Kỷ niệm 250 ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015)

Tính hiện đại trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du

Thứ Năm, 03/12/2015, 08:00
Lâu nay, việc bàn luận về thân thế, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của không chỉ các bậc thức giả, mà còn ở cả những bạn đọc bình thường; người ta đã trầm trồ về thi hào và thi phẩm của Cụ ở các hội trường - diễn đàn lớn đã đành, mà còn ở cả những khi xẩm tối lúc tàn canh, như ngẫu hứng, hết sức say sưa.

Nội dung bàn luận quả là nhiều, vô cùng phong phú, từ tư tưởng đến tài nghệ văn chương, từ chữ Tâm với cái Tài và sự tinh tế diệu nghệ trong toàn bộ trước tác của Cụ đến từng câu từng chữ cụ thể trong "Truyện Kiều" bất hủ hay ở cả những vần thơ ngụ cảnh hoặc cảm thán thời thế…

Hôm nay, chúng tôi muốn gợi bàn về một ý chưa được mấy ai để công khảo cứu cho thấu triệt, ý ấy là: Tính hiện đại trong thi phẩm "Truyện Kiều" của Cụ Tố Như.

Trước hết, xin nói ngay rằng: Không phải mọi danh tác của người xưa đều có giá trị hiện đại, bởi, ta vẫn biết rằng có rất nhiều thi văn phẩm đẹp vẻ đẹp long lanh của cổ tích, không có gì sánh được, đó là vẻ đẹp và giá trị của những tác phẩm vốn được gìn giữ và tôn vinh trong các nhà bảo tàng. Còn "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, đương nhiên, đã là một chân giá trị như thế, nhưng quý hóa hơn, nhiều thế hệ đời sau, như thế hệ chúng ta hôm nay, khi đọc và ngẫm từng câu từng đoạn trong "Truyện Kiều", vẫn thấy như Cụ đang viết về một ai đó trong không gian hôm nay, bằng nghệ thuật thơ lục bát của người Việt hôm nay.

Tranh minh họa “Truyện Kiều” của nghệ sĩ Ngọc Mai (trái) và Mai Thứ.

Xin đơn cử một số ví dụ:

Ví dụ 1. Trong "Truyện Kiều" có hai nhân vật đáng bàn thêm, là Thúy Kiều và Hoạn Thư. Xét từ nghệ thuật dựng/ mô tả/ khắc họa tính cách nhân vật, thì ta thấy có vài chặng phát triển. Chẳng hạn:

Chặng đầu, Thúy Kiều là cô gái thơ ngây và bồng bột trong tình yêu (nàng Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình), và quả quyết trong việc bán mình chuộc cha.

Còn Hoạn Thư, ở chặng đầu, là người phụ nữ ghen tuông đa mưu túc trí thường tình qua một loạt hành động: bắt cóc Thúy Kiều về, bắt Thúy Kiều hầu đàn cho Thúc Sinh và mình... Lúc này, Hoạn Thư làm cho hả lòng ghen như một người đàn bà sẵn quyền lực.

Ở chặng sau, đoạn báo ân báo oán, ta dễ thấy:

Thúy Kiều không thơ ngây nữa, Thúy Kiều đã là người đàn bà cũng biết dùng uy quyền để rửa hận. Lời nói của Thúy Kiều lúc này thật sắc sảo, đa nghĩa và cũng là đáo để có thừa.

Để thoát thân, Hoan Thư đã biết lựa lời van xin Thúy Kiều, kể lể với Thúy Kiều, "đánh" vào lòng trắc ẩn của Thúy Kiều… Kết quả: Hoạn Thư thoát nạn.

Cái cách, cái lối tạo ra hoàn cảnh cụ thể, để cho tính cách nhân vật Thúy Kiều và nhân vật Hoan Thư được phát triển theo hướng khôn ngoan, sắc sảo, đáo để… hơn như thế, là rất gần, nếu như không nói rằng đó chính là cách khắc họa nhân vật mà truyện ngắn và tiểu thuyết đương đại ta hay làm.

Vậy là Nguyễn Du đi trước thời đại của Cụ trong nghệ thuật làm thơ kể chuyện đời ư? Vâng, quả có thế.

Ví dụ 2. Cũng nói về nghệ thuật của "Truyện Kiều", ta còn thấy có tính hiện đại ở chỗ: Toàn bộ "Truyện Kiều", đoạn kể chuyện Thúy Kiều thủa thiếu nữ, đoạn kể chuyện nàng ở lầu xanh… đoạn kể chuyện Thúc Sinh, đoạn kể chuyện Kim Trọng, hay Từ Hải… đoạn nào ra đoạn ấy. Các đoạn lại liên kết với nhau rất hợp lý lẽ, như chính sự thể vẫn biến diễn trong cuộc đời thường, không thừa câu chữ, không thiếu dòng thơ nào khiến khó hiểu, đấy là nhờ vào tư duy nghệ thuật và tài năng cấu trúc nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Đó là lối cấu trúc chặt chẽ mà vẫn hướng cho người đọc một sự hình dung, tưởng tượng riêng. Vì thế, nó khiến cho mỗi người đọc hôm nay đều vừa đồng ý đồng tình với nhau về giá trị cơ bản, vững bền của "Truyện Kiều", thông qua việc được cùng tác giả xưa buồn thương, thông cảm, phẫn uất, xót xa, mừng vui, hờn tủi… cùng hành trạng của những Thúy Kiều, Thúc Sinh, Từ Hải; thông qua cả những dòng thơ như những khúc nhạc lòng mô tả tâm trạng của Thúy Kiều hay cảnh quan quanh nàng theo cái nhìn từ tâm sự của nàng. Được cuốn hút, dẫn dắt đi như thế khi tự đọc hay nghe người khác kể và trích đọc "Truyện Kiều", công chúng lứa con cháu tác giả bao nhiêu năm trước đến tận bây giờ lại vẫn đã và còn có thể tự hình dung ra hình ảnh và vóc dáng, đặc biệt là thế giới nội tâm, ý nghĩ trong đầu cùng lời nói, động tác của Thúy Kiều và Thúy Vân, Mã Giám Sinh và Hoạn Thư, Kim Trọng và Thúc Sinh hay Từ Hải và Hồ Tôn Hiến… Đó là sự hình dung không hoàn toàn giống nhau của mỗi người khi được tiếp xúc với "Truyện Kiều".

Trong cái khuôn thức mang dáng dấp của cấu trúc tiểu thuyết chương hồi cổ xưa như Hoàng Lê nhất thống chí, với quan niệm Văn dĩ tải đạo, Thơ dĩ ngôn chí truyền thống, tác giả thiên tài của "Truyện Kiều" vẫn đã gợi dẫn cho người đời sau có được sự phóng khoáng trong trí tưởng tượng mà có được cái phiên bản riêng của mình về Thúy Kiều hay Thúy Vân, Kim Trọng hay Thúc Sinh, đó là nhờ vào cảm quan và tài năng nghệ thuật đi trước thời đại của tác giả, đó cũng chính là dấu hiệu để ngày nay ta cho rằng "Truyện Kiều" của Cụ Tố Như có tính hiện đại vậy.

Ví dụ 3.  Xin nhắc lại những cuộc tình của Thúy Kiều trong thiên tuyệt bút của Cụ Tố Như, ta có thể thấy đại thể: Với Từ Hải, là trai tài gái sắc quý trọng nhau, mà có nghĩa với nhau, thật đáng nâng niu, vui mừng thỏa nguyện đấy, mà xót xa tiếc nuối bàng hoàng nữa; Với Thúc Sinh, là cũng tri âm tri kỷ theo cách riêng, hoàn cảnh riêng nhờ thế mà được cứu vớt, nào ngờ gặp nỗi oan khiên khác… Cả hai đều là lẽ thường tình của phận nữ thuyền quyên trót mang có tài sắc đột xuất vào bậc quốc sắc thiên hương xưa nay.

Riêng có cuộc tình của Thúy Kiều với Kim Trọng thì vừa cổ điển cổ xưa, lại vừa đậm chất hiện đại hơn cả. Cụ Tố Như kể với ta rằng Thúy Kiều đã rất tự nhiên và quả quyết khi tìm đến với chàng Kim trong đêm khuya thanh vắng… Nhưng nàng trong đắm say mà thấy có chiều lả lơi thì đã kịp nhắc Kim dừng lại, đó là sự tỉnh táo và bình tĩnh của con người đương đại. Còn Kim Trọng thì quả là một thanh niên đến với tình yêu thật cũng quả quyết đến khác thường so với đương thời. Cả hai - Thúy Kiều và Kim Trọng lúc trẻ, đã không hành xử theo lối Nam nữ thụ thụ bất thân, chờ cho cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, mà họ đã chạy theo, cuốn theo khát vọng tự do yêu đương, một biểu hiện chỉ thấy phổ biến ở thời dân chủ tư sản sau đó. Đặc biệt là Kim Trọng, Cụ Tố Như kể rằng: Sau hơn 10 năm xa Thúy Kiều mà không nguôi thương nhớ, khi mới nhậm chức, dẫu đã có vợ, Kim Trọng vẫn làm ngay một việc, là hỏi tìm tung tích của người tình. Được một nha lại cho biết sự thể, Kim Trọng liền Rắp tâm treo ấn từ quan/ Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha/ Dấn mình trong án can qua/ Vào sinh ra tử họa là thấy nhau. Đó quả là hành động "phá bỏ thể cách đương thời" của một ông quan, một người đàn ông "mẫu mực" thủa xưa, mà gần với hành động của người đàn ông của thời dân chủ, dám hành động theo khát vọng tự do yêu đương. Bạn đọc hôm nay có thể có người cho rằng Kim Trọng thế là "dại", là thiếu cẩn trọng… Còn Cụ Nguyễn thì cứ theo cái logic của cuộc sống, của tính cách của một nhân vật tình nặng mà dựng, mà kể, thế thôi. Viết/ kể như vậy, chính là cách viết truyện của ngày hôm nay - chuyện là vậy, tôi cứ kể, bạn tin thì tin, thích thì thích, không thì cứ coi như là Mua vui cũng được một vài trống canh thôi!

Có vẻ khuôn mẫu theo thời khi dựng chuyện tình yêu mà vẫn không cực đoan áp đặt một cách đọc - hiểu đối với người tiếp nhận tác phẩm của mình như thế, thi hào Nguyễn Du xưa đã tự tạo cho tác phẩm, của mình có tính hiện đại. Cụ quả là tác gia cổ điển, cổ đại mà vẫn đương thì với chúng ta.

Nguyên An
.
.