“Viết chờ sen lên” và cảm thức thời gian

Thứ Bảy, 21/03/2020, 08:36
Thời gian không hình khối, không trọng lượng, vừa vô hình lại vừa cụ thể, cụ thể đến từng phút, từng giây...Tôi thiển nghĩ cảm thức về thời gian có lẽ là cảm thức lớn nhất của thi nhân từ cổ chí kim, từ đông tới tây!


...Hôm nay tôi ngồi sinh nhật thời gian
Ký ức tìm về thớ cây, vân lá
Chợt thấy mắt em mầu quả
Mở ra năm tháng bình yên.

(Sinh Nhật)

Trong tập thơ “Viết chờ sen lên” (NXB Hội Nhà văn, 2019), tác giả Trần Nam Phong chia làm ba phần: Nơi bắt đầu; Thời gian; Mật mã không gian. Rõ ràng, tác giả rất có ý thức về những cảm nhận trong thi ca của chính bản thân mình. Thực ra, trong thời gian có không gian, trong không gian có thời gian, trong sự bắt đầu của thời gian đã hé lộ sự kết thúc khoảng thời gian đã qua cho sự bắt đầu.

Bởi vậy con người mới chia thời gian thành từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm... Thời gian đúng là một vị thần không ngủ!

Đồng hồ báo thức
Điện thoại báo thức
Ai pát báo thức
Thần thời gian
Mất ngủ
Tạo mầu cỏ cho bầu trời
Tạo hương thơm cho mặt đất
Tạo vết xước cho trái tim
Tạo hồi âm cho đồng vọng
Bình minh trắng
Hoàng hôn nâu
Thế giới muôn mầu
Sao áo em lại tím...

(Thời gian)

Qua bài thơ “Thời gian” trong tập thơ ta cũng có thể cảm nhận được cảm thức về thời gian của tác giả cũng chính là cảm thức về con người, về cuộc đời, về quê hương, đất nước... Bởi thời gian gắn chặt với mọi biến cố trong cuộc đời mỗi con người, mỗi miền quê, xứ sở.

Thời gian mang đến cho ta điều gì? Vui, Buồn, Khổ đau, Hay hạnh phúc?! Ta vui mừng, ta đón đợi, ta kinh hoàng, hay ta sợ hãi...! Tôi cảm nhận nhiều điều, nhiều cung bậc, nhiều cảm xúc qua mỗi câu thơ, mỗi bài thơ trong tập thơ này, luôn gắn với cảm thức của thời gian.

Tập thơ mới của tác giả Trần Nam Phong.

“Thời gian thảng thốt, thời gian đồng vọng” như thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm đã viết trong bài “Hồn thơ thao thiết “Viết chờ sen lên”. Thời gian trong cảm thức của người thơ Trần Nam Phong có cả bốn mùa:

...Mùa xuân không ngắn, không dài
Mùa xuân sẽ trở lại
Mái chùa là một sân ga
Trắng ngần hoa đại
Hoa của mọi loài hoa

(Xuân)

Sân chùa thành sân ga của thời gian, hoa đại thành hoa của muôn loài, cảm thức về sự huyền bí của thời gian cũng như sự huyền bí của hồn người trong tâm trạng của người thơ Trần Nam Phong chính là cảm thức của thời gian đồng vọng.

Là ai tôi đã chào đời
Là ai tôi đã khóc cười trăm năm
Buồn vui chín khúc ruột tằm
Nhẹ tênh hồn vía, đăm đăm dáng hình

(Viết chờ sen lên)

Người đời thường gắn mùa sen với mùa hạ. Mỗi loài hoa thường được gắn với một mùa. Thời gian nở hoa hay bốn mùa hoa nở, hay chính cảm thức của con người, của thi nhân vào những khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Tự vấn và tự hỏi ta là ai, ta đã sinh ra như thế nào, ta đã làm gì, ta buồn, vui thế nào, thân xác ta, hồn vía ta ra sao trong cõi đời này... 

Chính là cảm thức về thời gia đã qua, thời gian đang đến, thời gian hữu hạn của đời người, trong cái vô cùng vô tận của không gian và thời gian. Để từ đó ta biết phải sống ra sao cho xứng đáng trong cõi nhân gian này, điều mà không phải ai cũng cảm nhận được!

Nối máy gọi mùa thu
Nghe tiếng chim gù
Trước cửa

(Tìm thu)

Ấy là thi nhân đã cảm nhận được thời gian từ vô hình trong hữu hình. Một tiếng chim gù cũng đủ cho ta cảm thấy mùa thu về trước cửa, cảm thấy cuộc đời thật đáng yêu. Nhưng để có được sự bình yên trong một tiếng chim gù thật không dễ!

Tôi chưa gặp người thơ Trần Nam Phong bao giờ, có gặp, cũng chỉ là gặp trên Facebook, nghe nói anh làm công tác tuyên huấn của Đảng. Vì tôi yêu thơ và cũng muốn tìm những câu thơ hay theo ý mình để bổ sung khi tái bản cuốn “ Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (NXB Giáo Dục ấn hành năm 2013) nên tôi chăm đọc thơ, nhất là các nhà thơ trẻ trên Facebook, trong sách, báo, trong các tập thơ mà tôi có. Một lần tình cờ đọc bài thơ “Hoàng Diệu thôn” của Trần Nam Phong trên Facebook:

Ai về tôi gửi thôn Hoàng Diệu
Mấy cành lan mộc lúc trăng lên
Những hòn đá trắng mờ rêu xám
Mùa hạ đi qua nắng bẽ bàng...

...Ai về tôi gửi thôn Hoàng Diệu
Cái mộng kết trầm tuổi trẻ trai
Có cô em gái cài nơ tóc
Trinh tuyết đôi mươi đợi dấu hài

Thôn cổ ngàn năm đây cổ thôn
Mênh mang vũ trụ, gió càn khôn
Tam Tòa, Điện Thánh, cồn Nghiên Bút
Em nhớ thắp giùm mấy nén hương.

Hoàng Diệu thôn chính là thôn Thạch Mỹ (Đá đẹp) có tự ngàn đời, cách làng Xuyên Cẩm quê tôi (cũng có tự ngàn đời) chỉ một cánh đồng. Thuở còn học cấp ba ở xã Kỳ Giang, tôi thường đi qua thôn Thạch Mỹ, mỗi lần qua Tam Tòa, Điện Thánh (được coi là linh thiêng), tôi cúi đầu bái lạy. Ở thôn Thạch Mỹ có một hòn núi nhỏ phía sau làng, rất nhiều đá chồng lên nhau. Có hôm đi học về muộn, mệt quá, tôi ngả lưng trên một tảng đá rồi ngủ quên lúc nào không hay. Bài thơ làm tôi xúc động. 

Thì ra Thạch Mỹ (Thôn Hoàng Diệu) là nơi sinh ra người thơ Trần Nam Phong. Và từ đó tôi thường đọc thơ Trần Nam Phong trên Facebook. Mới đây tôi được Trần Nam Phong tặng tập thơ mới xuất bản “Viết chờ sen lên”. Thú thật, hằng tháng tôi được nhiều người làm thơ tặng, có khi cả chục tập thơ. Vì yêu thơ nên tôi đọc hết. Chỉ một số ít tập thơ mà tôi thích mới đọc kỹ và viết bài cho các báo.

Cái mà nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhận xét về tập thơ “Viết chờ sen lên”: “Ấn tượng của tôi ở phần này là trạng thái nửa thực, nửa ảo trong thi pháp của tác giả” chính là điều mà tôi thích nhất trong tập thơ này. Tôi thiển nghĩ, nửa thực, nửa ảo cũng là một trong những phẩm chất cơ bản của thơ ca.

Thực ra vũ trụ của chúng ta suy cho cùng vẫn là trạng thái nửa thực, nửa ảo trong nhận thức của con người. Tôi đọc “Bát nhã tâm kinh” của Osho, người được coi là “Phật sống” của thế kỷ hai mươi, rất thích khi ông viết “Không nước, không trăng, tay tôi rỗng không, tâm tôi rỗng không...”. Điều mà tiền nhân chúng ta nói về bản chất của thơ “Ý tại ngôn ngoại” phải chăng cũng nằm trong dư ba của ý tưởng, thi pháp “Nửa thực, nửa ảo này” tôi thiển nghĩ vậy.

Em về ngủ giữa giấc mơ
Để anh cay đắng dại khờ đưa nôi

(Khúc hạ  2)

Lá đa thả vạn bè sao
Bao nhiêu hạt gạo nôn nao ngân hà

(khúc hạ 4)

Phải chi phận mỏng cánh chuồn
Tuổi xuân giữ lại, nỗi buồn mang theo

(Với ni cô)

Trời có nói gì đâu
Mà bốn mùa hoa trái
Đất có nói gì đâu
Mà dòng sông chảy mãi

(Viết ở chùa Long Sơn)

Sống nhờ khờ dại chiêm bao
Đời người một giấc nôn nao thôi mà

(Gửi người đi xa)

Thời gian lấy nhớ làm quên
Lấy mưa làm nắng qua miền hanh hao
Ta về cày ải chiêm bao
Cấy lên cát trắng, gió lào tuổi thơ

(Gửi người đi xa)

Trong thơ không chỉ THẤY, mà còn phải CẢM THẤY, CẢM NHẬN. Cao hơn cảm nhận theo tôi chính là CẢM THỨC. Khi người viết nhìn nhận một sự vật nào đó bằng chính cảm giác của mình thì sự thật mà anh nhìn thấy nằm trong cảm xúc, đúng hơn, không phải chỉ có trong đầu anh mà còn trong tim anh. Và cao hơn nữa là trong tâm thức của chính anh. Điều này tạo nên dư ba trong ý tưởng, trong cảm xúc, tạo nên sự đồng cảm của thơ với người đọc.

Lạy cây, lạy cỏ
Lạy ngõ, lạy vườn
Lạy nếp nhà mưa nắng
Lạy đêm trắng hoa cau
Lạy nỗi đau nguồn cội
Lạy lời nguyên khói hương

(Khúc hát ngày về đất tổ)

Cụ thể đến thế, mà cũng vô hình đến thế. Ấy là khi người thơ đã từ cái cụ thể mà hóa thân vào cõi vô cùng của tổ tiên, nguồn cội trong cảm thức vô tận của thời gian ...

        Viết tại nhà vườn Sóc Sơn

Dương Kỳ Anh
.
.