Cùng Đinh Quang Tốn Tản mạn nghiệp văn

Thứ Bảy, 13/06/2009, 11:00
Cuốn sách hơn 200 trang, 63 bài mục, bàn ngắn, gọn về công việc viết văn thời nay. Tên sách đặt khéo “Tản mạn nghiệp văn” (NXB Hội Nhà văn, 2008). Tản mạn nên có thể ngẫu hứng mà chọn vấn đề bàn luận. Đinh Quang Tốn coi viết văn là cái nghiệp của người.

Tác giả chỉ muốn coi viết văn không phải là một nghề, không thể bằng ý chí cố gắng học, cố gắng làm mà thành công được. Nó là nghiệp, tiền định! Vốn là người làm thơ, lại là nhà phê bình và nhiều năm là người quản lý văn học nghệ thuật một địa phương, Đinh Quang Tốn thật sự là người trong cuộc của bếp núc văn chương.

Ý kiến ông, ngay cả khi về những vấn đề lý luận cơ bản phức tạp, hay về những hiện tượng thực tế khi lắt léo, khi tế nhị, diễn ra trong giới bút mực, đều giữ được vẻ chừng mực, ôn tồn. Lời bàn ngỡ như nông gần mà lại thấu đáo, thiết thực. Bài viết tỏa vào nhiều chuyện, những chuyện thời sự của văn chương hôm nay, nhưng chụm vào ba mảng chính: Người viết văn, việc viết văn và những hiện tượng của văn chương hôm nay.

Đinh Quang Tốn khuyên người viết văn trẻ nên có một nghề để sống và từ đó có chuyện đời để viết. Lời khuyên mới nghe như ngược chiều với yêu cầu của giới bút mực hiện nay là nâng cao tính chuyên nghiệp và dễ làm cụt hứng những bạn trẻ đã thiêng liêng xác định đời mình là để phụng sự văn chương. Nhưng đấy lại là lời khuyên từng trải, thực tiễn, có ích.

Tính chuyên nghiệp của văn chương trước hết là ở cách cảm nghĩ việc đời sâu sắc. Muốn thế, tốt nhất là tham gia vào công việc của đời, lo âu về thành bại trong công việc của chính mình. Có một nghề chính là một cách để gắn bó với đời và hiểu những nông nỗi của con người.

Trong đời sống quả là không thiếu những ông lêu têu xưng là nhà văn mà chữ thì chưa hay cày thì không thèm biết, luôn luôn khinh bạc và cần tiền. Hỏi ra phần lớn các “đại nhân” ấy đều vô nghề nghiệp. Tai hại nhất là lại cứ tưởng mình có nghề, nghề "nhà văn" tinh tướng.

Đinh Quang Tốn có cái nghiêm và thẳng của người trong cuộc, ông phê lối sống "tỏ vẻ" phi thường bằng nhiều dị hợm. Tính sáng tạo không họ hàng gì với thói ngông ngạo và cố tình lập dị. Kinh nghiệm giao tiếp trong giới đã cho ông nhận xét ấy. Ông viết: Ở đời, đạt đến trình độ tự biết rất khó. Mà tự biết lại quan trọng vô cùng với nghề văn, nghề tự bộc lộ mình.

Căn cứ vào sự xuất bản tràn lan thơ văn hiện nay, ông cho rằng sự không tự biết của giới viết văn làm thơ lúc này đang ở mức báo động. Văn chương không dễ thế đâu. Đây mới chính là chỗ ông đòi tính "chuyên nghiệp", nghĩa là đòi viết cho sâu sắc trong nghĩa lý, tài tình trong thể hiện.

Ông không khuyến khích người kém năng khiếu chen vào làm văn chương vì trong "nghiệp" này, đã gọi là nghiệp mà, không thể cố gắng mà thành. Nó cần cái tài trời cho để làm được, trời chọn để được làm. Đinh Quang Tốn dùng chữ duyên để chỉ cái yếu tố thần bí đó. Nhưng ở người đã có duyên với văn chương thì ông lại chủ trương cần phải cố gắng.

Cố gắng học và cố gắng làm. Học trong sách và nhất là học trong đời sống. Đinh Quang Tốn đánh giá cao tác dụng của năng khiếu nhưng ông còn đánh giá cao hơn sự học của những người có năng khiếu. Nó là đòi hỏi duy nhất để những ai đã có thành công đầu, thành công sớm đi tiếp được với nghề văn. Đây là cách nhìn biện chứng và duy vật nữa về cái nghề đầy "duy tâm" này.

Ông bày cách tìm ra thời gian để viết và khi đã bước vào giai đoạn chín thì phải ưu tiên cho việc viết, tận dụng để viết được nhiều ở giai đoạn này. Đó là lời khuyên chí tình của người đã trải, biết cái giá khoảnh khắc chín của đời người. Cái nghèo của người viết trong rất nhiều trường hợp đã giúp cho họ cơ hội hiểu sâu sắc và tỉ mỉ cuộc đời để viết nên văn.

Nhưng Đinh Quang Tốn không công nhận nghèo là điều kiện cần có của tài năng, càng không nên tô vẽ cái nghèo nghệ sĩ, không nên coi nó là vẻ khác đời đáng quý, thật ra nó làm khổ và làm lười người văn nghệ. Nhếch nhác lắm! Nghèo quá thì sức lực chỉ đủ lo cho tồn tại, sức đâu mà lo cho văn chương. Đinh Quang Tốn yêu thương bạn bè đồng nghiệp nhưng không mị bạn. Ông muốn người viết say nghề trong một tư thế trí tuệ tỉnh táo, khoa học.

Bàn về nghề, Đinh Quang Tốn chưa nhiều những phát hiện xuất sáo nhưng những điều ông nói, theo tôi, đều có lý, có ích. Hợp với lý luận đã đành mà còn được thực tiễn đời sống văn chương kiểm chứng xác nhận. Ông quan niệm điều kiện tạo nên tác phẩm thành công là cảm hứng về cuộc sống gặp cảm hứng văn chương.

Đó là phút thăng hoa của tài năng. Phút tài năng gặp cảm hứng. Ông còn gọi đó là duyên văn của người văn. Có hơi thần bí nhưng là cách hiểu đúng. Giải thích sự thành công của văn chương không bao giờ là dễ. Nó khác biệt ở từng tác phẩm, ở từng người.

Ông có nhận xét người tôn trọng văn chương nhưng không tôn thờ nó mới có thể thành đạt trong văn chương. Ông ghi nhận tác động to lớn của văn chương vào đời sống nhưng ông cũng biết giới hạn của nó.

Ông viết: “Văn chương chống tiêu cực rộ lên, cứ tưởng phen này xã hội chỉ còn sạch sẽ thơm tho; nào ngờ căn bệnh này cứ phớt lờ các nhà văn, thậm chí nó cười ruồi nữa bằng cách "liên tục phát triển" đến mức nó còn dụ dỗ được một bộ phận của đời sống văn chương đi theo nó. (tr 24). Viết văn là công việc vất vả. Tản Đà từng kêu: Bao nhiêu củi nước mới thành văn/ Được bán văn ra chết mấy lần.

Nhưng vất vả, tốn củi, tốn nước, nhà văn vượt mọi khó khăn chỉ để đạt tới một sự dễ dàng cho độc giả “Mua vui cũng được một vài trống canh” như Nguyễn Du khiêm nhường nói về công dụng “Truyện Kiều” của mình. Đinh Quang Tốn có vẻ không ưa lắm những quan điểm phồng mang trợn mắt nói về sứ mệnh nhà văn. Nghề văn cũng cao quý như mọi nghề khác.

Vĩ đại là thuộc về những tài năng xuất chúng. Mà đã là những tài năng ở tầm vóc ấy thì chả cứ trong văn chương, trong vật lý, trong toán học, hóa học, y học... cũng đều vĩ đại cả. Người làm nghệ thuật có thể dễ ảo tưởng hơn vì thành công của họ thường đột xuất, không kinh qua quá trình tích lũy kiến thức như các ngành khoa học.

Đinh Quang Tốn có sự thông cảm với bệnh ảo tưởng của giới nghệ sĩ nhưng ông vẫn thấy cần phải nói cho rõ, ảo tưởng cũng hại người lắm. Ông không chấp nhận vẻ thần bí lờ mờ mê hoặc của tài năng văn chương. Ông nói tới tính biện chứng giữa hư và thực của tư duy nghệ thuật, giữa nỗi vất vả của lao động tác giả và vẻ hồn nhiên như chơi của tác phẩm.

Ông cũng phân biệt vẻ duyên dáng và thói õng ẹo, bản lĩnh và vĩ cuồng. Ông động viên người viết say nghề và cũng động viên họ tỉnh táo. Đinh Quang Tốn có lý trong hầu hết các lập luận nhưng cũng có lúc lý lẽ của ông cũng bất lực. Nó chạy quanh mà không vào được bản chất sự kiện như khi ông muốn lý giải hiện tượng xuất thần hay bản chất của cảm hứng sáng tạo. Có khi ông có hướng lý giải đúng mà chưa đi tới đích thỏa đáng như khi bàn về mối tương quan năng khiếu và rèn luyện.

Thâm niên nghề nghiệp quả đã giúp Đinh Quang Tốn nhìn ra thực chất những biến động của văn chương thời Đổi mới. Ông chào mừng lớp nhà văn trẻ xuất hiện đông đảo từ Đổi mới nhưng ông cũng thành thật tự hỏi: tại sao họ ít thành công?

Ông có nghĩ tới cái tâm không tĩnh (nôn nóng,vội vã) của tuổi trẻ và thói tạo giá trị ảo của cơ chế thị trường bằng trò phô diễn và scandal. Ông có lý nhưng không biết lý thế đã đủ chưa? Ông nói tới tính thiếu thuyết phục của các thứ giải thưởng gần đây. Do thiếu khách quan? Do cơ chế? Hay do thiếu năng lực đánh giá?

Cái giả định thứ ba này là chỗ có thể khắc phục ngay và theo tôi, từ nay nên công bố tính danh giám khảo cho mỗi giải thưởng. Tài đức giám khảo chắc chắn sẽ tạo sức thuyết phục cho giải thưởng.

Ông bàn tới chuẩn văn chương và lề lối làm việc của Hội Nhà văn, vấn đề đáng được bàn sâu và toàn diện hơn, nhưng với tập sách này Đinh Quang Tốn tự giới hạn trong những lời góp ngắn nhưng cũng đủ để ban lãnh đạo Hội Nhà văn đọc ra những đòi hỏi của xã hội về trách nhiệm của mình.

Đinh Quang Tốn phân biệt tấm gương của thời đại và tấm gương của hiện thực để nói rõ đòi hỏi của ông đối với các nhà văn đương thời: làm sao từ những chất liệu bề bộn của hiện thực hôm nay khái quát lên được chân dung đích thực của thời ta đang sống.

Ông còn gợi ý nhìn sang  các nước có hình thức phát triển gần gũi với ta để so sánh, chiêm nghiệm tìm một hướng đi hiệu quả cho tiến trình văn học Việt Nam. Ông có cảm tưởng một số cây bút trẻ những năm gần đây thường làm ít nói nhiều. Đó là một cảm tưởng đúng.

Tôi chỉ xin thêm: không chỉ ở những người trẻ, cái bệnh này có ở mọi lứa tuổi. Phải chăng nó là hệ quả của kinh tế thị trường sống bằng quảng cáo? Lại còn cái việc làm tuyển, nhất là các tuyển thơ. Tuyển thơ thế kỷ, tuyển thơ theo đề tài, theo vùng đất…

Các tuyển tập bao giờ cũng là cần thiết, nó giúp cho bạn đọc được hưởng thụ tinh hoa, không cần đọc nhiều mà vẫn thấy được thành tựu của văn chương. Điều Đinh Quang Tốn phàn nàn ấy là chất lượng tuyển, là tài năng người làm tuyển. Không dám đòi hỏi như Phan Phu Tiên (thế kỷ XV), như Hoàng Đức Lương (cuối thế kỷ XV), như Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) "nhặt từng dăm chữ nửa câu ở chỗ giấy rách vách nát" để dựng nên trang nên tập thì cũng phải là người biết nếm vị văn chương và lịch duyệt chuyện đời, có con mắt xanh nhìn ra nhan sắc của câu chữ...

Đinh Quang Tốn không ưng nhân danh đổi mới để đưa ra những thứ chữ nghĩa dị hình dị tướng. Ông cho rằng, những ai chủ trương chỉ cần cười đùa, la hét với tuyên ngôn là thành văn tài là người đáng thương. Ông đòi văn chương phải tạo dư ba, nghĩa là phải để lại ấn tượng vui buồn hay nghĩ ngợi trong lòng người đọc. Những quan niệm: viết cái gì hay viết như thế nào... không mới nhưng vẫn cứ là đòi hỏi thiết thực đối với người viết. Đinh Quang Tốn không ngại nhắc lại những điều cần thiết ấy.

Sự đổi mới của văn chương ở khúc đường lịch sử chúng ta đang đi  là bức thiết và nó đang vận động, còn nhiều biến hóa, nhiều khúc quanh để hình thành. Có nhiều lý do để người ta ngại bàn bạc ngay lúc này. Đinh Quang Tốn không ngại, không né tránh. Ông đã bàn, đã lý giải bằng trách nhiệm và năng lực của mình. Lời lẽ bình đạm, ý tưởng thiết thực, không cao đàm khoát luận nhưng thật sự có ích cho người viết văn lẫn người đọc văn.

Hà Nội, 27/4/2009

Vũ Quần Phương
.
.