Đọc “Tản mạn nghiệp văn” của Đinh Quang Tốn

Thứ Năm, 04/03/2010, 16:00
Tác giả đặt nhan đề là "Tản mạn nghiệp văn" và chia cuốn sách làm ba phần, nhưng sự phân chia của các phần chỉ có ý nghĩa tương đối. Vấn đề có vẻ là "tản mạn", nhưng xâu chuỗi lại, có thể thấy Đinh Quang Tốn bàn tập trung vào những mảng vấn đề liên quan đến người viết, tác phẩm và bạn đọc. Đó là những vấn đề quan trọng ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Người viết tạo ra tác phẩm, đưa đến cho bạn đọc của mình và những  tác phẩm sáng tạo của họ làm nên nền văn học.

Đối với người viết, có rất nhiều vấn đề liên quan để có thể luận bàn. Từ vấn đề có tính chung như cơ chế thị trường… cho đến những vấn đề hẹp hơn như cuộc sống của nhà văn, đọc, đi và viết và những chuyện cụ thể như năng khiếu, cảm hứng, đề cương sáng tác…

Đối với tác phẩm thì có chuyện thể loại, tác phẩm xuất thần, từ nguyên mẫu đến tác phẩm, chuẩn mực văn chương, tính thời sự và giá trị vĩnh cửu…Đối với bạn đọc thì có chuyện đánh giá cánh diều và mặt đất, nghệ thuật là khoảng giữa mờ tỏ, duyên dáng và õng ẹo, giá trị của một tác phẩm, tình bạn văn giới, dư ba…

Thật ra chia làm ba khu vực như thế cũng chỉ là một cách làm có tính đại khái vì chính tác giả tập "Tản mạn nghiệp văn" cũng không làm một ranh giới cụ thể phân cách như vậy. Ba phần trong cuốn sách cũng chỉ là một cách phân định có tính ước lệ vì có chuyện đã nói ở phần một, được tác giả bàn kỹ hơn ở phần hai, và đôi khi được nói lại ở phần ba.

Chuyện của nhà văn - người viết gắn liền với tác phẩm và lẽ cố nhiên, không thể tách rời với bạn đọc, người thưởng thức và định giá tác phẩm. Chẳng hạn như những nghịch lý bí ẩn của văn chương. Điều đó liên quan đến người viết, đến tác phẩm và đến cả việc cảm nhận, bình giá của bạn đọc với tư cách là người thưởng thức, phê bình...

Nói cho công bằng và khách quan, những điều mà tác giả Đinh Quang Tốn bàn đến không phải là điều gì cao siêu hay mới mẻ. Nó cũng đã được các nhà văn, nhà phê bình quan tâm nói đến ở đâu đó rồi. Nhưng có điều đáng kể là đề tài có vẻ cũ, nhưng Đinh Quang Tốn biết làm mới. Hay nói như một bài viết trong tập là "không có đề tài cũ".

Tôi tán thành với cách lý giải của tác giả: "Cũ hay mới là ở suy nghĩ, ở tâm hồn của người sáng tạo" (trang 181). Vấn đề tưởng đã cũ, nhưng người viết đã nhìn nó bằng con mắt riêng của mình, bằng cách nhìn và góc nhìn riêng của mình, bởi vậy nó hiện lên khác với nó vốn có và đã có trước đó.

Chẳng hạn như chuyện vốn thực tế và vốn sống. Nhà văn cần đi thực tế. Nhưng vốn thực tế không đồng nghĩa với vốn sống. Có những điều không có trong thực tế như chuyện thiên cung, âm phủ thì nhà văn đi thực tế ở đâu? Những mặt tốt và xấu của văn nghệ sĩ, người ta thường định kiến, nhưng tác giả khá dứt khoát nhận định rằng: "Về những điểm tốt của văn nghệ sĩ, tôi không muốn khẳng định họ đẹp hơn các giới khác. Điều ấy để cuộc sống tự trả lời. Nhưng tôi không cần một chút đắn đo rằng về tất cả các mặt, họ không xấu hơn bất cứ một giới nào" (trang 13).

Mặc dù vậy, tác giả cũng thẳng thắn mà thừa nhận là giới văn nghệ sĩ "mơ mộng nhiều hơn nên ảo tưởng cũng nhiều hơn" (trang 139), mà ảo tưởng nặng nhất là những người viết trẻ, bệnh vĩ cuồng cũng xuất hiện trong giới trẻ là chủ yếu. Đối với cuộc sống nhà văn, một số người cường điệu hóa tính chất khác thường, hoặc cố tỏ ra khác thường đến mức lập dị.

Tác giả cho rằng thật ra cuộc sống nhà văn cũng bình thường thôi, bình thường như mọi người. Nhưng từ cuộc sống bình thường của mình, với năng khiếu, niềm say mê, họ làm vốn sống của mình phong phú lên và họ sống hàng trăm, hàng nghìn lần cuộc sống có hạn của con người.

Nhìn chung, trong các vấn đề bàn bạc, Đinh Quang Tốn thường bình tĩnh, điềm đạm, thận trọng. Bàn về văn chương địa phương, văn chương trung ương, văn chương chuyên nghiệp, nghiệp dư, anh cho rằng  nó "có mà lại không có", nghe rất nước đôi. Nhưng bằng thực tế công tác, bằng sự quan sát và minh chứng, anh thuyết phục được người đọc.

Về thái độ của người sáng tác, anh bàn chuyện có nên hy sinh vì nghiệp văn hay không? Câu trả lời dứt khoát của anh là: Không! Anh dẫn ra các ví dụ của một số nhà văn và kết luận: "Hãy sống hết mình vì cuộc đời sau đó hãy nghĩ đến văn chương chứ đừng làm ngược lại". Tuy nhiên, anh cũng chấp nhận cả các thái độ cực   đoan khác nữa của người viết. Đó là coi việc viết chỉ là chơi, coi viết  lách là một cách trả nợ cuộc đời.

Vì nhìn bằng con mắt riêng nên tác giả không ngần ngại bày tỏ ý kiến của mình, xét lại những vấn đề tưởng như đã ổn. Chẳng hạn đối với câu nói của một danh nhân đề cao lao động: Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh còn 99% là do lao động.

Tác giả nhẹ nhàng phản bác "Sự lao động vất vả không mấy tác dụng trong sáng tạo văn chương nghệ thuật. Loài chim sơn ca tự nó hót hay đấy chứ, đâu phải từ chim sẻ lao động rèn luyện mà thành? Các loài hoa cũng tự nó sinh ra đã đẹp chứ đâu phải luyện tập gì? Thần đồng thơ Mỹ Mattie Stephanlk và Trần Đăng Khoa nổi tiếng khi còn dưới mười tuổi thì đâu phải do rèn luyện?" (trang 66).

Vấn đề vốn sống và vốn thực tế, vấn đề văn học phản chiếu hay phản ánh hiện thực, vấn đề văn học trung ương và địa phương, chuyên nghiệp và nghiệp dư… đều được đặt ra và giải quyết khá thấu tình đạt lý.

Khi một số nhà thơ nói đến cái vất vả của sáng tạo tác phẩm thi ca như là phu chữ, Đinh Quang Tốn đã không đồng tình và không ít lần cho rằng nói đến lao động nghệ thuật là nói đến sự nhẹ nhàng, thanh thoát. Nếu coi là nặng nhọc và vất vả thì chẳng qua là không đủ sức làm công việc ấy. Tôi hoàn toàn chia sẻ với cách đánh giá như vậy.

Trong một bài viết của mình, tôi đã cho rằng lao động nghệ thuật nó là sự thăng hoa chứ không chỉ là khổ sở, nhọc nhằn. Người ta có thể viện dẫn ra đây lời của Maiacốpxki: "Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ". Nhưng đó là Maia nói về sự công phu. Người tài năng thì chọn hàng tấn quặng ngôn từ lấy một chữ nhẹ nhàng, còn người không có tài thì lấy một chữ trong mấy chục kí ngôn từ cũng toát hết mồ hôi  hoặc không làm nổi.

Có thể thấy là trong hầu hết các vấn đề, Đinh Quang Tốn đều có sự bàn bạc,  tranh luận, phê phán, và đưa ra quan điểm của  riêng mình. Tuy vậy, việc tranh luận, thảo luận trực tiếp thì hơi ít. Chỉ có vài ba trường hợp với đôi ba người có nêu tên cụ thể hoặc tên viết tắt, hoặc chỉ nêu hiện tượng như trong  trường hợp câu thơ "Bỗng thành triệu phú ngẩn ngơ".

Thái độ tranh luận, bàn bạc là thái độ chừng mực, phải chăng và chân thành. Đó cũng là một biểu hiện văn hóa của tranh luận. Có lẽ phê bình và tranh luận của người có sáng tác thường là mềm mại và có chất văn chăng? Bởi thế mà cuốn sách có sự cuốn hút và "dễ" đọc.

Hơn thế nữa, những bài viết thường là ngắn gọn, bàn về một việc, một chuyện, một hiện tượng, một vấn đề. Lời bàn là của một người trăn trở với nghiệp cầm bút, có thời gian đã từng công tác ở hội văn nghệ địa phương, có làm thơ, có theo dõi việc sáng tác phê bình của đồng nghiệp. Với sự khiêm nhường như vậy, những điều mà tác giả luận bàn thường dễ lọt tai, kể cả những cái tai "khó tính" của những bạn viết có tính khí cực đoan nhất.

Thêm nữa, tác giả không có ý định dạy dỗ hay lên lớp bạn viết hay bạn đọc, mà chỉ là tâm sự, giãi bày về nghiệp văn, vì vậy mà dễ mến, dễ gần và dễ thuyết phục. Đúng như Trần Đăng Khoa nhận xét: "Tiếng nói của Đinh Quang Tốn có sức thuyết phục bởi sự vô tư, trong sáng của một người cầm bút làm công việc phân định".

Cố nhiên, còn có một số vấn đề tác giả "Tản mạn nghiệp văn" giải quyết chưa triệt để hoặc cũng chưa thỏa đáng lắm. Điều đó, theo tôi, cũng là chuyện bình thường. Chẳng hạn như viết về vốn thực tế và vốn sống. Sự phân biệt như thế là rành mạch và rõ ràng. Nhưng  nói vốn sống, như thế vẫn còn là nói rộng, và nói chung.

Tôi nhớ nhà văn Nga I.Bônđarét đã lý giải rất hay: "Quan trọng nhất là vốn sống, mà nói vốn sống thì chung chung quá, tôi muốn nói những gì mình đã từng trải trong cuộc sống, đúng hơn đó là những điều mình nghiệm ra (V.N. nhấn mạnh) qua những sự từng trải ấy, bởi vì có thể từng trải mà chẳng nghiệm ra được điều gì" (Báo Văn nghệ số ra ngày 25/1/1986).

Hoặc khi bàn về việc làm thơ, tác giả có ý phân biệt thơ phát ra từ hồn và thơ sáng tác. Nói về thơ phát ra từ hồn là cách nói của người xưa. Sáng tác là thuật ngữ chỉ cách tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung. Sao lại gán cho những tác phẩm thơ dở hoặc thơ không hay là thơ sáng tác được? Thì cũng một hồn thơ đó thôi, có bài hay, bài dở hoặc bài hay xen lẫn với bài vừa.

Vậy thì lúc nào là lúc tác giả làm thơ phát ra từ hồn, lúc nào thì không phát ra từ hồn nữa mà làm công việc có vẻ gượng ép là sáng tác? Hay chuyện tức cảnh sinh tình là chuyện xúc cảm có thật mà người xưa đã từng thừa nhận, bản thân nhiều người thơ cũng thừa nhận với những dẫn chứng  cụ thể, thế thì nghi ngờ hoặc không tin vào điều đó phỏng có ích gì?...

Dù sao đi nữa, "Tản mạn nghiệp văn" là một tập sách tâm huyết  và có tiếng vang của Đinh Quang Tốn. Tập sách đã được Hội Nhà văn nhất trí trao giải thưởng lý luận phê bình trong khi các thể loại khác đều không có giải thưởng. Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh nhận định hôm trao giải "Cuốn sách đã đặt ra được những vấn đề cốt lõi của văn học, của sự phát triển văn học".

Đó là niềm vui của riêng Đinh Quang Tốn, nhưng cũng là niềm vui chung của giới lý luận phê bình. Nó là bằng chứng để chứng tỏ rằng sau những hội nghị về lý luận phê bình ở Tam Đảo, Đồ Sơn; các cây bút vẫn bền bỉ, âm thầm làm việc và đã có thành quả được bạn viết và bạn đọc ghi nhận.

Tháng 2/2010

Vũ Nho
.
.