Độ cao cho đường thơ dài cất cánh

Thứ Sáu, 29/07/2016, 08:07
Đọc tập thơ “Máy bay đang bay và những bài thơ khác” của Nguyễn Hoa NXB Nhà văn 2015


Tôi say mê đường bay
Bởi tôi biết
Đường thơ còn dài…

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Hoa viết như vậy trong bài “Máy bay đang bay” của mình. Nhà thơ mượn đường bay, mượn độ cao của những chuyến bay để tải lòng mình trên những cánh thơ để rồi thơ cứ bám riết lấy người say thơ như một món nợ đòi phải trả. Cuộc đời nợ thơ và thơ nợ cuộc sống nhiều lắm! Cái nợ ấy chẳng bao giờ trả hết, bởi các nhà thơ cũng như Nguyễn Hoa đều biết “đường thơ còn dài”.

Hai mươi bài thơ trong tập thơ “Máy bay đang bay và những bài thơ khác” của Nguyễn Hoa, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tái bản, cho tôi nhiều cảm nhận khác lạ: Khác lạ từ cái tên của tập thơ đến đường thơ, về cảm xúc và sự trải hồn của nhà thơ.

Tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Hoa.

Nhắc đến Nguyễn Hoa, bạn đọc sẽ nhớ ngay đến thơ ngắn và chính thơ ngắn đã nổi danh tên tuổi nhà thơ, người đã tạo nên một phong cách, sắc thái riêng cho mình. Vì thế, nhiều người đã nghĩ Nguyễn Hoa chuyên tâm làm thơ ngắn, thì đây, tập thơ “Máy bay đang bay và những bài thơ khác”, nhà thơ gửi đến bạn đọc những bài thơ dài. Lời thơ cứ bay trên khoảng trời cao rộng của dòng cảm hứng. Đọc thơ ngắn và thơ dài của Nguyễn Hoa, ta có cảm nhận nhà thơ muốn gián tiếp “hướng đạo” cho bạn đọc sự phong phú, đa dạng về phương pháp thể hiện cảm xúc và thể loại của nền thi ca nước nhà.

Là người đã từng đi qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Hoa thấu hiểu giá trị của hoà bình đem lại hạnh phúc cho con người lớn lao như thế nào, tác giả luôn có dự cảm về muôn màu cuộc sống: Dự cảm về cái ác, cái xấu, về những điều tốt đẹp, về tình yêu, về đoàn kết, về sự đổi thay của tự nhiên... và cuối cùng “Tôi dự cảm về tôi/ Về con người/ Không mất/ Như Trái đất!” (Dự cảm). Từ dự cảm đến cảm xúc rất gần, bởi cả hai đều xuất phát từ trái tim yêu thương, từ tâm hồn đầy chất thơ của người nghệ sĩ.

Nhớ thương mẹ bao nhiêu, những người lính “Tôi biết mặc áo nâu từ khi biết khóc/ Nước mắt ngấm vào vai áo mẹ tôi” (Đất nâu) đã mang theo dáng mẹ lên đường vào chiến trường: “Tôi cùng bè bạn ra đi/ mang màu áo xanh cây lúa/ màu hy vọng của mẹ/ của đất nâu”, nhà thơ đã khéo mượn màu nâu của đất, màu xanh của ruộng đồng để viết về mẹ, bởi sắc màu ấy là sắc màu quê hương và hình ảnh tảo tần của mẹ “thân cò lặn lội” sớm khuya.

Quê hương và mẹ đã thôi thúc người lính lao vào khói lửa đạn bom, lao vào gian khổ hy sinh để mong sớm trở về với mẹ, với em yêu: “Chúng tôi thề với nhau/ Đất sẽ là đất nâu/ để hạt lúa mọc lên thành hạt gạo/ để em/ khi hát lời ca về tình yêu đôi lứa/ Sẽ hát về cây lúa/ Sẽ hát về đất nâu” (Đất nâu). Lớn lao và vĩ đại hơn cả là mẹ Tổ quốc, nhà thơ không lấy tựa đề “Mẹ Tổ quốc” cho bài thơ của mình mà để bài thơ được nâng tầm cao hơn, Nguyễn Hoa đã sử dụng phép đòn bẩy, từ một người con của người mẹ sinh thành cụ thể được nâng lên trở thành người con của định danh trừu tượng nhưng lại rất thiêng liêng gắn bó gần gũi với mọi con Dân, con Nước: “Sau con Mẹ là con Nhân dân là con Tổ quốc”. Với những người lính đã cùng nhà thơ gian lao và anh dũng trên chiến trường, Nguyễn Hoa đã dành một phần đáng kể nhớ về họ. “Nỗi nhớ không sợ thời gian” đã đưa nhà thơ trở về bên đồng đội, tác giả đã khóc:

Sang năm, sang năm
Con gái tôi vừa tròn mười tám
Những bông hoa của đào nở rộ tươi
Còn bao đồng đội tôi không thêm tuổi nữa rồi

(Dưới mặt trời)

Với chiều sâu của cảm xúc và suy luận, Nguyễn Hoa không chỉ viết về những sự kiện “Tôi ghi lại điều này trong sách vở/ phút mở đầu của Điện Biên lịch sử” (Lời người pháo thủ Điện Biên)… “Như thế bắt đầu từ mùa khô 79…/ Cămpuchia, bạn ơi!”, những địa danh Hàm Rồng, Đà Nẵng, sông Chu…, những con người lịch sử “Và người về từ Đông Quan/ Chân giầy cỏ/ Mải đi/ Sáu trăm năm đến bay giờ chưa nghỉ” (Người về từ Đông Quan) và các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ đất nước này: “Chúng tôi không đếm những gian lao đi qua” mà thơ Nguyễn Hoa còn mang tính triết lý trong nhiều câu từ khiến bạn đọc phải suy ngẫm, liên tưởng với mình, với những điều đã và đang xảy ra để quy chiếu. Nếu như  “Máy bay đang bay/ Ở độ cao trên bão/ Ở độ cao đảm bảo” thì với mình, Nguyễn Hoa đang vượt lên: “Tôi đi bằng chân/ Không tốc độ, không độ cao đảm bảo/ Sẽ đi trong gió bão/ Trong nắng mưa/ Trong số phận…”. (Máy bay đang bay).

Đọc “Máy bay đang bay và những bài thơ khác” là đọc chuỗi dài cảm hứng của nhà thơ vốn nổi tiếng về thơ ngắn. Thơ dài Nguyễn Hoa (xin được tạm gọi tập thơ trên như vậy) cứ nối nhau hiện lên trong từng dòng, từng trang thơ, câu nọ móc xích câu kia khó mà tách bạch. Nguyễn Hoa sử dụng nhiều điệp từ, điệp ngữ nhằm tăng thêm độ nhấn của mỗi khổ, mỗi đoạn trong bài thơ, tạo nên sự kết dính của ngôn ngữ để trải lòng cảm xúc chân thực của mình.

“Máy bay đang bay và những bài thơ khác” của Nguyễn Hoa là một sự tìm tòi sáng tạo trên con đường thi ca của mình, bởi vì nhà thơ “Ước muốn tôi/ Bài thơ không lặp lại”(Bài thơ cây cầu), vì thế Nguyễn Hoa đã xác định được độ cao cho đường thơ dài của mình cất cánh.

Nguyễn Văn Tông
.
.