Một cách nói trong “Ký ức Hà Nội”
Đọc “Chân dung”, tôi lờ mờ nhận ra nhân vật tạm coi là người tình của anh rất có thể là người ở một thế giới khác mà anh chưa tới được. Cho nên, anh vẫn đợi và vẫn đợi nhân vật người tình ấy đến già. Không thế làm sao anh viết: "Mọi thứ tưởng tượng đều hết linh thiêng/ Em là mẩu tin hàng ngày/ quán nước chè năm xu đầu phố/ Anh nhặt và anh nghe/ từ tay này anh chuyển em sang tay kia/ Anh nói/ - Em là con toán bất động sản/ Anh giải tìm trong lãng quên!/ Em là phin cà phê pha đêm/ Em nhỏ giọt vào mắt anh nóng bỏng/ Em nhỏ giọt vào tay anh sóng sánh/ Ta nhỏ giọt/ giọt giọt/ vào nhau".
Không thế làm sao anh viết: "Em ơi đêm nay hãy tẩm quất cho anh/ mỗi/ đốt/ xương/ anh / em rút lên trần nhà/ cao vót/ Em ngồi ngang lưng anh em ve vuốt/ cho vơi nỗi nhọc nhằn/ rồi cuối cùng một phút thảnh thơi hơn/ Em yêu anh gánh thêm đòn tội nợ/ Anh làm con nợ thời gian"…
Dường như có một sự tôn trọng tình yêu tuyệt đối và một sự bí mật của “Chân dung” đã được bộc lộ rất rõ trong câu: "Anh không quyền yêu em, em còn sạch quá". Không thế làm sao anh viết: "Hai mươi năm sau/ Em làm đàn bà góa/ Anh sẽ đến tìm em/ Anh sẽ đến vào đêm sập cửa/ phần con ta nuôi chung không cần đổi họ/ Ta ôm ấp mối tình tang". Viết đến đây, tự dưng tôi lại nhớ đến mấy câu thơ khá tương thích của nhà thơ lớn người Nga Exênhin: "Chúng ta thật gần nhau/ Chúng ta thật xa nhau/ Em trẻ, còn tôi thì trải qua tất cả".
Hình như “Chân dung” bị nhiều người để ý, thậm chí bị đay nghiến đi đay nghiến lại, tạo ra cú sốc ở mấy câu cuối: "Anh lang thang em/ Anh xanh xao em/ Anh mi ni em/ Đêm về/ Anh/ tiết/ canh/ em…". Có thể nhiều người cho rằng: “Anh lang thang em”, chưa sao; “Anh xanh xao em”, vẫn chưa sao; nhưng đến “Anh mi ni em” và “Đêm về anh tiết canh em” thì có vấn đề rồi và vấn đề càng lúc càng thêm nghiêm trọng, tất nhiên là chỉ trong thơ thôi.
Có thể đây là những câu thơ quá róng riết và có phần bạo liệt theo xu hướng cách tân xác quyết và xác tín về mặt thái độ, cách diễn đạt kiểu Lê Huy Quang chăng? Có thể đây là những câu thơ quá khác, không giống người nào, đi chệch đường ray của thói quen chăng? Hay là những câu thơ này đặt ra cái ranh giới hết sức mỏng manh của hiện tượng kỳ lạ và kỳ quặc? Và để phân biệt nó, rạch ròi nó, hình như không phải dễ.
“Anh có nỗi say mê để cắn vào thịt em”, “Anh mới ra tù ba tháng/ Vợ anh liền có chửa”, “Bà nội trợ đứng trên ban công phơi bầy bộ ngực” – đó là những câu thơ được viết theo lối “chơi đồ thô” mà vẫn rất hay, vẫn rất ấn tượng của Nadim Hikmet – nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu đấy mà là những câu thơ của một người Việt, của Lê Huy Quang chẳng hạn, không biết rồi sẽ có chuyện gì xảy ra đây?
Nhưng thơ Lê Huy Quang đâu chỉ có thế. Anh còn những trường ca và các tập thơ ngắn khác như “Hồ Chí Minh”, “Hồi ức tuổi hai mươi”, “Tuổi học trò”, “Tóc quê”, “Mắt quê”, “Một thời để nhớ”, “Tự Bạch”, “Ta về Hà Nội đi em”, “Phải khác” và bây giờ là “Ký ức Hà Nội” nữa kia mà!
Đọc những tập thơ ấy, ta thấy một Lê Huy Quang đa phong cách. Có lúc ông giản dị, trong sáng. Có lúc ông chỉn chu, cầu toàn. Có lúc ông riết róng, táo bạo; có lúc ông phiêu lưu, tìm kiếm… Nhưng dù như thế nào thì ông vẫn là ông, vẫn khác người, vẫn ưa cách tân, thích đột phá, theo tinh thần “phải khác”, mà lại từ rất sớm.
Với “Ký ức Hà Nội”, ban đầu, tôi không đồng ý với Lê Huy Quang ở phần “Vĩ thanh” khi ông viết những dòng đầu: “Vâng. Khép lại những ký ức về Hà Nội…” nhưng sau, đọc đến: “Để hôm nay Đông Đô… Thăng Long… Hà Nội vững bước đi lên trong tiếng gọi mùa xuân…” thì tôi hiểu… Thật ra Lê Huy Quang không tách rời quá khứ mà nương vào quá khứ để hướng về, hướng tới hiện tại và tương lai.
Trong “Ký ức Hà Nội” có nhiều lời mời gọi nên thơ, đầy dẫn dụ theo năm tháng, theo sự trưởng thành của đời người.
Đây là lời mời thứ nhất: "Ta về Hà Nội đi em/ như đàn chim ngói bay về làng Vòng hương cốm/ như mùa thu trái hồng non mọng/ Hoàng Thành rêu phong ngọn cỏ sầu buông…".
Đây là lời mời thứ hai: "Bàn tay em năm cửa ô xuôi ngược/ mớ cá mớ rau tàu điện mời chào/ bàn tay em nguyên vẹn cho tôi/ những hoài niệm đen trắng…".
Với tôi, “Ký ức Hà Nội” hấp dẫn bởi cách nói. Những câu thơ hay ở cách nói khá nhiều. Có thể thống kê: “Nối toa tôi về Ga tàu điện”; “Em ơi, khi ta bắt đầu/ cây chuyển nhựa, vào đêm ô-xy hóa/ ta sẽ chết dưới cây đầy các-bon”; “ơi lưng rượu nào, ai đầy tay/ ơi quán rượu nào, ai đầy say”; “một dúm nhìn em”, “Mặt nào. Ta cũng lênh đênh/ Mặt nào. Ta cũng buồn tênh. Kiếp người…”... Và đây nữa, mấy câu thật đặc sắc ở cách nói:
Bằng một phần
ngôn ngữ
làm Người
tôi ngợi ca
bạn bè tôi
ủ ấm
Trong cách nói, Lê Huy Quang có nhiều lúc thành công ở khả năng lay gợi, buông bắt hướng tới độc giả, như để độc giả cùng ông nắm bắt được một cảm giác nào đó, một sự mơ hồ nào đó, một tình cảm nào đó, trong sự tương đồng và tương sinh.
Đây là ví dụ thứ nhất:
Bể nước mưa gối chung hai mái nhà
cau một lần ra hoa
ai một lần đi qua
ta một lần ơi xa…
Đây là ví dụ thứ hai:
Em ơi tàu điện về Mơ
Mưa rời gốc liễu lưa thưa bóng chờ…
Thơ ăn nhau ở cách nói. Không có cách nói, không tạo ra dấu ấn cá nhân và không tạo ra sự khác biệt. Tạo ra dấu ấn cá nhân, tạo ra sự khác biệt, là sáng tạo, là cá tính và tài năng của người viết. Từ cách nói cũng tạo ra cách viết, kiểu viết.
Đọc “Ký ức Hà Nội”, tôi nhận ra và nhận thêm một cách nói, như là một phần tiên quyết, như là một nét khu biệt, như là một thế mạnh, trong thơ của Lê Huy Quang.