Quá trình viết
Mỗi người có một thao tác viết khác nhau, không ai giống ai. Thi sĩ Xuân Quỳnh có cách làm khá điển hình, đó là cứ việc ghi lại những gì bật ra trong đầu như nước lũ, sau đó mới sắp xếp thành vần, thành nhịp. Xuân Diệu cũng có cách làm gần tương tự, ông hoàng thơ tình trước hết cứ viết một bài văn xuôi cái đã, sau đó mới biến thứ văn xuôi đó thành thơ!
Một người viết và gạch xoá rất nhiều là Nguyễn Tuân. Quy trình viết của Nguyễn Tuân là: viết, sửa chữa, gạch xoá, viết. Điều này dễ hiểu bởi một người chủ trương công phu chữ nghĩa như Nguyễn Tuân, quá trình viết không thể nhanh và ẩu được. Đọc văn của ông biết ông chọn lựa từ ngữ kĩ càng, tinh luyện như thế nào, giai đoạn này mất nhiều công sức và không thể ngay một lúc mà đạt được. Sự kì khu, cân nhắc, nhấc lên đặt xuống là điều đương nhiên.
Các nhà văn: Xuân Quỳnh, Nguyễn Bình Phương, Agatha Christie. |
Tôi xin kể kinh nghiệm viết của chính mình để bạn đọc tham khảo. Hồi viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, tôi viết rất chậm và vật vã, cứ viết được một đoạn lại sửa, nhiều lúc cảm thấy bế tắc không làm nổi vì mỗi lần đọc lại luôn thấy không hài lòng, lại xoá bỏ. Và bản thảo đầu đời của tôi đã thất bại hoàn toàn, tôi vứt nó vào sọt rác vĩnh viễn.
Sau này, tôi nghĩ ra một cách thức mới, đó là phác họa ý tưởng rồi cứ theo cảm xúc để viết, không dừng sửa chữa, cũng không đọc lại. Nếu khi nào quên mới đọc tỉa và đánh dấu những chỗ cần lưu ý. Cách làm mới này đã hiệu quả hơn khá nhiều, tôi viết nhanh hơn và sau khi đã xong hoàn toàn phần thô, tôi mới quay lại, tu chỉnh và trang trí ngôi nhà tác phẩm. Công việc của giai đoạn hoàn thiện cũng tốn nhiều công nhưng phần khó nhọc nhất đã qua đi.
Cách làm của tôi giống như cách làm của những người thợ điêu khắc, ban đầu cứ tạc một hình khối sao cho giống một con người đã, sau đó mới đi vào các chi tiết như mắt, mũi, môi, tóc... Trong suốt quá trình này sẽ hoàn thiện và điều chỉnh dần để tổng thể được hài hòa.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng có thao tác viết gần tương tự. Khi anh viết tiểu thuyết, giai đoạn đầu tiên gần như để cảm xúc chi phối. Sự hình thành tác phẩm giai đoạn này, cảm xúc đóng vai trò quyết định. Sau khi tác phẩm đã có hình thù rồi thì nhà văn mới sử dụng các yếu tố kĩ thuật, lí trí để can thiệp. Cách viết này có ưu điểm là sự tạo hình ban đầu khá nhanh nhưng sự sửa chữa tốn nhiều công sức.
Nhà văn Tạ Duy Anh cũng là người thích phương pháp này, việc sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm của anh mất gấp nhiều lần thời gian so với quá trình tạo phôi thô cho nó.
Một kinh nghiệm khác nữa của tôi là không bao giờ viết hết sạch ý tưởng trong một buổi làm việc. Khi viết tiểu thuyết, tôi thường dành ra khoảng hai tiếng mỗi ngày để viết nhưng bao giờ cũng để dành một mẩu nhỏ làm “mồi câu” cho buổi hôm sau. Nếu viết hết sạch ý tưởng của ngày hôm trước thì người viết phải rất lâu sau mới hồi lại được cảm xúc. Còn sót lại một chút “mồi câu” hôm trước, nó sẽ giúp người viết bập vào đoạn mới nhanh và dễ hơn và hôm sau lại tiếp tục quá trình đó cho đến khi hoàn thành.
Tất nhiên đấy chỉ là kinh nghiệm cá nhân của riêng tôi và những người tôi biết. Thao tác viết không ai giống ai và có thể cũng không áp dụng được cho tất cả mọi người. Nhà văn Nguyễn Đình Tú thì viết nhanh và trơn tru, thông thường sau khi viết xong một chương tiểu thuyết anh bắt tay vào sửa ngay chương đó và tiếp tục chương mới và lặp lại quá trình. Khi tác phẩm đã hoàn thành, anh không mất nhiều công sức để hoàn thiện vì đã chăm chút cho nó ở những giai đoạn nhỏ rồi.
Có nhiều người thích hoàn thiện tác phẩm ngay trong quá trình viết, họ nắn nót, từng chữ, từng dòng. Được câu nào, đoạn nào thì xong luôn, họ không viết xong bản thô mới sửa chữa. Các nhà thơ thường dùng cách này và một số người viết văn xuôi cũng như vậy.
Tôi chưa được trực tiếp xem bản thảo của Nguyễn Tuân và Flaubert nhưng đọc tác phẩm hoàn thiện của các ông, tôi tin rằng tác giả viết theo cách này. Viết đến đâu, sửa chữa, hoàn thiện ngay đến đó. Cách viết này có thể chậm và ít năng suất như Nguyễn Tuân và Flaubert nhưng có thể cũng rất nhanh như Lê Văn Trương và những người cùng sở trường.
Một vấn đề nữa là có nên sửa chữa ngay bản thảo sau khi viết xong hay không? Tôi thường không làm như vậy vì trước hết mình mới rút kiệt cảm xúc và năng lực với bản thảo thô. Lại nữa, sự nhanh gấp thường xảy ra nhiều lỗi và chưa đủ độ chín. Để vài ngày, vài tháng hoặc thậm chí vài năm đọc lại và sửa chữa, sự tỉnh táo của lí trí và sự chín nục của cảm xúc và ý tưởng sẽ giúp việc hoàn thiện tốt hơn.
Một ví dụ dễ nhận thấy là chỉ cần để vài ngày rồi sửa chữa đã làm tác phẩm được hay hơn và tránh được những lỗi không đáng có. Quá trình này gần giống như ủ men rượu để lọc lấy hương thơm và loại ra cặn bã. Nhưng không phải cứ để thật lâu là tốt nhưng ít nhất cũng cần có độ lùi thời gian nhất định. Khi lí trí được cân bằng và cảm xúc không quá nóng, sự hoàn thiện sẽ hiệu quả và chuẩn xác hơn.
Rất nhiều người ngưỡng mộ tài viết truyện trinh thám của Agatha Christie. Một trong những điểm mấu chốt của truyện trinh thám là không để cho độc giả biết được thủ phạm quá sớm. Để độc giả phát hiện được thủ phạm ngay từ đầu hoặc quá sớm, tác phẩm sẽ thất bại. Thất bại kiểu này rất điển hình cho các cây bút non tay hoặc các nhà làm phim thiếu chuyên nghiệp: độc giả đã đoán ra được ý đồ của anh ta chỉ sau vài đoạn ngắn.
Agatha Christie thì trình bày kinh nghiệm của mình thế này. Tác giả cứ việc viết mà không quan tâm tới ai là thủ phạm, chính Agatha Christiecũng không biết ai làm việc đó. Đến khi sắp kết thúc tác phẩm, người viết mới tìm một nhân vật được cho là ít khả năng phạm tội nhất, cho anh ta là thủ phạm và điều chỉnh vài chi tiết để ăn khớp với sự kiện. Chính tác giả cũng không biết thủ phạm là ai thì độc giả sao đoán được và Agatha Christie chỉ cần dùng một mẹo nhỏ đã xử lí được một vấn đề rất hóc búa!
Trong tiểu thuyết “Tưởng tượng và dấu vết” của tôi, tôi cũng dùng cách viết ngẫu hứng cao độ. Ngay trước khi viết, tôi không biết mình sẽ viết gì, tôi để cảm xúc lôi kéo và tôi cứ việc viết theo nó. Nếu có một tiếng chuông điện thoại cắt ngang hoặc một người khách vào chơi bất ngờ, có thể mạch truyện sẽ khác đi. Chính điều đó tạo ra sự hấp dẫn và bất ngờ cho chính tác giả, mỗi ngày anh ta tự khám phá cảm xúc của mình trong công đoạn viết. Điều đó gây ra nhiều bất ngờ và tất nhiên độc giả cũng không thể suy đoán nổi diễn tiến câu chuyện.
Vấn đề nữa là làm sao đánh giá được tác phẩm đã hoàn thiện để dừng lại. Nhà văn Nguyễn Bình Phương thì làm thế này, anh sửa những công đoạn cuối cùng trên giấy in. Khi nào cả cuốn tiểu thuyết không còn lỗi nào hoặc chỉ còn vài lỗi nhỏ anh mới dừng lại. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, anh vẫn nghi ngờ cảm xúc của mình bị đánh lừa, nhà văn để bản thảo im lìm thêm vài tháng nữa cho cảm xúc nguội lạnh đi rồi đọc lại lần nữa, khi thấy hài lòng và không phải sửa chữa thêm thì có thể coi nó đã hoàn thiện.
Cách làm của Nguyễn Bình Phương tất nhiên là rất cầu toàn nhưng nhiều người chọn cách này. Tất nhiên phương pháp này chỉ thường áp dụng cho những tác phẩm có dung lượng lớn như tiểu thuyết. Những tác phẩm có quy mô nhỏ hơn như một truyện ngắn, bài thơ, bài viết ngắn, có thể có những cách làm khác nhau nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì bất cứ thể loại gì, khi có độ lùi thời gian nhất định, dù rất ngắn cũng giúp tác phẩm được mạch lạc, sáng rõ, ít lỗi hơn.
Quá trình viết là giai đoạn làm việc rất mệt nhọc và căng thẳng của người viết, tất nhiên nó cũng đầy cảm hứng và xung năng mãnh liệt. Mỗi người có một cách thức khác nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mỗi ngày nhích được vài dòng hoặc vài trang đều là thành quả của lao động và cũng không thể nói nhanh hay chậm để đo lường chất lượng. Chất lượng cuối cùng của tác phẩm là khi nó được hoàn thiện hoàn toàn và đến tay độc giả và được đánh giá. Tất nhiên người đọc cũng không mấy quan tâm đến quá trình tác giả đã viết thế nào, nhanh hay chậm, công đoạn nào trước, sau. Người đọc chỉ quan tâm khi tác phẩm đó cuốn hút, hấp dẫn anh ta hoặc mang đến những giá trị nào đó.
Nếu nói rằng người nghệ sĩ cô độc trong sáng tạo thì quá trình viết chính là lúc thể hiện rõ nhất điều ấy.