"Đào hoa mộng ký" tác phẩm viết tiếp "Truyện Kiều"

Thứ Bảy, 05/12/2015, 08:00
Các nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm trong bộ sách "Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam" đã xác định trong thời trung đại, Việt Nam có tổng cộng 37 tiểu thuyết viết bằng chữ Hán. Trong đó có một hiện tượng văn học kỳ thú: Tác phẩm "Đào hoa mộng ký" do Tiên Phong Liên Đình soạn, Lê Bỉnh Đức đề thơ, Tương Giang Mai Cát Phủ đề từ và viết những phần bình luận. Văn bản còn lại ghi rõ đây là tác phẩm "Đào hoa mộng ký tục Đoạn trường tân thanh", tức là tác phẩm này viết nối tiếp "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du.

Hiện nay có hai bản "Đào hoa mộng ký", đều ở dạng viết tay, được tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), mang các ký hiệu thư mục là VHv.2152 và A.436.

Tiên Phong Liên Đình tên thật là Nguyễn Đăng Tuyển (1795 - 1880). Ông còn có hiệu là Mộng Liên Đình và Hy Lượng Phủ, người làng Hoài Thượng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ Tú tài năm Minh Mệnh 17 (1836), làm Giám sinh Quốc tử giám, làm chủ sự Bộ Hộ rồi được thăng lên các chức Thừa chỉ, Thị độc, Sử quán biên tu và cuối cùng giữ chức Tri phủ Thuận Thành trước khi về hưu. Ông có đi sứ Trung Quốc. Ngoài "Đào hoa mộng ký", Nguyễn Đăng Tuyển còn có các tác phẩm như "Yên Đài anh ngữ", "Quốc phong thi hợp thái", "Sử ca".

Lê Bỉnh Đức tên thật là Lê Hựu, hiệu Thiệu Hiện và Lộc Đàm Chủ Nhân, nguyên Tổng đốc Bình Thuận. Còn Tương Giang Mai Cát Phủ chưa rõ tên thật và tiểu sử.

Một trang bản dịch quốc ngữ của “Đào Hoa Mộng Ký”.

"Đào hoa mộng ký tục Đoạn trường tân thanh" như tên gọi, có thể nói là hậu "Truyện Kiều". "Đào hoa mộng ký tục Đoạn trường tân thanh" lấy bối cảnh hoàn toàn ở Việt Nam, với những địa danh Việt Nam. Tuy nhiên, phần chính của "Đào hoa mộng ký" với tư cách là một truyện thơ Nôm 8 quyển 20 hồi, thì nay chỉ còn lại 2 hồi, gần 300 câu. Các phần bình luận, dẫn nhập cho 18 hồi sau cũng đã mất theo. Nhưng còn hai thiên lược truyện bằng văn xuôi chữ Hán là "Hội chân ký" (Nguyên Sinh tiểu truyện) và "Đào hoa mộng" (Lan Nương tiểu truyện), tuy ngắn, nhưng cũng đủ cho chúng ta biết được nội dung của cốt truyện. Tác phẩm là sự hỗn hợp giữa tiểu thuyết chữ Hán và truyện thơ Nôm lục bát. Đây cũng là một sự kết hợp hiếm có giữa hai thể loại và là hiện tượng đặc sắc trong văn học trung đại Việt Nam.

Câu chuyện diễn ra là ở vùng Sơn Hưng Tuyên, vùng đất gắn liền với cuộc đời của Nguyễn Đăng Tuyển. Ông quê gốc ở Bắc Ninh, nhưng từ đời cha đã dọn đến vùng huyện Tiên Phong, Sơn Tây.

Câu chuyện "Đào hoa mộng ký" có thể tóm tắt như sau:

Nguyên Sinh người Giang Bắc, tổ tiên nhiều đời làm quan to cho nhà Lê. Sau khi nhà Lê mất, cha Sinh đưa gia đình di cư lên miền Tây. Sinh là con út trong gia đình, lúc chàng sắp chào đời, người mẹ mộng thấy nuốt một đóa sen trắng rồi sinh ra chàng, nhân đó đặt tên là Tịnh, tên chữ là Kim Liên. Lớn nên chàng am hiểu thi thư, âm luật, thường đi săn. Chàng lấy vợ là nàng Trần Thư (kiếp trước là Thúy Vân). Thường theo hầu chàng đi săn có bọn chó săn và chim ưng (chính là Ưng, Khuyển trong "Truyện Kiều").

Nàng Kiều Lan vốn họ Ngọc, là một cô đào hát có tài có sắc nổi danh ở Tây Giang, có cô em gái là Kiều Huệ (kiếp trước là Đạm Tiên) cũng có nhan sắc. Hai chị em mồ côi cha, sống với người mẹ là Lan Mẫu (hậu thân của vãi Giác Duyên). Kiều Lan biết chữ nghĩa và đặc biệt thích đọc tác phẩm "Đoạn trường tân thanh". Vào một ngày xuân, nhân có khóm đào trong vườn nhà nở rộ, nàng bẻ một cành và vịnh một bài thơ thương tiếc cho kiếp hoa sớm nở tối tàn. Đêm hôm đó, nàng mộng thấy chục cô bạn gái mặt hoa da phấn (là hậu thân của những cô gái ở cùng lầu xanh với Thúy Kiều, kiếp này là hoa thần) đến chào và báo cho biết nàng chính là hậu thân của Vương Thúy Kiều. Kiếp này nàng sẽ gặp người là hậu thân của Kim Trọng và họ sẽ sống với nhau tròn 15 năm, để bù lại 15 năm lưu lạc.

Vào mùa hè, ba mẹ con Kiều Lan chèo thuyền đến Hạc Giang chơi, ghé thăm chùa Hoa Long. Tại đó họ gặp Nguyên Sinh. Kiều Lan nghe thấy tên hiệu của chàng trùng với lời báo mộng của hoa thần, nàng biết đó chính là hậu thân của Kim Trọng. Về phần Nguyên Sinh, vừa nhìn thấy Kiều Lan đã thầm yêu. Vợ chàng là Trần Thư hiếm muộn, mẹ chàng cũng đang muốn tìm thêm cho chàng một người thiếp. Lan Mẫu, mẹ của Kiều Lan cũng có ý muốn gả Lan cho chàng. Lan Mẫu nhờ bà bán quán là Kiều Ẩu (kiếp trước là lão Ẩu nhà Hoạn Thư) và người chị dâu là Quan Thị (kiếp trước là mẹ Hoạn Thư) làm mối. Quan Thị có cô con gái mười hai, mười ba tuổi tên là Thư (kiếp trước là Hoạn Thư), mặt mũi xinh xắn. Lan Mẫu và Lan mời gia đình Kiều Ẩu cùng về quê với mình sinh sống. Thư bái Lan làm thầy, theo học đàn hát.

Việc mai mối thành, Nguyên Sinh và Kiều Lan thành vợ chồng, sống với nhau rất hạnh phúc. Mẹ Sinh và Trần Thư cũng rất vui mừng, ưu ái Lan. Ít lâu sau, Nguyên Sinh được lệnh đi làm việc quan. Kiều Lan ở nhà với mẹ và em, thỉnh thoảng sang sông thăm viếng mẹ chồng và Trần Thư. Kiều Huệ được một người khách buôn ở Việt Đông (kiếp trước là người khách phương xa) đến đưa sính lễ xin cưới. Lan Mẫu đồng ý gả. Kiều Huệ ra đi với chồng.

Mẹ Kiều Lan lâm bệnh nặng, dặn nàng chờ Nguyên Sinh về xây cho ngôi tháp trong chùa Hoa Long, táng xá lị của bà vào đó, lại bảo nàng tìm đường lên chùa Tàng Vân trên đỉnh Tam Đảo lập đàn chay cầu siêu cho bà. Cao Tăng (kiếp trước là Chung Công) ở chùa Hoa Long cho Kiều Lan mấy đạo bùa để giữ mình. Trên đường lên Tam Đảo, đoàn nô bộc của Kiều Lan bị con hồ tinh (kiếp trước là Hồ Tôn Hiến), cùng bọn tay chân là hầu tinh (kiếp trước là Sở Khanh), mã tinh (kiếp trước là Mã Giám Sinh), dương tinh (kiếp trước là Bạc Hạnh) và trư tinh (kiếp trước là Tú Bạc) ở động Hổ Nham săn đuổi. Ưng, Khuyển bị chết cháy.

Giữa lúc đó, một tù trưởng nghĩa hiệp là Dư Mỗi (kiếp trước là Từ Hải) đến giải cứu. Riêng Kiều Lan và Quan Thư được một Đạo Cô cứu, đưa lên đình Vọng Nguyệt ở sườn Tam Đảo, rồi đưa lên chùa Tàng Vân trên núi.

“Đào Hoa Mộng Ký” đã được in trong Tổng tập Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam.

Sau khi giết được yêu tinh, danh tiếng của Dư Mỗi vang dội, nên Dư Mỗi bị bọn ghen ghét tố giác, bị quan tỉnh Sơn bắt giam. Nguyên Sinh theo lệnh triều đình trấn giữ Tuyên Quang, nhân ghé thăm nhà mà biết việc Kiều Lan lên Tam Đảo. Sau đó chàng được cử làm Tổng binh dẹp loạn ở hai tỉnh Sơn và Tuyên, nhân đó giải oan cho Dư Mỗi. Chàng lên đỉnh Tàng Vân ở Tam Đảo tìm gặp lại Kiều Lan và đưa nàng về thăm quê. Lúc này Kiều Huệ từ Việt Đông về, báo tin chồng đã mất. Kiều Huệ xuất gia, tu ngay tại ngôi chùa trong vườn nhà.

Nguyên Sinh dẹp loạn thắng lợi trở về lại được sai đi vỗ về dân chúng vùng biên, chàng dâng sớ xin tha cho Dư Mỗi. Nguyên Sinh còn cầm quân dẹp phỉ Thanh, cứu nhà buôn Mã Thương ở phố Hà Dương, con gái nhà buôn này là Mã Kiều (kiếp trước cũng là Mã Kiều) được gả cho Dư Mỗi. Một người bạn phong lưu giàu có của Dư Mỗi là Giải Sinh (kiếp trước là Thúc Sinh) được làm mối lấy Quan Thư.

Một đêm kia, Kiều Lan lại được hoa thần báo mộng cho biết tên từng người trong đời này họ gặp vốn là những nhân vật từng có quan hệ duyên nợ, oan trái với họ kiếp trước trong "Đoạn trường tân thanh". Hoa thần cũng cho Lan Nương biết kỳ hạn sum họp với Nguyên Sinh 15 năm kiếp này để đền bù 15 năm lưu lạc của Thuý Kiều kiếp trước nay đã hết, nàng sắp được trở lại làm ngọc nữ ở cõi tiên. Kiều Lan còn quyến luyến cõi trần hơn một năm mới rời đi hẳn. Có người ở Tuyên Quang gặp nàng đứng trên núi Hổ Nham, nhắn Nguyên Sinh rằng nàng đang chờ chàng trên đình Vọng Nguyệt.

Trong lịch sử văn học Phương Đông, việc viết tiếp tác phẩm là điều phổ biến. "Truyện Kiều" cũng là nguồn cảm hứng cho biết bao bài thơ của các nhà thơ Việt Nam. Tác phẩm hậu "Truyện Kiều" này đặc sắc ở chỗ các nhân vật được Việt hóa hoàn toàn và nơi xảy ra câu chuyện cũng là trên đất Việt Nam. Hơn nữa, tất cả các nhân vật đều được thông báo cụ thể trong tác phẩm là hậu thân của nhân vật nào trong "Truyện Kiều". Bản thân các nhân vật trong "Đào hoa mộng ký" cũng được thông báo cho biết điều này.

"Đào hoa mộng ký" là một tác phẩm viết tiếp, tác phẩm phái sinh, đồng thời cũng là một chuyện tình tài tử giai nhân vừa viết bằng văn xuôi chữ Hán, vừa viết bằng thơ lục bát chữ Nôm. Trong kho tàng văn học Việt Nam, số lượng các truyện thơ Nôm và truyện văn xuôi chữ Hán về giai nhân tài tử vốn không thật nhiều. Vì vậy, sự xuất hiện của "Đào hoa mộng ký" lại càng hiếm quý. Các tác giả "Đào hoa mộng ký" đã góp thêm vào kho tàng văn học Việt Nam một tác phẩm đặc sắc và giàu ý nghĩa!

Hà Thanh Vân
.
.