn xếp hàng chờ đến lượt mình được kết nạp vào hội nghề nghiệp là minh chứng cho điều đó. Một người bạn của tôi đã tổng kết rằng, con đường vào Hội Nhà văn vẫn là cánh cửa hẹp và khó nhất trong tất cả các hội nghề nghiệp ở nước Việt!

Tiền bạc. Là một nghề nghiệp bình đẳng như các nghề nghiệp khác, kiếm tiền bằng viết văn khó hơn rất nhiều so với nghề khác nếu người viết không phải là những “ngôi sao bán chạy.” Ngay cả những nhà văn xuất sắc nhất cũng rất khó sống được bằng nghề, họ sống bằng công việc khác và nuôi dưỡng văn chương bằng đam mê và những hi vọng rất xa vời là mình sẽ... bất tử.

Viết văn đầy những cơ cực và tủi hờn nhưng vẫn nhiều người muốn dấn thân và cháy bỏng với nó. Có thể văn chương không mang lại danh vọng hay tiền bạc nhưng ở những người đam mê hết mình thì ít nhất sự viết cũng khiến con người ta yên bình hay thoã mãn được một niềm riêng nào đó.

Có phải vì thế mà đến bây giờ người ta vẫn viết?

Uông Triều
.
.