"Chiến công thầm lặng" của Bạch Lê Vân Nguyên
- Lý lẽ của… con tim
- Phố Hoài - Bức tranh lập thể về tinh hoa Hà Nội
- “Viết chờ sen lên” và cảm thức thời gian
"Nắng Cam Ranh" tập trung tái hiện chuyên án của lực lượng Công an Phú Khánh (gồm 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, sáp nhập từ năm 1976) phá tan âm mưu của tổ chức phản cách mạng "Mặt trận cứu nguy dân tộc" do tên Hoàng Nhạn, một sỹ quan của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, sau 30-4-1975 không ra trình diện, cầm đầu. Y cắm trại trên núi Hòn Rồng.
Chuyên án được giao cho lực lượng an ninh, trong đó có PK50- Ty Công an Phú Khánh thực hiện. Trước khi bị đánh sập, bọn phản động trong tổ chức "Mặt trận cứu nguy dân tộc" đã hoạt động ra thị xã Nha Trang, các huyện Khánh Xương, Khánh Ninh, với thủ đoạn ám sát, bắt bớ, khủng bố thường dân và cán bộ gây hoang mang trong quần chúng.
Tuy chúng ta vẫn nói mặt trận an ninh nhân dân (phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc), nhưng đi đầu, gánh vác nhiệm vụ nặng nề, hy sinh gian khổ vẫn là đội ngũ các chiến sỹ An ninh nhân dân. Những cảnh nếm mật nằm gai, đói khổ thiếu thốn, sống chết gang tấc trong khi đeo bám đối tượng, điều nghiên trinh sát, kể cả khi vào hang bắt cọp được tác giả tái hiện sinh động và chân thực (ở đây các nhà văn ngoài lực lượng có thể gặp khó).
Chiến công thầm lặng, trước hết thuộc về các chiến sỹ An ninh, trong đó có đơn vị PK50, cụ thể như các trinh sát nam Phạm Minh Đức, Cao Minh Nhạn, Nguyễn Văn Mai, Nguyễn Thành Huy, Đặng Quốc Khanh, Lê Văn Đang, Nguyễn Thanh Tâm,… các trinh sát nữ Thái Anh, Trần Thị Có, Trần Thị Xanh,… Họ đều còn trẻ tuổi đời và tuổi quân, gắn bó với nhau theo tình cảm đặc biệt "chia lửa chia máu", cùng chung mục đích hoàn thành nhiệm vụ được giao, mong muốn mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
Tác phẩm mới của nhà văn Bạch Lê Vân Nguyên. |
Nhưng trong "dàn" các nhân vật này, theo tôi, thì "cặp đôi hoàn hảo" là Cao Minh Nhạn và Nguyễn Văn Mai. Trường đoạn họ hiệp đồng tác chiến "vào hang bắt cọp", hay "điệu hổ ly sơn" được tác giả miêu tả rất hấp dẫn. Với các chiến sỹ An ninh nhân dân như Cao Minh Nhạn và Nguyễn Văn Mai thì mỗi lần nhận nhiệm vụ mới, có thể họ ra đi với tâm thế "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". (Nguyễn Đình Thi - Đất nước).
Trước đây khi viết về các chiến sỹ Công an nhân dân trong công tác và chiến đấu, chúng ta hay quan tâm đến việc thể hiện lòng dũng cảm, quyết tâm cao độ vì nhiệm vụ, tinh thần xả thân vì sự nghiệp chung. Nhưng có lẽ chưa đủ. Đối mặt với cái ác, cái xấu, người chiến sỹ Công an nhân dân còn cần phải thông minh, mưu trí, bởi vì cuộc đấu tranh của họ là cuộc đấu trí với kẻ thù của nhân dân. Nghĩa là cái phẩm tính trí tuệ của người chiến sỹ Công an nhân dân cần được tô đậm, đề cao (những tác phẩm viết về các chiến sỹ tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn đã làm được điều này).
Trong "Nắng Cam Ranh", tôi thấy, tác giả đã bước đầu thành công khi tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ của người chiến sỹ An ninh trong đánh án. Đồng chí Trưởng ty Công an Phú Khánh Lê Văn Đại thường tâm đắc với chiến sỹ của mình: "Khi đánh án, phải tính mưu kế.
Mưu lừa địch và kế điều địch". Nhờ trí tuệ mà Ban chuyên án đã dùng "trò chơi nghiệp vụ", thực hiện chiến thuật "rung chà cá nhảy" để đánh án thắng lợi, hạn chế tối đa máu xương đồng đội, đồng bào (kết quả hơn 50 tên đã ra đầu thú, số đối tượng ngoan cố, chống đối bị cơ quan An ninh bắt gọn trước thời điểm bầu cử Quốc hội).
Nhưng cuộc chiến đấu của các chiến sỹ An ninh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của nhân dân. Trong "Nắng Cam Ranh", tôi thích cách tác giả tạo ra tình huống để Hà (em gái Hương - nhân tình của thủ lĩnh Hoàng Nhạn) đã dũng cảm và mưu trí nhận làm liên lạc thay cho chị gái để hỗ trợ Cao Minh Nhạn và Nguyễn Văn Mai thâm nhập được vào hang ổ ("Tổng hành dinh" của "Mặt trận cứu nguy dân tộc", do Hoàng Nhạn cầm đầu).
Cuộc đấu tranh nội tâm của ba mẹ con phải nói là không hề dễ dàng, đơn giản, một sớm một chiều, mà phải trả giá vì mới giải phóng, người dân thường có thể chưa có điều kiện hiểu cách mạng. Sự hy sinh thầm lặng của những con người bình thường như ba mẹ con Hương, theo tôi, đó là quá trình hoàn lương, ngộ ra chân lý. Nếu chuyên án thành công mà độc giả chỉ thấy thuần các chiến sỹ An ninh nhân dân ra tay hành động, lao vào giữa trận tiền, thiết nghĩ, sẽ kém sức thuyết phục và hấp dẫn.
Tác giả đã không hô biến các chiến sỹ An ninh thành những "hiệp sỹ", những "người hùng", như lối hình dung của một số người giàu đầu óc tưởng tượng suy đoán, giống với cách phim Mỹ xây dựng mà chúng ta thường xem. Hơn 40 năm sau, Trung tướng Cao Minh Nhạn đã xúc động nói: "Làm sao quên được những anh em đã kề vai sát cánh với mình chiến đấu, những người dân Cam Ranh yêu nước, đặc biệt là hai chị em Hương - Hà và bà mẹ nghèo nơi xóm biển đã "trao" hai cô con gái cho cơ quan An ninh, họ đã góp phần quan trọng cùng lực lượng Công an tỉnh Phú Khánh đập tan tổ chức phản cách mạng "Mặt trận cứu nguy dân tộc" do tên Hoàng Nhạn cầm đầu" (tr.260).
Trong hình thức truyện ký, "Nắng Cam Ranh" là cuộc giao kèo giữa hư cấu và sự thật trong cách viết của tác giả (người ta vẫn gọi là "già ký non truyện"). Nhưng dẫu dưới hình thức nào thì hiệu quả nghệ thuật mà tác phẩm đem lại cho độc giả mới là quan trọng và quyết định. Ở phần "Vĩ thanh" tác giả cho chúng ta biết, chuyên án của lực lượng Công an nhân dân đánh sập âm mưu phản cách mạng của tổ chức "Mặt trận cứu nguy dân tộc" là một trang sử trong trang sử vàng của các chiến sỹ An ninh nhân dân trên mặt trận thầm lặng bảo vệ sự bình yên của cuộc sống sau khi đất nước hòa bình, thống nhất.
Chiến sỹ Cao Minh Nhạn (trinh sát của KP50 Phú Khánh), hơn 40 năm sau, nay là Trung tướng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an (năm 1978, ông chỉ mới là... Thiếu úy). "Nhà tư sản" đón tiếp Hoàng Nhạn chính là ông Sơn Hải (Phó trưởng Ty Công an Phú Khánh, Trưởng ban chuyên án), "con gái" xinh đẹp của "nhà tư sản" là Lê Thị Nam, trinh sát Đội An ninh Công an huyện Cam Ranh, vào vai "Ông đồn trưởng Cảnh sát khu vực" chính là ông Kiều Tiến Vĩnh (Phó trưởng Phòng Bảo vệ Chính trị, cấp dưới của ông SơnHải). Trinh sát Nguyễn Văn Mai (người cùng Cao Minh Nhạn vào hang bắt cọp), mất do trọng bệnh năm 1986 (khi mới 39 tuổi),...
Như vậy viết "Nắng Cam Ranh", tác giả không hư cấu, bịa đặt theo cách hiểu thông thường. Cách viết của tác giả là "bấu chặt vào sự thật". Nhưng không có nghĩa là giảm thiểu hay hạ thấp hư cấu. Ở đây ý nghĩa của hư cấu được hiểu là chọn lọc, sắp xếp, sử dụng tư liệu trong một chỉnh thể thống nhất.
Tác phẩm gồm 9 chương (thứ tự: "Nhiệm vụ đặc biệt" -"Phá án" - "Bủa lưới, phóng lao" - "Người tình" - "Khóa huấn luyện cấp tốc" - "Xâm nhập" - "Mật khu Hòn Rồng" - "Điệu hổ ly sơn" - "Định mệnh" và phần cuối "Vĩ thanh". Trong độ dài 261 trang với cấu trúc như đã nói, "Nắng Cam Ranh" có cái gọn ghẽ linh hoạt, nhiều sức chứa và nổ của một tác phẩm phản gián, đầy chất hình sự, trinh thám.
Một cấu trúc tuyến tính truyền thống (kể chuyện theo trình tự thời gian) giúp cho độc giả theo dõi diễn tiến của câu chuyện với nhiều nút thắt, nhiều tình huống kịch tính nhưng không kém đi chiều sâu tâm lý nhân vật. Tôi vẫn muốn tác giả ghi dưới nhan đề "Nắng Cam Ranh" là "Tiểu thuyết". Nhưng tác giả chỉ khiêm tốn ghi "Truyện ký".
Thôi thì, đành lòng vậy cầm lòng vậy. Miễn là tác phẩm đến được với độc giả và neo lại được trong ký ức của họ - ký ức lương thiện về một thời gian khổ, hy sinh nhưng đầy cảm hứng anh hùng, lãng mạn về cuộc sống và con người dưới ánh sáng của Chân - Thiện - Mỹ.
Tác giả bài báo này từ nhỏ đã riêng thích đọc truyện trinh thám. Nay đọc "Nắng Cam Ranh" của Bạch Lê Vân Nguyên, "Mê cung" của Nguyễn Đăng An, cũng như các tác phẩm của Dili, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Tống Ngọc Hân, Đào Trung Hiếu, Phùng Nguyên,… đã có cơ sở để tin vào triển vọng tốt đẹp của sự phục sinh dòng văn học trinh thám thuần Việt.
Hà Nội, tháng 4-2020