“Sóng đôi”: Ngổn ngang thế sự, khắc khoải nhân sinh

Thứ Hai, 17/12/2018, 08:17
"Sóng đôi" là tập thơ Đinh Quang Tốn viết khi ông đã ở cái tuổi ngoài năm mươi "ngũ thập tri thiên mệnh" (đoán được mệnh trời), đã chuẩn bị rời cơ quan về sống với cộng đồng dân cư như bao công chức nghỉ hưu khác.


Không còn cái sôi nổi, bay bổng lãng mạn của tuổi trẻ, nhưng ông lại có sự trải nghiệm, minh triết của người đã từng lăn lộn nơi chiến trường, từng tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, từng làm thư ký cho Bộ trưởng và đi nhiều nước trên thế giới, từng gánh trách nhiệm Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn.

Mọi sự trên đời không còn mấy xa lạ với ông. Nhưng nếu nhìn mọi sự cứ rành rọt ráo hoảnh mà thiếu cái hồn nhiên reo vang thì thơ cũng khó hay. Thật may, tuy giàu trải nghiệm nhưng Đinh Quang Tốn đã không quá tỉnh táo khi sáng tạo tập thơ "Sóng đôi" ngổn ngang thế sự và khắc khoải nhân sinh này.

Lên Yên Tử thăm viếng nơi thờ tự vua Trần Nhân Tông, Đinh Quang Tốn kính cẩn viết:.."Mấy ông vua vất vả như Người…/ nhưng Đất nước thái bình không hưởng lạc/ Bốn mươi tuổi đời đã truyền ngôi/ Bỏ lại phía xa ngai vàng cao ngất/ Bỏ lại phía sau mỹ nữ cung tần".

Nhà thơ Đinh Quang Tốn (phải) và tác giả bài viết.

Trần Nhân Tông đi tu, bỏ lại phía sau nhiều thứ, toàn những thứ mà con người vẫn ham hưởng lạc, cho dù thế, cái tâm của vị vua vĩ đại này đâu có an nhàn khi đất nước còn nhiều việc phải lo? Trong ba lần giặc giã thì hai lần đích thân vua cầm quân ra trận.

Chiến tranh đã đi qua nhưng cái sự băng hoại từ bên trong tâm thế con người lại chỉ mới bắt đầu, vua tìm đến chốn tu hành không phải là để buông bỏ, ẩn dật, nhàn thân, mà chính là để lao tâm khổ tứ sáng lập ra trường phái Trúc lâm Phật giáo gần gũi, phù hợp với đất nước và con người Việt Nam hơn, nhằm chấn hưng đạo đức, canh tân văn hóa. Đinh Quang Tốn nhìn thấy hôm nay người ta đến khấn vua để cầu những thứ xa lạ với bản chất nhà vua thì ông viết: "Sao cứ vái cầu thăng quan, bổng lộc/ Trong khói hương, Đệ nhất tổ cười thầm?".

Về thăm lại Côn Sơn, Đinh Quang Tốn không thể không viết về Nguyễn Trãi: "Bỏ mũ áo cân đai, gác tía lầu hồng/ Ông về với rừng thông, với dân làng Chi Ngại/ Chân đất đầu trần quần nâu áo vải…". Kể ra, một viên quan từng làm cố vấn trực tiếp cho Lê Lợi, lập nhiều công trạng trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, viết "Bình Ngô đại cáo" đóng đinh vào sử sách, ấy thế mà ông vua đầu triều nhà hậu Lê vừa mới ra đi mấy năm, thế sự xoay vần, trọng thần Nguyễn Trãi đã phải từ bỏ hoàng cung tìm về Côn Sơn sống ẩn dật.

Nhưng một trí thức lớn như Nguyễn Trãi thì cái tâm đâu dễ bình an: "Bầu bạn cùng lũ trẻ chăn trâu/ Mà hồn thượng Kinh, đau nỗi đau trăm họ". Nhà thơ hậu sinh Đinh Quang Tốn chia sẻ cảm thông sâu sắc với vong hồn Nguyễn tiên sinh: "Ông trách gì những kẻ vô ơn… Nói gì với kẻ cầm cân sớm tối/ Công bộc lơ là, mong vinh thân phì gia?". Phải, chính vì có những viên quan "túi cơm giá áo" như thế trong triều mà Nguyễn Trãi phải chết!

Đinh Quang Tốn đến thăm nhà cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến mới thật u hoài: "Không còn ngõ trúc vắng teo/ Ao thu chẳng một cánh bèo nổi trôi/ Tôi thầm gọi: cụ Nguyễn ơi/ Người về có nhận ra nơi nhà mình?". Vong linh Nguyễn Khuyến làm sao nhận ra khi cái bờ ao có nhiều hoa cỏ xưa bây giờ là "kè đá xi măng", cái bờ dậu hoa cúc tần ngày xưa bây giờ xây tường gạch vô hồn lạnh lẽo, "ao thu" thì nước vẫn trong veo nhưng thuyền câu thì biến mất.

Ở đây không hẳn là sự hoài cổ chung chung của tác giả, mà chính là sự nuối tiếc những giá trị nhân bản làm nên hồn cốt, tài năng một nhà thơ lớn Nguyễn Khuyến: "Nhìn ao hoa súng hồng tươi/ Ra về đâu chỉ mình tôi ngậm ngùi…". Rất may, nền văn hiến nước nhà còn những nhà thơ vẫn "ngậm ngùi" trước những mất mát đó.

Những năm chống Mỹ cứu nước Đinh Quang Tốn và tôi ở trong quân ngũ, hàm tước sĩ quan khi ấy có những khác biệt với bây giờ: cả một quân khu chỉ có hai vị sĩ quan cấp Thiếu tướng là Tư lệnh và Chính ủy. Làm Đại đội trưởng như tôi cũng chỉ mang quân hàm Thiếu úy.

Còn bây giờ, Đại đội trưởng phải Thượng úy, Đại úy. Tướng thì hơi bị nhiều. Nhất là những năm gần đây không khí đua tranh lên tướng khá sôi động. Đinh Quang Tốn đã nhìn thấy cái sự không bình thường trong cái không khí tưởng như bình thường đó: "Anh không được phong tướng/ Có chi mà phải buồn/ Tướng tá thì cũng thế/ Về hưu thành dân thường/ Anh bảo: "Nếu lên tướng/ Mọi người gọi bằng ông? Không ai gọi thằng tướng"/ Điều này có thật không?”. Sau khi hoài nghi cái định đề mà người trượt phong tướng kia đưa ra, nhà thơ của chúng ta không thể không giúp anh ta nhìn lịch sử loài người: "Lịch sử thường nghiêm cẩn/ Trả lại sự công bằng/ Biết bao nhiêu vua tối/ Người dân gọi là "thằng""!

Bằng cái lăng kính nhân bản ấy,  ông soi chiếu sang các bậc nhà thơ, nhà văn đàn anh mà ông yêu mến và quý trọng, giúp bạn đọc đừng mù mờ nhầm lẫn về họ. Trong bài "Gửi anh Nguyễn Khoa Điềm", phần đầu tác giả mô tả một thực tại xã hội: "Thời hiện đại xoáy bão mạnh hơn/ Làm quân tử bây giờ cũng khó/ Chẳng thể hạ B52 bằng cung nỏ/ Kẻ tham nhũng không sợ truyện cười"…

Tập thơ “Sóng đôi” của nhà thơ Đinh Quang Tốn.

Một bối cảnh như thế, rất nhiều người về hưu rồi còn muốn tham chuyện nọ chuyện kia, thì nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, một người từng giữ cương vị cao vời lại chẳng màng gì. Ông xách va ly ra ga Hà Nội đáp chuyến tàu về với sông Hương núi Ngự, sống với ngôi từ đường dòng họ và bà con cô bác, sáng tác thơ, đàn đúm với mấy bạn văn nghệ tầm tầm xứ Huế: "Về nghỉ có kẻ tựa vào tiền/ Ai đó vẫn tựa vào quyền lực/ Có người tựa vào tâm đức/ Sao anh tựa vào thơ?".

Nguyễn Khoa Điềm từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, ông đâu phải người nông nổi, trái lại ông hiểu hơn ai hết một quy luật vĩnh hằng: Khi mà mọi thứ mất đi thì cái còn lại là Văn Hóa! Đinh Quang Tốn đặt câu hỏi để mà hỏi, mà tỏ mối cảm thông, chứ câu trả lời thì tác giả cũng như người được hỏi đã có sẵn rồi.

Tôi càng đồng cảm với phương pháp tư duy ấy của nhà thơ khi ông viết bài "Gửi theo anh Phạm Tiến Duật" với những dòng thơ mộc mạc mà vẫn khiến người đọc rưng rưng lệ: "Có người thương anh đi lạc trong thời bình/ Nổi tiếng tài năng mà chức tước nhỏ bé/ Đã có "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" anh cần chi nữa/ Biết sao khôn dại ở đời/ Bộ trưởng ư? Lớp lớp sóng trôi/ Nếu không có những công trình an dân như Chu Mạnh Trinh, như Nguyễn Công Trứ/ Sao bằng nhà thơ được nhân dân ngưỡng mộ/ Trăm năm còn lấp lánh "Lửa đèn"/ Nguyễn Du chỉ một chức võ quèn/ Tú Xương suốt đời ăn lương vợ/ Hai bốn mét vuông chứ cần chi biệt thự/ Thơ có ngai vàng riêng/ Anh hoàn thành sự nghiệp thiêng liêng/ Tạc vào Trường Sơn tình yêu Tổ quốc/ Bia không chữ nhiều người ngắm nhất/ Đời người mấy ai được hơn?".

Tôi rất thích câu: "Bia không chữ nhiều người ngắm nhất". Tấm bia không chữ này thuộc về nhân dân. Phạm Tiến Duật lẫn vào nhân dân. Nhưng chính nhân dân mới là nhân tố chính làm nên lịch sử. Không phải ai cũng nhận ra điều này. Đinh Quang Tốn cũng tự thú phải bước vào tuổi tri thiên mệnh ông mới ngộ ra những điều như thế: "Thì ra những giấc mơ đẹp/ Chỉ là những giấc mơ thôi/ Bây giờ năm mươi lăm tuổi/ Ngộ ra bao chuyện trên đời" (Bay trên mây trắng).

Và điều mà ông ngộ ra một cách đáng chú ý nhất, thể hiện trong bài "Sóng đôi" cũng là chủ đề xuyên suốt tập thơ: "Vua Nghiêu và vua Thuấn/ Tiếng thơm đến bây giờ/ Vua Kiệt và vua Trụ/ Ngàn đời còn tiếng nhơ/ Thánh Gióng diệt xong giặc/ Đã thong dong về trời/ Nhiều ông vua lẩm cẩm/ Già không chịu truyền ngôi/ Ôi ông cha ngày xưa/ Sao lại làm triết học?/ Sao lại làm tiên tri? Sao lại làm nghệ thuật?". Vâng, đúng là về khoa học kiếm tiền, ông cha không hơn chúng ta, nhưng trong chừng mực nào đó, cái tư duy làm người của ông cha ta minh triết hơn chúng ta bây giờ, chứ không phải cứ xưa là cũ đâu!

Đinh Quang Tốn viết cả thơ và lý luận phê bình. Ông đã có hơn 10 tập thơ và lý luận phê bình, trong đó có tập được giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp  các hội VHNT Việt Nam năm 1995 như "Cánh diều và mặt đất", có tập được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009, như "Tản mạn nghiệp văn". Đến tập "Sóng đôi" này, ông viết với bút pháp "gừng càng già càng cay", tôi không thể không nói lời chúc mừng ông.

Hà Nội, tiết Giáng sinh 2018.

Lê Hoài Nam
.
.