Nghệ thuật như cuộc đời

Thứ Bảy, 28/01/2017, 08:01
Cuộc sống cũng như mỗi con người, có lúc vui lúc buồn, khi ồn ào khi tĩnh lặng, lúc đậm đà khi tẻ nhạt... Vì vậy, mới có khái niệm “tẻ nhạt” này. Nhưng với sự tẻ nhạt, mỗi người cũng có những suy nghĩ khác nhau tùy từng góc nhìn, ở từng thời điểm.


Đậm đà và tẻ nhạt

Nhà thơ Eptusenco (Nga) nhìn vấn đề này rất nhân hậu, bao dung: “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu”...

Một nhà thơ Nga khác cũng nổi tiếng không kém là Raxun Gamzatop thì lại không thích sự tẻ nhạt, dù ông cũng là một người độ lượng, bao dung: “Ai là người lắm lời hơn cả?/ Cô gái già không có người yêu/ Ai là người lắm lời hơn cả?/ Nhà thơ vô danh luống tuổi viết nhiều”.

Thế ra, không phải ít lời, im lặng là tẻ nhạt, mà ồn ào, lắm lời lại mới là tẻ nhạt. Đây là một quan niệm sâu sắc. Gần đây, chúng ta hay nói về chất lượng của cuộc sống. Khái niệm này về mặt vật chất thì dễ thống nhất, nhưng về mặt tinh thần thì lại khó nhất trí lắm thay!

Cuộc sống mỗi con người đậm đà hay tẻ nhạt có phải là tiêu chí để đánh giá không? Vì sao những triết gia như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lại thốt lên: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”. Hay như Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến khi tĩnh lặng đến tận cùng: “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo”, ta lại thấy các ông sâu sắc, đậm đà nhất!

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa, trả lời phỏng vấn báo Tinh hoa Việt số 24 (25/3 – 10/4/2016) nói: “Người già tẻ nhạt thì có gì phải buồn. Sợ nhất những anh trẻ mà lại tẻ nhạt. Tẻ nhạt mà có sức khỏe thì kinh lắm. Vì cái nhạt ấy sẽ rất khiếp. Điều đó cũng đáng sợ như những lão già mà lại không chịu già”. Nghệ sĩ nhân dân Bùi Bài Bình thì lại rất ý thức: “Hết thời rồi thì im lặng”. Đó là một người tự biết.

Truyện Kiều - Tác phẩm văn học bất hủ.

Thế là mỗi người một quan niệm, nhưng tựu trung cũng đều sợ sự tẻ nhạt với mức độ khác nhau. Theo tôi, sự tẻ nhạt trong cuộc sống thì ai phần nấy chịu, nhưng sự tẻ nhạt trong văn chương nghệ thuật mới thật khủng khiếp, vì nó ảnh hưởng đến nhiều người. Một tác phẩm tẻ nhạt có thể in hàng vạn bản và số người đọc lại nhân lên nhiều lần.

Chết nỗi, trong thời buổi hiện nay, nhiều ông bầu lại có tài biến những chú đom đóm thành những vì tinh tú (tất nhiên là tinh tú giả). Thế là cái ánh sáng giả kia cứ bập bùng le lói như ma trơi ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người.

Nền văn chương nghệ thuật đương đại của chúng ta có những thành tựu bị che lấp, có những sự tẻ nhạt được khuếch trương, thực sự là đáng báo động. Tại sao vậy? Do hình bóng của nền kinh tế thị trường chăng? Cũng không có gì lạ, cuộc sống có hàng giả, thực phẩm bẩn, có việc mua quan bán tước, những chốn trước kia thật thiêng liêng mà nay maphia cũng vào được, thì văn chương nghệ thuật cũng là đời, làm sao mà tránh khỏi.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn đề cao vai trò to lớn của văn chương nghệ thuật đối với đời sống xã hội, vậy những tiêu cực khủng khiếp trên các lĩnh vực hiện nay, văn học nghệ thuật có chịu phần trách nhiệm không?

Nhưng xã hội nào cũng có những người chân chính, thời đại nào cũng có những nhà văn chân chính, họ sẽ gánh vác nhiệm vụ mà thời đại đặt lên vai mình một cách tự nhiên, âm thầm và giữ lửa cho thời đại ấy, giữ sự đậm đà cho văn chương nghệ thuật thời ấy. Ai biết một chức quan võ nhỏ như Nguyễn Du mà lại để cho đời một “Truyện Kiều”? Ai biết một ông tú tài “ăn lương vợ” như Tú Xương mà Tam nguyên Yên Đổ tận đáy lòng đã thốt lên: “Kìa ai chín suối xương không nát?”.

Thực danh và hư danh

Ở đời, ngoài ước mơ có cuộc sống vật chất no đủ, mọi người thường ước mơ có một cái danh sáng đẹp. Đó là một ước mơ chính đáng. Tuy nhiên, ước mơ của mỗi người một khác. Có người ước mơ trên cơ sở thực chất của mình, mang sức mình, khả năng của mình để phấn đấu tạo dựng làm nên thực danh.

Nhưng cũng có những người khả năng có hạn mà tham vọng thì lớn, nên bằng cách này cách khác tạo lập cái danh to quá giá trị thực sự của mình; đó là hư danh. Thực danh thì được mọi người trân trọng, còn hư danh thì bị người đời coi thường. Cho nên trong cuộc sống có những người chức tước thì to, hàm hiệu thì lớn mà vẫn không được mọi người tôn trọng.

Trong văn chương, nhiều vĩ nhân đã nói về thực danh, như Lý Bạch (Trung Quốc), A. Puskin (nga), Nguyễn Công Trứ... Thời hiện đại, Chế Lan Viên là một người rất tỉnh táo khi viết về vấn đề này. Ông đã viết rất chí lý: “Đã thơm rồi, đâu chịu vô danh”.

Nhưng ông lại viết đại ý: Chớ hư danh, sao Bắc Đẩu triệu năm rồi cũng méo! Không biết đấy là ông viết theo nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng hay là cảm quan thực sự của một nghệ sĩ? Hai ý thơ đó của Chế Lan Viên bộc lộ sự trăn trở của ông về danh phận ở đời. Điều đó cho chúng ta hiểu thêm, nó thống nhất với những gì ông suy nghĩ trong những tập “Di cảo thơ” của ông.

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong tâm trí mọi người thì anh luôn luôn trẻ, vậy mà khi mới bốn mươi tuổi anh đã viết về cái danh rất đáng để suy ngẫm: “Giờ thì em đã chán/ Những vinh quang hão huyền? Muốn làm làn mây trắng/ Bay cho chiều bình yên” (Gửi bác Trần Nhuận Minh). Có một người mà cuộc đời và thơ ca rất đủng đỉnh lặng lẽ, nhưng thấp thoáng có những câu thơ bừng sáng; tôi nhớ đến nhà thơ Trần Lê Văn.

Trong cuộc đời, tôi gặp nhà thơ Trần Lê Văn có một lần, đó là vào mùa xuân 1997, cách đây vừa tròn hai mươi năm khi ông ở trong đoàn nhà văn Hà Nội về thăm tỉnh Hưng Yên mới tái lập. Tôi nhớ dáng ông cao, tóc đã bạc, mặt phúc hậu, nước da hồng hào. Khi đó, tôi đang là Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên nên được tiếp ông. Đó cũng là cơ duyên để sau này tôi chú ý đọc thơ của ông. Ở đây, tôi chỉ nhắc đến một câu thơ của ông nói về danh phận ở đời rất sâu sắc: “Tỉnh ra, núi cũng thấy mình phù vân...”.

Phải chăng những tâm hồn thực sự lớn thì không quá coi trọng cái danh, dù đấy là thực danh. Nhà thơ Tố Hữu cũng có suy nghĩ này chăng mà khi ông viết về hình tượng Bác Hồ có một câu thơ nói được đúng tầm vóc, tâm hồn của Bác: “Như đỉnh non cao tự giấu hình”.

Còn “hư danh” thì ấn tượng sâu đậm nhất với tôi được nhớ mãi là từ cuối cùng trong bài thơ “Dửng dưng” của Tố Hữu trong tập thơ “Từ ấy” viết cách đây gần một thế kỷ, khi nhà thơ viết về Huế dưới sự đô hộ của thực dân Pháp: “Ai tưởng thiên đường sao nhấp nhánh/ Tài hoa tinh kết ngọc long lanh/ Ta chỉ thấy nơi đây mồ lạnh/ Chôn linh hồn đắm đuối hư danh”...

Có thể nói trên đời có bao nhiêu hiện tượng thực danh thì cũng có bấy nhiêu hiện tượng hư danh. Nghĩa là nhiều vô kể. Nhưng tỷ lệ này không phải cố định bất biến. Thời thịnh thì thực danh nhiều hơn hư danh. Thời suy thì ngược lại. Thời nào mà cái danh có thể mua được thì hư danh sẽ rất nhiều, từ danh nhỏ đến danh lớn. Nhưng thôi, đó là một vấn đề xã hội rộng lớn, tôi không đủ sức bàn. Chỉ tính riêng trong chuyện văn chương nghệ thuật thì nay thấy sự hư danh phát triển quá tràn lan.

Nhưng hư danh thì nhanh chóng tiêu tan, còn thực danh thì cũng bị thời gian sàng lọc rất khắc nghiệt. Đó cũng là một quy luật khách quan tự nhiên thôi, không ai có thể làm ngược, tác động để thay đổi được, dẫu lịch sử cũng có nhiều nhầm lẫn.

“Trăm năm bia đá cũng mòn...”. Đó là quy luật. Nắm được quy luật thì hãy thanh thản sống, làm những điều có ích phù hợp với cuộc sống mình, không ảo vọng. Những thực danh to nhỏ ở đời là do đời chọn lọc, không mấy danh nhân thật sự cố công xây dựng cả.

Đinh Quang Tốn - Xuân 2017
.
.