Nhà thơ Dương Tuyết Lan: “ Của riêng còn một chút này”…

Thứ Hai, 24/10/2016, 07:52
Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm "Nhận diện thành tựu văn chương 1947 - 1954 trong Hà Nội tạm chiếm". Bên cạnh những tên tuổi được trân trọng nhắc tên trong thời kỳ này như Hoàng Công Khanh, Giang Quân, Băng Hồ, Ngọc Giao, Băng Sơn, Vân Long, Trần Lê Văn... còn có tên một nhà thơ nữ. Đó là Dương Tuyết Lan - một trong hai người cháu hiện còn sống của cụ Dương Khuê. 


Những lời tâm sự mộc mạc, chân thành của bà Dương Tuyết Lan đã khiến nhiều người có mặt tại buổi tọa đàm hôm ấy rưng rưng xúc động. Thời gian qua đi cùng những biến cố lịch sử của đất nước và đời người trùng trùng lớp lên nhau, thì có lẽ chỉ còn những vần thơ với bà như "Của riêng còn một chút này làm tin" là ở lại, trở thành nỗi an ủi lớn nhất trong tâm hồn người cô phụ...

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của nhà thơ Dương Tuyết Lan vào một ngày thu nhưng tiết trời hãy còn oi nồng. Nhà thơ nữ tuổi đôi mươi năm nào hăng hái nhiệt tình tham gia vào phong trào thi ca yêu nước những năm Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, năm nay đã ở tuổi 84.

Vốn là một nhà giáo, hiện bà sống một mình trong căn nhà nhỏ giản dị, ấm cúng ở một con ngõ bình yên trên phố Thợ Nhuộm, bởi con cái đã trưởng thành có cơ ngơi riêng, còn người bạn đời thì đã sớm ra đi, tính đến nay đã 35 năm.

Trong căn nhà ấy, cái gì cũng nho nhỏ, xinh xinh, gợi cho người ta ngẫm về nếp sống thanh bạch của một nhà giáo. Và nữa, gia chủ tuy đã ở tuổi cổ lai hy nhưng từ lời ăn tiếng nói, dáng điệu, cử chỉ vẫn khiến người ta nghĩ đến "nếp nhà" của những gia đình có truyền thống đọc sách thánh hiền.

Trong cuộc đời làm báo văn nghệ của mình, tôi đã có may mắn được gặp một số người con có "nếp nhà" như thế. Sự thanh quý của một con người được chăm chút về cốt cách từ tấm bé và toát một cách tự nhiên chứ không phải "cố tỏ ra" mà được. Cho đến nay, hàng cháu nội - ngoại của cụ Dương Khuê chỉ còn có bà Dương Tuyết Lan và một người anh hiện đang sống ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng đã vào tuổi 90.

Cháu nội cụ Dương Khuê - nhà thơ Dương Tuyết Lan (ngoài cùng bên trái) ở tuổi 84.

Theo lời kể của nhà thơ Dương Tuyết Lan, ông cụ thân sinh ra bà là ông giáo học Dương Tự Tán, là người con út của cụ Dương Khuê. Cha mất khi còn rất nhỏ, ông giáo Dương Tự Tán sau này hầu như chẳng có ký ức nào về cha, mọi thứ về cha đều được biết qua lời kể của mẹ.

Cụ Dương Khuê (1839 - 1902) có hiệu là Vân Trì, người làng Vân Đình - Ứng Hòa - Hà Đông (cũ), nay thuộc Hà Nội. Cụ Dương Khuê đỗ cử nhân cùng khoa với cụ Nguyễn Khuyến (năm Giáp Tý 1864), đánh dấu một tình bạn tâm giao tri kỷ cho đến ngày cụ Dương Khuê rời xa trần nổi tiếng với bài "Khóc Dương Khuê" đầy xúc động.

Năm 1868, cụ Dương Khuê đỗ Tiến sĩ triều Tự Đức thứ 21, sau đó là tri phủ Bình Giang (Hải Dương), làm đốc học tỉnh Ninh Bình, trở thành Tham tán Nha Kinh lược Bắc Kỳ rồi làm Tổng đốc Nam Định - Ninh Bình, hàm Thượng thư bộ Công.

Năm 1897, khi người Pháp sang đặt guồng máy thống trị ở nước ta, thành lập chính phủ bảo hộ thì ngay năm ấy, cụ Dương Khuê cũng treo ấn từ quan, về ở ẩn tại làng Vân Đình, sống cuộc đời chí sĩ thanh bạch, mở lớp dạy học trong làng. Không chỉ đều là chí sĩ có tài văn chương đạt đến trình độ tuyệt phẩm, hai cụ Nguyễn Khuyến - Dương Khuê còn có chung chí hướng, không chịu làm tay sai cho ngoại xâm quay lưng về phía nhân dân.

Nhà thơ Dương Tuyết Lan cho biết, theo lời kể của bà nội (là người vợ thứ 3 của cụ Dương Khuê), tuy hai người cách trở về địa lý, song thi thoảng nhớ nhau, hai cụ vẫn đi đò sông Đáy qua thăm nhau. Hồi ấy gia cảnh cụ Nguyễn Khuyến rất nghèo, chén rượu mời nhau thì có, nhưng đồ nhấm có khi phải ra vườn hái quả khế cắt ra để mời rượu bạn.

Còn khi cụ Nguyễn Khuyến đến chơi với bạn ở Vân Đình, cũng khó khăn lắm cụ Dương Khuê mới kiếm được đĩa lạc để mời rượu bạn hiền. Bởi thế, bài thơ "Khách đến chơi nhà" của cụ Tam Nguyên Yên Đổ (tức cụ Nguyễn Khuyến) ngoài việc nói lên tình bạn thắm thiết của đôi bạn Nguyễn Khuyến - Dương Khuê, còn nói lên cả gia cảnh thanh bần của chủ nhà: tuy không có vật phẩm gì để đãi khách nhưng cái tình "ta với ta" thực đáng trân quý.

Sinh ra và lớn lên với những câu chuyện về văn chương, những bài học làm người đẹp đẽ từ tiền nhân, cô gái Dương Tuyết Lan cũng sớm cảm nhận được vẻ đẹp của văn chương. Từ thuở bé thơ, bà đã sớm tự hào khi biết rằng bốn câu thơ: "Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ" chính là 4 câu thơ của ông nội Dương Khuê chứ không phải là ca dao như dân gian vẫn lưu truyền.

Sau này, khi cha cũng theo nghề ông trở thành thầy giáo, căn nhà họ ở trên phố Triệu Việt Vương bây giờ trở thành chỗ đi lại, sinh hoạt của nhiều văn nhân bởi thầy giáo Dương Tự Tán tuy gia cảnh cũng nghèo khó nhưng lại có lòng mến mộ đối với nhiều văn sĩ thời bấy giờ. Trong số ấy có thi sĩ Nguyễn Bính thường hay qua lại và xin bà giáo "Nấu cho em xin bát cơm canh dưa!", bởi thi sĩ của làng quê cũng biết rằng, ngoài cơm canh dưa thì nhà ông giáo cũng chẳng thể có gì hơn để đãi khách!

Vào tuổi hoa niên thì người mẹ quê miền Kinh Bắc của Dương Tuyết Lan qua đời, để lại đàn em nheo nhóc. Trong đêm khóc mẹ, Dương Tuyết Lan bật tiếng khóc thành thơ, thế là bà đến với thơ từ đó. Những năm Hà Nội bị tạm chiếm, Dương Tuyết Lan theo gia đình đi tản cư rồi lại trở lại nội thành hoạt động trong phong trào học sinh nội đô, có lần bị địch bắt giam.

Khi đó, những người bạn của bà là Minh Đức, Minh Tân, Băng Sơn, Băng Hồ, Hồng Anh, Bùi Lệ Mỹ... hay tụ họp nhau để trao đổi về văn chương. Họ chọn các tờ báo như Quê hương, Giác ngộ, Cải tạo, Hồ Gươm để đăng các bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước ẩn giấu trong niềm tin về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giải phóng Thủ đô.

Bà Dương Tuyết Lan kể lại: "Hồi đó, chúng tôi rất mong ra một tập thơ, nhưng làm thế nào để có tiền đây? May mà chị Hồng Anh có duy nhất một thứ trang sức là đôi hoa tai đã bán đi để lấy tiền in tập thơ, họa sĩ Mộng Chương nhận vẽ bìa giúp. Đó là tập thơ đầu tay của chúng tôi có tên là "Hương mùa chinh chiến".

Trang đầu của tập thơ, chúng tôi còn dành trang trọng cho hàng chữ: "Kính dâng người dân quê đương dựng nước". Bộ phận kiểm duyệt tuy chẳng ưa dòng chữ này nhưng rồi vẫn phải cho in bởi chẳng có lý lẽ gì bắt bẻ được nhưng vẫn có những bài bị kiểm duyệt cắt bỏ. Khi tập thơ này in xong, chúng tôi bàn nhau viết tay hoặc điền vào những chỗ bị kiểm duyệt rồi mới tặng bạn bè hoặc phát hành".

Trong tập "Hương mùa chinh chiến", Dương Tuyết Lan được tuyển vào đây 4 bài thơ có tên "Thu sang", "Tiễn đưa", "Đừng chán nản", "Hận lòng". Tất cả những bài thơ này đều mang tâm trạng của những thanh niên trí thức với nỗi đau quê hương chìm trong điêu linh chinh chiến và niềm trăn trở, khao khát được sống, cống hiến cho lý tưởng cao đẹp vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Đây là tâm trạng chung của lứa thanh niên sống trong những năm tháng Thủ đô bị tạm chiếm, đặc biệt là lớp văn nghệ sĩ trẻ. Sau sự ra đời tập thơ đầu tay này, vào giữa năm 1951, Dương Tuyết Lan và các bạn Minh Tân, Hồng Anh, Minh Đức còn dự định sẽ ra thêm một tập thơ có tên "Sóng lòng" và cá nhân Dương Tuyết Lan còn dự định sẽ hoàn thành một tiểu thuyết có tên "Bến xưa".

Nhưng thời buổi loạn ly, mọi người đều bị cuốn vào các ngả mưu sinh và cốt làm sao đảm bảo sự an toàn cho cá nhân và gia đình, nên "mộng văn chương" cũng theo đó mà bị gác lại. Nhà thơ Dương Tuyết Lan sau đó cũng "theo chồng bỏ cuộc chơi", trở thành một cô giáo, thành người vợ, người mẹ tảo tần...

Cho đến khi nghỉ hưu vào những năm 80 của thế kỷ trước, bà Dương Tuyết Lan mới trở lại với thơ. Bà viết nhiều, viết bất cứ khi nào cảm thấy thôi thúc, đặc biệt là bà vô cùng thích thú với việc họa thơ thành chữ thư pháp.

Thơ Dương Tuyết Lan được in rải rác trên các báo và nhiều lần lọt vào các tuyển tập. Trong vòng 25 năm từ 1988 đến 2012, bà cho in 5 tập thơ là "Hoa tím" (NXB Hà Nội, 1988), "Xuân quê" (NXB Văn học, 2000), "Phố cũ" (NXB Thanh niên, 2002), "Tháng ba" (NXB Thanh niên, 2006), "Con sóng" (NXB Thanh niên, 2012).

Nhiều người có cảm giác như nhiều năm tháng thơ Dương Tuyết Lan bị dồn nén nay được thỏa chí "bung" ra. Niềm vui, niềm đam mê văn chương, thư pháp khiến bà trẻ hơn khá nhiều so với tuổi thực. Giống như "Của riêng còn một chút này làm tin", thời gian trôi đi, chỉ có những vần thơ đến từ tâm cảm là còn lại. Bà Dương Tuyết Lan bầu bạn với thơ và với bà hình như thơ trở thành chốn nương tựa cuối cùng...

Nguyệt Hà
.
.