Đọc "Mê cung", tiểu thuyết của Nguyễn Đăng An, NXB Công an nhân dân, 2018

“Mê cung” và sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương

Thứ Sáu, 15/03/2019, 08:26
Mê cung" hấp dẫn, theo tôi, trước hết là nhờ vào một cốt truyện hay, hấp dẫn người đọc, giữ chân họ từ trang đầu đến trang cuối. Không phải tác giả viết truyện trinh thám nào cũng làm được thế...


1.Theo ý kiến của riêng tôi, không có cái gọi là “cận văn học”, hay “á văn học” hay “du hý” như quan niệm của một số ít người thành kiến nặng nề về mảng văn học trinh thám. Cũng là vì một thời gian dài ít nhiều chúng ta bị đông cứng trong những quan niệm nhất thành bất biến về vai trò, chức năng của văn học, nặng về nhận thức và giáo dục, xem nhẹ tính đa năng, đa biến, đa âm của nghệ thuật ngôn từ.

Từ rất lâu, tôi đã say mê đọc những tác phẩm văn học trinh thám thế giới như Sherlock Holmes, Nam tước Phôngônring, Chiếc khuy đồng, Bí mật bên bờ sông Enbơ, Nhà tình báo vĩ đại Rihac Gioocgiơ, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Rừng thẳm tuyết dày,... Một số nhà văn trong lực lượng Công an... cũng đã hào phóng tặng bạn đọc những tác phẩm thuộc dòng văn học trinh thám đặc sắc. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Hữu Mai, tác giả tiểu thuyết tình báo "Ông cố vấn" trở thành thành viên Hiệp hội Quốc tế Nhà văn viết truyện trinh thám (ASSOCIATION INTERNATIONALE DES ECRIVAINS POLICIER), thành lập tại Mehico, năm 1989.

Cũng không ngẫu nhiên dòng/thể loại văn học trinh thám Việt Nam hiện nay lại trỗi dậy và có thành tựu bởi sự đóng góp của các nhà văn trẻ như Nguyễn Đình Tú, Di Li, Tống Ngọc Hân,... Vì sao văn học trinh thám lại phục hưng? Dễ hiểu vì, cuộc sống hiện đại thời kỹ trị và thị trường, con người sống tranh đua, nhiều áp lực, đôi khi họ cần phóng chiếu, giải tỏa bằng những nhu cầu tinh thần khác trước, trong đó có những tác phẩm trinh thám, kinh dị, kỳ ảo.

Con người thời nào cũng cần được kích thích bởi cái lạ, cái gay cấn, hồi hộp trong sự trải nghiệm những cảm giác mạnh hướng tới cái kỳ bí. Văn học trinh thám có những tố chất theo tính đa biến, đa năng của nghệ thuật ngôn từ. Hơn thế, tôi nghĩ, nó phù hợp với cái gọi là văn hóa đại chúng, hợp với văn học thị trường khi thị hiếu của công chúng luôn biến động và biến đổi mau lẹ.

2. Tôi tự nhận mình là người theo sát quá trình Nguyễn Đăng An viết văn nói chung, viết "Mê cung" nói riêng hơn ai hết. Cuốn này ông ấp ủ, khởi thảo cách đây mấy năm.

Còn nhớ, sau khi ra mắt tập truyện ngắn có tiếng vang "Người đàn bà nghịch cát" (NXB Hội Nhà văn, 2013), tôi cổ vũ bạn mình viết tiểu thuyết trinh thám vì một lý do đơn giản ông là người trong lực lượng Công an. Ông sở hữu nhiều tư liệu quý về ngành, về đồng đội mình. Theo tôi, nếu không dùng thì lãng phí (suy cho cùng lãng phí cũng đáng phê phán). Viết được chừng dăm bảy chục trang thì tự nhiên ông ngưng... gõ máy tính.

Hỏi thì được trả lời cần đầu tư thêm, không phải vì thiếu “bột”, mà vì cần bố cục lại, thậm chí có thể phải dỡ ra viết lại. Ông nung nấu viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám về FULRO cho ra tấm ra món, đó là theo lời chia sẻ của tác giả với tôi trong tư cách đồng môn, đồng nghiệp văn chương. Bẵng đi một thời gian, gặp nhau ở Trại sáng tác của Bộ Công an (tại Hạ Long, Quảng Ninh, 4-2018), ông hào hứng khởi động viết tiếp.

Tôi đã dành thời gian đọc kỹ bản thảo và góp ý với tư cách trước hết là một người đọc có kinh nghiệm, sau nữa là tư cách người viết phê bình. Bản nhận xét khoảng 1000 chữ của tôi ông giữ cẩn thận cho đến khi sách ra thì hoàn trả chủ nhân.

Đọc tác phẩm mới ra lò của Nguyễn Đăng An, lần này tôi thấy so với bản thảo đọc ở Hạ Long, gọn ghẽ, sáng sủa, và nói như thiên hạ là “bắt mắt” hơn nhiều. Thật đáng để vui mừng và đáng để chia sẻ với bạn văn. Tôi cũng đã đọc tiểu thuyết "FULRO" (1982) của nhà văn Ngôn Vĩnh, người được gọi là cây bút chuyên viết về “đề tài nóng”. Thật là mỗi tác phẩm có những đặc sắc riêng.

3. "Mê cung" hấp dẫn, theo tôi, trước hết là nhờ vào một cốt truyện hay, hấp dẫn người đọc, giữ chân họ từ trang đầu đến trang cuối. Không phải tác giả viết truyện trinh thám nào cũng làm được thế. "Mê cung" kể những chuyện đấu trí căng thẳng, đôi lúc nghẹt thở giữa các chiến sỹ tình báo (thuộc lực lượng Ngoại biên) với tổ chức FULRO cả ở trong và ngoài nước sau 1975.

Một chuyên án lớn của lực lượng Công an nhân dân được xây dựng, triển khai, đi vào hiện thực đã tạo nên những “ma trận” thú vị, lôi cuốn bạn đọc theo dõi, bám sát từng diễn biến nhỏ nhất có tính cục bộ cho đến toàn cục có tính chiến lược. Cũng bởi FULRO bản chất là một tập đoàn tội phạm xuyên quốc gia nên trận đánh của chúng ta là một trận đánh lớn có ý nghĩa chiến lược bảo vệ hòa bình lâu dài và bền vững của đất nước.

Những trò chơi nghiệp vụ của lực lượng Công an được tung ra. Những “át chủ bài” được cài cắm, bố trí tạo nên những trận đánh đẹp (hiểu theo nghĩa ít đổ máu nhất). Đời sống xã hội sau năm 1975, hiểu theo nghĩa nào đó là có hòa bình nhưng chưa thực sự thanh bình, vì nhiều lực lượng thù địch cả trong và ngoài nước còn chưa thôi rắp tâm thành lập một Nước Đề Ga!

Trong nhịp sống bình thường, người dân lao động lương thiện yêu hòa bình, cần ổn định để phát triển. Nhưng vì mải lo mưu sinh ít người để ý, quan tâm tới cuộc đấu tranh thầm lặng của các chiến sỹ Công an nhân dân ngày đêm lăn lộn, bám trụ trên mọi nẻo đường đất nước và cả ở nước ngoài với nhiệm vụ lớn lao gìn giữ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Nói "Mê cung" hấp dẫn vì tác giả đã quá thành thục nghiệp vụ Công an khi xây dựng nhân vật Kỳ, chiến sỹ đặc tình, được “đánh” vào sào huyệt FULRO, chui sâu leo cao, nắm vững trong lòng bàn tay tổ chức lực lượng, âm mưu thâm độc và thủ đoạn đê hèn của các thế lực phản động trong và ngoài nước, cố đấm ăn xôi tuyên truyền, lừa mị, xúi bẩy một bộ phận người dân (dân tộc thiểu số) thiếu hiểu biết đi theo chúng để hòng thành lập một “nhà nước” trên trời, viển vông và hoang đường.

Kỳ đã không chỉ chui sâu leo cao vào hàng ngũ mà còn cảm hóa được một trong những “thủ lĩnh nhỏ” của Fulro là Phước. Nhân vật Kỳ không hề đơn giản như một “mã số” được số hóa. Anh là một con người bằng xường bằng thịt. Anh mang nỗi đau “đời không trang điểm” (trong kháng chiến chống Mỹ anh bị vết thương nặng và hiểm, mất khả năng làm chồng làm bố, nên đã đau lòng từ biệt, chia tay Hà để mong cô có tương lai).

Nếu Kỳ là nhân vật sáng đẹp từ đầu đến cuối thì Phước là nhân vật thứ hai, như một cặp bài trùng với Kỳ. Phước là một “thủ lĩnh nhỏ” của FULRO. Số phận anh ta thay đổi nhờ gặp được Kỳ, như thể gặp hồng phúc lớn, gặp chính nghĩa sáng chói.

Thậm chí anh ta còn được cảm hóa triệt để, trở thành người “của mình”, được kết nạp Đảng, được đào tạo cấp tốc nghiệp vụ đánh án. Khi Kỳ hoàn thành nhiệm vụ của mình (tham gia cùng đồng đội đánh sập âm mưu phản loạn chống phá cách mạng của tổ chức FULRO trong nước) thì nhiệm vụ tiếp theo được đặt lên vai Phước (với hơn 2000 ngày ở nước ngoài).

Nếu Kỳ là một nhân vật, một mẫu người thiên lương thì Phước là điển hình của con người hoàn lương dưới tác động của lương tri và chính nghĩa. Nếu con đường đời của Kỳ là đầy hy sinh gian khổ, tận hiến nhưng chưa có điều kiện tận hưởng thì với Phước là một sự lột xác, phục sinh. Đọc "Mê cung", thêm một lần chúng ta hiểu thêm bản chất tận tụy hy sinh vì nước vì dân của người chiến sỹ Công an nhân dân qua những nhân vật văn chương sinh động.

4. Trò chơi nghiệp vụ tinh xảo nhưng đầy hiểm nguy mà Phước là vai diễn mới (tôi hình dung như một nghệ sỹ xiếc biểu diễn trên dây), quả thật ứ đầy chất liệu cho một cốt truyện đầy tính kịch tạo tác nên một cuốn tiểu thuyết tình báo khác/mới mà Nguyễn Đăng An có thể tiếp tục triển khai, hoàn thành. Trong bản thảo lần đầu, hoạt động của Phước ở nước ngoài chỉ được giới thiệu như là một phần “vĩ thanh”.

Trong lần xuất bản, Phước đã được tác giả cho thêm cái quyền bình đẳng với Kỳ khi lựa chọn và dấn thân ở xứ người. Theo tôi, như nhiều người hình dung, phần đời này của Phước theo lẽ thường chính tác giả là người am tường hơn cả. Có thể ông sẽ viết sâu hơn, hay hơn so với phần đời của nhân vật khi còn ở trong nước (lúc thì trong vai thủ lĩnh nhỏ của FULRO, khi thì trong vai đặc tình của lực lượng Công an nhân dân).

Nhưng nếu Kỳ xuất hiện và thể hiện vai diễn của mình tự nhiên, hợp lý, logic tạo ấn tượng về một nhân vật văn học sinh động thì theo tôi, Phước được dàn dựng, dàn xếp, bố trí, dẫn dắt nhiều hơn vì sự can thiệp của tác giả đôi khi hơi bị lộ. Có thể suy ra vì vấn đề nghiệp vụ, hoặc giả là yêu cầu bí mật của ngành mà tác giả dù không muốn cũng phải tuân thủ sự viết. Vì còn biết bao bí mật của đời sống thuộc dạng sống để bụng chết mang theo mà chính tác giả từ lúc bước chân vào lực lượng Công an nhân dân đã tự nguyện tuyên thệ...

Hà Nội, tháng 2-2019

Bùi Việt Thắng
.
.