Nhà thơ Mai Liễu: Một quả còn mê ngủ

Thứ Bảy, 19/11/2016, 08:12
Tôi thật tình mỗi lần đọc thơ Mai Liễu là cứ thấy anh mủm mỉm miệng, trề môi gãi tóc cười với tôi bằng cái chất rủ rỉ rù rì rất khó chịu: nhanh không ra nhanh, chậm không ra chậm. Anh cũng không có cái vẻ gì là loại người có thói cà kê dê ngỗng, cũng không phải loại người quá bê trễ, chậm chạp, nhưng lại cứ rậm rà rậm rì, chính vì thế nó lại giúp tôi nhận ra một Mai Liễu khác...


Tôi xin trích nguyên văn ba câu cuối bài thơ "Tung còn" của Mai Liễu mà tôi nhớ để vẽ nét đầu tiên đoản khúc chân dung anh:

Hai cặp mắt tình tứ trông nhau
quả còn trên tay mê ngủ
chẳng nhớ mình đeo tua đỏ tua xanh

(1994)

Chơi với nhau xấp xỉ hai mươi năm nay, lên đỉnh đá Đồng Văn Mèo Vạc, về thành Tuyên, lên Điện Biên Phủ, Mường Lay, rồi lại xuôi Hà Nội, lại ngược Tam Đảo, lại quay lên Thái, về Tuyên, uống rượu nóng thấu đêm đông Đồng Văn - Mèo Vạc cùng các chàng trai, các cô gái Mông, và đặc biệt với các cô gái Tày làm ngân hàng, làm cô giáo nơi đèo heo hút gió đá núi sương mù, trăng lu, tình nặng.

Rồi chúng tôi nhập vòng xoè với các cô gái Thái Điện Biên, cùng nhau thưởng thức thứ rượu ngô xứ núi đá Bắc Hà, rượu thóc Sán Lùng Lào Cai, rượu ngang mật lợn, rượu chưng ấu tẩu Tuyên Quang. Quả tình chúng tôi hợp nhau ở cái tính tình dễ dãi xuề xòa, bạn Tày, bạn Mường, bạn Dáy, bạn Dao, bạn Ba Na, Gia Rai từ Tây Nguyên ra, cụng li vài ba lượt là thấy thân thiết ngay, bởi cái cách mời chào chân chất ở đâu cũng giống nhau, hồ hởi, rộn ràng không từ chối được.

Đi với Mai Liễu chẳng thú vị gì khi ở đâu anh ta cũng rủ rỉ rù rì, cũng cứ như cái "quả còn trên tay mê ngủ", đi chậm, ăn chậm, nói chậm, rậm rà rậm rờ, nhưng thỉnh thoảng tôi mải "nâng li hạ li" với các bạn mới ở một tiệc gặp gỡ nào đó, chỉ nhoáng một cái, Mai Liễu biến mất tăm!

Tôi buồn nên mới nghĩ quẩn rằng, thôi, tóm lại là con người ta không ai chậm hết phần của ai, và cũng chẳng ai nhanh được hết phần của người khác, đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy! Người ta làm thơ thế này mà dám đòi hỏi người ta quan tâm đến mình?

Quả tim treo trong vồng ngực em
không gió không ma
lúc lắc
đu vào chao đảo đời anh!

(1994)

Tôi thật tình mỗi lần đọc thơ Mai Liễu là cứ thấy anh mủm mỉm miệng, trề môi gãi tóc cười với tôi bằng cái chất rủ rỉ rù rì rất khó chịu: nhanh không ra nhanh, chậm không ra chậm. Anh cũng không có cái vẻ gì là loại người có thói cà kê dê ngỗng, cũng không phải loại người quá bê trễ, chậm chạp, nhưng lại cứ rậm rà rậm rì, chính vì thế nó lại giúp tôi nhận ra một Mai Liễu khác.

Chỉ tính ở trong thơ thôi đấy nhé, thì phải công nhận Mai Liễu khá có duyên, bằng lối diễn đạt cảm xúc giản dị, trong sáng, không một chút ồn ào. Chứ cũng Mai Liễu ngoài đời thì luôn luôn khiến tôi cứ chập chờn nhận ra một Mai Liễu ngoài thơ, lúc mờ, lúc tỏ. Thực ra mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một vài chân dung khác, ngoài thơ.

Nhà thơ Mai Liễu.

Ví dụ như những nhà thơ làm sếp to cần phải "nâng tầm" văn hóa văn minh của mình lên ngang với vai trò của mình, qua những cuộc diễn thuyết lại thỉnh thoảng lộ ra cái chất nông dân nơi bắt nguồn gốc gác mà ta thường gọi là "nhà quê tỉnh lẻ". Mai Liễu nhiều năm làm kha khá to, vẫn điếu cày rít xoe xóe, rít xong rồi đôi mắt lơ mơ không có màn diễn cao siêu nào mà vẫn (càng) thấy dễ chịu cái tác phong "hòa mình vào quần chúng" của anh cán bộ.

Ví dụ thêm, có nhà thơ đi đến đâu làm gì cũng muốn cho thiên hạ phải biết ngay anh ta là nhà thơ, nhà văn, hỏi để làm gì? Rằng… cho oai!!! Mai Liễu không hề cục mịch nhưng không quá điệu đàng "ra vẻ ta đây".

Mai Liễu có chừng có mực, nhưng cũng có lúc đỏ mặt tía tai, không có năng khiếu nói nên ta thấy anh một vừa hai phải thôi, chứ thực ra anh cũng "không phải dạng vừa". Anh nói tiếng Kinh veo véo với anh em bạn bè Kinh. Nói tiếng Tày veo véo với các bạn Tày.

Làm thơ bằng tiếng Kinh là chính nhưng cái hồn Tày thì đậm đặc. Tôi thường có dịp có duyên hay chơi thân với mấy ông nhà văn nhà thơ người Tày: Cao Duy Sơn, Y Phương, Mai Liễu. Tôi thấy hình như cả ba ông này đều đặc sệt văn hóa Tày mà đều cả sành sỏi văn hóa Việt, không món nào thua món nào. Nhưng khi viết bằng cả hai thứ tiếng thì văn hóa Tày chiếm lĩnh ưu thế hơn rõ rệt hơn.

Nếu mai em về Chiêm Hoá
cho ta gửi nỗi nhớ cùng
tháng giêng mưa tơ rét lộc
em về vừa kịp mùa măng.

Sông Gâm đôi bờ trắng cát
đá ngồi dưới bến trông nhau
Non Thần hình như trẻ lại
xanh lên ngút ngát một màu

Phố đông cứ mải tìm nhau
cô gái Dao nào cũng đẹp
vòng bạc rung rinh cổ tay
ngù hoa mơn mởn ngực đầy

Con gái bản Tày duyên quá
sắc chàm như cũng pha hương
chỉ riêng nụ cười môi mọng
mùa Xuân e cũng lạc đường

Nếu mai em về Chiêm Hoá
đầu Xuân đi hội "lùng tùng"
quả còn chạm vai thì nhặt
ngày lành duyên tốt mừng nhau.

 Tôi rất thích bài thơ này. Bài thơ này không xuất sắc, không mới mẻ, không hề cố ý làm ra để làm gì, nó tự nhiên đến, nó tự nhiên được viết ra, cũng không hối hả, không quá nồng nhiệt; nó không thờ ơ, vô tư, nhưng cũng không quá nặng nề, không thi vị hoá, đọc lên ta thấy chân dung tác giả, tấm lòng tác giả thật dịu dàng, thật hiền từ, không hề luỵ vào kỹ thuật, không hề có ý làm thơ về miền núi hay mặc cảm người miền núi làm thơ, không chơi trò ngô ngọng, cũng không khoe lạ kể lạ. Bài thơ bình thường như chính chàng trai bình thường, giản dị, mỗi khi mùa xuân về (ta) nhớ một vùng quê.

Con gái bản Tày xinh quá
sắc chàm như cũng pha hương
chỉ riêng nụ cười môi mọng
mùa Xuân e cũng lạc đường.

Đấy, Mai Liễu là như thế. Bài thơ bình thường thôi, vậy mà cũng nhoáng một cái làm ta sững sờ bởi một câu, một chữ tưởng là vu vơ: "mùa Xuân e cũng lạc đường". Cái chất thi sĩ của thơ Mai Liễu là cái duyên cái nợ cái tình, đến bao giờ mới nguôi ngoai?

Bao giờ tôi có niềm vui
chắc Thơ lại bỏ mặc tôi một mình...

Tất nhiên, tất nhiên và tất nhiên rồi anh Mai Liễu ạ. Tôi cũng mong nó nhanh nhanh diễn ra để tôi xem Mai Liễu thế nào.

Dù sao thì bây giờ tôi cũng chỉ kể (một chút) về thơ Mai Liễu, về người thơ Mai Liễu nhìn, bài thơ tôi nhớ. Không hiểu sao nó nhớ cũng tự nhiên nhớ chứ tôi đâu có chủ ý thuộc làm gì! Nói chung là thơ Mai Liễu thì tôi thích, chứ còn... Mai Liễu thật, một Mai Liễu chơi với bạn thì khó kể lắm thay! Khó bởi vì chỉ "nhoáng một cái" là anh ta biến mất tăm mất dạng, còn biết đâu mà lần!

Ấy là nói chuyện ở dưới thành phố thôi, chứ nếu về làng uống rượu thì cái cách chơi nửa phần "cởi mở" nửa phần hoang dã của anh mới "lộ thiên" nhiều hơn. Nói đi thì thế, nói lại thì cũng phải bình tĩnh mà công nhận với nhau rằng, cái anh thơ, cái sự thơ, cái "mỏ thơ" nó cũng có nhiều lúc làm cho cái người thơ phát ngơ phát ngẩn, phát cuồng phát dại, phát hâm hâm.

Thưa các bạn. Không phải ai cũng cuồng dại hâm hâm là lập tức biến thành nhà thơ. Nhưng những nhà thơ đích thị là người thơ, thì thế nào cũng có khoảnh khắc, giây phút ngẩn ngơ, hâm hâm, chập chập. Hâm hâm chập chập có lúc sai, có lúc hay, lúc dở. Hay lúc tuyệt đỉnh là  mà dở thì cũng... "dở đến như thế là cùng".

Âu cái tật của người thơ nó cứ là cái tính chung của những thi sĩ thời nào cũng…vậy.

Đã nhiều lần tôi được vui lây cái vui của Mai Liễu khi anh đang xếp tranh cho mấy anh bạn là họa sĩ đi triển lãm. Lại cũng có lần thấy anh hớn hở ôm một chồng bản thảo của các bạn nhà thơ dân tộc thiểu số đến nhà xuất bản để chuẩn bị đưa in với một gương mặt đầy phấn khích.

Và, phải nói thật, nếu bạn được "xem" cái không khí hôm Mai Liễu xách cây đàn tính tẩu từ trên Tuyên về xăm xắn tặng cho tôi, ngồi nhâm nhi với tôi vài chén rượu ngô suông, anh mới đem về thủ đô, rồi rậm rờ kể dăm ba câu chuyện về mấy ông bạn chung của chúng tôi cũng hâm hâm chập chập, chả ra đầu ra cuối gì, thì mới thấy cái sự bạn bè chân chất của cánh văn nghệ sĩ miền sơn cước nó thấm đậm thế nào.

Tôi có vài tháng sống một mình trên Đồng Văn - Mèo Vạc, khi ấy vì không may lỡ chuyến xe về xuôi nên tôi phải ở lại. Cái không may vì đường giao thông hiểm trở mà tôi bị "kẹt" lại trên núi cùng với đồng bào Mông. Tiếng tăm không biết. Mới đầu bắt bạn làm quen với mấy ông già.

Sau học được dăm tiếng, tôi mon men chơi với bọn trẻ con, và sau nữa bắt thân với cánh bạn nam nữ thanh niên. Quan hệ rộng ra tôi thành người thân của bà con, sau có Mai Liễu và mấy anh em Hội văn nghệ của Tỉnh đi công tác lên tiện thể "rước" cái thằng tôi vô sừng vô sẹo về. Chả phải ngẫu nhiên mà tôi gặp được một cô gái Tày lên đây "làm tín dụng" từ khi cái thời ấy, thời chúng tôi còn rất trẻ và chàng trai Tày Mai Liễu thấy đôi lứa xứng đôi nên hay xúi bẩy cặp đôi trêu ghẹo thành ra câu chuyện "đá và em" tung tẩy giữa rừng. Mai Liễu nhà thơ ra sức cổ động viên cho tôi tự thể hiện mình.

anh ơi anh
khi anh tới đất này
rượu có sẵn như em có sẵn
em rót rượu mời anh
em chọn buồn chọn vui dốc ngược…

Mai Liễu bảo tôi xuất thần. Tôi bảo không phải xuất thần mà vì khi ấy, làm đến đấy, tôi toàn nhớ cái đêm Mai Liễu đốt lửa cho tôi đọc thơ mà tôi thì tôi đã quá say rồi. Mai Liễu cũng say. Cô gái Tày xinh đẹp đêm ấy cũng uống cùng chúng tôi, say cùng chúng tôi. Không khí đêm mùa đông năm ấy trong căn nhà bếp nhỏ của dân làm tín dụng ấm mãi với tôi tới tận sau này.

Sau này xa rồi, vậy mà có lần Mai Liễu lên thăm lại, hỏi mãi, tìm mãi mà không tìm ra. Chúng tôi mất cô gái Tày trẻ xinh ấy. Đúng hơn, cô gái ấy đã biến mất khi cả hai chúng tôi cùng đã thành ra hai lão già ngồi uống rượu nóng trong đêm của căn hộ chung cư cao chất ngất giữa thủ đô giá lạnh.

Lập đông 2015

Nhà thơ Mai Liễu (bên trái) và nhà thơ Bằng Việt.

Trung Trung Đỉnh
.
.