Thơ mang vẻ đẹp những giấc mơ

Thứ Sáu, 06/05/2016, 07:27
Tác phẩm văn học được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thường nhận được sự quan tâm của công chúng, của văn giới. Dù dư luận trái chiều, dù hởi lòng đồng thuận hay ngỡ ngàng, dăm ba tên sách, tên tác phẩm vẫn cứ ghim lại trong tâm trí bạn đọc. Đó là một phần của đời sống văn chương nước nhà. 


Tôi may mắn được đọc hầu như tất cả các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Từ Quốc Hoài. Gần đây nhất là tập “Lời thỉnh cầu hạnh phúc” (NXB Hội Nhà văn, 2015). Trước đó là tập “Những chiếc lá thiêng liêng” (NXB Hội Nhà văn, 2013) và trước đó nữa là tập “Sóng và khoảng lặng” (đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010).

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc 2 tập thơ “Lời thỉnh cầu hạnh phúc” và “Những chiếc lá thiêng liêng” là choáng ngợp trước ngổn ngang thế sự, tự sự tác giả giăng bày, sắp đặt có chủ đích. Đó là cuộc đối diện với những thật - giả khó phân về gương mặt cuộc đời, về các giá trị khi “sống trong thế giới này” với những “hiểm họa”, những “báo động đỏ”, “trải nghiệm với mặt nạ”… Có khi là “sự nhẫn nại” tìm kiếm “chân lý” trong “ngày bình thường”, có lúc ẩn vào “cuộc phiêu lưu giả tưởng”.

Nhà thơ Từ Quốc Hoài

Những chiếc lá thiêng liêng vào thăm thẳm lòng người để tìm kiếm “mặt người”. Tất cả là những chật vật nghiệm sinh, những “phản tư” về ý nghĩa sự tồn tại, nên trong mạch suy tưởng miên man của Từ Quốc Hoài có vẻ đẹp của sự minh triết.

Chúng ta
Bỗng trở thành loài gặm nhấm
Tiêu xài những giấc mơ
Nhẫn nại gặm nhấm
Cho tới khi chỉ còn lại nỗi cay đắng

(Sự nhẫn nại)

Trong sương sớm
Mặt trời khoác lễ phục ngày mới
Anh ngồi
Bất lực nhìn mặt trời mỗi lúc một lên cao
Ngày mới
Xem ra chẳng giúp gì cho anh cả
Ngoài việc nhắc anh
Nhớ tới
Những món nợ cũ
Những món nợ tồn đọng
Đâu như từ mấy kiếp luân hồi

(Ngày mới)

Dòng sông vẫn không ngừng chảy
Cuốn theo bầu trời đầy cỏ hoa
Có khi dòng nước đã lặn vào cát
Sông vẫn không ngừng trôi
Ngày tháng đã đổi thay gương mặt
Trong lao xao cây lá hai bờ
Lạ thay… cuộc hành trình của con tim

Vẫn ẩn hiện đâu đó

(Lạ thay con tim)…

“Những chiếc lá thiêng liêng” là tập thơ của sự bất an. Nhưng thật lạ lùng, sự bất an trước những bề bộn khó phân định về các giá trị cả chuỗi suy nghiệm và phản tư không làm người đọc tuyệt vọng. Vẫn lung linh phía sau câu chữ mệt nhoài của Từ Quốc Hoài lặng dâng một đốm lửa của niềm tin, của hy vọng:

Mùa thu ấy đã đi qua thật rồi!
Nhưng những chiếc lá còn luân hồi
Để đánh thức trí nhớ
Chẳng ai có lỗi
Khi mọi người cùng đánh mất trí nhớ
Một chiếc lá làm con thuyền
Nhẹ bơi qua mùa thu
Một con thuyền chở nắng
Lung linh sáng

(Những chiếc lá thiêng liêng)

Cái đốm lửa này hiện diện khi được diễn trình khá ngộ nghĩnh, tươi mới. Một con nhím đồ chơi làm từ gốc tre tua tủa xù gai trên góc tủ:

Một nghìn năm nữa
Có thể chú vẫn còn sống khỏe
Nghìn năm nữa
Chắc gì trần gian đã sóng lặng biển yên
Chú nhím nhỏ sẽ vẫn nghênh nghênh
Tua tủa xù lông
Cảnh báo
Không dễ chơi tui đâu nghe!

(Chú nhím nhỏ).

Hoặc với “Báo động đỏ”, bài  thơ 2 câu khá nén, vẫn dễ dàng được tiếp nhận bởi lô gíc nội tại nhẹ nhàng: “Nhà trời thủng lỗ chỗ/ Anh còn ngồi hóng mát đến bao giờ?”.

Ngoài cách tiếp cận vấn đề, có thể lý giải sức hút của tập thơ chính là giọng điệu. Những suy tư trĩu nặng thế sự, nhân sinh đã được diễn trình bằng ngôn ngữ giản dị, nhẹ nhàng, không lên giọng tuyên ngôn, không lập thuyết rao giảng. Và trên tất cả, là vị trí chủ thể của nhà thơ đã ẩn đi hoàn toàn. Nhà thơ đã đứng lánh ra ngoài câu thơ như một sự khách quan, như kỹ thuật. Kỹ thuật đó đã thực sự hiệu quả: sức thuyết phục của thơ lớn hơn nhiều. Đó cũng là nét hiện đại của “Những chiếc lá thiêng liêng”.

Bìa 2 tập thơ mới của nhà thơ Từ Quốc Hoài.

Khác với những thi sĩ khác, tình yêu trong thơ Từ Quốc Hoài có cái riêng. Dĩ nhiên không thiếu đắm đuối. Đọc “Lời thỉnh cầu hạnh phúc”, ta nhận ra cái đắm đuối có phần ngây dại trong tình yêu của ông thiên về lý trí hơn trái tim. Khoan nghi ngờ điều đó, vì thực chất thơ tình của ông là một kiểu phác thảo về tình yêu, một cách nghĩ về tình yêu, một cách tiếp cận tình yêu của riêng ông. Riêng và khác là ở đó, và cũng đáng đọc ở đó:

Em khuất lấp đằng sau
Những bận bịu của đời người
Cái thời hơi thở cũng chạm tới tiền bạc
May sao những đồng tiền trở nên trong sạch
Qua tay em.

(Đóa sen)

Không có gió
Ở nơi bắt đầu ngọn gió
Không đất đai
Tình yêu em cuộn giấc ngủ trong hạt mầm

(Dưới bầu trời không đáy)

… ngày đầu tiên kích thước cuộc đời
có thể là vóc dáng một người đàn bà

(Tình yêu)

Thơ tình của Từ Quốc Hoài, như đã nói trên, dù tỉnh người đọc vẫn thấy thú vị. Và vẫn cứ muốn đọc. Ông đã kích được trí tò mò của chúng ta, chuyện muôn năm cũ và bí ẩn:

Nếu ngày ấy
Em tặng anh thứ khác
Có phải đỡ nguy hiểm hơn không
Nhưng nếu ngày ấy... anh từ chối
Thiên đàng đã thành ra hoang vắng
Chỉ còn trên đầu mây trắng ngổn ngang.

(Nụ hôn)

Những chiếc chuông rực rỡ
Làm cơn mưa ngược về trời
Anh bắt gặp nụ cười
Trong suốt suối đáy mắt
Bài hát sóng sánh hương
Giữa nụ và chồi...

(Thánh lễ)

Có lẽ nỗi ám ảnh về thời gian, về những ký ức đã qua là hứng khởi căn bản của thơ tình nhiều người. Nhưng nó khá đậm đặc với Từ Quốc Hoài. Cái đã qua, khoảnh khắc vụt mất có khi thể hiện như một nuối tiếc, có khi như bấu víu âm vọng những giấc mơ. Và chỉ có thể giãi bày cùng ngày, đêm, giờ, tháng năm, vào trăm năm, ngàn năm, vào tít xa mặt trời, mặt trăng, gì gì nữa. Nó là cái tuyệt vọng của nhân sinh về bí ẩn tình. Từ Quốc Hoài ngay cả những ký ức thực cũng vời vợi xa xăm:

Thành phố thức dậy, chạm tay vào những sợi dây phơi lam lũ mồ hôi, chạm tay trang nhật báo chấn động những dòng tin chiến sự. Và bom đã phá đổ bức tường in bóng tôi đợi em. Lửa thiêu những chiếc giường còn ấm hơi hạnh phúc. Thép chảy đỏ lời thề. Nụ cười trẻ con rắn thành thép. Và trái tim tôi tan vỡ. Không phải vì sức ép của lửa bom. Chúng tôi chia tay đau đớn như bao mối tình đầu tan vỡ.

(Hoa sữa)

Ngày tháng trôi
Hoa héo tàn...
Em làm ngọn gió xáo lên bao kỷ niệm
Giữa hai ta không cần phải thú nhận

(Giữa hai ta)

Anh bừng tỉnh
Đêm đã mang em đi...
Để lại những cánh cửa mở toang
Trống rỗng kho báu

(Của đêm)

Có khi nhà thơ nương vào huyền thoại để phục dựng hy vọng hồi sinh, một hy vọng không lấy gì có cơ sở bởi đó là những “Chiêm nương” xa tít tắp, những nàng apsara hóa đá:

Những nẻo đường quê anh lừng lững các vị thần
Những Visnu, Shiva... sinh sôi và hủy diệt
Xin được cầm tay hậu duệ của các Ngài
Những bàn tay búp măng
Mềm mại và ấm nóng...
Để mùa xuân có cơ may
Nảy lộc đâm chồi

(Lời thỉnh cầu hạnh phúc)

Thời gian ngỡ đã mất
Lại thắm dưới bầu trời

(Ngọn lửa thắp bên trời)

Vẫn là Từ Quốc Hoài nhiều năm gần đây với sự kiệm lời và kín đáo những ý tưởng. Yêu và nghĩ về tình yêu đâu phải đặc quyền của riêng ai. Ông đã có cách thể hiện của riêng mình.

25 năm cho 5 tập thơ đến với công chúng, tập sau đằm sâu hơn, già dặn hơn về nghề, về những tìm tòi không ngưng nghỉ. Từ Quốc Hoài đã chứng tỏ ông là cây bút thơ còn rất trường lực.

Lê Hoài Lương
.
.